“Con người có số mệnh hay không?”, “số mệnh từ đâu mà có ” hay “có thể thay đổi được số mệnh hay không?”
Trong cuộc sống đôi khi chúng ta thường hay gặp những câu hỏi như: “con người có số mệnh hay không?”, “số mệnh từ đâu mà có ” hay “có thể thay đổi được số mệnh hay không?”. Để lý giải một cách rõ ràng những câu hỏi như thế này quả thật không phải là dễ. Bởi vì nếu con người sinh ra đã được định sẵn trong một khuôn hình của tạo hoá thì thật là vô lý. Như vậy sẽ không cần lao động, không cần suy nghĩ, số mệnh đã an bài thì tất mọi việc tự nhiên sẽ đến. Giàu có số, nghèo có số cố gắng cũng chẳng thay đổi được. Phàm mệnh nghèo, dù có để cho người đó được giàu sang thì cũng không được hưởng. Mệnh giàu sang thì dù có bắt nghèo khó lại sẽ gặp giàu sang. Nói như thế là tuyên truyền thiên mệnh không thể thay đổi, là chủ trương giàu nghèo do mệnh định đoạt, người nghèo thì cam chịu mệnh nghèo, còn người giàu cứ ung dung nhàn hạ thụ hưởng sự sung sướng?. Số làm Thủ tướng đợi đến ngày, đến giờ sẽ được phong chức Thủ tướng?. Hiểu như thế là sai lầm.
Sự thật hiển nhiên, nếu không suy nghĩ, không ham muốn, không lao động thì không có thành công. Bằng cách này hay cách khác con người vẫn luôn luôn phải làm việc, suy nghĩ để tồn tại và phát triển chứ không thể đợi số phận đưa đến. Để được làm Thủ tướng phải có tham vọng, phải tham gia hoạt động chính trị, phải cống hiến cho xã hội. Không ai tự nhiên sinh ra đã là kỹ sư, bác sỹ hay Thủ tướng. Chúng ta có thể khẳng định rằng không có số mệnh định sẵn. Như vậy sẽ có một câu hỏi khác được đặt ra, “nếu con người không có số mệnh, không tuân theo một quy luật nhất định thì tại sao những môn dự đoán học như Tử vi lại có thể dựa trên quy luật âm – dương ngũ hành để dự đoán chính xác được những sự việc xảy ra trong cuộc sống một con người?”.
Trước khi nói về Tử vi, tôi xin lạm bàn đôi lời về câu ngạn ngữ phương Tây khi lý giải về số phận của con người “gieo ý nghĩ được hành vi, gieo hành vi được thói quen, gieo thói quen được tính cách, gieo tính cách được số phận”- một sự lý giải rất lôgic, rất khoa học và hoàn toàn hợp lý. Môi trường xã hội, môi trường tự nhiên qua các mối quan hệ, qua các hoạt động giao tiếp, các hành vi ứng xử, các nhu cầu của cuộc sống hàng ngày, hàng giờ luôn luôn gây ảnh hưởng, tác động đến con người và ngược lại con người cũng tác động trở lại những môi trường đó theo cách riêng của mình. Từ sự tác động qua lại đó dần dần sẽ tạo ra những kết quả tương xứng và hình thành nên số phận của mỗi người. Một người lạc quan mạnh mẽ khi nhìn một nửa cốc nước sẽ nói “cốc nước vẫn còn một nửa”, trèo lên lưng chừng dốc sẽ nói rằng ” sắp đến rồi, chỉ còn một nửa quãng đường nữa thôi”. Ngược lại, người yếu đuối, bi quan trong những trường hợp đó sẽ nói ” chỉ còn một nửa cốc nước” hay ” mới đi được một nửa quãng đường, còn lâu mới đến”. Hoặc khi gặp khó khăn cản trở một người kiên quyết làm cho xong, một người bỏ dở giữa chừng. Cứ như vậy, cuộc đời của hai người ngày càng tách xa theo hai hướng khác nhau. Người lạc quan mạnh mẽ sẽ hoà nhập và lôi cuốn được những người có cùng phong cách sống vì “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, đó sẽ là một môi trường sôi động, vui vẻ. Mọi người xung quanh thấy được ở anh ta nguồn sức mạnh dồi dào có thể đương đầu được với mọi khó khăn gian khổ, như vậy anh ta sẽ là ứng cử viên sáng giá của ngôi vị lãnh đạo. Người yếu đuối bi quan, nhìn việc gì cũng chỉ thấy khó khăn, thất bại sẽ không thể cùng với mọi người làm việc lớn, khi gặp khó khăn anh ta sẽ là người đầu tiên rut lui, mọi người sẽ không tin tưởng vào anh ta. Càng ngày anh ta càng bị thu hẹp cơ hội thăng tiến, thu hẹp không gian sống. Ví dụ cụ thể như cùng rơi vào trạng thái buồn chán có người chọn biện pháp tự tử; có người uống rượu say, quậy phá rồi bị bắt; có người đi câu cá và trong lúc ngồi một mình suy nghĩ về sự việc đã tìm ra đường đi sáng sủa hơn; có người lại rủ bạn bè đi chơi cho quên sự buồn chán và trong chuyến đi họ đã vô tình tạo dựng được những mối quan hệ tốt đẹp để gây dựng sự nghiệp. Cũng là một sự việc nhưng với những tính cách khác nhau đã quy định những hành động khác nhau để cuối cùng tạo ra những số phận khác nhau. Những người không biết đối nhân xử thế kìm nén sự nóng giận, sẽ khiến người trên ghét bỏ, người dưới xa lánh. Hay như Khổng Tử nói: “có ba loại chết không phải do mệnh: thứ nhất, không nghỉ ngơi đúng lúc, đầy đủ; không ăn uống điều độ; lao lực quá độ dẫn đến bệnh tật mà chết. Thứ hai là thân thấp hèn mà hay phạm thượng; nghiện ngập vô độ; tham lam vô đáy, đó là bị hình phạt mà chết. Thứ ba, người yếu đuối mà lừa dối xúc phạm kẻ mạnh hơn, người không tự lượng sức mình hay giận dữ, thường chết vì binh khí”. Còn nhiều ví dụ thực tế quan sát được trong cuộc sống hàng ngày chứng minh và như vậy chúng ta không thể không đồng tình với nhau rằng số phận do tính cách tạo ra.
Trở lại cội nguồn của tính cách, đó chính là ý nghĩ. Ý nghĩ được hình thành từ những hoạt động trong môi trường sống, từ sự giáo dục. Ở trong nhung lụa và bơ sữa những người giàu có sẽ không biết được cảm giác thi vị của cuộc sống khi được ăn bát cơm nóng, hay bị hoa mắt vì đói mềm người và giá lạnh. Người giàu luôn sợ chết vì chết sẽ không còn được hưởng sự sung sướng. Quan tham đã có đủ mọi thứ thì lúc nào cũng lo sợ bị tố cáo, bị trị tội vì vậy phải che đậy bằng mọi cách. Những ý nghĩ đó luôn ám ảnh trong đầu họ và khi cơ hội đến nó sẽ biến thành hành động. Còn người càng nghèo thì càng không sợ chết, càng nghèo càng chịu nhiều vất vả, khổ cực, vì cuộc sống mưu sinh, không có thời gian để tưởng tượng quá nhiều về cái chết. Trong đầu họ chỉ có ý nghĩ mong sao có thật nhiều tiền để đỡ phải khổ. Cho nên tục ngữ đã có câu : “quan hỏi hình phạt, giàu hỏi tai nạn, dân thường hỏi về phát tài”. Để hướng thiện, hãy cho đứa trẻ một nền giáo dục tốt. Nền giáo dục tốt ở đây không có nghĩa là phải có điều kiện vật chất đầy đủ, trang thiết bị hiện đại, môi trường đẹp hay những giáo viên tài giỏi mà trước tiên chỉ cần những hành động, cử chỉ đẹp, những quyển sách hay với ngôn từ trong sáng, hướng thiện, những bản anh hùng ca của dân tộc có hình tượng của những con người cống hiến sức mình vì dân, vì nước. Những hành động tưởng chừng như đơn giản nhưng dần dần một cách vô thức thân thể của đứa trẻ sẽ thấm nhuần đến từng tế bào, từng mạch máu, những ý nghĩ, những hình ảnh đẹp về cuộc sống, về con người. Và như vậy một chuỗi mắt xích hành vi, thói quen, tính cách sẽ được hình thành. Số phận cũng sẽ được hình thành từ đây. Như Hồ Chí Minh đã từng nói: “Con người phần lớn do giáo dục mà thành”.
Khi nhận định về cuộc sống của một con người bằng những công cụ và phương pháp tư duy hiện đại đại đa số chúng ta không cần dùng đến Tử vi mà thường dựa trên cơ sở của việc phân tích tính cách, sức khoẻ, giáo dục, nền tảng gia đình, môi trường sinh sống và những quy luật vận động của xã hội……để đưa ra những kết luận có tính thuyết phục cao bởi sự tư duy lôgic tuân thủ những quy luật khách quan đã được khoa học và triết học hiện đại chứng minh sự đúng đắn như: có chí làm quan, có gan làm giàu; lợi nhuận cao thì rủi ro lớn; có thực mới vực được đạo; đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu; lượng đổi chất đổi, bản chất hai mặt của một vấn đề…..