Đối với người học Tử vi, khó khăn lớn nhất là không hệ thống hóa được kiến thức. Từ khi bắt đầu tiếp cận Tử vi, chúng ta đã bị choáng ngợp bởi lượng “chữ nghĩa” khổng lồ trong sách vở: việc phải đọc 5-10 trang giải thích ý nghĩa một sao là thường xuyên. Những lý giải này đọc qua thì tưởng chi tiết, nhưng thực ra lại rườm rà, khó nhớ, khó hiểu; thậm chí nhiều khi mơ hồ, suy diễn, vẽ rắn thêm chân. Người học vì vậy mà lạc trong bể kiến thức thật giả lẫn lộn, và hiển nhiên rất khó đưa vào ứng dụng trong thực tế.
Vì vậy, việc làm rõ phương pháp tư duy trong Tử vi là rất quan trọng. Một phương pháp đúng sẽ cho phép người học dễ dàng chạm đến bản chất vấn đề, gạn đục khơi trong các tài liệu, hệ thống hóa kiến thức; và từ đó xây dựng được phương pháp xem Tử vi của bản thân. Bên cạnh đó, còn cho phép ta phân tách rõ được sự khác nhau giữa các trường phái Tử vi đẩu số.
NGUYÊN TẮC “LÝ SỐ SONG HÀNH”.
Tử vi là một môn lý số, nhưng ít người làm rõ khái niệm Lý Số là gì? Phần đông đơn thuần cho rằng: Lý Số là “cái lý của số mệnh”. Cách hiểu này không sai, nhưng cũng không nói lên điều gì. Cá nhân người viết cho rằng còn có cách giải thích khác theo lối tư duy Âm Dương:
LÝ SỐ = (nghĩa) LÝ + (toán) SỐ
Trong đó:
– Lý: là phần nghĩa lý, là những diễn giải về ý nghĩa của cung/sao.
– Số: là toán số, hay những công thức, nguyên lý an cung/sao.
Lý là dương, số là âm: lý là thứ hiển hiện ra, là kết quả mà chúng ta quan tâm; số là phần bổ trợ phía sau đó.
Cách lý giải này chỉ ra: Tử vi (hay các bộ môn huyền học khác) đều được xây dựng trên nguyên tắc “Lý Số song hành”. Và cách học Tử vi hiệu quả nhất là bám vào nguyên tắc đó.
Cụ thể, nguyên tắc Lý Số song hành là: với mỗi cung/sao, phần ý nghĩa phải được bổ trợ bởi một công thức tính toán. Hay nói theo chiều ngược lại, để lý giải ý nghĩa thực sự của cung/sao, ta phải bám vào công thức an của cung/sao đó.
Để hiểu rõ hơn, mời độc giả đọc bài viết dưới đây như một ví dụ. Trong bài viết, tác giả đã vận dụng nguyên tắc Lý Số song hành để lý giải ý nghĩa của cung chức.
PHÂN TÍCH Ý NGHĨA CUNG CHỨC – P1.
VỀ SỰ KHÁC NHAU GIỮA CÁC TRƯỜNG PHÁI TỬ VI.
Việc vận dụng nguyên tắc Lý Số song hành không chỉ là cách học Tử vi hiệu quả nhất. Người viết đã từng đọc được một luận điểm bài bác Tử vi như sau:
“Tử vi có nhiều trường phái, và mỗi trường phái lại khác nhau. Chưa bàn đến các sao đặc trưng mà phái này có, phái khác không có; chỉ riêng việc cùng một sao, mà các phái lại có cách an khác nhau đã cho thấy sự không thống nhất, phi hệ thống trong Tử vi. Một bộ môn mà không có hệ thống rõ ràng, xuyên suốt thì không thể có tính khoa học.”
Luận điểm trên sẽ hợp lý hơn với các bộ môn khoa học tự nhiên thuần túy (như vật lý, hóa học…), khi mà các con số chỉ là các con số, và các công thức không có nhiệm vụ biểu thị ý nghĩa triết học. Đối với các bộ môn khoa học xã hội, việc một phạm trù có nhiều công thức tính khác nhau là hoàn toàn bình thường. Điều đó phản ánh góc nhìn riêng của tác giả công thức với phạm trù đó.
Tử vi cũng vậy, tuy sao có thể cùng tên, nhưng ý nghĩa mà mà mỗi phái muốn biểu đạt lại khác nhau, do đó công thức an cũng khác nhau. Ở đây chỉ hơi khó khăn cho những người muốn tham khảo nhiều trường phái, cần nắm rõ ý nghĩa cung/sao của mỗi nơi. Để tránh trường hợp trong luận đoán bị “râu ông nọ cắm cằm bà kia”.
Qua bài viết này, người viết hy vọng các bạn đã nắm được phương pháp khi nghiên cứu Tử vi. Bài viết tiếp theo trong chủ đề sẽ về Phương pháp luận đoán. Mời các bạn đón đọc.