Hỏi: Em đang có ý định mở một shop kinh doanh quần áo tại Hà Nội, đối tượng mà em hướng đến là khách hàng nam thanh niên, nhưng em đang băn khoăn không biết mở shop quần áo cần bao nhiêu vốn thì ổn? Và liệu kinh doanh quần áo có lãi không? Anh chị có kinh nghiệm mở shop và kinh doanh quần áo thời trang có thể chia sẻ giúp em thì tốt quá! Em cảm ơn rất nhiều.
Bạn Nguyễn Minh Đức, 22 tuổi – Hưng Yên
Trả lời:
Rất cảm ơn bạn Minh Đức đã tin tưởng và gửi câu hỏi về cho Blog Sapo. Về vấn đề mà bạn hỏi “Mở shop quần áo cần bao nhiêu vốn?” và “Mở shop quần áo có lãi không?” thì mình xin trả lời lần lượt như sau:
1. Mở shop quần áo cần bao nhiêu vốn?
Có rất nhiều thứ cần được xác định rõ ràng trước khi bạn muốn biết mình mở shop quần áo cần bao nhiêu vốn. Sau đây là những chi phí mở shop quần áo bạn cần phải biết:
1.1. Chi phí thuê mặt bằng
Việc đầu tiên khi xác định vốn để mở shop quần áo là bạn cần xác định được chi phí thuê mặt bằng. Nếu chưa có sẵn mặt bằng, bạn sẽ phải đóng tiền thuê nhà ít nhất là 3 tháng hoặc 6 tháng với giá dao động từ khoảng 5 đến 10 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, tại các thành phố lớn và các địa điểm “vàng”, giá thuê thường cao gấp rưỡi đến gấp đôi. Bạn cũng phải bổ sung thêm vào đó là các chi phí phụ như điện nước, an ninh, Internet,…
Mở shop thời trang cần bao nhiêu vốn?
Nếu số vốn mở shop quần áo của bạn ít, tốt nhất bạn không nên vội thuê địa điểm mở shop mà chỉ nên kinh doanh quần áo online để có thêm kinh nghiệm, vừa tiết kiệm vốn kinh doanh và tìm nguồn khách hàng tiềm năng cho mình trước.
Bán quần áo online bạn sẽ tiết kiệm được khá nhiều chi phí, và hàng nhập cũng không cần lấy quá nhiều, có thể để khách hàng order trước rồi nhập về sau cũng được.
Thay vì tốn chi phí thuê mặt bằng, tất cả bạn cần chỉ là một website bán hàng. Bạn cũng không cần phải biết lập trình, bởi có rất nhiều đơn vị cung cấp website bán hàng dựng sẵn trên thị trường, với giá chỉ khoảng 2,5 triệu/năm.
1.2. Chi phí nhập hàng
Để trả lời câu hỏi “Mở shop quần áo cần bao nhiêu vốn?” thì việc xác định chi phí nhập hàng là điều hết sức quan trọng. Thông thường, chi phí nhập hàng sẽ chiếm khoảng 60 – 70% số vốn mở shop quần áo.
Nhiều bạn khi mới bắt đầu vẫn thường thắc mắc mở shop quần áo lấy hàng ở đâu? Tại sao có nhiều shop thời trang họ nhập được quần áo đẹp thế… Bởi vì những chủ shop đó họ tìm được nguồn hàng tốt.
Thông thường, các shop kinh doanh thời trang ở khu vực phía Bắc thường lấy hàng tại Quảng Châu (Trung Quốc). Với nguồn hàng này phù hợp với những bạn có vốn mở shop quần áo lớn và quy mô cửa hàng lớn thì mới bõ công vì mất thời gian đi lại, nhiều rủi ro, tốn kém chi phí đi lại, vận chuyển.
Nếu kinh doanh ở quy mô vừa phải, bạn chỉ cần tìm mối buôn sỉ tại các chợ đầu mối quần áo thời trang như chợ Ninh Hiệp, chợ Đồng Xuân (Hà Nội), chợ An Đông (TP.HCM) hoặc các website bán buôn trên mạng.
Nếu bạn có tay nghề, kỹ năng và tính thẩm mỹ cao thì việc tự thiết kế sau đó đặt hàng ở các xưởng hoặc tìm nguồn hàng từ các xưởng may gia công để có nguồn hàng riêng, chất lượng tốt, những kiểu dáng độc đáo, mới lạ sẽ thuận lợi cho việc kinh doanh.
Mở shop quần áo nhỏ cần bao nhiêu vốn?
Nên lưu ý, nguồn hàng uy tín, các mặt hàng có chất lượng và giá cả là yếu tố chủ chốt quyết định thành bại trong kinh doanh bất cứ mặt hàng nào, không chỉ quần áo, thời trang. Do đó, để kinh doanh hiệu quả, dù trước mắt hay lâu dài bạn cần tìm được nguồn hàng uy tín, ổn định, chất lượng.
Nếu mở shop quần áo thời trang ngoài Bắc thì bạn có thể tham khảo:
- Kinh nghiệm bỏ sỉ quần áo chợ Ninh Hiệp
- Bí quyết nhập buôn quần áo thời trang chợ Đồng Xuân
Nếu mở cửa hàng kinh doanh quần áo trong Nam bạn có thể tham khảo:
- Kinh nghiệm nhập sỉ quần áo chợ đêm Hạnh Thông Tây
- Cách bỏ sỉ quần áo thời trang chợ An Đông
1.3. Chi phí thiết kế và trang trí cửa hàng
Ngoài chi phí mua hàng và tiền thuê mặt bằng, trong số vốn để mở shop kinh doanh bạn phải tính đến các khoản chi phí không cố định khác để trang trí, thiết kế cửa hàng như: sơn, sửa nhà, làm biển hiệu, cửa kính, mua giá, móc treo quần áo, tủ kệ đặt đồ, đèn điện, quạt, máy lạnh, ma nơ canh, gương…
Thông thường, các chi phí cho trang trí này có thể giới hạn trong khoảng từ 20 đến 30 triệu đồng. Nếu có thể thì hãy tìm các shop đang thanh lý hoặc chuyển nhượng để đỡ tốn chi phí sửa chữa và mua được các mặt hàng trang trí giá rẻ hơn so với giá mua mới hoàn toàn.
Trước tiên bạn có thể đọc bài Cách trang trí shop quần áo đẹp mê hồn khách hàng và xem sẽ cần những phụ kiện gì và cách trang trí như thế nào nhé!
Mở shop thời trang cần bao nhiêu vốn?
1.4. Chi phí thuê nhân viên và mua sắm thiết bị
Với câu hỏi “Mở shop quần áo cần bao nhiêu vốn?” thì bạn cũng cần tính cả chi phí thuê nhân viên và mua sắm thiết bị để có thể tính toán được chính xác số vốn để mở shop kinh doanh. Bạn có thể mất từ 5 – 10 triệu đồng/tháng để thuê thêm nhân viên, mua phần mềm quản lý cửa hàng thời trang khoảng 4 triệu cho 3 năm, các phần cứng như máy in hóa đơn, máy quét mã vạch cũng rơi vào tầm giá 3 triệu.
Có thể thấy để trả lời cho câu hỏi cần bao nhiêu vốn để mở shop quần áo thời trang bạn phải đi giải quyết các vấn đề về mặt bằng, nguồn hàng, nhân viên, trang thiết bị,… Nhìn chung, tùy vào hình thức kinh doanh mà bạn sẽ có những tính toán ban đầu hợp lý để xác định vốn mở shop quần áo của mình.
Tuyển nhân viên cũng là việc rất quan trọng khi mở shop quần áo
Theo lời khuyên của những người có kinh nghiệm, sự cạnh tranh trong lĩnh vực này rất khốc liệt và đòi hỏi bạn phải có vốn mở shop quần áo dài hạn. Hãy để vốn dự phòng tránh rủi ro, đừng “được ăn cả, ngã về không”, sẽ vô cùng mạo hiểm.
Nếu mở một shop có quy mô từ 80 đến 100 triệu đồng thì bạn phải có trong tay từ 120 đến 150 triệu đồng. Dù vậy, không nên dùng số vốn để mở shop quần áo này, mà số tiền cho đợt lấy hàng đầu tiên của bạn chỉ là khoảng 50% số tiền bạn có.
Ví dụ, định mở một shop quy mô 80 triệu thì chỉ nên bỏ ra khoảng 50 triệu và 30 triệu còn lại là vay mượn người thân, bạn bè để bạn có động lực, sức ép làm việc cũng như để dành dụm số tiền dư để trang trải các chi phí thời gian đầu, lấy hàng đợt sau.
2. Kinh doanh quần áo có lãi không?
Theo điều tra, nghiên cứu thị trường, tỷ lệ chi tiêu trung bình của mỗi cá nhân cho nhu cầu quần áo chiếm khoảng 14% tổng chi tiêu hằng ngày. Quần áo là nhu cầu thiết yếu của mỗi người, hơn nữa với xu hướng thích “ăn ngon mặc đẹp” như hiện tại bạn không cần lo lắng liệu kinh doanh quần áo có lãi hay không. Câu trả lời chắn chắn là có. Hãy xem một vài ví dụ dưới đây nhé!
2.1. Những người đã thành công
CEO Bùi Thị Ngát: Chị sinh năm 1990 ở vùng quê nghèo tỉnh Thái Bình. Chị là một trong số những người thành công từ công việc kinh doanh quần áo nhỏ lẻ. Với số vốn ít ỏi kiếm được từ công việc gia sư, chị đã mạnh dạn đầu tư nhập quần áo về bán ở chợ sinh viên.
Lĩnh vực kinh doanh khởi nghiệp này đã giúp chị có vốn và đầu tư sang nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nữa. Đến nay, chị đã gặt hái được rất nhiều thành công và được bình chọn là doanh nhân trẻ xuất sắc nhất khu vực Asean năm 2015.
Bà Phương Thảo – Tổng giám đốc của hãng hàng không Vietjet Air là một nữ tỷ phú đô la đầu tiên ở Việt Nam khởi nghiệp từ công việc bán quần áo. Khi đang là sinh viên năm thứ hai chuyên ngành kinh tế tài chính ở Nga, bà đã bắt đầu kinh doanh quần áo.
Với niềm đam mê, tư duy nhạy bén trong kinh doanh, bà đã kiếm được số tiền không nhỏ từ công việc này. Đây là bước đệm đầu tiên giúp bà thành công trong các lĩnh vực kinh doanh sau này và trở thành nữ doanh nhân thành đạt nhất tại Việt Nam.
Kinh doanh quần áo có lãi không?
Lại Huy Việt (Ba Đình, Hà Nội) là chủ của 2 cửa hàng quần áo có thu nhập 50 triệu đồng một tháng. Trước đây, anh làm thợ cắt tóc với mức lương thấp. Trong thời gian làm nghề cắt tóc, anh quan sát thấy nhiều người bán hàng qua mạng xã hội kiếm được lợi nhuận rất lớn. Nhận thấy kinh doanh online có tiềm năng phát triển, anh quyết định gom 5 triệu đồng tiền tiết kiệm của mình để bắt đầu kinh doanh.
Ban đầu, anh cũng sử dụng chiến lược giảm giá 30 – 40% như những cửa hàng khác đang áp dụng. Nhưng không thể cạnh tranh được với những cửa hàng có uy tín. Sau đó, anh nảy ra ý tưởng bán thấp hơn giá nhập. Anh bán một chiếc áo phông với giá 40.000 đồng lỗ 5.000 đồng so với giá nhập vào. Để mua được chiếc áo này, khách hàng cần mua thêm ít nhất một sản phẩm khác tại cửa hàng.
Mỗi sản phầm bán kèm anh sẽ lãi được từ 100.000- 300.000 đồng. Đây gọi là chiến dịch bán hàng không lợi nhuận nhưng thực chất với giá bán của những chiếc áo đi kèm anh đã thu lợi nhuận được gần 40 triệu đồng sau 1 tháng tổ chức chiến dịch này.
Vậy nên đừng mãi nhàu nhĩ với câu hỏi mở shop kinh doanh quần áo có lãi không? Chỉ cần bạn có đam mê, nhiệt huyết, sự cố gắng và có chiến lược kinh doanh hiệu quả thì chắc chắc bạn sẽ thành công.
2.2. Làm sao để kinh doanh quần áo có lãi?
Kinh doanh quần áo là một thị trường làm giàu tiềm năng được nhiều người theo đuổi. Nhưng không phải ai kinh doanh cũng có lãi, nên muốn thành công, bạn phải có chiến lược cụ thể trước khi bắt đầu khởi nghiệp.
- Khảo sát và tìm cho mình một thị trường ngách phù hợp
Khảo sát và tìm cho mình một thị trường ngách phù hợp
Bạn cần khảo sát thị trường tiêu dùng đang hướng đến là gì? Khảo sát mức sống của người dân khu vực xung quanh bạn, họ sẵn sàng chi bao nhiêu tiền để mua sắm quần áo. Trong vòng bán kính 5km, liệu có những shop khác cũng đang cạnh tranh sản phẩm với bạn không?… Khi đã trả lời được những câu hỏi này, bạn sẽ biết thị trường nào phù hợp với mình và có tiềm năng nhất.
- Định hình phong cách riêng cho shop quần áo
Để việc kinh doanh hiêu quả, quan trọng là shop quần áo cần có định hình phong cách riêng, có mặt hàng chuyên biệt. Bán đồ công sở, đồ cho học sinh sinh viên, đồ cho lứa tuổi trung niên hay trẻ em, chuyên thời trang đi biển, thời trang size lớn…
Bạn cũng cần tìm ra điểm khác biệt cho cửa hàng mình về chất lượng, mẫu mã phù hợp với xu hướng trên truyền hình, phim ảnh, ngoài đường phố. Sự khác biệt đó cũng có thể là vị trí và sự thuận tiện cho khách hàng hoặc đến từ dịch vụ, ví dụ: giao hàng tận nơi, giao hàng nhanh,…
Hãy đặt mình vào vị trí của khách hàng để có được chất lượng bán hàng tốt nhất và gặt hái thành công trong kinh doanh.
Mở shop quần áo có lãi không?
- Chất lượng sản phẩm phải tốt, đa dạng mẫu mã
Cho dù là mở shop bán quần áo trẻ em hay người lớn, đối tượng nam hay nữ, hàng Việt Nam xuất khẩu hay hàng Trung Quốc, Thái Lan, Nhật, Hàn,… thì bạn vẫn cần đảm bảo yếu tố chất lượng, đa dạng kiểu dáng, mẫu mã sản phẩm.
Ngoài nguồn hàng nhập, bạn cũng có thể kinh doanh quần áo thời trang tự thiết kế “ăn theo” những kiểu dáng đang hot trên thị trường. Và dù là sản phẩm nhập hay hàng thiết kế thì bạn cũng luôn phải đảm bảo tiêu chí đẹp, độc, lạ, giá cả phù hợp.
Đọc ngay bài viết Kinh nghiệm mở shop quần áo nếu bạn chưa sẵn sàng để bắt đầu.
- Lựa chọn địa điểm kinh doanh
Kinh doanh quần áo có lãi không, lãi nhiều hay ít một phần lớn cũng phụ thuộc vào địa điểm kinh doanh của bạn. Nên mở shop quần áo ở những nơi đông dân, hoặc những khu phố nhỏ giúp dễ dàng thu hút sự chú ý của khách hàng đến cửa hiệu của bạn.
Nếu cửa hàng cung cấp những mẫu quần áo trẻ trung, năng động, phù hợp cho lứa tuổi học sinh, sinh viên thì nên mở ở những khu gần các trường đại học, cao đẳng hoặc trung học phổ thông.
- Kinh doanh quần áo muốn có lời nhất định không thể bỏ qua thị trường online
45 triệu người Việt Nam thường xuyên online để tìm kiếm thông tin và mua hàng. Vậy nên bạn cần kinh doanh online ngay bây giờ để tiếp cận tập khách hàng tiềm năng của mình.
Bước đầu khi số vốn nhỏ, bạn có thể đăng sản phẩm và bán trên Zalo, Facebook. Có nhiều phương thức tiếp cận khách hàng như quảng cáo, like, share để được ưu đãi. Like, share, tag tên bạn bè để được nhận ưu đãi giảm giá 40-50% hoặc được tặng quà, tham gia các mini game nhận quà miễn phí là hình thức mang lại hiệu quả quảng cáo tốt nhất cho các chủ shop kinh doanh. Khi có vốn dư giả thì nên tạo website bán hàng để xây dựng thương hiệu riêng cho mình và giúp người dùng tin tưởng hơn.
3. Những sai lầm cần tránh khiến shop của bạn bị thua lỗ
Muốn kinh doanh quần áo hiệu quả cần tránh hàng tồn, hàng lỗi mốt vì rất khó bán và xoay vòng vốn. Do đó, nếu mới bắt đầu kinh doanh, đừng nhập hàng với số lượng quá lớn, chỉ nên nhập mỗi đợt một ít để thăm dò thị hiếu khách hàng. Đồng thời thường xuyên cập nhật mẫu mới, độc đáo và thay đổi theo mùa.
Bạn cần tránh hàng tồn và hàng lỗi mốt
Để tránh tình trạng tồn kho quá nhiều, khi bán hết một nửa lượng hàng nhập lần đầu tiên, bạn hãy mạnh dạn mở chương trình sale để giải phóng hàng tồn, nhập hàng mùa mới.
Lưu ý, đừng bao giờ áp dụng chiêu sale giả, trưng biển sale toàn bộ nhưng chỉ sale hàng lỗi mốt, nâng giá lên gấp đôi rồi treo biển giảm giá để câu khách vì dễ đánh mất niềm tin nơi khách hàng. Do đó, chỉ nên khuyến mãi với giá thực hoặc tặng kèm các sản phẩm ý nghĩa có giá trị sử dụng.
Khi kinh doanh quần áo, bạn nên chú ý tới các đối thủ xung quanh. Bạn cần có mức giá hợp lý, không quá chênh lệch với các đối thủ. Thêm vào đó, tuyệt đối không được vồ vập, nài ép khách mua sản phẩm. Hãy nhiệt tình giới thiệu các mẫu mới, giúp khách phối đồ đến khi chọn được sản phẩm ưng ý. Cho dù “khách chỉ ngắm chứ không mua” cũng nên tươi cười và cảm ơn khách.
Nhìn chung việc mở shop quần áo cần bao nhiêu vốn còn tùy thuộc vào phân khúc mà bạn kinh doanh, cách chọn nguồn hàng, thuê mặt bằng,… Nhưng về cơ bản, hãy tự hỏi xem đây có phải là mảng kinh doanh bạn nắm vững, bạn có năng khiếu và đam mê với thời trang hay không?
Ngoài ra bạn cũng cần xác định xem liệu mình có chịu nổi những rủi ro cố hữu của nghề kinh doanh thời trang hay không vì mọi ngành nghề kinh doanh đều gắn liền với rủi ro khi có những giai đoạn ế ẩm cao điểm, khi căng thẳng, khó khăn…