- Tweet
Các hoạt động hàng ngày của máy móc, thiết bị tiên tiến, các chất thải công nghiệp, sinh hoạt hay giao thông vận tải đang làm cho nhiệt độ trái đất tăng nhanh chóng, gây nên hiện tượng hiệu ứng nhà kính. Đây là mối nguy hại cho môi trường trái đất.
Xử lý rác thải đúng quy trình, góp phần bảo vệ môi trường.
Theo giải thích của các nhà khoa học, hiệu ứng nhà kính là hiện tượng xảy ra khi khí quyển chứa khí đã hấp thụ tia cực quang. Hơi nóng từ mặt trời xuống Trái Đất bị giữ lại ở tầng đối lưu, tạo ra hiện tượng hiệu ứng nhà kính ở bề mặt các hành tinh hay các vệ tinh. Sự gia tăng tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch của loài người đang làm cho nồng độ khí CO2 của khí quyển tăng lên. Sự gia tăng khí CO2 và các khí nhà kính khác trong khí quyển trái đất làm nhiệt độ trái đất tăng lên.
Hậu quả của hiện tượng hiệu ứng nhà kính rất nguy hiểm, nhưng nhiều người dân chưa ý thức được hết sự nguy hiểm đó. Trước hết, nó làm biến đổi sinh thái một cách sâu sắc như sa mạc càng mở rộng, đất đai càng bị xói mòn, rừng càng lùi thêm về vùng cực, hạn hán rất nặng, lượng mưa tăng thêm 7-11%. Mưa tăng có thể gây lụt lội thường xuyên hơn. Nhiệt độ tăng cao làm cho nạn cháy rừng tăng nhanh. Nhiệt độ ấm hơn tăng nhu cầu làm lạnh và giảm nhu cầu làm nóng. Sẽ có ít sự hư hại do vận chuyển trong mùa đông hơn, nhưng vận chuyển đường thủy có thể bị ảnh hưởng bởi số trận lụt tăng hay bởi giảm mực nước sông. Dự báo, nếu không có biện pháp khắc phục hiệu ứng nhà kính, nhiệt độ trái đất sẽ tăng lên 1,5 – 4,5 độ C vào năm 2050. Đến lúc này, có lẽ mọi người càng nên biết rõ hơn nữa khái niệm hiệu ứng nhà kính, đến mối nguy hiểm của nó và từ đó sẽ thấy sự cần thiết phải góp phần chặn ngay sự gia tăng phát thải khí nhà kính.
Nhằm giảm nhẹ phát thải khí nhà kính so với tổng lượng phát thải xác định phát thải khí nhà kính trong điều kiện phát triển thông thường của Việt Nam, nỗ lực để đến năm 2025 đạt mức tối thiểu 6,6%, ước tính khoảng 40 triệu tấn CO2 tương đương, đến năm 2030 phải đạt tối thiểu 8%, đạt 62,8 triệu tấn CO2 tương đương.
Với địa hình đồi núi có độ dốc lớn, địa hình bị chia cắt mạnh nên tỉnh Bắc Kạn là khu vực khá nhạy cảm với những hệ quả gây ra bởi biến đổi khí hậu như: lũ ống, lũ quét, khô hạn, cháy rừng, sạt lở, xói mòn, suy giảm đa dạng sinh học và phá hủy hệ sinh thái… Bắc Kạn đã và đang chịu nhiều ảnh hưởng do biến đổi khí hậu toàn cầu. Đất đai bị rửa trôi, bào mòn, bạc màu, khô hạn, xói lở… ngày càng tăng; nhiệt độ không khí tăng cao, hạn hán bất thường, lũ lụt không theo quy luật; nhiều dịch bệnh mới hình thành đã đe dọa đời sống và hoạt động của người dân trong tỉnh. Các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu như áp thấp nhiệt đới, bão, lũ lụt, hạn hán, sạt lở, dịch bệnh… đã và đang tác động không nhỏ tới mọi mặt của đời sống người dân tỉnh Bắc Kạn. Những ảnh hưởng này cùng với quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa đặt ra cho Bắc Kạn những thách thức rất nghiêm trọng.
Trước tình hình đó, tỉnh đã tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu gây ra. Theo đánh giá của các nhà khoa học, hiện nay, các tác động chủ yếu của biến đổi khí hậu với Bắc Kạn gồm 6 vấn đề, đó là: Tác động của sự nóng lên toàn cầu; phát thải khí nhà kính; tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan; gia tăng các hiện tượng tai biến thiên nhiên; gia tăng lũ lụt, hạn hán và suy thoái đất; suy thoái hệ sinh thái và đa dạng sinh học. Nhận thức được những tác động to lớn của biến đổi khí hậu đối với tài nguyên thiên nhiên, cuộc sống con người và sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, ngay từ khi mới tách tỉnh và khi Nhà nước ban hành các chủ trương chính sách về biến đổi khí hậu, Bắc Kạn đã quan tâm chỉ đạo các ngành, các cấp các cơ quan chuyên môn tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. (còn nữa)./.
Bích Ngọc