Trong bài viết này đề cập đến việc trong tai bị ngứa thật sự chứ không phải chuyện “ngứa tai” khi nghe một điều gì đó “không lọt lỗ nhĩ”. Ai cũng có thể bị ngứa tai, ngứa “muốn gãi” một vài lần trong đời. Có nhiều nguyên nhân khiến bạn bị ngứa lỗ tai, từ nguyên nhân tại chỗ cho đến nguyên nhân toàn thân. Khi hiểu được nguyên nhân nào đang gây ngứa lỗ tai thì bản thân sẽ bớt lo lắng và có hướng xử trí phù hợp.
Bạn khó có thể làm hết ngứa tai nếu chưa biết rõ nguyên nhân cụ thể. Để “thấu hiểu”, hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu 8 nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng này ngay trong bài viết sau:
1. Ngứa lỗ tai do nhiễm trùng
Viêm tai giữa trong đợt cảm lạnh hoặc cảm cúm do virus, sau đó có thể bội nhiễm vi khuẩn. Đôi khi, triệu chứng ngứa trong tai là do tai bị nhiễm trùng và cũng là dấu hiệu cho thấy nhiễm trùng đang tiến triển. Trong trường hợp này, bạn nên đi khám để được điều trị, tránh biến chứng thủng nhĩ, trở thành viêm mạn tính hoặc các biến chứng nội sọ nguy hiểm khác. Khi tai giữa bị viêm, màng nhĩ bị thủng, dịch viêm chảy ra ống tai có thể gây viêm ống tai và kích ứng gây ngứa lỗ tai.
Bên cạnh đó, viêm ống tai ngoài cũng có thể xảy ra nếu nước bị đọng trong tai hoặc ráy tai tích tụ quá nhiều, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Để phòng ngừa tình trạng này, bạn nên tránh để nước đọng trong tai, lấy ráy tai đúng cách. Nhờ bác sĩ tư vấn nếu thấy viêm có xu hướng nặng lên. Khi đó, bác sĩ sẽ làm sạch ống tai và làm thuốc tai cho bạn. Một số loại thuốc kháng sinh nhỏ tai, kể cả kháng sinh uống được sử dụng để khống chế nhiễm trùng.
2. Ngứa trong lỗ tai do tai quá khô
Bình thường, da ống tai luôn có một độ ẩm nhất định do chất bã nhờn tiết ra bao phủ bề mặt để bảo vệ ống tai. Chất này đặc như sáp và thường được gọi là ráy tai. Ráy tai sinh lý đó sẽ “thu gom” các tế bào chết, bụi mịn, vi khuẩn… bám trên ống tai và dần dần khô đi, sau đó tự rớt ra ngoài mà không cần phải “khai quật” bởi tăm bông và móc ráy.
Nếu bạn vệ sinh tai quá mức, làm mất hết màng ráy bảo vệ thì da ống tai sẽ bị khô đi, kích ứng gây ngứa và suy yếu sức đề kháng, tạo điều kiện để vi khuẩn và vi nấm tấn công. Một số người, do cơ địa, tế bào chế tiết của da ống tai hoạt động kém hiệu quả, không cung cấp đủ bã nhờn để duy trì độ ẩm, khiến tai bị khô, dễ kích ứng gây ngứa ngáy trong tai. Ở những người này, triệu chứng dễ nhận biết nhất là da vùng cửa tai hay bị bong tróc.