Contents
- 1 Hiện nay, nhiều gia đình đã không ngại đầu tư một chiếc máy chạy bộ trong nhà để dễ dàng tập luyện, nâng cao sức khỏe. Vậy làm thế nào để sử dụng máy chạy bộ hiệu quả nhất? Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để cách sử dụng máy chạy bộ chi tiết và đơn giản nhất nhé!
Hiện nay, nhiều gia đình đã không ngại đầu tư một chiếc máy chạy bộ trong nhà để dễ dàng tập luyện, nâng cao sức khỏe. Vậy làm thế nào để sử dụng máy chạy bộ hiệu quả nhất? Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để cách sử dụng máy chạy bộ chi tiết và đơn giản nhất nhé!
1 Máy chạy bộ là gì?
Máy chạy bộ là một thiết bị sinh ra để phục vụ nhu cầu rèn luyện, nâng cao sức khỏe dành cho mọi đối tượng. Ngay từ cái tên của nó chúng ta có thể biết được rằng chức năng chính của máy chạy bộ chính là hỗ trợ người dùng đi bộ, chạy bộ trong chính căn nhà của mình mà không phải di chuyển ra các phòng tập công cộng.
Ngoài ra, một số máy chạy bộ còn tích hợp nhiều tính năng khác như đo nhịp tim trong lúc tập luyện, đo khối lượng mỡ trên cơ thể, khóa an toàn chống ngã,… để người tập nắm rõ tình trạng sức khỏe của mình từ đó xây dựng kế hoạch tập luyện phù hợp với mỗi người.
Các tiện ích đi kèm trên máy chạy bộ Airbike Sports T800
2 Lưu ý trước khi sử dụng máy chạy bộ
Trước khi sử dụng máy chạy bộ, bạn cần chú ý những điểm sau để sử dụng máy chạy bộ hiệu quả:
2.1. Vị trí đặt máy
Bạn cần quan sát xem vị trí đặt máy chạy bộ có gần các đồ vật có thể gây nguy hiểm cho bạn hay không, ví dụ như những đồ vật sắc nhọn, ấm nước,…
2.2.Nguồn điện cung cấp
Máy chạy bộ cần có nguồn điện ổn định và tương thích với thiết bị để giúp máy chạy bộ hoạt động hiệu quả và mượt mà. Vì vậy, bạn nên kiểm tra điện áp đang sử dụng trong nhà có phù hợp với máy hay không.
2.3. Tìm hiểu phím chức năng
Hầu hết các thao tác với máy chạy bộ sẽ được thực hiện trên bảng điều khiển nên bạn cần nắm rõ chức năng của mỗi phím để sử dụng máy hiệu quả. Hãy bắt đầu với các phím cơ bản như tăng giảm tốc độ chạy, điều chỉnh độ đốc, bắt đầu hoặc dừng chạy,…
Ngoài ra, bảng điều khiển còn hiện một số chỉ số tập luyện như nhịp tim, quãng đường chạy, vận tốc, thời gian tập luyện,… Vì thế, hãy theo dõi những chỉ số này để nắm rõ tình trạng sức khỏe của bản thân và đưa ra kế hoạch luyện tập phù hợp.
Bảng điều khiển của máy chạy bộ Airbike Sport MK-272
2.4. Khóa an toàn
Khóa an toàn là phần khóa được gắn trên bảng điều khiển, có một đầu dùng để kẹp vào quần hoặc áo của người tập.
Khi có tình huống bất ngờ xảy ra như người tập không may bước hụt hoặc ngã trong khi chạy bộ thì khóa an toàn sẽ rơi ra, dừng máy chạy bộ ngay tức khắc để tránh các rủi ro không đáng có.
Khóa an toàn trên máy chạy bộ Hasuta HTM-MINI I
2.5. Lưu ý khi cắm dây máy chạy bộ
Bởi vì máy chạy bộ cần một nguồn điện ổn định và phù hợp với máy cho nên không nên cắm dây nguồn máy chạy bộ chung với các thiết bị khác trong nhà để máy chạy bộ hoạt động hiệu quả và trơn tru.
3 Cách sử dụng máy chạy bộ hiệu quả
3.1. Chuẩn bị trước khi tập
Trước khi bắt đầu tập luyện, bạn cần mặc những trang phục phù hợp với việc chạy bộ. Cụ thể:
- Giày chạy bộ: Bạn nên sử dụng những đôi giày chuyên dụng, dành riêng cho việc chạy bộ bởi vì chúng có trọng lượng nhẹ hơn và có độ bám, độ bền tốt hơn và chọn size giày vừa chân, không quá chật và cũng không quá rộng.
- Quần, áo chạy bộ: Để quá trình chạy bộ diễn ra hiệu quả thì bạn nên chọn những bộ quần áo thoải mái, vừa với cơ thể, chọn chất liệu có độ thấm hút mồ hôi tốt.
Sau khi chọn trang phục tập luyện, bạn có thể đem theo bình nước để uống, điện thoại, tai nghe để bật những bài nhạc yêu thích, tiếp thêm động lực khi chạy bộ.
3.2. Khởi động kỹ cơ thể
Nhiều người thường có thói quen không khởi động trước khi tập luyện trên máy chạy bộ và đây là một thói quen không tốt. Nếu không khởi động kĩ, cơ bắp của bạn chưa kịp thích nghi với cường độ luyện tập, từ đó dễ gặp chấn thương trong quá trình chạy bộ.
Chính vì thế, bạn cần thực hiện khởi động trước khi chạy bộ từ 5-10 phút bằng những động tác đơn giản như xoay cổ tay, cổ chân, xoay vai, xoay đầu gối,… để làm nóng có thể, đem lại một buổi tập hiệu quả và trơn tru.
3.3. Kỹ thuật chạy với máy
Sau khi hoàn thành xong các bước trên, chúng ta sẽ bắt đầu tập luyện với máy chạy bộ theo các hướng dẫn sau đây:
Bước 1: Bước lên máy chạy bộ
Bạn có thể chọn đứng trên phần băng tải của máy hoặc đứng hai bên thành của băng tải, đợi máy chạy bộ di chuyển rồi mới bước vào. Thông thường, chúng ta sẽ đứng hai bên thành băng tải thì sẽ an toàn hơn.
Bước 2: Kẹp khóa an toàn
Để sử dụng khóa an toàn, hãy kẹp một đầu khóa vào áo hoặc quần của bạn và đảm bảo nó sẽ không cản trở, gây vướng víu khi chạy. Khi có tình huống bất ngờ xảy ra, khóa an toàn sẽ rơi ra làm cho máy chạy bộ dừng lại, từ đó tránh gây tai nạn cho người tập.
Bước 3: Khởi động máy chạy bộ
Đầu tiên, bấm nút Start để khởi động máy chạy bộ rồi bắt đầu bước vào băng chạy của máy. Bạn nên tập luyện ở giữa đường băng để tránh bị bước hụt, mặt hướng về phía trước, không nhìn dưới chân.
Thông thường, tốc độ mặc định khi mới khởi động máy là 1km/h và bạn nên tăng tốc độ lên 3km/h để bắt đầu đi bộ.
Có hai cách để điều chỉnh tốc độ chạy: bạn có thể chọn tốc độ chạy trên những phím số có sẵn được thiết kế trên bảng điều khiển hoặc bấm nút Speed hoặc biểu tượng dấu cộng (tùy theo mẫu máy) để tăng tốc độ từ từ.
Chọn tốc độ chạy bằng phím số trên máy chạy bộ Aguri AGT-117LE
Bấm dấu cộng để tăng tốc độ trên máy chạy bộ Aguri AGT-117LE
Bạn nên đi bộ với vận tốc 3 – 4km/h trong 2-3 phút đầu trước khi chuyển sang chạy bộ. Khi đi bộ, bạn có thể nắm vào thanh tay cầm của máy hoặc đánh tay thoải mái theo nhịp chân.
Bước 4: Chuyển sang chế độ chạy bộ
Sau khi làm nóng cơ thể, bạn có thể bắt đầu tăng tốc để chuyển sang chế độ chạy bộ. Hãy điều chỉnh tốc độ chạy lên 6 – 8km/h tùy theo sức của mỗi người và bỏ tay ra khỏi thanh cầm và bắt đầu chạy bộ.
Khi chạy bộ, bạn nên hít thở đều, mắt nhìn về phía trước, thẳng lưng, hai tay đánh theo nhịp chân, mũi chân nhấc lên, tiếp đất bằng gót chân.
Bước 5: Điều chỉnh chế độ chạy phù hợp với sức khỏe
Tùy theo nhu cầu tập luyện và tình trạng sức khỏe, bạn có thể điều chỉnh tốc độ chạy nhanh hoặc chậm trong khi chạy. Để đốt cháy calo tốt hơn, bạn hãy sử dụng chức năng điều chỉnh độ dốc của băng tải.
Sau đây là hình so sánh tỉ lệ độ dốc của băng tải tương ứng với số calo tiêu hao trong cơ thể (trích từ treadmillreviews)
Đối với người chạy bình thường thì độ dốc của băng tải chỉ nên dừng ở mức khoảng 5% bởi vì nếu chạy trên băng tải quá dốc thì sẽ gây tổn thương cho bàn chân.
Bước 6: Đi bộ trước khi dừng tập luyện
Trước khi dừng buổi chạy bộ, bạn nên tiến hành đi bộ vài phút để nhịp tim của bạn trở về trạng thái bình thường. Sau khi đi bộ xong, bạn bấm nút Stop để máy giảm tốc độ từ từ trước khi dừng hẳn.
Lúc này, bạn vẫn phải bước đều cho đến khi băng tải dừng hẳn sau đó tháo khóa an toàn và bước ra khỏi máy.
4 Hướng dẫn bảo quản máy chạy bộ đúng cách
Việc bảo quản máy chạy bộ đúng cách sẽ giúp cho máy trở nên bền đẹp, hỗ trợ người tập triệt để trong hành trình rèn luyện sức khỏe
- Nên đặt máy chạy bộ trên bề mặt phẳng, không gian rộng rãi, thoáng mát.
- Tránh đặt máy ở những nơi có nguy cơ gây nguy hiểm cho người tập (những nơi có vật dụng sắc nhọn, dễ cháy nổ,…).
- Máy chạy bộ cần đặt cách ít nhất 1m so với các vật dụng khác trong nhà.
- Những hạt bụi trong không khí có thể tác động đến cảm ứng tốc độ trên máy vì thế bạn nên lau chùi máy chạy bộ thường xuyên.
Biết cách sử dụng máy chạy bộ hiệu quả sẽ hỗ trợ người tập rất nhiều trong quá trình tập luyện thể thao, nâng cao sức khỏe. Đừng quên áp dụng các mẹo hay trong bài viết để việc tập luyện trở nên hiệu quả và đạt được mục tiêu riêng của bản thân nhé!