Bùng nổ lên cùng với thời điểm của GameFi vào năm 2021, thị trường NFT đã được định giá lên đến 40 tỷ đô. Một con số “quá khủng” so với giá trị khoảng 106 triệu đô vào năm 2020 và 15 triệu đô của năm 2019.
Đến năm 2022 thì NFT hiện vẫn đang nhận được dòng tiền “khủng” đổ vào từ thị trường tiền điện tử. Trong đó các nền tảng giao dịch NFT cũng phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết, có thể kể đến như OpenSea, MagicEden, Rarible, Binance,…
Không thể phủ nhận sức hút của thị trường NFT đối với cộng đồng crypto khi liên tục có những bộ sưu tập có trị giá hàng trăm nghìn đô được rao bán trên các sàn. Điểm đặc biệt của NFT chính là được định giá bởi cộng đồng, do đó mà không chỉ các dự án lớn, mà bất kỳ ai cũng có thể tạo ra được bộ sưu tập NFT của riêng mình.
Chắc hẳn nhiều bạn cũng đã biết về việc mua bán và giao dịch các NFT, nhưng lại không biết làm thế nào để có thể tự mình tạo ra chúng. Chính vì thế trong bài viết này mình sẽ hướng dẫn cho bạn từ A-Z cách tạo NFT của riêng mình để có thể sở hữu một bộ sưu tập miễn phí và giao dịch chúng trên các nền tảng NFT phổ biến hiện nay nha.
Tổng quan về NFT
NFT – viết tắt của Non Fungible Token – là một token không thể bị thay thế. Có thể hiểu một cách đơn giản, NFT có thể là một bức ảnh, một tác phẩm nghệ thuật, một bài hát hay bất cứ thứ gì xung quanh ta được chuyển hoá dưới dạng tài sản kỹ thuật số.
Tài sản NFT này sẽ là phiên bản độc nhất và có quyền sở hữu nhất định. Bạn có thể mua bán giao dịch chúng thông qua các nền tảng DeFi hay còn được gọi là NFT Marketplace.
Tại sao lại tạo ra NFT?
Khi nhắc đến NFT thì dường như đó vẫn là một thế giới mới lạ với nhiều người. Và chắc hẳn cũng sẽ có rất nhiều người đặt ra câu hỏi “Tại sao lại tạo ra NFT?” và “Tạo ra chúng để làm gì?”. Để trả lời cho câu hỏi này, mình sẽ phân đối tượng tạo ra chính bộ NFT đó:
Đầu tiên và cũng là nhóm đối tượng mang lại giá trị chính cho đa số các NFT trên thị trường hiện nay, đó chính là các nghệ sĩ hoặc các dự án crypto. Họ tạo ra NFT với rất nhiều mục đích khác nhau và chủ yếu là để bán ra thị trường và thu lợi nhuận. Các NFT này có thể là 1 vật phẩm/ nhân vật trong các trò chơi GameFi hoặc là bộ sưu tập các tác phẩm nghệ thuật của nghệ sĩ nổi tiếng. Hay cũng có thể là một công cụ giúp cho người sở hữu chúng có các đặc quyền như staking token, nhận được suất Whitelist hoặc Airdrop,…
Bên cạnh đó, cũng sẽ có 1 nhóm đối tượng chỉ muốn tạo NFT để lưu trữ những kỉ niệm của mình. Đó có thể là những hình ảnh cuộc sống hằng ngày, những bức tranh tự vẽ hoặc là thiệp cưới kiểu mới theo “phiên bản blockchain”. Thậm chí, có những bộ NFT được tạo ra một cách vô tình vì họ chỉ muốn biết những loại tài sản kỹ thuật số này được tạo ra và giao dịch như thế nào trên các nền tảng blockchain mà thôi.
Lấy ví dụ cụ thể từ trường hợp của cậu bé người Indo, bỗng chốc đã trở thành triệu phú chỉ vì … bộ sưu tập NFT các hình ảnh selfie của chính mình được đăng tải trên nền tảng giao dịch NFT nổi tiếng OpenSea.
Theo Lifestyle Asia, có thời điểm các NFT selfie của Ghozali được bán với giá 0.9 ETH tương đương khoảng $3,000, con số quá “khủng” cho một bức ảnh selfie. Từ đó có thể thấy, bất kỳ ai cũng có thể đúc và tạo ra NFT của riêng mình và giá trị của chúng cũng sẽ vô cùng đa dạng ở nhiều mức khác nhau.
Điều gì mang lại giá trị cho NFT?
Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến giá trị của 1 NFT ở thời điểm hiện tại. Mặc dù vẫn chưa có một quy chuẩn cụ thể nào dùng để định giá NFT, nhưng về cơ bản chúng sẽ phụ thuộc vào độ hiếm, công dụng, sự đặc sắc và cũng có thể từ sự FOMO của cộng đồng.
Ví dụ: Một NFT được tạo ra bởi các nghệ sĩ nổi tiếng như Beeple, Damien Hirst và Takashi Murakami thường sẽ có giá trị lớn hơn và được cộng đồng săn đón.
Chính vì thế NFT vẫn là một lĩnh vực đầy tiềm năng cho các nghệ sĩ sáng tạo trên toàn thế giới. Họ có thể hưởng lợi từ phần trăm phí bản quyền nhận được trên mỗi sản phẩm NFT được giao dịch trên sàn. Và biết đâu được một ngày đẹp trời, bộ sưu tập NFT của mình lại vô tình lọt vào “mắt xanh” của 1 KOL nào đó và tạo nên cơn sốt trong cộng đồng thì sao. Vì thật sự thì trong thế giới NFT nói riêng và crypto nói chung, luôn tồn tại các yếu tố “bất ngờ” và “không tưởng”.
Nếu bạn quan tâm sâu về các đặc điểm cũng như ứng dụng và cách kiếm tiền từ NFT, bạn có thể tìm hiểu thêm tại đây. Còn tiếp theo chúng ta sẽ đến với tìm hiểu cách tạo NFT miễn phí dễ dàng như thế nào nhé!
Cần chuẩn bị gì để tạo một NFT?
Có khá nhiều cách để bạn có thể tự đúc ra NFT của riêng mình. Bạn có thể lựa chọn các blockchain khác nhau như Ethereum, BNB Chain, Solana,… hay các nền tảng chuyên dùng cho NFT.
Trong bài viết này, mình sẽ hướng dẫn cho bạn những cách mà mình đánh giá là đơn giản và tiện nhất để bạn đúc NFT đó chính là đúc bằng tính năng NFT Issuer trên Coin98 Super App và trên OpenSea.
Theo đó, về cơ bản bạn chỉ cần chuẩn bị:
- 1 ví điện tử (Ví Multichain của Coin98 Wallet hoặc ví MetaMask)
- 1 ít token để làm phí giao dịch tùy nền tảng (BNB cho BNB Chain, MATIC cho Polygon,…)
- 1 tài khoản trên sàn Binance/ OpenSea.
- 1 tác phẩm mà bạn muốn đúc thành NFT (hình ảnh, video, tên miền,… tuỳ vào nền tảng).
Cách tạo NFT trên các nền tảng
Tạo NFT bằng NFT Issuer trên Coin98 Super App
Hiện tại, tính năng NFT Issuer trên Coin98 Super App đang hỗ trợ người dùng đúc NFT trên các EVM nổi bật: BNB Chain, HECO Chain, OKExChain, GateChain, KuCoin Community Chain, Avalanche C-chain, Polygon, Fantom, Gnosis Chain, TomoChain.
Cụ thể, để đúc NFT bằng Coin98 Super App, bạn cần chuẩn bị:
- Cài đặt Coin98 NFT Wallet.
- Phí gas mạng lưới (tuỳ chain mà bạn muốn đúc NFT).
- File tác phẩm mà bạn muốn đúc thành NFT.
Bạn có thể tham khảo cách tải app và tạo ví Multichain trên Coin98 Super App trong bài viết sau:
Hướng dẫn tạo ví Coin98
Cách tạo NFT trên Coin98 Super App
Bước 1: Mở ứng dụng Coin98 Super App, tại màn hình giao diện chính → Chọn “Xem thêm” (1)
Bước 2: Kéo xuống danh mục “Công cụ” (2) → Chọn “NFT Issuer” (3)
Bước 3: Nhập các thông tin của NFT:
- Chọn file hình ảnh mà bạn muốn đúc thành NFT.
- Chọn Blockchain.
- Đặt tên cho NFT.
- Thêm mô tả về các đặc trưng hoặc giới thiệu về NFT (tuỳ chọn).
- Nếu có nhiều ví, bạn có thể chọn lại địa chỉ ví sở hữu NFT mà bạn đang đúc.
- Khi nhập đầy đủ các thông tin cần thiết → Chọn “Khởi tạo”.
Bước 4: Để đúc NFT, bạn cần phải trả 1 phần phí nền tảng (network fee) nhất định. Mức phí này sẽ thay đổi tuỳ vào Blockchain mà bạn lựa chọn.
Bước 5: Chọn “Xong” để xác nhận → Hoàn thành việc đúc NFT.
Tuỳ vào blockchain của NFT mà bạn đã tạo, bạn có thể chuyển chúng lên các nền tảng tương ứng như OpenSea (Ethereum), Binance NFT (BNB Chain),… Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng ví Coin98 để lưu trữ, gửi hoặc nhận NFT như một token bình thường.
Đúc NFT trên OpenSea
OpenSea đang hỗ trợ khá nhiều loại NFT như đồ sưu tầm, vật phẩm trong game (GameFi), tên miền (ENS name) hoặc các tác phẩm kỹ thuật số. Các NFT của OpenSea hiện đang được hỗ trợ trên các blockchain như Ethereum, Polygon, Klatyn, and Solana.
Tuy nhiên, trong bài viết này mình sẽ hướng dẫn bạn cách đúc NFT trên blockchain Polygon vì cách này sẽ hoàn toàn miễn phí và bạn sẽ không cần trả phí đúc như các chain khác.
Cụ thể, để đúc NFT miễn phí trên nền tảng OpenSea, bạn cần chuẩn bị:
- 1 ví điện tử (MetaMask, CoinBase,…)
- Kết nối với Chain Polygon
- Tác phẩm mà bạn muốn đúc thành NFT (JPG, PNG, GIF, SVG, MP4, WEBM, MP3, WAV, OGG, GLB, GLTF. Max size: 100 MB)
Bạn có thể tham khảo cách tạo ví và thêm mạng vào ví MetaMask trong bài viết sau:
Hướng dẫn tạo ví MetaMask
Bước 1: Truy cập vào trang web của OpenSea theo link: https://opensea.io/
Bươc 2: Tại màn hình giao diện chính, chọn biểu tượng ví ở góc phải.
Đây sẽ là các loại ví được hỗ trợ trên OpenSea, ở đây mình sẽ dùng ví MetaMask.
Bước 3: Sau khi kết nối thành công, bạn chọn vào biểu tượng (1) ở góc phải màn hình và chọn “My Collections” (2) → Chọn “Create a Collection”.
Bước 4: Chọn hình ảnh đại diện và đặt tên cho bộ sưu tập NFT của bạn.
Chọn chain Polygon (1) và “Create” (2).
Bước 5: Chọn “Add items” để bắt đầu tạo NFT cho bộ sưu tập của bạn.
Bước 6: Trong bước này, bạn sẽ tải tệp mà bạn muốn chuyển hoá thành NFT lên và điền thêm các thông tin như tên, mô tả, bộ sưu tập,…
Ở phần đây có 2 phần bạn cần chú ý:
- Phí bản quyền (Creator Earning): bạn có thể cài đặt thêm tỷ lệ phần trăm phí bản quyền cho bất kỳ ai muốn sở hữu NFT của bạn. Theo đó, không chỉ có thể kiếm tiền từ bán NFT, nguồn thu nhập từ phí bản quyền cũng là một điểm mới lạ thu hút sự quan tâm của các nghệ sĩ muốn phát hành sản phẩm của mình dưới dạng NFT.
- Phần này bạn nên chuyển sang mạng Polygon để được miễn phí phí gas khi đúc là list NFT để bán nhé.
Bước 7: Đây là hình ảnh NFT của bạn khí đã được đúc xong. Bạn có thể lưu trữ trong ví hoặc list lên sàn để bán tuỳ vào mục đích của mình.
Lưu ý: Khi NFT được bán thành công, OpenSea sẽ thu phí nền tảng 2.5% trên giá trị của của NFT.
Một số lưu ý khi tạo NFT
- Bạn có thể gửi và nhận các NFT đến các địa chỉ ví khác tương tự như token thông thường, miễn là đúng chain.
- Để giúp NFT của mình có giá trị hơn, bạn nên cố gắng tạo và xây dựng cho mỗi NFT một câu chuyện hoặc 1 nét đặc sắc riêng.
- Khi tạo NFT trên ví Coin98, bạn nên chuẩn bị 1 ít token để làm phí gas tương ứng với chain mà bạn muốn tạo.
- Khi tạo NFT trên OpenSea, bạn nên chọn chain Polygon thay vì Ethereum nếu muốn tiết kiệm phần phí gas nhé.
Sau khi có được những NFT cho riêng mình rồi, bạn có thể hold làm kỉ niệm hoặc cũng có thể đem bán chúng trên các nền tảng. Với Opensea bạn có thể list ngay trên nền tảng để bán. Với NFT tạo ra từ ví Coin98 bạn cũng có thể list trên Opensea hoặc sàn Binance nhé!
Bạn có thể xem hướng dẫn mua bán NFT trên Binance qua bài viết: Hướng dẫn giao dịch NFT uy tín trên Binance.
Tổng kết
Vậy là mình đã hướng dẫn cho bạn cách để tạo NFT miễn phí cho riêng mình rồi. Nếu bạn gặp bất kỳ thắc mắc gì trong quá trình đúc NFT ở các nền tảng trên thì có thể để lại bình luận bên dưới. Đội ngũ MarginATM sẽ cố gắng hỗ trợ bạn sớm nhất có thể nhé!
Hy vọng bài viết đã cung cấp những thông tin hữu ích đến bạn trong quá trình đầu tư vào thị trường crypto.