Siêu âm ổ bụng là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn được sử dụng để đánh giá các cơ quan và cấu trúc bên trong ổ bụng, bao gồm gan, mật, tụy, lách, thận… Công nghệ siêu âm cho phép hiển thị nhanh các cơ quan và cấu trúc trong ổ bụng từ bên ngoài cơ thể. Siêu âm cũng có thể được sử dụng để đánh giá lưu lượng máu đến các cơ quan trong ổ bụng.
Contents
Siêu âm ổ bụng là gì?
Siêu âm ổ bụng là kỹ thuật sử dụng một đầu dò phát ra sóng âm ở tần số cao để khảo sát các cơ quan trong ổ bụng. Đầu dò siêu âm được đặt trên da, sóng siêu âm di chuyển vào cơ thể đến các cơ quan và cấu trúc bên trong. Các sóng âm dội vào các cơ quan sau đó dội ngược trở lại đầu dò. Bộ chuyển đổi xử lý các sóng phản xạ, sau đó được máy tính chuyển đổi sóng âm thành hình ảnh của các cơ quan hoặc mô trong vùng bụng.
Sóng âm thanh truyền đi với các tốc độ khác nhau tùy thuộc vào loại mô gặp phải. Nhanh nhất qua mô xương và chậm nhất qua không khí. Một lớp gel siêu âm được bôi lên đầu dò và da. Nhờ đó đầu dò sẽ chuyển động trơn tru trên da, đồng thời loại bỏ không khí giữa da và đầu dò. Điều này giúp cho khả năng dẫn truyền sóng âm tốt hơn.
Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác có thể được thực hiện bao gồm chụp X-quang bụng, chụp cắt lớp vi tính (CT scan) ổ bụng và chụp mạch bụng.
Tại sao phải siêu âm ổ bụng?
Siêu âm ổ bụng có thể được sử dụng để đánh giá kích thước và vị trí của các cơ quan và cấu trúc trong ổ bụng. Nó cũng có thể được bác sĩ sử dụng để kiểm tra vùng bụng nếu thấy các dấu hiệu liên quan đến u nang, khối u, áp xe, sự tắc nghẽn, ổ dịch trong bụng, cục máu đông trong mạch máu, tình trạng nhiễm trùng…
Siêu âm ổ bụng cũng được dùng để đo kích thước của động mạch chủ bụng nhằm phát hiện chứng phình động mạch chủ. Tình trạng sỏi trong túi mật, thận và niệu quản cũng có thể được phát hiện qua siêu âm.
Ngoài ra, siêu âm ổ bụng có thể được thực hiện để hỗ trợ việc đặt kim khi sinh thiết mô bụng hoặc dẫn lưu dịch từ u nang hoặc áp xe.
Siêu âm bụng cũng có thể được sử dụng để đánh giá lưu lượng máu của các cấu trúc khác nhau trong ổ bụng. Bác sĩ cũng có thể đề nghị thực hiện siêu âm ổ bụng cho việc xác định những loại bệnh lý khác.(1)
Siêu âm ổ bụng là siêu âm ở bộ phận nào?
Kỹ thuật siêu âm ổ bụng giúp quan sát những cơ quan nội tạng bên trong ổ bụng: gan, mật, tụy, lách, thận, bàng quang, tử cung (phần phụ), tuyến tiền liệt… thông qua những hình ảnh thu được. Qua đó, phát hiện và chẩn đoán các bệnh lý liên quan đến các bộ phận này bao gồm:
- Bệnh lý về gan: viêm gan mãn tính, xơ gan, gan nhiễm mỡ, áp xe gan, u gan lành tính hay ác tính.
- Bệnh lý về tuyến tụy: các loại u tụy, viêm tụy cấp và mạn, những bất thường tụy bẩm sinh như tụy vòng.
- Bệnh lý về đường mật: sỏi mật, u đường mật, viêm túi mật, polyp túi mật, dị dạng đường mật.
- Bệnh lý lách: lympho lách, áp xe lách, lách to, các u lách.
- Bệnh lý ở hệ tiết niệu: sỏi thận, viêm thận, ung thư thận, viêm bàng quang, sỏi bàng quang, ung thư bàng quang, sỏi niệu quản, chít hiệu niệu quản, u đường bài xuất…
- Bệnh lý về tiêu hóa: viêm ruột thừa, viêm ruột non, các khối u, xoắn ruột, lồng ruột.
- Bệnh lý về sinh dục: u nang buồng trứng, ung thư buồng trứng, u xơ tử cung, tắc vòi trứng, viêm tiền liệt tuyến, ung thư tuyến tiền liệt.
- Bệnh lý sau phúc mạc: u, xơ hóa sau phúc mạc.
Ngoài ra, siêu âm bụng tổng quát còn giúp kiểm tra những vấn đề liên quan đến dịch ổ bụng, khoang màng phổi…(2)
Quy trình siêu âm ổ bụng
1. Chuẩn bị
Căn cứ vào tình trạng của bạn, bác sĩ có thể yêu cầu chuẩn bị những vấn đề cụ thể.
2. Tiến hành siêu âm
Siêu âm bụng có thể thực hiện với bệnh nhân ngoại trú hoặc đang nằm viện. Mặc dù mỗi cơ sở y tế sẽ có các quy định khác nhau, nhưng một quy trình siêu âm cơ bản sẽ tuân theo trình tự sau:
- Bạn sẽ được yêu cầu thay trang phục của bệnh viện, tháo xuống đồ trang sức hoặc các đồ vật khác có thể cản trở quá trình siêu âm.
- Bạn sẽ nằm trên giường khám ở tư thế nằm ngửa hoặc nghiêng, tùy vào vùng bụng cần siêu âm.
- Một lớp gel siêu âm sẽ được bôi lên vùng bụng.
- Thiết bị đầu dò sẽ được bác sĩ di chuyển xung quanh vùng bụng
- Sóng âm sẽ phản xạ lại các cấu trúc bên trong cơ thể, và máy siêu âm sẽ phân tích thông tin từ sóng âm.
- Máy siêu âm sẽ tạo ra hình ảnh của các cấu trúc này trên màn hình. Những hình ảnh này sẽ được lưu trữ dưới dạng kỹ thuật số.
Không có bất kỳ tác hại nào với cơ thể người bệnh hoặc bác sĩ vận hành thiết bị siêu âm khi tiếp xúc với sóng âm trong siêu âm chẩn đoán.
Mặc dù quy trình siêu âm bụng không gây đau đớn, nhưng việc phải nằm yên trong suốt thời gian thực hiện quy trình có thể gây khó chịu cho người bệnh. Ngoài ra, gel trong sẽ mang đến bạn cảm giác nhớp nháp. Bác sĩ siêu âm sẽ thực hành quy trình nhanh chóng để giảm thiểu sự khó chịu cho người bệnh.
3. Sau khi siêu âm bụng
Không cần bất cứ hình thức chăm sóc đặc biệt nào sau khi siêu âm ổ bụng. Bạn có thể tiếp tục chế độ ăn uống và sinh hoạt bình thường trừ khi bác sĩ đưa ra những lời khuyên mà bạn cần phải tuân theo.
4. Đọc kết quả siêu âm ổ bụng
Kết quả sẽ được trả ra ngay sau khi kết thúc quá trình siêu âm. Căn cứ vào hình ảnh siêu âm, bác sĩ sẽ cho biết về tình trạng sức khỏe vùng bụng của bạn là bình thường hay bất thường. Trường hợp có biểu hiện của bệnh lý, bác sĩ sẽ cho đơn thuốc hoặc chỉ định thực thêm những kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh hoặc xét nghiệm khác (nếu cần).(4)
Những lưu ý khi siêu âm bụng
1. Siêu âm ổ bụng có cần nhịn ăn không?
Như trên đã đề cập, bạn cần tuân thủ đúng khoảng thời gian ngừng ăn/ uống trước khi siêu âm để đạt được hiệu quả siêu âm chính xác nhất. Tốt nhất nên siêu âm ổ bụng vào buổi sáng khi bạn chưa ăn gì vì khoảng thời gian từ bữa ăn tối đến sáng hôm sau đủ để thức ăn được tiêu hóa hết, bạn không cần phải lo lắng chuyện nhịn ăn khi siêu âm.
2. Khi nào cần siêu âm ổ bụng?
Siêu âm ổ bụng là bước không thể thiếu trong hoạt động thăm khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ của bản thân. Các chuyên gia khuyến cáo thời gian thực hiện khám sức khỏe định kỳ nên duy trì mỗi năm 1 lần với tất cả mọi người.
Đối với người lớn tuổi thì nên duy trì khám định kỳ khoảng 6 tháng/ lần. Siêu âm ổ bụng tổng quát sẽ giúp kịp thời phát hiện bệnh và có hướng trị liệu nhanh chóng nếu không may mắc phải.
Đối với những dấu hiệu bất thường như đau bụng, sờ thấy khối u trong bụng, tiêu hóa kém, đau bao tử, mệt mỏi không rõ lý do, sụt cân nhanh… thì cần phải thực hiện siêu âm ổ bụng để tìm nguyên nhân.
Nếu trong lúc khám bệnh, bác sĩ nghi ngờ các dấu hiệu liên quan đến bệnh lý nội tạng, tiêu hóa thì siêu âm ổ bụng sẽ được chỉ định thực hiện. Kỹ thuật này giúp chẩn đoán xác định những vị trí bất thường, qua đó hỗ trợ cho quá trình điều trị.
Câu hỏi liên quan đến siêu âm ổ bụng
1. Những rủi ro của siêu âm bụng là gì?
Siêu âm ổ bụng là kỹ thuật không sử dụng bức xạ và không gây khó chịu khi sử dụng đầu dò siêu âm lên da.
Rủi ro cũng có thể tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của người bệnh. Vì vậy, bạn nên trao đổi với bác sĩ về tình trạng sức khỏe của mình trước khi thực hiện siêu âm ổ bụng.
Ngoài ra, một vài yếu tố hoặc điều kiện nhất định có thể ảnh hưởng đến kết quả siêu âm như tình trạng béo phì nghiêm trọng, bari còn sót lại trong ruột từ lần phẫu thuật gần đây, khí đường ruột…(3)
2. Giá siêu âm vùng bụng là bao nhiêu?
Chi phí siêu âm ổ bụng ở các bệnh viện sẽ tùy thuộc vào nhiều yếu tố như cơ sở vật chất, hệ thống máy móc trang thiết bị, chất lượng dịch vụ, đội ngũ y bác sĩ… Do đó, mức giá có sự chênh lệch khác nhau. Mức giá cao hơn có thể đồng nghĩa với việc máy móc hiện đại hơn, các chuyên gia uy tín giàu kinh nghiệm trực tiếp siêu âm… và hơn hết là cho ra kết quả chính xác hơn. Tuy nhiên, nhìn chung giá siêu âm vùng bụng không quá đắt so với việc bạn biết được tình trạng sức khỏe hiện tại của mình. Qua đó có hướng điều trị kịp thời, duy trì tình trạng sức khỏe ổn định.
3. Bệnh viện siêu âm bụng uy tín tại TP.HCM
Nằm ở vị trí thuận lợi, Trung tâm Chẩn đoán Hình ảnh BVĐK Tâm Anh TP.HCM dù mới đi vào hoạt động nhưng đã thuộc nhóm lựa chọn hàng đầu của đông đảo người dân. Sở dĩ có được sự tin tưởng này là vì trung tâm được đầu tư hệ thống trang thiết bị hiện đại bậc nhất nhập khẩu trực tiếp từ các nước Mỹ, Đức, Hàn Quốc… cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực “nhìn hình đoán bệnh”. Ngoài siêu âm bụng ra còn có các loại hình siêu âm khác như: siêu âm tim, siêu âm vùng chậu, siêu âm sỏi thận, siêu âm tuyến giáp, siêu âm thai, siêu âm phụ khoa, siêu âm 2D, 3D,..