Contents
Trường hợp nào Đảng viên phải làm Phiếu bổ sung hồ sơ?
Trong quá trình sinh hoạt Đảng, các thông tin, hồ sơ, giấy tờ, tài liệu của Đảng viên sẽ được lưu giữ theo chế độ mật nên việc lưu trữ, bảo quản sẽ được thực hiện hết sức nghiêm ngặt.
Hồ sơ của Đảng viên được lưu giữ từ khi Đảng viên được xem xét kết nạp Đảng, khi kết nạp Đảng, khi được công nhận Đảng viên chính thức hoặc khi chuyển sinh hoạt Đảng từ tổ chức này sang tổ chức Đảng khác…
Tuy nhiên, theo Hướng dẫn số 01 năm 2016, hồ sơ Đảng viên sẽ được bổ sung hằng năm và khi chuyển sinh hoạt Đảng chính thức. Cụ thể:
Định kỳ hằng năm và khi Đảng viên chuyển sinh hoạt Đảng chính thức, Đảng viên phải ghi bổ sung những thay đổi về: trình độ (lý luận chính trị, học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, vi tính…), đơn vị, chức vụ công tác, nghề nghiệp, khen thưởng, kỷ luật, hoàn cảnh gia đình (cha, mẹ, vợ, chồng, các con…) để tổ chức Đảng bổ sung vào hồ sơ Đảng viên và đóng dấu của cấp ủy vào chỗ đã bổ sung.
Như vậy, hằng năm và khi chuyển sinh hoạt Đảng, nếu có thay đổi về trình độ, đơn vị công tác, chức vụ, nghề nghiệp, kỷ luật, hoàn cảnh gia đình… thì Đảng viên phải làm phiếu bổ sung và ghi lại tất cả những thông tin thay đổi đó.
Mẫu phiếu bổ sung hồ sơ Đảng viên mới nhất 2021
Mẫu phiếu bổ sung hồ sơ Đảng viên được ban hành kèm theo Hướng dẫn 09 năm 2017, cụ thể:
Khi có thay đổi thông tin, Đảng viên phải ghi phiếu bổ sung hồ sơ (Ảnh minh họa)
Hướng dẫn cách ghi phiếu bổ sung hồ sơ Đảng viên
Cũng tại Hướng dẫn 09 năm 2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng hướng dẫn khai phiếu bổ sung hồ sơ Đảng viên theo mẫu 3-HSĐV như sau:
– Các mục ở phần tiêu đề ghi như trong phiếu Đảng viên
– Các mục ở phần nội dung:
- Những mục có nội dung thay đổi thì Đảng viên ghi cụ thể sự thay đổi thế nào. Riêng các mục không có sự thay đổi gì thì Đảng viên ghi chữ “K”.
- Các mục đã có chỉ dẫn thì Đảng viên ghi cụ thể theo chỉ dẫn trong phiếu. Các mục còn lại thì ghi như hướng dẫn của phiếu Đảng viên.
Cụ thể như sau:
1. Họ và tên đang dùng: Ghi đúng họ, chữ đệm và tên ghi trong Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân, ghi bằng chữ in hoa.
Ví dụ: TRẦN VĂN DƯƠNG.
2. Mới thay đổi nơi ở
Ghi rõ cụ thể cả địa chỉ thôn, xã, huyện, tỉnh, thành phố; số nhà, đường phố, phường, thị xã, quận, thành phố.
3. Mới thay đổi về nghề nghiệp; đơn vị công tác: Nếu chuyển công tác, chuyển nghề thì Đảng viên ghi rõ chức vụ mới trong Đảng, chính quyền…
Ví dụ: Doanh nghiệp: Kế toán trưởng
4. Mới thay đổi về trình độ học vấn; chuyên môn nghiệp vụ:
Ghi cụ thể theo văn bằng, chứng chỉ mới được cấp (có thay đổi so với trước đây).
Ví dụ:
– Học vị: Thạc sĩ – Học hàm: Giáo sư
– Lý luận chính trị: Cao cấp
– Ngoại ngữ: Tiếng Anh trình độ B.
5. Khen thưởng: Khi được khen thưởng mới trong năm thì Đảng viên bổ sung cụ thể
Ví dụ: Giáo viên giỏi cấp huyện, thầy thuốc nhân dân…
6. Bị xử lý kỷ luật trong năm: Ghi rõ là bị kỷ luật Đảng, chính quyền hay bị phạt hành chính, xử lý hình sự.
7. Gia đình có gì thay đổi trong năm:
– Nếu thôi làm con nuôi và nhận lại cha, mẹ đẻ thì ghi cụ thể họ và tên của cha, mẹ đẻ.
– Nếu cưới vợ, chồng nữa hoặc vợ, chồng chết… thì ghi cụ thể họ tên hoặc chết khi nào, ghi theo giấy chứng tử nào…
– Nếu sinh thêm con thì ghi thêm họ tên con mới sinh; nhận con nuôi thì ghi họ tên con nuôi, làm gì, ở đâu…
8. Có thay đổi về kinh tế của bản thân và gia đình trong năm
– Nếu có thay đổi về tổng thu nhập của gia đình thì khai theo mức thu nhập mới.
– Nếu mua, được tặng cho, thừa kế… nhà, đất ở, tài sản khác có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên mới thì cũng liệt kê theo giấy tờ của tài sản đó gồm: Tên, giá trị tài sản…
9. Nếu được miễn công tác và sinh hoạt Đảng: Ghi rõ ngày bắt đầu được miễn công tác và sinh hoạt Đảng theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Trên đây là hướng dẫn cụ thể các khai mẫu phiếu bổ sung hồ sơ Đảng viên. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.
>> Phiếu Đảng viên và hướng dẫn cách khai chi tiết các mục