Mỗi cá nhân đều sống trong một tập thể xã hội và có quan hệ với những người xung quanh trong những mối tác động qua lại nhất định. Sự tác động qua lại giữa người này với người khác, hay giữa con người với các sự việc, hoàn cảnh xung quanh được thể hiện bởi một hành động đơn lẻ hay các hành động phối hợp được gọi là hành vi. Như vậy hành vi của con người được hiểu là một hành động hay nhiều hành động phức tạp trước một sự việc, hiện tượng mà các hành động này lại chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố bên trong và bên ngoài, chủ quan và khách quan. Có rất nhiều yếu tố có thể tác động đến hành vi của một người như trình độ văn hóa, phong tục tập quán cộng đồng, kinh tế xã hội, chính trị, luật pháp, nguồn lực, kỹ năng, phương tiện kỹ năng, thông tin… Mỗi hành vi của một người là biểu hiện của các yếu tố cấu thành nên nó, đó là kiến thức, niềm tin, thái độ, cách thực hành (hay kỹ năng) của người đó trong một hoàn cảnh hay tình huống cụ thể nào đó. Một hành vi có thể thấy ở một cá nhân, cũng có thể thấy trong thực hành của một nhóm cá nhân hay cả một cộng đồng. Hành vi được lặp đi lặp lại nhiều lần trong thời gian dài có thể trở thành thói quen.
Hành vi sức khỏe là những hành vi của con người có ảnh hưởng tốt hoặc xấu đến sức khỏe của chính bản thân họ, của những người xung quanh và của cộng đồng. Theo ảnh hưởng của hành vi đến sức khỏe, chúng ta có thể thấy ba loại hành vi sức khỏe.
Những hành vi có lợi cho sức khỏe: Đó là các hành vi lành mạnh được người dân thực hành để phòng chống bệnh tật, tai nạn, bảo vệ và nâng cao sức khỏe hay các hành động mà một người thực hiện để làm cho họ và những người khác khỏe mạnh và phòng các bệnh tật, ví dụ như khám thai định kỳ, tiêm chủng cho trẻ, tập thể dục, dinh dưỡng hợp lý, nuôi con bằng sữa mẹ, sử dụng hố xí hợp vệ sinh, thực hành vệ sinh môi trường, giảm các hành vi làm tổn hại sức khỏe như: hút thuốc lá, nuôi con bằng sữa chai, uống rượu quá nhiều…
Những hành vi có hại cho sức khỏe: Là các hành vi có nguy cơ hoặc có tác động xấu đến sức khỏe do một cá nhân, một nhóm người hay có thể cả một cộng đồng thực hành. Một số hành vi có hại cho sức khỏe do cá nhân và cộng đồng thực hành đã lâu và có thể trở thành những thói quen, phong tục tập quán gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của nhiều người. Ví dụ như sử dụng phân tươi bón ruộng, không ăn chín uống chín, hút thuốc lá, lạm dụng và nghiện rượu, quan hệ tình dục bừa bãi thiếu bảo vệ,…
Hành vi trung gian: là các hành vi không có lợi và cũng không có hại cho sức khỏe. Ví dụ một số bà mẹ đeo vòng bạc (hay vòng hạt cây) cho trẻ em để tránh gió, tránh bệnh. Với các loại hành vi trung gian này thì không cần phải tác động để loại bỏ, đôi khi cần chú ý khai thác những khía cạnh có lợi của các hành vi này đối với sức khỏe, ví dụ như hướng dẫn các bà mẹ theo dõi độ chặt, lỏng của vòng cổ tay, cổ chân của trẻ để đánh giá tình trạng tăng trưởng của trẻ.