Contents
- 1 1. LGBT là gì? Liên quan gì đến giới, giới tính không?
- 2 2. Cộng đồng LGBT gồm những ai?
- 3 3. Cờ LGBT có mấy màu, ý nghĩa là gì?
- 4 4. Pháp luật Việt Nam quy định về LGBT thế nào?
- 4.1 4.1 Bao giờ Việt Nam sẽ thừa nhận kết hôn đồng giới?
- 4.2 4.2 Cặp đôi đồng tính ở Việt Nam nhận con nuôi được không?
- 4.3 4.3 Người chuyển giới có được công nhận ở Việt Nam không?
- 4.4 4.4 Sau khi chuyển giới có phải làm lại CCCD không?
- 4.5 4.5 Người chuyển giới có được đăng ký kết hôn không?
- 4.6 4.6 Phạm nhân đồng tính có được giam giữ riêng không?
- 4.7 4.7 Cưỡng ép quan hệ đồng tính nam có phải hiếp dâm không?
1. LGBT là gì? Liên quan gì đến giới, giới tính không?
Cụm từ LGBT thường được sử dụng để chỉ các xu hướng giới tính của con người. Vậy LGBT là gì? Đây là một cụm từ viết tắt của các từ tiếng Anh gồm:
– Đồng tính nữ (Lesbian).
– Đồng tính nam (Gay).
– Song tính (Bisexual).
– Chuyển giới (Transgender).
Trong đó, xu hướng tình dục của những người thuộc LGBT khác với người dị tính hay còn có tên tiếng anh là Straight – người bị hấp dẫn bởi người thuộc giới tính trái ngược với mình.
Hiện không có định nghĩa cụ thể về xu hướng tình dục nhưng có thể hiểu đây là một dạng biểu hiện của việc hấp dẫn về mặt tình cảm hoặc tình dục hoặc thậm chí cả hai giữa những người cùng giới tính, khác giới tính hoặc thuộc cả hai giới tính hoặc nhiều hơn một giới.
Giới tính đang được định nghĩa tại khoản 2 Điều 5 Luật Bình đẳng giới năm 2006:
2. Giới tính chỉ các đặc điểm sinh học của nam, nữ.
Như vậy, có thể hiểu đơn giản, LGBT là từ viết tắt của các xu hướng tình dục gồm đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới.
2. Cộng đồng LGBT gồm những ai?
Để trả lời cho câu hỏi cộng đồng LGBT là gì thì cần phải biết các từ viết tắt của LGBT. Theo đó, các từ đó là Les, Gay, Bisexual và Transgender và được hiểu như sau:
– Les là đồng tính nữ. Những người này về sinh học thì là phụ nữ bình thường nhưng họ bị thu hút về mặt tình yêu lẫn tình dục (xu hướng tình dục) với những người phụ nữ khác – người có cùng giới tính với mình.
Hiểu một cách đơn giản là những người là Les họ là phụ nữ và họ yêu, muốn quan hệ tình dục với những người phụ nữ khác.
– Gay là đồng tính nam. Tương tự như đồng tính nữ, đồng tính nam là những nam giới có xu hướng tình dục thiên về những người mang cùng giới tính nam với mình. Bản chất họ vẫn là nam nhưng họ yêu và muốn quan hệ tình dục với những người khác cũng là nam.
– Bisexual là người song tính hoặc lưỡng tính. Đây là những người có giới tính nam hoặc nữ bình thường nhưng họ lại bị thu hút, hấp dẫn bởi cả hai giới (cùng hoặc khác giới với họ). Hiểu một cách đơn giản, mặc kệ họ là nam hay nữ thì họ đều có thể yêu và quan hệ tình dục với cả nam và nữ.
– Transgender là những người chuyển giới. Có thể hiểu, đây là thuật ngữ để chỉ một người về mặt sinh học thuộc giới tính này nhưng tâm lý lại nghĩ bản thân là người thuộc giới tính còn lại.
Hiểu một cách đơn giản, người chuyển giới là người đang có giới tính là nam hoặc nữ nhưng lại nghĩ bản thân mình thuộc giới tính nữ hoặc nam và đã phẫu thuật để chuyển sang giới tính mà họ mong muốn.
Do đó, cộng đồng LGBT được hiểu là cộng đồng của những người có xu hướng tình dục như trên. Và cộng đồng này gồm các cộng đồng nhỏ, phạm vi hẹp hơn như cộng đồng Gay, cộng đồng Les…
Trước đây, những người thuộc cộng đồng LGBT phải chịu sự kỳ thị của xã hội do sự khác biệt về xu hướng tình dục của mình. Thậm chí, có nhiều nước còn coi đây là một căn bệnh.
Tuy nhiên, hiện nay, cộng đồng LGBT đã càng ngày càng lớn mạnh khi càng ngày càng nhiều người “dám” công khai xu hướng tình dục của mình trước người khác cũng như với sự phát triển của khoa học đã chứng minh LGBT là hoàn toàn bình thường.
Đặc biệt, đến ngày 17/5/1990, tổ chức Y tế thế giới WHO đã chính thức loại bỏ đồng tính luyến ái ra khỏi danh sách bệnh tâm thần. Và sau đó, ngày 17/5 đã chính thức trở thành ngày quốc tế chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người thuộc cộng đồng LGBT.
3. Cờ LGBT có mấy màu, ý nghĩa là gì?
Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã công nhận và chấp nhận cộng đồng LGBT và cả hôn nhân đồng giới như: Argentina, Úc, Áo, Bỉ, Canada, Chile, Nam Phi, Colombia, Costa Rica, Đan Mạch, Ecuador, Phần Lan, Pháp, Đức, Iceland, Ireland, Malta, México, Hà Lan, New Zealand, Na Uy, Bồ Đào Nha, Nam Phi, Tây Ban Nha…
Cộng động LGBT có biểu tượng là cờ lục sắc hay còn gọi là cờ cầu vồng gồm 06 màu: Đỏ, cam, vàng, xanh lá cây, xanh dương và tím.
Cờ này được Gilbert Baker thiết kế cho ngày tự do của người đồng tính (Gay Freedom Day) tại San Francisco vào năm 1978 và có ý nghĩa là sự kết nối không giới hạn của cộng đồng và 06 màu của cờ cầu vòng thể hiện sự đa dạng của cộng đồng.
Đồng thời, màu cờ cầu vồng của cộng đồng LGBT thể hiện niềm hi vọng, khao khát được thể hiện mình cũng như công nhận của những người thuộc cộng đồng LGBT trên toàn thế giới.
Ngoài ra, từ màu trên cờ cầu vồng cũng mang ý nghĩa riêng, cụ thể:
– Màu đỏ: Tượng trưng cho dũng khí.
– Màu cam: Tượng trưng cho nhận thức và khả năng có thể xảy ra.
– Màu vàng: Tượng trưng cho thử thách.
– Màu xanh lá cây: Tượng trưng sự khích lệ, phấn đấu.
– Màu xanh dương: Tượng trưng cho niềm hi vọng, sự sẻ chia, đấu tranh và giúp đỡ lẫn nhau.
– Màu tím: Tượng trung cho sự hoà hợp, thống nhất và đoàn kết.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề LGBT là gì và các vấn đề khác liên quan, bạn có thể gọi ngay đến số 1900.6192 , các chuyên gia pháp lý của LuatVietnam sẽ hỗ trợ bạn.
4. Pháp luật Việt Nam quy định về LGBT thế nào?
Những thông tin ở trên có thể đã phần nào lý giải cho vấn đề LGBT là gì. Vậy ở Việt Nam, pháp luật có quy định thế nào về LGBT?
4.1 Bao giờ Việt Nam sẽ thừa nhận kết hôn đồng giới?
Tại Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000, khoản 5 Điều 10 quy định các trường hợp cấm kết hôn có giữa những người cùng giới tính. Và do đây là hành vi vi phạm pháp luật nên người nào vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 100.000 – 500.000 đồng theo điểm e khoản 1 Điều 8 Nghị định 87/2001/NĐ-CP (hiện văn bản đã hết hiệu lực).
Tuy nhiên, đến khoản 2 Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 đã quy định về vấn đề này như sau:
2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.
Đây có thể coi là một trong những bước tiến quan trọng trong việc tương lai Việt Nam có thể chấp nhận quan hệ hôn nhân đồng giới. Nếu trước đây, những người có cùng giới tính sẽ không được phép kết hôn với nhau.
Còn hiện nay, theo quy định trên, người đồng giới dù có kết hôn thì cũng chỉ không được pháp luật thừa nhận. Điều đó đồng nghĩa, những người đồng giới có thể làm đám cưới với nhau nhưng không được thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.
Và khi đó, những cặp đôi đồng tính trên mặt pháp luật sẽ không được xem là vợ chồng hợp pháp. Sau này, trong quá trình chung sống với nhau, nếu có tranh chấp về tài sản chung, nợ chung… thì cũng không được giải quyết theo nguyên tắc giải quyết tranh chấp giữa các cặp vợ chồng.
Như vậy, có thể thấy, so với quy định trước đây, hiện nay, pháp luật Việt Nam đã dần chuyển mình theo hướng “nới lỏng” hơn với quan hệ hôn nhân đồng giới. Tuy nhiên, cũng rất khó để biết chính xác thời điểm Việt Nam chấp nhận mối quan hệ hôn nhân đồng giới.
Bởi khi chấp nhận mối quan hệ này, các nhà làm luật cần phải cẩn trọng xem xét các hệ luỵ tiêu cực với xã hội cũng như phải đồng bộ tiến hành sửa đổi, bổ sung rất nhiều quy định liên quan đến vấn đề này.
4.2 Cặp đôi đồng tính ở Việt Nam nhận con nuôi được không?
Để trả lời cho câu hỏi này, cần xem xét quy định về điều kiện được nhận con nuôi và được nhận làm con nuôi của Luật Nuôi con nuôi. Cụ thể, theo khoản 3 Điều 8 Luật Nuôi con nuôi, một đứa trẻ chỉ được nhận làm con nuôi của 01 người độc thân hoặc của hai người là vợ chồng.
Trong đó, để được công nhận là vợ chồng, cặp đôi cần phải đáp ứng điều kiện nêu tại Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình: Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên, hai người tự nguyện kết hôn; không thuộc trường hợp bị cấm, không bị mất năng lực hành vi dân sự… và phải đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền.
Do Việt Nam chưa thừa nhận hôn nhân đồng giới nên cặp đôi đồng giới dù có làm đám cưới cũng không được xem là cặp vợ chồng hợp pháp. Do đó, nếu muốn nhận con nuôi ở Việt Nam, một trong hai người của cặp đôi đồng tình sẽ phải xin giấy xác nhận tình trạng độc thân và nhận con nuôi dưới hình thức là một người độc thân.
Để xem thêm các thủ tục để một trong hai người trong cặp đôi đồng tính nhận con nuôi, độc giả có thể xem thêm bài viết: Cặp đôi đồng tính có được nhận con nuôi không?
Nhìn chung, vấn đề LGBT là gì và các quy định khác liên quan đến LGBT tại Việt Nam hiện đang được quy định rời rạc, chưa cụ thể nên còn độc giả có thể liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp chi tiết nhất
4.3 Người chuyển giới có được công nhận ở Việt Nam không?
Trước đây, tại Nghị định 88/2008/NĐ-CP, Việt Nam cấm người đã hoàn thiện về giới tính thực hiện chuyển đổi giới tính từ nam sang nữ và ngược lại từ nữ sang nam. Tuy nhiên, đến Điều 37 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có quy định mới về vấn đề này:
Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.
Theo đó, mặc dù không nói rõ là có công nhận việc chuyển giới ở nước ngoài khi về Việt Nam không nhưng quy định này đã cho phép người chuyển giới được thay đổi đăng ký hộ tịch theo quy định của Việt Nam.
Đồng thời, người chuyển giới cũng được có quyền nhân thân: Quyền có họ tên, thay đổi họ tên, quốc tịch, giới tính… của mình phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi.
Do đó, mặc dù không có quy định cụ thể về việc công nhận người chuyển giới cũng như việc thực hiện chuyển giới khi đã hoàn thiện giới tính ở Việt Nam nhưng pháp luật Việt Nam cũng đã “mở” trong việc chấp nhận việc thay đổi họ tên, giới tính… của người chuyển giới tại Việt Nam.
4.4 Sau khi chuyển giới có phải làm lại CCCD không?
Căn cứ Điều 37 Bộ luật Dân sự nêu trên, người chuyển giới có quyền đăng ký lại họ tên, giới tính… của mình theo đúng giới tính đã chuyển. Do đó, việc có đính chính, thay đổi thông tin về hộ tịch của mình không phụ thuộc vào mong muốn của người chuyển giới.
Đồng thời, theo Điều 23 Luật Căn cước công dân, một trong các trường hợp phải đổi Căn cước công dân (CCCD) là khi xác định lại giới tính; thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên, đặc điểm nhận dạng; khi có yêu cầu…
Do đó, nếu đã chuyển giới và thay đổi thông tin hoặc có yêu cầu thì người chuyển giới hoàn toàn có thể đổi thẻ CCCD để phù hợp với giới tính sau khi đã chuyển giới của mình.
4.5 Người chuyển giới có được đăng ký kết hôn không?
Tương tự như trường hợp nêu trên, sau khi chuyển giới, người chuyển giới sẽ được thực hiện thay đổi quyền nhân thân phù hợp với giới tính mới. Do đó, nếu đáp ứng điều kiện về đăng ký kết hôn thì người chuyển giới hoàn toàn được quyền đăng ký kết hôn.
Trong đó, điều kiện đăng ký kết hôn được nêu tại Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình như sau:
– Độ tuổi: Nam từ đủ 20 trở lên, nữ từ đủ 18 trở lên.
– Nam, nữ tự nguyện kết hôn với nhau.
– Không bị mất năng lực hành vi dân sự.
– Không thuộc một trong các trường hợp bị cấm kết hôn: Kết hôn giả tạo, tảo hôn, cưỡng ép hoặc lừa dối hoặc cản trở kết hôn…
– Không kết hôn giữa những người cùng giới tính vì sẽ không được Nhà nước thừa nhận.
Do đó, nếu đã chuyển giới và làm các thủ tục liên quan đến thay đổi thông tin về nhân thân thì người chuyển giới hoàn toàn có thể đăng ký kết hôn với người khác khi đáp ứng các điều kiện đăng ký kết hôn nêu trên.
4.6 Phạm nhân đồng tính có được giam giữ riêng không?
Về việc giam giữ riêng phạm nhân đồng tính, khoản 3 Điều 30 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 nêu rõ:
3. Phạm nhân là người đồng tính, người chuyển đổi giới tính, người chưa xác định rõ giới tính có thể được giam giữ riêng.
Theo quy định này, người đồng giới có thể được hoặc không được giam giữ riêng. Chắc hẳn trong tương lai không xa, các nhà làm luật sẽ bổ sung thêm điều kiện, tiêu chuẩn để giam giữ riêng hoặc không giam giữ riêng phạm nhân là người đồng tính.
Do đó, so với quy định trước đây tại Luật Thi hành án năm 2010, Luật mới đã bổ sung thêm trường hợp có thể được giam giữ tại phòng giam riêng là phạm nhân đồng tính (trước đây không có quy định này).
4.7 Cưỡng ép quan hệ đồng tính nam có phải hiếp dâm không?
Các hành vi cấu thành Tội hiếp dâm được quy định tại Điều 141 Bộ luật Hình sự, sửa đổi, bổ sung năm 2017 gồm:
– Dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác.
– Thực hiện hành vi giao cấu (xâm nhập của bộ phận sinh dục nam vào bộ phận sinh dục nữ – theo hướng dẫn tại Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP) hoặc quan hệ tình dục khác (người cùng giới hoặc khác giới sử dụng bộ phận sinh dục hoặc tay, chân, lưỡi… xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, miệng, hậu môn người khác…) trái với ý muốn của nạn nhân.
Có thể thấy, một người phải chịu trách nhiệm về Tội hiếp dâm mà không phân biệt là nam hay nữ và đối tượng bị hiếp dâm là nam hay nữ. Do đó, nếu cưỡng ép quan hệ đồng tính nam thì nếu vi phạm đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự thì người đó vẫn phải chấp hành hình phạt tù theo quy định.
Trên đây là giải đáp về vấn đề: LGBT là gì? Nếu còn thắc mắc, độc giả vu lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.