Chú mèo rừng tội nghiệp bị vận chuyển cả chặng đường dài từ Phú Yên ra Hà Nội. Nhiều người còn hỏi cần mua gì nữa không: thịt sơn dương, cheo, nhím, heo rừng…
Trong “Nhóm mua bán hàng núi rừng”, Facebook Hòa Vũ quảng cáo bán mèo rừng với giá mỗi cặp mèo 5 triệu đồng. Người này ở TP.HCM, nhưng mèo được chuyển ra Hà Nội từ Bình Định, chỗ bạn anh ta.
Chở mèo rừng bằng xe khách
Hòa Vũ gửi xem các clip về 3 lồng mèo rừng, mua con nào sẽ gửi con đó. Nhìn hình ảnh được chúng tôi chuyển đến, các chuyên gia xác định đây đều là loại mèo hoa báo. Hòa Vũ cho hay anh ta mua mèo của thợ săn, loại “baby” dễ thuần.
“Chuyển ra Hà Nội có sợ bị kiểm tra không?” – phóng viên hỏi. “Hên xui” – Hòa Vũ trả lời. Thỏa thuận xong, Hòa Vũ nói chỉ một ngày một đêm hàng sẽ tới và cho số điện thoại nhà xe. Anh ta dặn gọi điện thoại thì nói “thùng hàng gửi từ Phú Yên”.
Vậy là địa điểm gửi mèo đã được Hòa Vũ thay đổi từ Bình Định qua Phú Yên? Cũng như các mối buôn “hàng cấm” khác, người này rất kiệm lời, không tiết lộ tên và địa chỉ cụ thể.
Liên hệ nhà xe hỏi thùng hàng, tài xế ban đầu phủ nhận không có ai tên Hòa gửi mèo rừng. Khi nói thùng hàng gửi từ Phú Yên, tài xế mới nói có hàng, hẹn đầu giờ chiều ngày mai (ngày 21-5) nhận ở bãi A5, bến xe Nước Ngầm (Hà Nội).
13h ngày 21-5, phóng viên có mặt tại bến xe, gặp tài xế tài T., xe biển số 49B-009.xx, nói nhận thùng hàng ở Phú Yên. Sau một hồi loay hoay tìm, tài xế lôi ra một hộp cactông đựng mèo. Hộp méo mó, bên trên xé lỗ để mèo thở, có thể nhìn rõ con mèo hoa báo.
Tài xế liên tục nhắc cẩn thận, kẻo mèo nhảy ra, mèo rừng khỏe nên đụng vào dễ bị cắn. Ông ta nhận 300.000 đồng tiền vận chuyển, còn tiền mèo nói khách chuyển khoản cho người bán.
Cùng chiều hôm đó, phóng viên thử gọi điện lại cho nhà xe Tài Thắng báo muốn gửi 3 con sóc bụng đỏ ngược trở lại Phú Yên, tài xế đồng ý nhưng “hét” giá cước 500.000 đồng, đồng thời đưa ra lý do hàng cấm nên dễ bị kiểm tra.
“Cái này là hàng rừng, bị bắt ai đền bọn em. Hàng hôm trước phải giấu hết cỡ rồi, chị thấy để vào trong cùng mà họ cũng khui tìm thấy được. Hôm trước bị bắt hai lần rồi, qua nhiều chốt, Phú Yên cũng bắt, Diễn Châu (Nghệ An) cũng hay bắt lắm” – tài xế nói. “Thế con mèo rừng chuyển ra đâu có bị sao?” – chúng tôi hỏi.
“Gặp may, có người báo trước cửa sau. Hàng này hôm bị bắt, hôm không” – tài xế cho biết rồi giục khách mai cứ mang thùng sóc tới xem sao và hứa giảm giá cước.
Sau khi chú mèo được phóng viên thử nhập vai mua chuyển giao an toàn và đúng quy định cho đại diện Hạt Kiểm lâm số 2 (TP Hà Nội), ông Phạm Xuân Diệu, phó hạt trưởng, xác nhận: “Đây là mèo rừng. Nhưng để chắc chắn, chúng tôi sẽ gửi cho trung tâm bảo tồn giám định”. Ông Diệu bày tỏ sự vui mừng bởi được phóng viên góp sức giải cứu con vật tội nghiệp, đưa về nơi bảo tồn.
Trên các trang mạng, các “thượng đế” mua mèo rừng phần lớn bình luận để làm thú cưng vì độc, lạ hoặc làm mồi nhậu vì thịt ngọt, thơm. Tuy nhiên, trong điều kiện nuôi nhốt, mèo rừng rất dễ bệnh chết. Dưới bài quảng cáo có không ít than thở: “Mèo của tôi cũng bị tiêu chảy mà chết”.
Ngang nhiên rao bán bẫy thú
Ngoài việc dạy nhau cách phân biệt đâu là hàng rừng, hàng nuôi như “Hàng trại lúc nào cũng mập mạp, bự con với ngoan lắm.
Hàng rừng nhỏ hơn, dễ gì vuốt ve được”, “Hàng rừng bắt con non về bú sữa ngoài sao tốt được, con lớn thì nó vẫn ú ù, hung dữ là đúng rồi”…, đặc biệt trên chợ mạng thú rừng có nhiều đầu mối còn rao bán công khai các loại bẫy thú có tính sát thương cao, thậm chí dạy cách bẫy mèo rừng, sóc bụng đỏ, chồn, rắn, heo rừng.
Các nhóm “Tổng kho bẫy thú”, “Bẫy thú giá sỉ, lẻ”, “Bẫy chim, bẫy thú rừng 3 miền”… đăng bán đủ loại bẫy. Từ bẫy kiềng, cạp với hai hàm răng cưa sắc nhọn, chuyên bẫy lợn rừng, thú dữ; bẫy gậy có dây rút chân, cho đến bẫy lưới trùm úp sọt.
“Cạp 22cm, đánh heo rừng, hoẵng chỉ 55k đủ bàn. Bẫy lồng, kẹp bán nguyệt, bơm tay, em đủ cả” – lời rao kèm hình ảnh của nhóm “Tổng kho bẫy thú”.
Các tay thợ săn không ngại ngần đưa hình ảnh quảng cáo con thú tội nghiệp đã dính bẫy nằm vật ra đất, clip lợn rừng đang cố thoát, đại bàng núi, mèo rừng, chồn, sóc…
Nhóm “Thợ săn Bắc Giang” liên tục khoe thành tích bắt được rắn hổ, đồng thời quay clip dạy cách bắt rắn hổ sao cho không bị phun nọc độc.
Nhóm này còn dạy kinh nghiệm bẫy rắn sau mưa: “Bao giờ sau cơn mưa, rắn hổ cũng như tất cả các loại rắn khác đều ra ngoài đi ăn, đây là thời điểm anh em có thể đi thả lưới”.
Một số thợ săn khác lại chụp hình con vật tội nghiệp đã chết thảm trong bẫy và than thở “vì quên thăm bẫy một ngày mà hậu quả mất trắng” vì con vật đã chết. Hàng chết, hàng đông lạnh sẽ không bán được giá, nên cả người bán lẫn mua đều lo lắng.
Kể về manh khóe của thợ săn thú rừng, anh Nguyễn Văn Quỳnh, phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, cho biết: “Loại bẫy thợ săn hay dùng là bẫy cạp. Bẫy này được các thợ rèn chế tác với hai miếng thép có một hàm răng lược đan vào nhau và hai chếc lò xo cực mạnh nhằm giữ lấy chân con thú khi bẫy sập xuống.
Bẫy cạp rất nguy hiểm, chuyên săn các thú lớn, thợ săn thường cài theo lối mòn nơi con thú hay qua. Họ ngụy trang rất khéo bằng cách phủ lên một lớp lá khô để tránh phát hiện của con mồi và nhân viên kiểm lâm.
Một số khu rừng tự nhiên trên địa bàn huyện chỉ còn số ít loài hươu, nai, khỉ, lợn rừng. Trong một lần tuần tra, tổ công tác chúng tôi đã phát hiện một con khỉ mặt đỏ bị dính bẫy cạp. Nhìn con khỉ thật tội nghiệp khi sắp đứt hơi thở, chân gãy nát.
Chúng tôi phải thận trọng lắm mới gỡ được khỉ, sơ cứu và đem về nhờ bác sĩ thú y cứu chữa, tiêm thuốc, đắp lá. Nhiều tháng sau chúng tôi mới đem khỉ về trung tâm cứu hộ động vật hoang dã”.
(Còn tiếp)