Trong thực tế đời sống, giao tiếp, thuật ngữ lãnh đạo và quản lý ở nhiều thời điểm thường được sử dụng thay thế cho nhau bởi hoạt động lãnh đạo và quản lý lại có những chỗ tương đồng, xuất phát từ đặc trưng hướng đích trong việc đạt mục tiêu của tổ chức. Hoạt động lãnh đạo và quản lý gần như bổ sung, đan xen nhau mà không cản trở nhau. Cả hai đều được coi là hoạt động cần có kỹ năng, có yếu tố kinh nghiệm và cả những yếu tố mang tính thiên bẩm, là “nghệ thuật”, là khoa học và là một nghề.
Đào sâu vào sự khác biệt của hai hoạt động, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh, quản lý như một quá trình chấp nhận hiện trạng, tập trung vào kiểm soát nhằm đảm bảo thực hiện nhiệm vụ đúng quy định. Công việc thường thấy của nhà quản lý là lập kế hoạch, tổ chức nhân sự và kiểm soát. Ở mặt còn lại, lãnh đạo là quá trình gây ảnh hưởng đến một tập thể để đạt được mục tiêu chung. Người lãnh đạo cần có tầm nhìn xa, có khả năng xét đoán, tạo ảnh hưởng, truyền cảm hứng, động viên mọi người hoàn thành công việc trên cơ sở hướng tới viễn cảnh và giá trị chung.
Ở Việt Nam hiện nay, theo thể chế chính trị chung là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ. Sự lãnh đạo của Đảng giữ vị trí then chốt trong việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân và dẫn dắt chính quyền nhà nước quản lý đất nước. Nhà nước quản lý giữ vai trò làm phương tiện để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân trong công việc quản lý quốc gia và xã hội. Đặc biệt, trong thời kỳ đổi mới, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, mức sống và dân trí cũng ngày càng cao thì yêu cầu nâng cao sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, khắc phục những chỗ trùng dẫm, chồng chéo giữa lãnh đạo và quản lý sẽ ngày càng cấp thiết.
Để giữ vững vai trò lãnh đạo, Đảng phải luôn đứng trong hàng ngũ nhân dân, không thể đứng bên trên để quyết định mọi việc. Đảng phải bảo vệ và đề cao quyền lợi của nhân dân, vừa động viên thuyết phục, giúp nhân dân làm chủ vận mệnh của đất nước và của bản thân mình, luôn luôn tạo ra sự đồng tình và ủng hộ cao của nhân dân đối với đường lối, chính sách của Đảng. Thực hiện đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước thực chất là đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng.
Đối với Nhà nước, để thực hiện tốt vai trò quản lý, tổ chức bộ máy phải tiếp tục được hoàn thiện, hoạt động đồng bộ, hiệu quả; đồng thời phải không ngừng mở rộng sự tham gia của người dân trong hoạt động quản lý nhà nước.
ThS. Phạm Đức Toàn – Phó Chánh văn phòng Bộ Nội vụ