Bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã phân tích, dẫn chứng làm rõ nhiều vấn đề về CNXH và con đường đi lên CNXH của nước ta rất khoa học, đầy đủ, toàn diện và thuyết phục; củng cố niềm tin sắt son cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta về con đường đi tới tương lai của dân tộc ta; tiếp tục khẳng định “Đi lên CNXH là khát vọng của Nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”. Xã hội XHCN mà Nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Giảng viên Nguyễn Thị Duyên trình bày tham luận tại buổi tọa đàm bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam” do Trường Chính trị tỉnh tổ chức. (Ảnh: Phan Nga)
Trong bài viết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh đến xây dựng xã hội XHCN ở Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đây là một đặc trưng tổng quát của CNXH, là mục tiêu cụ thể trong từng bước đi và cũng là đích đến cuối cùng của công cuộc xây dựng CNXH nước ta.
“Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” là một chỉnh thể được cấu thành bởi 5 mục tiêu tồn tại trong mối quan hệ thống nhất. Đây là kết quả của quá trình kế thừa, vận dụng lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào tổng kết thực tiễn cách mạng, vào công cuộc đổi mới của Việt Nam.
Về mục tiêu “Dân giàu”
CNXH chỉ trở thành hiện thực khi chủ thể xã hội là người dân giàu có, sung túc về vật chất, là cơ sở để thỏa mãn nhu cầu tinh thần ngày càng đa dạng, phong phú. Thành tố thứ nhất trong đặc trưng này cũng là sự bác bỏ các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch khi họ cho rằng, CNXH “chia đều sự nghèo khổ cho người dân”. Việc xác định trên cũng là sự vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về mục tiêu của CNXH trong bối cảnh mới của thời đại. Vấn đề này, chính Hồ Chí Minh đã từng đề cập, khi Người cho rằng, “Nếu nước độc lập mà dân không hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”[1]; “Mục đích của CNXH là gì? Nói một cách giản đơn và dễ hiểu là: không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, trước hết là Nhân dân lao động”[2].
Vì vậy, trong bài viết của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã rất nhiều lần, nhấn mạnh đến mục tiêu của CNXH phải vì lợi ích của Nhân dân, đem lại hạnh phúc cho Nhân dân, như: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người”; “chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về Nhân dân, do Nhân dân và phục vụ lợi ích của Nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có”. “Xã hội XHCN là xã hội hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, dựa trên nền tảng lợi ích chung của toàn xã hội hài hoà với lợi ích chính đáng của con người”.
Về mục tiêu “Nước mạnh”
Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định, con đường cách mạng vô sản, độc lập dân tộc gắn liền với CNXH nhằm đưa Việt Nam thoát khỏi thân phận thuộc địa, khỏi tình cảnh nước nhược tiểu, vươn lên sánh vai với các cường quốc năm châu. Nhận thức rõ điều đó Đảng ta đã khẳng định: “Có CNXH, Tổ quốc ta mới có kinh tế hiện đại, văn hóa khoa học tiên tiến, quốc phòng vững mạnh; do đó bảo đảm cho đất nước ta vĩnh viễn độc lập tự do và ngày càng phát triển phồn vinh”[3]
Một quốc gia mạnh là mạnh cả về kinh tế, chính trị, văn hoá lẫn an ninh, quốc phòng, đối ngoại. Đây là sức mạnh tổng hợp, mạnh trong việc xây dựng kinh tế phát triển, văn hoá phát triển, chính trị ổn định, quốc phòng và an ninh vững chắc, mạnh trong việc nâng cao vị thế quốc tế của đất nước và dân tộc.
Và nước mạnh chỉ trở thành mục tiêu của CNXH khi “nước” là nước của Nhân dân, do Nhân dân làm chủ; khi nước mạnh là điều kiện để Nhân dân được hưởng hòa bình, tự do, ấm no, hạnh phúc.
Về mục tiêu “Dân chủ”
Nếu như Văn kiện Đại hội X của Đảng, mệnh đề “công bằng” để trước mệnh đề “dân chủ” thì nay “dân chủ” được để trước “công bằng”. Sự điều chỉnh này về thực chất phản ánh chính xác hơn bản chất của chế độ ta bởi chế độ đó là chế độ dân chủ. Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”[4]. Sự điều chỉnh trên đây cũng phù hợp thực tế khách quan bởi, một chế độ dân chủ, tất yếu sẽ có công bằng. Hơn nữa, trong bối cảnh mới của đất nước và thời đại, dân chủ là một trong những giá trị lớn mà nhân loại theo đuổi, nó vừa là mục tiêu, đồng thời là động lực phát triển của xã hội.
Trong bài viết của mình, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng cũng đã nhấn mạnh:“Dân chủ là bản chất của chế độ XHCN, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc xây dựng CNXH; xây dựng nền dân chủ XHCN, bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về Nhân dân là một nhiệm vụ trọng yếu, lâu dài của cách mạng Việt Nam. Chúng ta chủ trương không ngừng phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN thực sự của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, trên cơ sở liên minh giữa công nhân, nông dân và trí thức do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo”.
Đặc biệt, việc xác định đặc trưng “Nhân dân làm chủ” còn là sự bác bỏ có căn cứ đối với các luận điệu của các thế lực thù địch khi cho rằng, chế độ ta không dân chủ, “là toàn trị”, là “chuyên chế”,..
Về mục tiêu “Công bằng”
Trong khi khẳng định công cuộc đổi mới là để CNXH được xây dựng đúng đắn và hiệu quả hơn thì phải thực hiện tốt nguyên tắc công bằng xã hội. Trong gian khổ của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã căn dặn “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng”. Mục tiêu của CNXH là xóa bỏ áp bức, bất công, và những cơ sở nảy sinh áp bức bất công. Công cuộc đổi mới phải thấm nhuần, hướng tới và làm cho được điều đó.
Dân giàu, nước mạnh mà thiếu công bằng sẽ gây ra bất công xã hội và bất bình xã hội. Từ đó, xã hội sẽ rất dễ hỗn loạn, xung đột và hậu quả là khó có thể trở thành một nước giàu mạnh thực sự. Hơn nữa, nếu một xã hội không có công bằng, thì chắc chắn sẽ khó có dân chủ. Dân chủ chỉ có thể hình thành trong một môi trường bình đẳng. Chính vì lẽ đó, xây dựng CNXH chính là xây dựng một môi trường công bằng và tiến bộ.
Chính vì vậy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không ít lần nhắc đến cụm từ “công bằng” trong bài viết của mình:“tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển”; “Quan hệ phân phối bảo đảm công bằng và tạo động lực cho phát triển”…
Về mục tiêu “Văn minh”
“Văn minh” được xem như một mục tiêu, tiêu chí của CNXH trong công cuộc đổi mới. Với tính cách đặc trưng của CNXH, nội dung khái niệm “văn minh” không chỉ là văn minh vật chất- kỹ thuật mà còn là văn minh tinh thần, không chỉ là văn minh trong quan hệ giữa người với thiên nhiên mà còn là văn minh trong quan hệ giữa người với người, văn minh trong tổ chức xã hội, văn minh trong chất lượng cuộc sống và lối sống. “Đó là nền văn minh của một xã hội “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ,”, nền văn minh của một xã hội do Nhân dân làm chủ. Nền văn minh XHCN ở Việt Nam là kết quả của sự kế thừa những thành tựu của văn minh nhân loại kết hợp với sự kế thừa những giá trị tốt đẹp của truyền thống dân tộc. Xã hội XHCN phải là một xã hội hiện đại, văn minh, giàu bản sắc dân tộc”[5].
Như vậy, “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” là những mục tiêu không tách rời nhau, bổ sung cho nhau, mục tiêu này làm cơ sở, điều kiện, tiền đề cho mục tiêu kia. Đó là những mục tiêu lâu dài, những giá trị bền vững, từng bước được hiện thực hóa trong quá trình đổi mới đất nước trên con đường XHCN ở nước ta. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định “Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới. Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Đại hội XIII đã khẳng định, Cả dân tộc Việt Nam đang hòa nhịp vào dòng chảy của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế với “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc “phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng XHCN”[6].
Khát vọng thiêng liêng, lớn lao đó chỉ có thể được thực hiện khi chúng ta vững bước trên con đường đi lên CNXH, với sự chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều có ý nghĩa đặc biệt quan trọng là phải truyền cảm hứng để hiện thực hóa khát vọng. Chính vì vậy, đối với đội ngũ cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa ngày càng nhận thức sâu sắc hơn về những vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam mà đồng chí Tổng Bí thư đã trình bày. Qua đó, nhận thức được vai trò của mình trong việc vận dụng vào giảng dạy, nghiên cứu khoa học, đặc biệt phải lan tỏa niềm tin cho học viên về con đường đi lên CNXH. Truyền cảm hứng đến cho mỗi học viên của mình, để mỗi học viên nêu cao ý thức, trách nhiệm rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tích cực tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố niềm tin tưởng tuyệt đối của cán bộ, đảng viên và Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, kiên quyết đấu tranh với các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch.
Nhưng muốn lan tỏa được niềm tin, truyền cảm hứng đến học viên thì đội ngũ cán bộ, giảng viên Nhà trường phải thực hiện tốt việc nêu gương, rèn luyện phẩm chất nhà giáo, nâng cao chất lượng bài giảng, lan tỏa những việc làm tốt đẹp của mình đến học viên và mọi người. Từ đó, góp phần quan trọng vào hiện thực hóa mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dâm chủ, công bằng, văn minh” mà Đảng ta đã đề ra.
Th.s Nguyễn Thị Duyên
Khoa Lý luận cơ sở, Trường Chính trị tỉnh
[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H, 2011, tr 64
[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 13, Nxb CTQG, H, 2011, tr 30
[3] ĐCSVN (1977)Báo cáo chính trị của BCH TƯ Đảng tại ĐHĐBTQ lần thứ IV, tr 40,41.
[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb CTQG, H, 2000, tr 515
[5] Trần Hữu Tiến(2007)”Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, Tạp chí Cộng sản
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện ĐHĐBTQ lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự Thật, Hà Nội 2021, t1,tr.112