Mang thai hộ là gì?
Mang thai hộ là khi người phụ nữ mang thai và sinh ra một em bé cho cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ khi họ mong muốn có con nhưng không thể mang thai được. Quá trình này diễn ra bằng cách tạo ra phôi từ trứng và tinh trùng của cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ thông qua thụ tinh trong ống nghiệm. Phôi của cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ sẽ được chuyển vào trong tử cung của người phụ nữ mang thai hộ.
Những ai cần đến mang thai hộ?
Khi một cặp vợ chồng chưa từng có con chung và có nguyện vọng có con nhưng người nữ dù có buồng trứng tốt bị một số bệnh lý làm cho họ không thể hoặc bị nguy hiểm khi mang thai và sanh đẻ. Đây là người nhờ mang thai hộ, và chỉ có thể nhờ mang thai hộ trong một số trường hợp sau:
- không có tử cung, hoặc có tử cung nhưng phát triển bất thường
- đã phẫu thuật cắt tử cung
- dính buồng tử cung nặng, không phục hồi
- sẩy thai nhiều lần
- mắc bệnh lý không thể mang thai(tim, phổi, thận,…) có xác nhận của bác sĩ chuyên khoa
Những ai có thể mang thai hộ?
Do quá trình mang thai hộ có nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ nên hiện tại pháp luật Việt Nam chỉ cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Theo khoản 3 Điều 95 Luật hôn nhân và gia đình 2014, người mang thai hộ phải có đủ các điều kiện sau:
- là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ
- đã từng sanh con
- ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ
Tỉ lệ thành công của mang thai hộ có cao không?
Khả năng thành công của phương pháp mang thai hộ tuỳ thuộc vào một số yếu tố:
- yếu tố quan trọng nhất là tuổi của người phụ nữ mang thai hộ, bởi vì tuổi càng trẻ thì chất lượng trứng càng tốt và tỉ lệ thụ thai càng cao
- chất lượng tinh trùng
- tình trạng sức khoẻ của người mang thai hộ; tuổi cũng là một yếu tố quan trọng vì khi người mang thai hộ càng lớn tuổi thì càng có nhiều nguy cơ khi mang thai cho cả người mang thai và em bé. Thống kê cho thấy phụ nữ trên 35 tuổi thường bị tiền sản giật và đái tháo đường trong thai kỳ hơn; cũng như cần hỗ trợ nhiều hơn khi sanh đẻ: sanh giúp hoặc mổ sanh.
Điều trị mang thai hộ diễn ra như thế nào?
Quá trình điều trị gồm các bước sau: (1) vợ chồng người nhờ mang thai hộ trải qua các bước trong thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm để lấy trứng, tinh trùng vào tạo phôi; (2) phôi được chuyển vào tử cung người mang thai hộ,nếu thành công sẽ trải qua (3) quá trình mang thai và sanh đẻ; sau đó (4) vợ chồng người mang thai hộ sẽ tiếp nhận em bé và thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng trẻ.
Có những nguy cơ nào khi thực hiện mang thai hộ?
Đối với người nhờ mang thai hộ là những người trực tiếp lấy trứng và tinh trùng tạo phôi nên sẽ có những nguy cơ tương tự với những bệnh nhân tham gia điều trị thụ tinh trong ống nghiệm.
Nguy cơ đối với người mang thai hộ là những biến chứng sản khoa: cao huyết áp, đái tháo đường thai kỳ, nhau tiền đạo, băng huyết sau sanh, mổ sanh,…
Mang thai hộ liên quan đến các vấn đề tâm lý, thể chất, cảm xúc, xã hội và pháp lý cho người mang thai hộ (và gia đình) và cặp vợ chồng người nhờ mang thai hộ (và gia đình) cũng như đứa trẻ được sinh ra bằng cách mang thai hộ. Do đó cần tư vấn pháp lý cũng như tư vấn tâm lý với các chuyên gia thật kỹ lưỡng trước khi thực hiện mang thai hộ.
Cần chuẩn bị những gì trước khi thực hiện mang thai hộ?
Các giấy tờ cần thiết cần chuẩn bị khi thực hiện mang thai hộ gồm:
- Đơn đề nghị được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ;
- Bản cam kết tự nguyện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo;
- Bản cam đoan của người đồng ý mang thai hộ là chưa mang thai hộ lần nào;
- Bản xác nhận tình trạng chưa có con chung của vợ chồng do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của vợ chồng nhờ mang thai hộ xác nhận;
- Bản xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm về việc người vợ có bệnh lý, nếu mang thai sẽ có nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người mẹ, thai nhi và người mẹ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản;
- Bản xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm đối với người mang thai hộ về khả năng mang thai, đáp ứng quy định đối với người nhận phôi theo quy định tại Khoản 4 Điều 5 Nghị định này và đã từng sinh con;
- Bản xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc người mang thai hộ, người nhờ mang thai hộ tự mình chứng minh về mối quan hệ thân thích cùng hàng trên cơ sở các giấy tờ hộ tịch có liên quan và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của các giấy tờ này;
- Bản xác nhận của chồng người mang thai hộ (trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng) về việc đồng ý cho mang thai hộ;
- Bản xác nhận nội dung tư vấn về y tế của bác sỹ sản khoa;
- Bản xác nhận nội dung tư vấn về tâm lý của người có trình độ đại học chuyên khoa tâm lý trở lên;
- Bản xác nhận nội dung tư vấn về pháp luật của luật sư hoặc luật gia hoặc người trợ giúp pháp lý;
- Bản thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo giữa vợ chồng nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ.
Mang thai hộ là một quá trình cực kỳ phức tạp, cần trải quá nhiều bước quan trọng đảm bảo các bên tham gia điều trị có quyết định tốt nhất – bao gồm tư vấn chuyên sâu, đánh giá tâm lý và hỗ trợ pháp lý độc lập. Khoa Hiếm muộn bệnh viện Hùng Vương đã xây dựng phác đồ theo đúng quy định của pháp luật để hỗ trợ những khách hàng có nhu cầu thực hiện được quá trình điều trị này.
Bài viết khác
- Quá trình hình thành và phát triển (13-09-2022)
- Ban Giám đốc qua các thời kỳ (13-09-2022)
- Sứ mệnh – Tầm nhìn – Cam kết – Chiến lược (13-09-2022)
- Sơ đồ tổ chức (13-09-2022)
- Thành tựu nổi bật năm 2021 (13-09-2022)