Bài viết này chúng ta cùng tìm hiểu về từ tượng hình, từ tượng thanh và cùng nhau phân tích ví dụ để hiểu rõ hơn tác dụng của nó.
1. Định nghĩa
1.1. Từ tượng hình
Là từ gợi tả hình ảnh, dáng vẻ, trạng thái của sự vật.
Ví dụ: Mũm mĩm, gầy guộc, lom khom, lon ton, lực lưỡng, ục ịch, …
Đây đều là những từ gợi tả hình ảnh, dáng vẻ, trạng thái của sự vật.
1.2. Từ tượng thanh
Là từ mô phỏng âm thanh của tự nhiên, của con người.
Ví dụ: Rào rào là âm thanh mô phỏng tiếng mưa, róc rách là âm thanh tiếng nước chảy, chíp chíp là tiếng chú gà con mới nở, hay ha ha, hi hi dùng để mô phỏng tiếng cười, …
2. Tác dụng của từ tượng hình, từ tượng thanh và lưu ý khi sử dụng
2.1. Tác dụng
Để dễ hiểu về tác dụng của từ tượng thanh và từ tượng hình, chúng ta hãy cùng xem qua 2 ví dụ dưới đây trước nhé!
Ví dụ 1:
“Chú bé loắt choắt
Cái xắc xinh xinh
Cái chân thoăn thoắt
Cái đầu nghênh nghênh.’
(Lượm, Tố Hữu)
Ví dụ 2:
“Cúc cu! Cúc cu! Chim rừng ca trong nắng
Im nghe! Im nghe! Ve rừng kêu liên miên
Rừng hát gió lay trên cành biếc
Lao xao! Rì rào! Dòng suối uốn quanh làn nước trôi trong xanh
Róc rách! Róc rách nước luồn qua khóm trúc
Lá rơi! Lá rơi! Xoay tròn nước cuốn trôi
(Nhạc rừng, Hoàng Việt)
Như chúng ta thấy, ở hai ví dụ trên, tác giả đã sử dụng rất nhiều từ tượng hình cũng như từ tượng thanh (từ gạch chân) trong thơ của mình, làm tăng tính cụ thể, sinh động của sự vật được miêu tả trong bài.
Qua đây chúng ta cũng nhận thấy được những tác dụng của từ tượng hình cũng như từ tượng thanh đó là:
- Làm gợi lên hình ảnh, âm thanh một cách cụ thể, sinh động, tăng giá trị biểu cảm.
- Từ tượng hình và từ tượng thanh thường được sử dụng trong văn miêu tả và tự sự, giúp cho mọi sự miêu tả trong văn hiện ra một cách sống động, tự nhiên, nhiều sắc thái màu sắc, góp phần tạo nên giá trị nghệ thuật cho tác phẩm.
2.2. Lưu ý khi sử dụng từ tượng hình, từ tượng thanh
Khi sử dụng từ tượng hình, tù tượng thanh chúng ta cần phải lưu ý những điều dưới đây:
- Có rất nhiều từ tượng hình, từ tượng thanh là từ láy, tuy nhiên không phải tất cả từ tượng hình, từ tượng thanh đều là từ láy.
- Không nên quá lạm dụng hai loại từ này, mọi biện pháp nghệ thuật, biện pháp tu từ đều có tác dụng của riêng mình, chúng ta chỉ nên sử dụng chúng khi cần thiết và sử dụng một cách thật hợp lý.
3. Ví dụ
3.1. Ví dụ từ tượng thanh – tượng hình trong văn học
Ví dụ 1
Bước tới đèo Ngang bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.
Lom khom dưới núi tiều vài chú,
Lác đác bên sông chợ mấy nhà.
Nhớ nước, đau lòng con quốc quốc,
Thương nhà, mỏi miệng cái gia gia.
Dừng chân đứng lại: trời, non, nước,
Một mảnh tình riêng, ta với ta.
(Qua Đèo Ngang, Bà Huyện Thanh Quan)
Những từ tượng hình (từ gạch chân), từ tượng thanh (từ in đậm) được sử dụng một cách hợp lý trong bài thơ, giúp cho bài thơ trở nên giàu sức biểu cảm, giàu hình ảnh.
“Lom khom, lác đác”, làm cho người đọc cảm nhận rõ sự đìu hiu của khung cảnh chiều tà nơi đây thông qua đó càng khắc họa rõ tâm trạng cô đơn, nhớ quê nhà của tác giả.
Ví dụ 2
Mặt lão đột nhiên co rúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu máo như con nít. Lão hu hu khóc…
(Lão Hạc, Nam Cao)
Tác giả đã thành công vận dụng từ tượng hình (từ gạch chân), từ tượng thanh (từ in đậm) trong đoạn trích trên để khắc họa càng thêm rõ nét tâm trạng đau khổ, cắn rứt của Lão Hạc sau khi bán đi cậu Vàng. Qua đó làm cho người đọc cảm nhận được nỗi lòng của nhân vật chính.
3.2. Ví dụ từ tượng thanh – tượng hình trong cuộc sống
Ví dụ 1: Lâu lâu mặc đồ lòe loẹt xíu cũng vui lắm mấy bạn!
Ở ví dụ này, ta có lòe loẹt là từ tượng hình.
Ví dụ 2: Tiếng chim hót ríu rít quanh khu rừng.
Ở ví dụ này, ríu rít là một từ tượng thanh, mô phỏng tiếng chim hót.
Ví dụ 3: Mấy bạn cừu ngủ khò khò hết rồi!
—-
Trên đây là những nội dung cơ bản về từ tượng hình, từ tượng thanh mà mình sưu tầm được, hy vọng qua bài viết này mọi người có thể hiểu được khái niệm từ tượng hình, từ tượng thanh cũng như những tác dụng của nó.
Gang Béc