Bảng cân đối kế toán phản ánh toàn bộ tài sản hiện có và nguồn vốn của doanh nghiệp. Vậy bảng cân đối kế toán là gì?
1.Bảng cân đối kế toán là gì?
– Bảng cân đối kế toán là một báo cáo tài chính tổng hợp, phản ánh tổng quát toàn bộ tài sản hiện có và nguồn vốn để hình thành các tài sản của doanh nghiệp tại một thời điểm nhất định.
– Báo cáo tài chính phản ánh tổng hợp các số liệu tài chính quan trọng của doanh nghiệp trong một kỳ kế toán.
– Theo chế độ tài chính hiện hành, các báo cáo tài chính của doanh nghiệp bao gồm:
+ Bảng cân đối kế toán
+ Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh
+ Báo cáo lưu chuyển tiền tệ
+ Bản thuyết minh báo cáo tài chính
– Bảng cân đối kế toán phản ánh số liệu về giá trị toàn bộ các tài sản và nguồn vốn hiện có của doanh nghiệp tại thời điểm lập Báo cáo tài chính. Vì vậy, người ta coi bảng cân đối kế toán như một bức ảnh chụp nhanh toàn bộ nguồn lực tài chính của doanh nghiệp tại một thời điểm, thường là cuối năm, cuối quí hoặc cuối tháng.
2.Nội dung bảng cân đối kế toán
– Bảng cân đối kế toán bao gồm 2 phần: phần tài sản và phần nguồn vốn.
– Đối với phần tài sản:
+ Phần tài sản phản ánh giá trị của toàn bộ tài sản hiện có tại thời điểm lập báo cáo, thuộc quyền quản lí và sử dụng của doanh nghiệp.
+ Bao gồm: tài sản ngắn hạn và tài sản dài hạn.
– Đối với phần nguồn vốn
+ Phần nguồn vốn phản ánh nguồn hình thành các loại tài sản hiện có của doanh nghiệp tại thời điểm báo cáo. Qua đó cho biết doanh nghiệp có trách nhiệm pháp lí phải trả đối với khoản nợ là bao nhiêu và các chủ nợ biết được giới hạn trách nhiệm của chủ sở hữu đối với các khoản nợ của doanh nghiệp.
+ Bao gồm: nợ phải trả và nguồn vốn chủ sở hữu.
3.Nguyên tắc lập Bảng cân đối kế toán
Trên Bảng cân đối kế toán, các khoản mục Tài sản và Nợ phải trả phải được trình bày riêng biệt thành ngắn hạn và dài hạn, tùy theo thời hạn của chu kỳ kinh doanh bình thường của doanh nghiệp, cụ thể như sau:
* Đối với doanh nghiệp có chu kỳ kinh doanh bình thường trong vòng 12 tháng
– Đối với doanh nghiệp có chu kỳ kinh doanh bình thường trong vòng 12 tháng, thì Tài sản và Nợ phải trả được phân thành ngắn hạn và dài hạn theo điều kiện sau:
– Tài sản và Nợ phải trả được thu hồi hsy thanh toán trong vòng 12 tháng tới kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm, được xếp vào lọai ngắn hạn.
– Tài sản và Nợ phải trả được thu hồi hay thanh toán từ trên 12 tháng tới trở lên kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm, được xếp vào lọai dài hạn.
* Đối với doanh nghiệp có chu kỳ kinh doanh bình thường dài hơn 12 tháng
– Đối với doanh nghiệp có chu kỳ kinh doanh bình thường dài hơn 12 tháng, thì Tài sản và Nợ phải trả được phân thành ngắn hạn và dài hạn theo điều kiện sau:
– Tài sản và Nợ phải trả được thu hồi hay thanh toán trong vòng một chu kỳ kinh doanh bình thường, được xếp vào lọai ngắn hạn;
– Tài sản và Nợ phải trả được thu hồi hay thanh toán trong thời gian dài hơn một chu kỳ kinh doanh bình thường, được xếp vào loại dài hạn.
>>>Xem thêm Những lưu ý khi sử dụng báo cáo tài chính là gì?