Chủ nghĩa khủng bố thực ra đã có từ thời cổ đại. Chủ nghĩa khủng bố với nghĩa hiện đại phát triển mạnh từ cuối thế kỷ 20.
Sang thế kỷ 21, có 2 dấu mốc lớn của chủ nghĩa khủng bố quốc tế là sự kiện 11/9/2001 và sự trỗi dậy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS vào tháng 6/2014. Loạt tấn công khủng bố 11/9 là đòn đánh chính diện vào siêu cường Mỹ ngay trên đất Mỹ, còn sự xuất hiện của vương quốc “caliphate” IS vào giữa năm 2014 là thách thức lớn đối với toàn nhân loại và trật tự thế giới.
Nói đến chủ nghĩa khủng bố hiện nay là chủ yếu nói đến chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo hay chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan bạo lực.
Hành vi khủng bố Hồi giáo có thể được thực hiện bởi các cá nhân đơn độc hoặc các tổ chức chặt chẽ tồn tại ở nhiều nơi, từ Trung Đông, châu Phi, Trung Á, Kavkaz, Nam Á, đến Đông Nam Á. Nhưng xét trong các năm gần đây nói chung và năm 2015 nói riêng thì có thể thấy, xu hướng khủng bố Hồi giáo vẫn mạnh nhất ở Trung Đông (theo nghĩa hẹp, không bao gồm Bắc Phi), đặc biệt là khu vực Iraq, Syria, và bán đảo Arabia.
Hai mạng lưới khủng bố quốc tế mạnh nhất hiện nay là al-Qaeda và IS. Nhiều lực lượng nhỏ hơn liên kết với hai nhóm chính này. Trong năm 2015, nhóm Hồi giáo Boko Haram đưa ra lời thề trung thành với IS và đã được thủ lĩnh IS chấp nhận.
IS tiếp tục mở rộng chân rết ở nước ngoài và nhận trách nhiệm về nhiều vụ tấn công khủng bố ở Sinai (Ai Cập), Lebanon, Afghanistan…
Một số lực lượng khủng bố Hồi giáo như phiến quân Boko Haram ở Nigeria tỏ ra tàn ác không kém lực lượng IS.
Đầu năm 2015, thế giới và nước Pháp rúng động với vụ tấn công của khủng bố Hồi giáo nhằm vào tạp chí châm biếm Charlie Hebdo.
Giữa năm 2015, bầu không khí Trung Đông lại u ám thêm khi IS không những không bị chặn đứng sau nhiều vụ oanh kích mà còn bành trướng thêm, đe dọa “nhuộm đen” cả Iraq và Syria. Quân đội Iraq tháo chạy khỏi nhiều vị trí quan trọng, khiến Mỹ giật mình và thấy “ngượng” về những “học trò” do họ tự tay huấn luyện. Bên Syria, lãnh thổ do chính quyền Assad kiểm soát cũng bị thu hẹp dần trước các nhóm đối lập và nhất là phiến quân IS.
Cuối năm 2015 thế giới vẫn không bình yên khi bất ngờ xảy ra loạt vụ tấn công đẫm máu ở Paris vào ngày 13/11 khiến 130 người chết.
Trong năm 2015, bộ máy an ninh các nước phương Tây tiếp tục phải làm việc cật lực để phát hiện, ngăn ngừa và xử lý các vụ tấn công khủng bố của các chiến binh thánh chiến Hồi giáo cũng như các phần tử cảm tình với chúng.
Làn sóng người tị nạn từ Trung Đông (nhất là Syria) chạy sang Tây Âu tăng mạnh trong năm 2015 khiến khu vực này gặp khó khăn lớn trong bảo đảm an ninh trước nguy cơ khủng bố Hồi giáo. Việc thực hiện thỏa thuận tự do đi lại trong khu vực Schengen của EU và việc Tây Âu đề cao quyền tự do cá nhân cũng gây không ít thách thức cho cơ quan an ninh.
Hiện tượng mới IS
Tổ chức khủng bố IS tiếp tục lấn lướt al-Qaeda để trở thành tâm điểm chú ý của công luận thế giới 2015. Tuy cùng là Hồi giáo cực đoan, IS khác biệt với al-Qaeda ở nhiều điểm, khiến IS trở thành một dạng khủng bố kiểu mới, chưa từng có tiền lệ.
IS chủ trương chiếm đất, nắm dân, bám dân, xây dựng “nhà nước”, “quân đội”, hệ thống thuế, cơ sở hạ tầng, sử dụng tích cực công nghệ, truyền thông xã hội. Chúng nuôi tham vọng xây dựng một vương quốc Hồi giáo hiện đại lấy cảm hứng từ Caliphate trong quá khứ.
Nguồn thu của IS đa dạng hơn và mạnh hơn, khiến IS được coi là tổ chức khủng bố giàu có nhất. Trong đó có 2 nguồn thu quan trọng là đánh thuế (bền vững, ít bị ảnh hưởng từ bên ngoài), và bán dầu. Các nguồn khác là quyên góp, bắt cóc tồng tiền, bán đồ cổ…
Trong năm 2015, IS tiếp tục nghĩ ra đủ trò hành quyết dã man và quái đản (khiến cả thế giới phẫn nộ) cốt để khủng bố đối thủ và răn đe những người bất đồng.
Về hệ tư tưởng, chúng áp dụng các nguyên lý Hồi giáo cổ xưa vào thời nay (sử dụng những yếu tố cực đoan nhất, không còn phù hợp với thời nay), hoặc chủ ý bóp méo, xuyên tạc các giáo lý theo hướng phục vụ ý đồ của mình.
Khác với al-Qaeda có phần khổ hạnh, IS khá thoáng về chuyện tình dục (ngoại trừ đồng tính và ngoại tình), để tạo thêm hứng khởi cho các nam chiến binh đa phần ở độ tuổi thanh niên. Chúng chủ động bắt phụ nữ làm nô lệ tình dục phục vụ các “quan chức” và binh lính IS.
Cuộc chiến chống IS gặp một số khó khăn đặc trưng như IS rất chú ý “bám dân”, dùng dân làm lá chắn sống. Các trung tâm tuyên truyền của IS thường nằm sâu trong các khu dân cư ở đô thị nên Mỹ và phương Tây khó đánh trúng bằng máy bay mà không gây tổn thất cho dân thường.
Do có hệ thống rộng nên nếu thủ lĩnh IS này bị tiêu diệt, sẽ sớm xuất hiện sớm thủ lĩnh khác thay thế.
Dù tập trung ở Iraq và Syria, IS vẫn mang tính toàn cầu cao, với các chi nhánh trực tiếp hoặc liên kết. Nhiều nhóm khủng bố ở Bắc Phi, Tây Phi, và Đông Nam Á nhận làm tay chân cho IS. Nhiều chiến binh của IS là công dân đến từ Bắc Phi, Kavkaz, Nga, Tây Âu, Mỹ, và các nước Trung Đông khác ngoài Iraq và Syria.
Cuộc chiến chống IS trên thực địa trong khoảng 9 tháng đầu năm 2015 tỏ ra không hiệu quả lắm dù Mỹ oanh tạc nhiều đến mức “cạn kiệt cả bom đạn”.
Gốc gác văn hóa
Nói đến khủng bố Hồi giáo, người ta thường tìm nguyên nhân ở sự đói nghèo và thất học. Điều đó không sai. Nhưng có một vấn đề là tại sao không có khủng bố Phật giáo? Tại sao có những nước nghèo nhưng vẫn yên bình, người dân cần kiệm tìm cách vượt khó? Tại sao cùng là khủng bố Hồi giáo nhưng khủng bố ở Philippines, Indonesia không thể sánh được về quy mô và mức độ tàn khốc như ở Trung Đông?
Câu trả lời trước hết nằm ở văn hóa và đặc trưng vùng miền.
Vùng Trung Đông (tức Tây Á) tuy cũng là châu Á nhưng khác biệt về văn hóa rất lớn với Nam Á và Đông Á. Các hằng số tự nhiên, địa lý, khí hậu và lịch sử của Trung Đông khác biệt nhiều với Đông Á. Văn hóa bộ lạc du mục ở đây rất mạnh (con cừu là vật nuôi phổ biến ở cả Trung Đông và châu Âu xưa và nay. Hình ảnh con cừu hiện diện đậm nét trong tôn giáo phổ biến của hai vùng văn hóa này). Tôn giáo và con người vùng Tây Á vì vậy có những nét cứng rắn đặc trưng. Ở một chừng mực nào đó, Trung Đông khá giống với phương Tây.
Lối tư duy cứng rắn của Trung Đông đã khiến cho tôn giáo ở đây tuy ban đầu cũng đa dạng nhưng về sau chủ yếu là dòng tôn giáo độc thần (tập trung vào thờ một vị thần duy nhất), khác với truyền thống tôn giáo ở Đông Á thiên về đa thần, mềm mỏng, và khoan dung hơn.
Và thực tế, xu hướng Hồi giáo bạo lực cuồng tín đã có từ thế kỷ 7.
Chính về thế mà từ thời trung cổ, ở Trung Đông đã có những cuộc chiến tôn giáo (vì tôn giáo hoặc nhân danh tôn giáo). Gồm chiến tranh giữa các giáo phái trong đạo Hồi và chiến tranh giữa Hồi giáo và các tôn giáo lớn khác (như Kitô giáo).
Tuy nhiên, sự cứng rắn của Hồi giáo và người Tây Á khi vượt qua khoảng cách địa lý lớn, vượt qua Ấn Độ Dương bao la để đến với những vùng đất mới thì đã mềm dịu đi rất nhiều. Yếu tố văn hóa bản địa đã làm cho Hồi giáo ở Đông Nam Á không còn giống y nguyên như ở Trung Đông sa mạc nóng khô nữa.
Riêng ở Việt Nam, bên cạnh tín ngưỡng đa thần dân gian, các tôn giáo “ngoại nhập” (Phật giáo, Kitô giáo, Hồi giáo…) đều tồn tại một cách hòa thuận với nhau, xưa nay chưa thấy chiến tranh giữa các tôn giáo này hay giữa các giáo phái trong mỗi tôn giáo.
Nhìn lại lịch sử thì thấy Hồi giáo gắn liền với quá trình hình thành nhà nước Arab và đế chế Arab. Hồi giáo là cột trụ tinh thần và chính trị của nhà nước đó. Ngay từ đầu Hồi giáo gắn liền với các cuộc chinh chiến. Và Hồi giáo nằm trong số ít tôn giáo mà thời xưa không phản đối việc chiếm hữu và buôn bán nô lệ. Nghề buôn bán nô lệ rất công khai và phát đạt trong Đế chế Arab xưa. Thực tế sinh động đó trong quá khứ là cái cớ để IS hiện nay lợi dụng nhằm biến phụ nữ thuộc các sắc tộc và tôn giáo khác thành nô lệ tình dục.
Ngày nay khi nói về các điều luật sharia (luật Hồi giáo) hà khắc, chúng ta thường nghĩ tới Taliban, Boko Haram hay IS. Nhưng trên thực tế, luật này có cơ sở xã hội khá rộng rãi ở nhiều nước Hồi giáo và Arab. Ở khu vực Trung Đông vẫn có một số nước quân chủ chuyên chế, thi hành các bản án theo lối trung cổ, áp dụng các quy tắc hà khắc, thiếu khoan dung. Các tổ chức nhân quyền đã lên tiếng nhưng vẫn chưa thay đổi được tình hình.
Thực ra mọi tôn giáo đều có nhiều yếu tố tích cực, hướng thiện; các tôn giáo lớn đều đề cao cái Thiện và tinh thần bác ái. Đã vậy, đạo Hồi thực tế đã mềm hóa rất nhiều so với các thế kỷ trước. Đại bộ phận cộng đồng Hồi giáo tẩy chay những phong trào Hồi giáo cực đoan nói chung và phong trào IS nói riêng. Cần phải khẳng định rằng đa phần người Hồi giáo hiện nay là người ôn hòa.
Tuy nhiên xu hướng có những kẻ cố giải thích kinh Koran một cách máy móc và cực đoan, lợi dụng danh nghĩa Hồi giáo để phạm tội ác thì dường như ngày càng nghiêm trọng.
Chủ nghĩa can thiệp
Gốc gác văn hóa mới chỉ là yếu tố âm, yếu tố “cái”.
Để sản sinh nên quái vật như IS hay al-Qaeda còn cần đến yếu tố dương, yếu tố “đực” – đó là chính sách can thiệp của phương Tây.
Hạt giống can thiệp này có lịch sử lâu dài từ thời trung cổ, với các cuộc thập tự chinh do giáo hội La Mã (thực chất là phong kiến cầm quyền phương Tây) phát động nhằm chống lại đạo Hồi (và chinh phục những vùng đất của người Hồi giáo). Chính từ đây sản sinh ra phong trào thánh chiến để chống lại ảnh hưởng phương Tây.
Đến thời kỳ tư bản chủ nghĩa, phương Tây lại nô dịch Trung Đông, biến vùng này thành thuộc địa hoặc vùng bảo hộ, vùng ảnh hưởng của họ. Với chính sách chia để trị, phương Tây đã chia Trung Đông (khi đó là đế chế Ottoman) thành nhiều quốc gia nhỏ theo một cách nào đó để các quốc gia mới sẽ luôn kiềm chế nhau hoặc xung khắc với nhau. Chính vì vậy ngay sau khi thực dân Anh và Pháp rút đi, vẫn luôn có những hiềm khích nhất địch giữa các quốc gia Trung Đông với đường biên giới mới. Riêng dân tộc Kurd có lẽ là đau khổ nhất khi họ không có tổ quốc riêng, đã thế lại bị xẻ làm 4 khúc lớn, nằm ở 4 nước là Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Syria và Iraq.
Sự cai trị của thực dân phương Tây đã hình thành nên sự phản kháng trong thế giới Hồi giáo. Thời kỳ thực dân phương Tây, đạo Hồi đóng vai trò tích cực trong việc xác lập bản sắc dân tộc, đấu tranh chống thực dân và giành độc lập.
Người Mỹ tự hào không có lịch sử cai trị thuộc địa (kiểu cũ) nhưng họ vẫn không tránh được vết xe can thiệp, khi họ đã đạt tới giai đoạn tư bản độc quyền và trở thành một siêu cường hàng đầu thế giới. Sự can thiệp mạnh của Mỹ vào Trung Đông bắt đầu từ giữa thế kỷ 20 và kéo dài đến ngày nay.
Cho đến giờ phút này, đã có nhiều học giả, chính trị gia và nhà báo của chính phương Tây phải thú nhận rằng cuộc chiến tranh do Mỹ phát động ở Iraq năm 2003 để lật đổ Tổng thống Saddam Hussein là nguyên nhân chủ đạo dẫn tới sự ra đời của IS. Mới đây, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair cũng thừa nhận cuộc chiến năm 2003 góp phần hình thành và phát triển IS.
Phương Tây khi mải mê “xuất khẩu dân chủ” sang các nước Trung Đông đã phá vỡ thế cân bằng nội tại bên trong các nước như Iraq, Syria và Libya, tạo ra khoảng trống quyền lực cho mâu thuẫn giáo phái và chủ nghĩa cực đoan bùng phát.
Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới nhân tố Thổ Nhĩ Kỳ – một cường quốc quan trọng trong khu vực và là đồng minh của Mỹ. Vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Nga hôm 24/11/2015 đã cho thấy thái độ của Thổ đối với vấn đề IS. Nhiều nhà quan sát cho rằng Thổ làm ngơ cho sự phát triển của IS, thậm chí muốn lấy đó làm đối trọng với các đối thủ của Thổ (như Syria và Iran). Nếu điều này là đúng thì rõ ràng cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo thêm phần cam go do những toan tính lợi ích quốc gia riêng.
Triển vọng chống IS
Trong các năm 2014-2015, Mỹ đã thay đổi cách tiếp cận, không còn ỷ lại vào sức mạnh quân sự và sức mạnh riêng lẻ của bản thân. Họ đã xác định phải dựa vào sức mạnh tập thể, lôi kéo sự tham gia của các đồng minh phương Tây và đồng minh ở Trung Đông, sử dụng đồng bộ các chiến dịch ngoại giao, chính trị, kinh tế.
Theo nhiều nguồn tin, Mỹ đã ngầm triển khai lực lượng đặc nhiệm (ở mức vừa phải) vào Syria để vừa hỗ trợ người Kurd chống IS vừa trực tiếp chống IS.
Căng thẳng giảm bớt giữa Mỹ và Iran (sau khi đạt được thỏa thuận lịch sử về chương trình hạt nhân Iran vào tháng 7/2015) sẽ có lợi cho chương trình chung chống khủng bố.
Sự kiện Nga không kích IS ở Syria từ ngày 30/9/2015 đã tạo ra bước ngoặt lớn trong cuộc chiến Syria và cuộc chiến chống IS. Trong khi đó, vụ khủng bố đẫm máu ngày 13/11 ở Paris giống một gáo nước lạnh làm cho nhiều nước gác qua một bên các lợi ích riêng để chung tay chống IS. Cụ thể Pháp nhiệt tình bắt tay với Nga dù trước đó có xung khắc với Nga. Mỹ cũng ít nhiều tỏ thái hợp tác với Nga trong vấn đề IS sau sự kiện 13/11.
Ngoài Pháp đẩy mạnh không kích IS để trả thù vụ 13/11, Anh cũng đã vượt qua nhiều trở ngại nội bộ để lần đầu tiến hành không kích IS ở Syria.
Hiện nay đã hình thành được 3 liên minh quốc tế chống IS: của Mỹ, của Nga và của Saudi Arabia (thành lập vào ngày 15/12).
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 18/12/2015 đã thông qua nghị quyết hiếm hoi về tiến trình hòa bình tại Syria – đây được coi là một cơ sở cho việc tái lập hòa bình ở Syria và cô lập lực lượng khủng bố Hồi giáo cực đoan.
Các bên ở Syria cũng như cộng đồng quốc tế đều cảm nhận rõ giải pháp chính trị là con đường để chấm dứt nội chiến Syria (một cuộc nội chiến được quốc tế hóa cao) và có những động thái cụ thể để đạt được này. Phe đối lập và cả Mỹ đã có những nhân nhượng, chấp nhận để Tổng thống Assad tại vị trong quá trình chuyển tiếp và không phải “ra đi ngay”.
Trên thực địa, quân Nga yểm trợ cho quân Syria đẩy lui IS. Ở Iraq, quân đội cũng có những bước tiến mới, giải phóng được cơ bản Ramadi vào cuối tháng 12/2015 (dù còn một số ổ đề kháng). Lãnh đạo Iraq tự tin sẽ xóa bỏ được IS trong năm 2016. Chính quyền Iraq nhận được hỗ trợ vừa của Mỹ, vừa của Nga và Iran.
Tuy nhiên, trong trường hợp IS bị tiêu diệt với tư cách là một bộ máy “nhà nước”, chúng ta vẫn không loại trừ được kịch bản IS sẽ chuyển sang hoạt động du kích, biến hóa thành một tổ chức giống như al-Qaeda. Lúc đó lại đòi hỏi phải có những giải pháp căn cơ về văn hóa, kinh tế, ngoại giao để trị tận gốc căn bệnh khủng bố Hồi giáo.
Bản thân việc “lật đổ” IS vẫn có một số nguy cơ, khi cho đến nay, mặc dù hợp tác hơn, nhưng Mỹ vẫn khá hời hợt với Nga, tìm cách gây khó dễ cho người Nga, và không có thiện chí hợp tác trực tiếp với chính quyền Assad. Còn Thổ Nhĩ Kỳ vẫn không chịu nhượng bộ trước người Nga, không chấp nhận xin lỗi Nga sau vụ bắn rơi chiến đấu cơ của Nga – có lẽ Thổ vẫn theo đuổi chính sách đối ngoại như cũ.
Nghị quyết được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua hôm 18/12 về hòa bình ở Syria về cơ bản không đả động đến tương lai của Tổng thống Assad – một nhân tố chủ chốt trong mâu thuẫn Nga-Mỹ ở Syria.
Như vậy dù IS bộc lộ dấu hiệu suy yếu qua vụ thảm sát 13/11, cuộc chiến chống IS vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro trong nội bộ các nước chống IS. Nếu Mỹ và Nga chưa tìm được tiếng nói chung ở Syria thì sẽ rất khó nói đến chuyện chống IS triệt để. Năm 2016, vấn đề Syria sẽ vẫn là điểm nút ở Trung Đông và trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố IS./.