Lần trước mình đã có chỉ cho anh em cách để Unlock Bootloader mọi máy Xiaomi, cho đến hôm nay hứng vẫn đang còn nên mình quyết định hướng dẫn anh em cách Up ROM cho nó đầy đủ, cho nó có đôi có cặp vì mình biết rằng kiểu gì Unlock Bootloader xong thì phải cài ROM.
Đối với các bạn chuyên gia, thành thạo hoặc có vọc vạch qua thì Up ROM có vẻ là rất đơn giản, nhưng với người mới thì không hề đơn giản nhé, vì mình đã từng trải nên sẽ hiểu cảm giác của mấy bạn chưa biết cách làm.
Vậy hôm nay, mình sẽ gửi đến các bạn bài viết cách Up ROM tất cả dòng máy Xiaomi nhé.
Lưu ý: Bài viết này đã khá cũ nên có thể không hiệu quả với những dòng máy Xiaomi mới. Nếu trong quá trình tham khảo có vấn đề bạn hãy xem bài mới hơn trong năm 2022 là Hướng dẫn up ROM Global để cài tiếng Việt, CH Play cho Xiaomi
Up ROM là gì ? Và tại sao lại cần Up ROM ?
1. Up ROM là gì ?
Up ROM là quá trình Up một bản hệ điều hành khác hoàn toàn so với bản hiện tại đang chạy trên máy điện thoại của bạn. Sau khi Up ROM xong thì toàn bộ quá trình dữ liệu cũ sẽ mất hoàn toàn (nếu đã sao lưu thì vẫn còn), máy bạn sẽ chạy lại hoàn toàn như máy mới.
2. Tại sao cần Up ROM ?
Thực ra không có lí do nào lại cần Up ROM, thực chất là chỉ có một lí do chính đáng nhất là những bạn nào mua máy xách tay từ nội địa Trung Quốc thì mới cần Up ROM để có Tiếng việt và dùng như một máy Android quốc tế. Còn lại, là những bạn ham học hỏi vọc vạch trên các máy Android nói chung và máy Xiaomi nói riêng, muốn cài các bản hệ điều hành cũng như MIUI mới hoặc cũ (vì đơn giản ai thích thì Up thôi, với mình Up ROM là niềm đam mê >;< ).
Các bước để Up ROM cho tất cả các máy Xiaomi
Trước hết bạn hãy chuẩn bị bản ROM tương ứng cần Up, dĩ nhiên bản ROM đó phải phù hợp với dòng máy bạn đang sử dụng. Bạn có thể tải ROM thông qua các trang cung cấp trên mạng như https://mifirm.net/, tải về lưu trữ trong thẻ nhớ điện thoại và nếu sau khi tải chúng có định dạng nén thì hãy giải nén trước khi thực hiện.
1. Điều kiện
- Điều kiện cần là máy Xiaomi của bạn đã được Unlock Bootloader, Pin trên 50% (để chắc chắn cho máy bạn nào pin yếu hay là chai thì nên cắm sạc đi nhé và quan trọng không kém là cần có một chiếc laptop hoặc PC nữa nhé.
- Điều kiện đủ là bạn hãy làm theo các bước như mình, nếu xem sơ sài không kỹ mà bị lỗi gì mình sẽ không chịu trách nhiệm ( lỗi nặng nhất bạn có thể gặp là bị Brick máy, tuy nhiên tỷ lệ bị không cao )
2. Điều kiện cài Recovery
Tùy mỗi máy sẽ có cách cài Recovery và bản Recovery khác nhau, ở bài này mình sẽ ví dụ vào chiếc Redmi Note 4 và 4X (Qualcomm).
Trước hết bạn phải tải file cài đặt Recovery ( TWRP ) tương ứng về máy tính hoặc laptop. Sau đó kích hoạt tùy chọn nhà phát triển và truy cập bật tính năng Gỡ lỗi USB trên điện thoại. Như vậy là bạn đã có điều kiện cần để cài Recovery rồi nhé.
Bạn đang hỏi tại sao lại phải cài Recovery cho máy Xiaomi, tất nhiên là phải cài nhé bạn, bởi vì Recovery hỗ trợ cài ROM (Up ROM) rất tốt. Mặc định máy bạn cũng có Recovery nhưng Recovery đó chỉ dùng để xóa dữ liệu giống như chức năng đặt lại dữ liệu gốc và sao lưu dữ liệu.
Nhân tiện cũng nói luôn là chúng ta có hai cách để Up ROM là Up bằng Recovery và Flash ROM bằng phần mềm Flash ROM.
Recovery là cách mình sẽ hướng dẫn ngày hôm nay và cũng là cách phổ biến nhất thế giới, còn Flash ROM chỉ dành cho trường hợp máy không có Recovery (đây chính là trường hợp bị Brick máy tức là mất hết tất cả dữ liệu kể cả Recovery và ROM cũng không còn). Cách này dễ hơn so với Recovery nhưng khá là thụ động vì phải bắt buộc có thêm máy tính nên ít người dùng, bạn có thể tìm hiểu thêm trên Google.
3. Bắt đầu cài Recovery
Bước 1: Sau khi có bộ file Recovery và đã giải nén ra máy tính, bạn hãy cắm cáp kết nối vào máy tính và tắt nhuồn điện thoại, mở chế độ FastBoot bằng cách nhấn tổ hợp tắt nguồn + giảm âm lượng giữ cho đến khi hiện logo fastboot.
Bước 2: Cài Recovery
Bạn mở file vừa giải nén, chạy file adb.exe cho nó chạy xong sau đó nhấn chạy file TWRP.bat sau khi chạy xong là bạn đã cài xong Recovery cho máy rồi đó.
Recovery bọn mình đưa ra ngày hôm nay là phần mềm TWRP bản 3.0.2, đối với các bản TWRP khác bạn làm tương tự.
Để biết chắc chắn bạn nhấn luôn tổ hợp phím lần này là nút nguồn và tăng âm lượng nhé (tầm 5s vẫn chưa được thả tay nhé ) sau khi tắt nguồn nó sẽ tự động lên nguồn bạn hãy thả nút nguồn ra nhưng vẫn giữ nút tăng âm lượng cho đến khi hiện Logo TWRP thì mới được thả nút tăng âm lượng.
Từ giờ trở đi sẽ không cần đến laptop/máy tính nữa.
- Lưu ý: Nếu cài bản ROM mới thì sẽ tự động xóa đi Recovery TWRP, lần sau bạn muốn cài ROM khác thì vẫn phải cài lại Recovery TWRP lại nhé )
4. Bắt đầu Up ROM
Bước 1: Làm quen với Recovery TWRP. Sau khi cài xong Recovery TWRP, bạn vào TWRP giao diện sẽ như thế này, rất dễ dùng và tiện lợi chứ không thực dụng như Flash ROM.
Nếu bạn chỉ đơn thuần là Up ROM tiếng Việt hay các bản ROM nào mà bạn cảm thấy thích, thì hãy chú ý đến các mục này của TWRP nhé, bao gồm:
- Install có chức năng cài các bản ROM cũng như các phần mềm mà bạn không thể cài một cách bình thường khi đang sử dụng máy.
- Wipe là để xóa dữ liệu của máy, bước này là rất cần thiết để xóa đi dữ liệu ROM đang sử dụng không bị xung đột với bản ROM mới mà chúng ta định cài.
- Backup chỉ là sao lưu dữ liệu ROM đang sử dụng đề phòng nếu như bạn không Up ROM thành công, do lỗi trong quá trình làm
- Restore sẽ đi đôi với backup chính là phục hồi lại dữ liệu đã backup.
- Reboot là khởi động nhanh vào các mục như fastboot, khởi động vào máy khi đã Up ROM thành công, Recovery khi đã thay đổi cài đặt của nó.
Bước 2: Để chắc chắn bạn nên backup lại dữ liệu trước khi cài bản mới để sau này nếu muốn restore lại cũng dễ dàng và nhanh chóng.
Bước 3: Sau khi backup xong, bạn vào Wipe và xóa đi dữ liệu ROM hiện tại bằng cách như ảnh dưới đây. Và đây cũng chính là lí do sau khi bạn wipe sẽ mất đi Recovery TWRP sau khi cài ROM khác.
- Lưu ý: không được tích vào Internal Storage khi mà không còn laptop/máy tính và không được tích vào MicroSD (vẫn được phép nếu như bạn muốn xóa dữ liệu trong thẻ nhớ)
Sau khi đã Wipe xong bạn chỉ việc chọn mục Install và cài bản ROM mà bạn muốn nhé, lưu ý không phải ROM nào bạn cũng có thể cài nhé, phải là ROM cho đúng máy của bạn nếu không sẽ bị lỗi và hậu quả phải cài lại từ đầu.
Một số điều nên biết khi Up ROM cho máy Xiaomi
Quá trình cài ROM mất bao lâu là tùy thuộc cấu hình máy của bạn nhé, với Redmi Note 4/4X thường là 3-5 phút. Sau khi cài xong máy sẽ báo Successful hoặc tương tự, giờ bạn có thể reboot lại máy vào System nhé, nếu máy có báo No OsInstall thì cũng vẫn cứ reboot nhé.
Lần đầu tiên khi mới cài ROM mới khởi động lại sẽ khá là lâu, mất tầm 5 phút. Khi khởi động xong thì bạn cứ active máy như lúc mới mua nhé. Trường hợp máy treo Logo Mi.com trên 10-15 phút là bạn phải xem lại nhé, có thể bạn đã cài không đúng bản ROM của máy bạn hoặc nếu bạn chắc chắn đúng ROM thì bạn hãy thao tác lại các bước cài ROM một lần nữa, có thể quá trình cài ROM bị lỗi, bạn có thể Restore lại ROM cũ.
Nếu như bạn không đủ can đảm làm tiếp thì bạn có thể nhờ vào chuyên gia, nói chung có thể là do lỗi trong quá trình bạn làm hoặc bạn đã cài phải ROM bị lỗi.
Như vậy là mình đã hướng dẫn cho bạn xong cách cài ROM tiếng Việt, quốc tế cũng như các bản ROM khác cho máy Xiaomi mà sau này bạn muốn. Nếu có gì chưa hiểu các bạn có thể để lại bình luận cho bọn mình giải quyết trong giới hạn của bọn mình nhé. Chúc các bạn thành công.