PHẦN 1: GIỚI THIỆU CHUNG VỀ TOÀN CẦU HÓA KINH TẾ 1.1 Khái niệm toàn cầu hóa…………………………………………………….5 1.2 Bản chất của toàn cầu hóa…………………………………………….…..7 1.3 Khái niệm toàn cầu hóa kinh tế……………………………………………9 1.4 Những đặc trưng cơ bản của toàn cầu hóa kinh tế……………………..…10 PHẦN 2: NHỮNG NGUYÊN NHÂN CHỦ YẾU CỦA TOÀN CẦU HÓA KINH TẾ 2.1 Sự phát triển cao của lực lượng sản xuất..……………………….………18 2.2 Sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế thị trường……………………………22 2.3 Sự gia tăng của các vấn đề toàn cầu trong bối cảnh thế giới kết thúc chiến tranh lạnh bước vào thời kỳ hòa bình hợp tác và phát triển………..………..…24 2.4 Sự phát triển mạnh mẽ của các công ty xuyên quốc gia……..…………..29 PHẦN 3: HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ CỦA VIỆT NAM 3.1 Những cơ hội và thách thức của Việt Nam khi hội nhập vào nền kinh tế thế giới…………………………………………………………………………….. 34 3.2 Giải pháp hội nhập ……………………………………………………….36 PHẦN 1: GIỚI THIỆU CHUNG VỀ TOÀN CẦU HÓA KINH TẾ 1.1 Khái niệm toàn cầu hóa Trên thực tế hiện nay, trong nghiên cứu cũng như trên các diễn đàn quốc tế, cách tìm hiểu về toàn cầu hóa còn rất khác nhau. Điểm lại các tài liệu trong và ngoài nước bàn về toàn cầu hóa, một số quan niệm phổ biến sẽ được đề cập sau đây: Thứ nhất, toàn cầu hóa là biểu hiện, là kết quả của sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng sản xuất dẫn đến phá vỡ sự biệt lập của các quốc gia, tạo ra mối quan hệ gắn kết, tương tác và phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia, dân tộc trên quy mô toàn cầu trong sự vận động phát triển. Quan niệm trên chưa có sự phân biệt giữa toàn cầu hóa và quốc tế hóa. Có ý kiến nhấn mạnh khía cạnh quan hệ sản xuất, xem toàn cầu hóa là một giải pháp về quan hệ sản xuất để phù hợp với lực lượng sản xuất nhưng chưa làm rõ đó là quan hệ sản xuất nào nên chưa rõ ràng về bản chất của toàn cầu hóa. Thứ hai, toàn cầu hóa là giai đoạn cao của quá trình phát triển lực lượng sản xuất thế giới, là kết quả phát triển tất yếu của kinh tế thị trường và khoa học công nghệ. Những người theo quan điểm này nhấn mạnh khía cạnh phát triển lực lượng sản xuất khi xem xét bản chất của toàn cầu hóa. Đúng là toàn cầu hóa phản ánh sự phát triển lực lượng sản xuất trên quy mô toàn cầu, song vấn đề cơ bản lại ở chỗ bản chất của các hoạt động kinh tế này thì chưa được làm rõ. Vì vậy, hạn chế của quan điểm này là khó lý giải những hiện tượng phản đối, chống lại toàn cầu hóa. Thứ ba, toàn cầu hóa là xu hướng bắt nguồn từ bản chất của hệ thống kinh tế thị trường là hệ thống mở, không bị giới hạn bởi các đường biên giới và ranh giới dân tộc, chủng tộc và tôn giáo. Nói cách khác, toàn cầu hóa là quá trình tự nhiên đi tới cộng đồng toàn thế giới của những người lao động tự do và phát triển toàn diện. Thứ tư, Ủy ban Châu Âu cho rằng: “Toàn cầu hóa có thể được định nghĩa như là một quá trình mà thông qua đó, thị trường và sản xuất ở nhiều nước khác nhau đang trở nên ngày càng phụ thuộc lẫn nhau do có sự năng động của việc buôn bán hàng hóa và dịch vụ cũng như do có sự lưu thông tư bản và công nghệ. Đây không phải hiện tượng mới mà là sự kế tục của một tiến trình đã được khơi mào từ khá lâu.” Theo quan niệm trên, thực chất toàn cầu hóa là toàn cầu hóa kinh tế. Thứ năm, theo Asfan Kumssa, toàn cầu hóa là một sự liên kết kinh tế thề giới, theo đó những gì đang diễn ra ở một phần thế giới đều có thể tác động đến môi trường kinh tế, xã hội và cách sống của các cá nhận, cộng đồng ở những nơi khác trên thế giới. Toàn cầu hóa là việc hình thành một chuỗi các mối liến kết và ràng buộc giữa các chính phủ và các xã hội tạo lập nên hệ thống thế giới hiện đại. Đồng thời, toàn cầu hóa cũng được nhìn nhận trên nhiều cấp độ khác nhau: Thứ nhất, toàn cầu hóa xem xét trên cấp độ của nền chính trị thế giới. Theo Steve Smits và John Bayles, hiện đang có ba loại quan điểm chủ yếu về toàn cầu hóa. Đó là quan niệm của những người theo chủ thuyết thực tế; của những người theo chủ thuyết tự do và những người theo chủ thuyết hệ thống thế giới về nền chính trị thế giới. Những người theo chủ thuyết thực tế và thực tế mới cho rằng toàn cầu hóa không làm biến đổi sự phân chia lãnh thổ thế giới thành các quốc gia dân tộc. Mặc dù tính liên kết ngày càng tăng giữa các nền kinh tế và xã hội có thể làm chúng phụ thuộc lẫn nhau nhiều hơn nhưng điều này không thể áp dụng cho hệ thống các quốc gia. Các quốc gia vẫn giữ được chủ quyền và toàn cầu hóa không làm mất đi cuộc tranh giành thế lực chính trị giữa các quốc gia. Những người theo thuyết tự do và tự do mới coi toàn cầu hóa là thành phẩm cuối cùng của một số biến đổi lâu dài nền chính trị thế giới. Toàn cầu hóa đang làm đổ vỡ căn bản những nhận định, đánh giá của những người theo chủ thuyết thực tế, vì các quốc gia không còn là các tác nhân trung tâm như trước đây nữa. Họ quan tâm đến cách mạng công nghệ và thông tin liên lạc, cho rằng các quốc gia không còn là những đơn vị khép kín như trước đây nữa mà thế giới giống như một mạng lưới quan hệ hơn là các mô hình quốc gia. Toàn cầu hóa báo hiệu sự đăng quang của một trật tự toàn cầu mới và báo hiệu sự cáo chung của hệ thống các quốc gia. Những người theo chủ thuyết hệ thống thế giới cho rằng toàn cầu hóa chỉ là một hiện tượng bề ngoài, chẳng có gì mới mà chỉ là giai đoạn phát triển cuối cùng của chủ nghĩa tư bản quốc tế. Toàn cầu hóa không đánh dấu bước chuyển về chất trong nền chính trị thế giới. Nó là hiện tượng do phương Tây dẫn dắt với chức năng thúc đẩy sự phát triển của chủ nghĩa tư bản quốc tế. Về thực chất, chủ thuyết hệ thống thế giới gần giống chủ thuyết thực tế. Nhìn chung, cả ba chủ thuyết không mô tả được sự thật của vấn đề mà chỉ là do cách nhìn nhận toàn cầu hóa theo các khía cạnh khác nhau. Thứ hai, toàn cầu hóa xem xét trên cấp độ quy mô. Toàn cầu hóa “mỏng” được xem như “con đường tơ lụa” trước đây. Đó là sự liên kết về kinh tế và văn hóa giữa Châu Âu và Châu Á cổ xưa , nó chỉ liên quan đến một nhóm nhỏ các thương gia, chỉ ảnh hưởng hạn chế ở một tầng lớp có địa vị thượng lưu trong xã hội. Toàn cầu hóa “dày” bao gồm nhiều mối quan hệ cả chiều sâu lẫn chiều rộng, làm thành những mạng lưới quan hệ bao quát những khoảng cách xa và rộng, tác động đến đời sống của nhiều người. Đó là quá trình liên kết toàn cầu trở nên “dày đặc”. Thứ ba, toàn cầu hóa xét trên cấp độ quan hệ giữa các tác nhân là quá trình gia tăng tốc độ và quy mô phụ thuộc lẫn nhau giữa các tác nhân trên vũ đài quốc tế. Tóm lại: Trong khi có nhiều ý kiến cho rằng toàn cầu hóa đang diễn ra trên rất nhiều lĩnh vực: kinh tế, chính trị, môi trường sinh thái,…, phần lớn các kết quả nghiên cứu của các tác giả trong và ngoài nước, toàn cầu hóa về kinh tế là đề tài trọng tâm vì những lĩnh vực khác của toàn cầu hóa đều xuất phát từ những nguyên nhân và lý do kinh tế. Toàn cầu hóa ngày nay có bản chất chủ yếu là toàn cầu hóa kinh tế, với những tác động sâu rộng của nó đến các mặt đời sống xã hội như quân sự, chính trị, văn hóa, môi trường,… và việc giải quyết các vấn đề nảy sinh trong các lĩnh vực này không thể không liên quan đến toàn cầu hóa kinh tế. Phần lớn các tác giả đều đi đến khẳng định: – Toàn cầu hóa là một quá trình gắn liền với sự phát triển và tiến bộ xã hội diễn ra trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội trên phạm vi toàn cầu. – Toàn cầu hóa là quá trình làm biến đổi sâu sắc, toàn diện các mối quan hệ kinh tế, chính tri, quân sự, văn hóa, khoa học, môi trường…của thế giới. – Thực chất của toàn cầu hóa là toàn cầu hóa kinh tế. 1.2 Bản chất của toàn cầu hóa Bàn về bản chất của toàn cầu hóa, sự tranh cãi sôi nổi nhất và công phạt nhất xoay quanh sự đối nghịch giữa hai quan điểm cực đoan sau đây. Thứ nhất, một quan điểm cho rằng toàn cầu hóa là xu thế khách quan không cưỡng được, nó như hiện nay là tất yếu, là hợp lý, không thể khác, và mọi quốc gia chỉ có thể có một cách duy nhất đúng đắn và có hiệu quả là chấp nhận và tuân thủ mọi luật chơi của toàn cầu hóa, thể hiện trong các quy tắc của các tổ chức kinh tế, tài chính và thương mại quốc tế. Quan điểm này hạn chế ở chỗ nó gần như sự “bái vật giáo hàng hóa” được nâng lên mức độ và quy mô cao nhất, thành sự “bái vật giáo toàn cầu hóa”, đặt con người ở vị trí thần phục và bị chi phối bởi chính một sản phẩm của con người là toàn cầu hóa. Thứ hai, một quan điểm cho rằng toàn cầu hóa là kết quả của chiến lược siêu cường Mỹ, với sự đồng lõa của một số nước tư bản đế quốc khác, hòng áp đặt cho toàn thế giới sự thống trị của kinh tế Mỹ, đi cùng với sự thống trị của chính trị Mỹ, văn hóa Mỹ, lối sống Mỹ. Thực chất của toàn cầu hóa là Mỹ hóa. Quan điểm này lại hạn chế ở chỗ nó gần như một sự sùng bái đến đề cao và thổi phồng quá mức sức mạnh của Mỹ. Đúng ra thì toàn cầu hóa là một xu thế lớn của thời đại, song xu thế ấy có khách quan đến mấy thì cũng vẫn do con người tạo ra, nó là kết quả phức hợp của nhiều yếu tố, mà mỗi yếu tố đều là sản phầm của con người, trong đó ba yếu tố chính là cách mạng khoa học và công nghệ, nền kinh tế thị trường hiện đại và chính sách rất có tính toán của Mỹ, của các cường quốc khác, của mọi quốc gia lớn nhỏ trên toàn thế giới. Toàn cầu hóa và những quy tắc của nó trong từng thời kỳ phản ánh một sự so sánh lực lượng giữa các tác nhân vừa hợp tác vừa đấu tranh với nhau, và biến đổi cùng với những biến đổi trong so sánh lực lượng giữa các tác nhân ấy. Toàn cầu hóa không nhất thành bất biến. Sự thật là việc đẩy mạnh tự do hóa kinh tế và mở rộng toàn cầu hóa từ thương mại sang nhiều lĩnh vực khác là do Mỹ khởi xướng. Tuy nhiên, không thể ngộ nhận rằng Mỹ luôn dễ dàng áp đặt ý định của Mỹ. Chúng ta không nên xem thường Mỹ, cũng không quá đề cao Mỹ. Toàn cầu hóa ngày nay có bản chất chủ yếu là toàn cầu hóa kinh tế, với những tác động sâu rộng của nó đến các mặt của đời sống xã hội như quân sự, chính trị, văn hóa, môi trường v.v…, và việc giải quyết những vấn đề nảy sinh trong các lĩnh vực này không không có liên quan đến toàn cầu hóa kinh tế. Toàn cầu hóa kinh tế được thể hiện qua hai bình diện: mở rộng địa bàn sản xuất và mở rộng thị trường tiêu thụ. Và liên quan đến hai bình diện đó là các quá trình tự do hóa hoạt động kinh tế mà trong đó nổi bật lên ba quá trình chính là tự do hóa thương mại, tự do hóa tài chính và tự do hóa đầu tư. – Tự do hóa thương mại là việc cho phép lưu thông hàng hóa liên biên giới với các mức thuế suất thấp và tiến tới xóa bỏ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan. Để quản lý quá trình này quốc tế đã lập ra các tổ chức như Hội nghị về Thương mại và Phát triển của LHQ (UNCTAD), được thành lập năm 1964; và Tổ chức Thương mại Thế Giới (WTO), thành lập năm 1995, với tiền thân của nó là Hiệp định chung về Thuế quan và Mậu dịch (GATT), thành lập từ năm 1947. Ngày nay WTO đang là tổ chức quốc tế quan trọng nhất trong lĩnh vực điều hành nền thương mại thế giới. – Tự do hóa tài chính và tự do hóa đầu tư là tự do lưu thông vốn tư bản quốc tế. Quá trình này hiện nay đang chịu sự chiếm vị trí hàng đầu là Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), thành lập năm 1945, và ngân hàng thế giới (WB), thành lập năm 1945. Ba quá trình trên đây làm thành ba chân kiềng chủ chốt của toàn cầu hóa kinh tế mà bất cứ một nước nào muốn gia nhập toàn cầu hóa đều không thể tránh chi phối mạnh mẽ của các ngân hàng, các công ty bảo hiểm và các quỹ tiền tệ quốc tế mà khỏi. Nét bản chất rất quan trọng nữa của toàn cầu hóa hiện nay là không đối xứng. Thứ nhất, toàn cầu hóa ngày nay phân phối thành quả rất bất công. Thứ hai, toàn cầu hóa hiện nay không hài hòa, không đồng bộ, các lĩnh vực toàn cầu hóa so le, chênh lệch nhiều cả về chiều rộng và chiều sâu. Hai sự mất cân đối lớn nhất: một là, toàn cầu hóa kinh tế không đi đôi với sự quan tâm đúng mức về xã hội và con người, khiến cho phần thua thiệt về xã hội và con người rất nặng nề; hai là, toàn cầu hóa không đi đôi với một cơ cấu và cơ chế quản lý toàn cầu tương xứng và có hiệu quả. Thứ ba, toàn cầu hoa hiện nay không coi trọng đầy đủ ba nhân tố trụ cột của xã hội hiện đại là thị trường, Nhà nước và xã hội. Toàn cầu hóa hiện nay chỉ thiên về thị trường mà xem nhẹ Nhà nước và nhất là xem nhẹ xã hội, nó vì lợi ích thị trường hơn là lợi ích con người. Tóm lại: Bản chất của toàn cầu hóa là một cuộc chơi, là một trận đấu, ai thông minh, sáng suốt thì được nhiều hơn mất, ai dại khờ, sơ hở thì mất nhiều hơn được, có thể được, mất rất nhiều nhưng hầu như không thể được hết hoặc mất hết. Chỉ có một tình huống chắc chắn mất hết, đó là khi co mình lại, đóng cửa vào, cự tuyệt toàn cầu hóa, khước từ hội nhập. 1.3 Khái niệm toàn cầu hóa kinh tế Bàn về khái niệm toàn cầu hóa kinh tế có nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến nêu: “Toàn cầu hóa kinh tế là những mối quan hệ kinh tế vượt qua biên giới quốc gia, vươn tới quy mô toàn thế giới, đạt trình độ và chất lượng mới”. Bên cạnh đó lại có quan điểm cho rằng: “Thực chất của toàn cầu hóa (về kinh tế) là tự do hóa kinh tế và hội nhập quốc tế, trước hết là về thương mại, đầu tư, dịch vụ, … Cũng có ý kiến khác cho rằng toàn cầu hóa là mở cửa và hội nhập. Các chuyên gia OECD cho rằng: toàn cầu hóa kinh tế là sự vận động tự do của các yếu tố sản xuất nhằm phân bổ tối ưu các nguồn lực trên phạm vi toàn cầu. Theo quan điểm của Quỹ tiền tệ quốc tế thì toàn cầu hóa là sự gia tăng không ngừng các luồng mậu dịch, vốn, kỹ thuật với quy mô và hình thức phong phú, làm tăng sự tùy thuộc vào nhau giữa các nền kinh tế trên thế giới. Trong khuôn khổ chuyên đề này, chúng tôi xin sử dụng quan niệm về toàn cầu hóa kinh tế của GS.TS. Dương Phú Hiệp và TS. Vũ Văn Hà, toàn cầu hóa kinh tế chính là sự gia tăng nhanh chóng các hoạt động kinh tế vượt qua mọi biên giới quốc gia, khu vực, tạo ra sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế trong sự vận động phát triển hướng tới một nền kinh tế thế giới thống nhất. Sự gia tăng của xu thế này được thể hiện ở sự mở rộng mức độ và quy mô mậu dịch thế giới, sự lưu chuyển của các dòng vốn và lao động trên phạm vi toàn cầu.
1.4 Các đặc trưng cơ bản của toàn cầu hóa kinh tế 1.4.1 Toàn cầu hóa kinh tế hiện nay là giai đoạn phát triển cao của quốc tế hóa kinh tế: Từ nửa sau thế kỷ XIX, quá trình quốc tế hóa trải qua ba làn sóng quan trọng. Làn sóng đầu tiên diễn ra trong khoảng 50 năm trước chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Trong thời kỳ này, những sự trao đổi quốc tế và liên lục địa đã phát triển nhanh hơn cả sự sản xuất trên toàn thế giới, những dòng tài chính tăng lên nhanh hơn nhiều trên quy mô thế giới so với sự tăng trưởng của việc trao đổi và sản xuất trên toàn thế giới. Vào lúc đó những bất bình đẳng giữa các nước, giữa các vùng và trong từng nước, từng vùng tăng lên nhanh chóng. Đồng thời lúc đó cũng diễn ra sự di cư quốc tế tự do hơn bây giờ rất nhiều: hàng chục triệu người châu Âu đã rời bỏ quê hương để sang Mỹ, Úc … Làn sóng thứ hai diễn ra những năm 50, 60 và 70 của thế kỷ XX, thời kỳ có sự giảm bớt các rào chắn trong trao đổi quốc tế. Giai đoạn này có sự tăng trưởng về trao đổi quốc tế lớn hơn nhiều so với sản xuất, có sự bùng nổ thực sự của những dòng tài chính trên phạm vi toàn cầu và sự bùng nổ của công ty quốc gia. Làn sóng thứ ba bắt nguồn từ cuối những năm 80 trở đi, thuật ngữ toàn cầu hóa trở nên phổ biến. Giai đoạn này có sự co hẹp quan trọng những rào chắn trong trao đổi, dòng tài chính và đầu tư, tăng trưởng về sản xuất và trao đổi quốc tế, tài chính và đầu tư quốc tế. Trong làn sóng thứ ba này, tốc độ tăng trưởng của mậu dịch thế giới cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng kinh tế; có sự gia tăng mạnh mẽ của quá trình tự do hóa, toàn cầu hóa thị trường tài chính; cùng với sự gia tăng toàn cầu hóa thị trường tài chính là việc tập trung ngày càng lớn nguồn vốn vào các công ty hàng đầu thông qua làn sóng sáp nhập với quy mô lớn và cường độ cao chưa từng có; và thị trường lao động quốc tế được mở rộng. 1.4.2 Trong thời kỳ toàn cầu hóa nền kinh tế hiện nay, hội nhập kinh tế quốc tế gắn liền với tự do hóa các hoạt động kinh tế Trong giai đoạn quốc tế hóa trước đây việc hội nhập vào nền kinh tế quốc tế, mà thực chất là sự bành trướng các hoạt động kinh tế vượt ra khuôn khổ của biên giới quốc gia không gắn với việc tự do hóa các hoạt động kinh tế. Đôi khi cùng với quá trình bành trướng của hoạt động kinh tế lại có sự gia tăng của các biện pháp bảo hộ các thị trường. Sự tách rời giữa tự do hóa và hội nhập kinh tế quốc tế là đặc điểm của giai đoạn quốc tế hóa trước đây. Trong giai đoạn mới, toàn cầu hóa, việc hội nhập quốc tế gắn liền với quá trình tự do hóa. Không thể hội nhập quốc tế mà không có tự do hóa nền kinh tế dân tộc. Đây là điểm mới của xu thế toàn cầu hóa hiện nay. Hội nhập quốc tế có nhiều mức độ, nhiều tầng nấc và nó gắn liền với mức độ của tự do hóa. Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế càng sâu thì tự do hóa càng rộng. Cơ sở của sự gắn bó chặt chẽ giữa hội nhập và tự do hóa là sự phát triển sâu sắc của phân công lao động quốc tế. Với cơ chế thị trường thống nhất các quốc gia tham gia vào phân công lao động quốc tế, làm cho các nền kinh tế trong quá trình toàn cầu hóa gắn bó chặt chẽ với nhau. Mỗi nền kinh tế dân tộc là một bộ phận của cái chỉnh thể toàn cầu, gắn bó, phụ thuộc vào kinh tế toàn cầu. Chỉ có hội nhập mới là con đường hiệu quả để phát huy thế mạnh, lợi thế so sánh trong phân công lao động quốc tế và để bổ sung cho điểm yếu của nền kinh tế dân tộc cũng từ chính sự phân công lao động quốc tế. Nói cách khác hội nhập phải gắn liền với tự do hóa là con đường tất yếu và hiệu quả để phát triển nền kinh tế mỗi quốc gia trong xu thế toàn cầu ngày nay. Vấn đề chỉ còn là ở chỗ xác định mức độ, tiến trình hội nhập và tự do hóa như thế nào cho phù hợp với trình độ nền kinh tế. Đây là điều cần tính toán, cân nhắc của mỗi quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển. Trong thực tế, có nhiều quốc gia thực hiện hội nhập một cách thành công, tận dụng được những ưu thế của hợp tác quốc tế, phát huy, khai thác được lợi thế so sánh của nền kinh tế dân tộc, tạo ra được sự phát triển vượt bậc của nền kinh tế quốc gia, nâng cao vị thế của mình trong phân công lao động quốc tế. Tuy vậy cũng không ít quốc gia phải trả giá cho những sai lầm trong quá trình hội nhập. 1.4.3 Toàn cầu hóa kinh tế là xu thế khách quan nhưng chịu tác động lớn từ Mỹ và một số nước phát triển. Ngay ở thời kỳ đầu của toàn cầu hóa kinh tế – quá trình quốc tế hóa đã chịu sự chi phối của chủ nghĩa tư bản (CNTB). Quá trình toàn cầu hóa gắn liền với sự phát triển của CNTB. Chính do nhận thấy những cơ hội to lớn để kiếm lời qua toàn cầu hóa, các quốc gia tư bản phát triển, đứng đầu là Mỹ luôn muốn thúc đẩy mạnh mẽ toàn cầu hóa. Họ đòi hỏi các quốc gia đang phát triển phải mở cửa thị trường, chấp nhận các luật chơi do chính họ đặt ra nhằm loại bỏ những ưu thế, lợi thế so sánh của các quốc gia đi sau. Trong khi đó họ đặt ra hàng loạt điều kiện cho các nước đang phát triển trong quá trình tiếp xúc thị trường của chính họ. Trên thực tế họ mong muốn tạo lập một mô hình kinh tế, một loạt giá trị chung cho thế giới theo quan điểm của họ. Ưu thế của Mỹ trong quá trình toàn cầu hóa hiện nay thể hiện ở một số nét chủ yếu như sau: Thứ nhất, ưu thế cuả Mỹ thể hiện trước hết là các quy chuẩn hoạt động kinh doanh quốc tế đều xuất phát từ Mỹ. Đó là các quy chuẩn về tài chính, về chế độ quản lý,… Chính điều này cũng đã thúc đẩy tâm lý xem xét phổ biến các tiêu chuẩn, quy phạm của lối sống Mỹ là hiển nhiên và trên thực tế, Mỹ cũng luôn phản ứng lại những ý định, việc làm xác lập các tiêu chuẩn cho cuộc chơi trên phạm vi toàn cầu mà trái với Mỹ. Thứ hai, do không bị thiệt hại bởi chiến tranh thế giới thứ hai, nên nền kinh tế Mỹ có cơ hội phát triển mạnh. Với sức mạnh kinh tế và quân sự Mỹ đóng vai trò lãnh đạo trong khối các nước tư bản mà biểu hiện cụ thể là NATO. Mỹ có vai trò lớn trong các tổ chức có tính toàn cầu. Do ảnh hưởng của Mỹ đối với các tổ chức trên mà thường qua đó Mỹ thể hiện các chính sách thái độ của mình. Những khoản tài chính của IMF hay WB, những nghị quyết của các tổ chức quốc tế chịu ảnh hưởng rất lớn từ Mỹ. Thứ ba, góp phần vào địa vị hiện nay của Mỹ là vai trò to lớn của nền kinh tế Mỹ mà cụ thể là các TNCs của Mỹ trong nền kinh tế toàn cầu, chúng khống chế một phần lớn mậu dịch đầu tư và tài chính quốc tế. Vai trò của nền kinh tế Mỹ cũng thể hiện qua sức mạnh của TNCs. Trong 50000 TNC hàng đầu thế giới, Mỹ có 3000. Nếu chỉ tính trong 500 công ty lớn nhất thì Mỹ có 175, Nhật có 112, Đức có 42,…. Thu nhập của các TNCs này xấp xỉ 4000 tỷ USD chiếm 35% tổng thu nhập của 500 công ty nói trên. Các chi nhánh của các TNCs Mỹ có mặt hầu hết các quốc gia trên thế giới trong đó ở một số nước mức sản xuất của các chi nhánh TNCs chiếm tỷ phần đáng kể trong GDP của nước chủ nhà. Chẳng hạn chiếm 5% GDP ở Anh, Sin-ga-po 8,2 %,… Cùng với hoạt động mậu dịch các TNCs tham gia đầu tư lớn ra thị trường nước ngoài. Năm 1996, Mỹ đầu tư ra nước ngoài qua các chi nhánh TNCs tới 796,5 tỷ USD trong đó tập trung vào Anh tới 142,6 tỷ USD. Sức mạnh kinh tế của Mỹ còn thể hiện qua vai trò của đồng đô-la phương tiện thanh toán trong giao dịch quốc tế. Hiện nay đồng đô-la đang thao túng thị trường tiền tệ, chiếm từ 60-80% giá trị thanh toán thương mại toàn cầu. Những sức mạnh này góp phần mở rộng quyền lực kinh tế của Mỹ. Thứ tư, sức mạnh ưu thế của Mỹ trong tiến trình toàn cầu hóa kinh tế còn được đảm bảo bởi sức mạnh khoa học kỹ thuật, của sự khống chế thị trường thông tin. Trong nhiều năm qua Mỹ đang dẫn đầu về các phát minh và triển khai các phát minh mới về khoa học vào đời sống. Đây là lĩnh vực quyết định ưu thế của Mỹ hiện tại cũng như trong những năm gần đây. Thứ năm, vai trò to lớn của Mỹ trong quá trình toàn cầu hóa kinh tế còn gián tiếp bắt nguồn từ sự chi phối về an ninh, quân sự đối với các cường quốc tư bản châu Âu. Tổ chức NATO do Mỹ khởi xướng và Mỹ đồng thời là người điều khiển chiến lược của tổ chức này, và vì vậy trên thực tế Mỹ đã trở thành người tham dự chủ chốt vào các công việc nội bộ của châu Âu. Nói tóm lại, sự tác động lớn đối với quá trình toàn cầu hóa kinh tế của Mỹ bắt nguồn từ sự chi phối của Mỹ đối với các lĩnh vực quyền lực cơ bản của thế giới ngày nay, đó là sức mạnh về kinh tế, khoa học công nghệ và về quân sự. Tất nhiên, một điều cần nhận thấy là sự thống trị chi phối đó chỉ là tạm thời. Vai trò của Mỹ đã suy giảm tương đối do sự phát triển của EU và một số nước khác mà tiêu biểu là Trung Quốc. Trong giai đoạn cuối năm 2010 năm 2011, nền kinh tế Mỹ có chiều hướng đi xuống. Điều này được khẳng định khi GDP của Mỹ cứ “chậm dần đều” trong suốt năm tài khóa 2011, cụ thể quý 4/2010 tăng 3,1%, quý 1/2011 giảm xuống còn 1,8%, quý 2/2011 giảm mạnh xuống còn 1,3%, quý 3/2011 cũng không có sự lạc quan và cả năm 2011 tăng trưởng chỉ đạt khoảng 1,6%. Hiện nay nền kinh tế Trung Quốc đang đứng thứ hai trên thế giới, chỉ sau Mỹ, với tốc độ tăng trưởng quý cuối năm 2009 là 10,7% và cả năm là 8,7%. Cục thống kê quốc gia Trung Quốc cho biết, kinh tế nước này đã có phát triển ngoạn mục đặc biệt vào quý cuối cùng của năm 2009. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 4900 tỷ USD, tăng 8,7 % so với năm 2008. Doanh số bán lẻ tăng 16,9 % nhờ chính sách khuyến khích chi tiêu nội địa để bù đắp cho hoạt động xuất khẩu. 1.4.4 Toàn cầu hóa kinh tế là quá trình mang tính hai mặt, nó vừa đưa ra cơ hội phát triển đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với các quốc gia. Quá trình toàn cầu hóa mang lại cho các quốc gia trên thế giới nhiều cơ hội mới, bao gồm: Thứ nhất, sự phát triển của toàn cầu hóa kinh tế phá bỏ những cản trở ngăn cách giữa các quốc gia, mở ra những điều kiện thuận lọi cho sự phát triển kinh tế quốc tế, từ đó các quốc gia có thể tận dụng cơ hội cho việc phát triển từ thị trường bên ngoài. Thứ hai, toàn cầu hóa kinh tế mở ra khả năng cho các quốc gia chậm phát triển nhanh chóng tham gia vào hệ thống phân công lao động quốc tế., từ đó hình thành một cơ cấu kinh tế xã hội hiệu quả, đẩy nhanh, rút ngắn tiến trình hiện đại hóa. Thứ ba, quá trình toàn cầu hóa tạo cơ hội cho các quốc gia tiếp cận với nguồn vốn và công nghệ kỹ thuật cũng như công nghệ quản lý. Thứ tư, hội nhập vào các tổ chức kinh tế toàn cầu, các quốc gia được hưởng ưu đãi về thuế quan, hàng hóa có thể nhanh chóng tiếp cận thị trường thế giới. Thứ năm, các quốc gia có cơ hội tiếp cận với những thông tin, tri thức mới, góp phần nâng cao dân trí. Thứ sáu, toàn cầu hóa mở ra khả năng phối hợp nguồn lực của các quốc gia để giải quyết những vấn đề có tính toàn cầu như vấn đề môi trường, dân số,… Bên cạnh việc mang lại nhiều cơ hội tốt để phát triển, toàn cầu hóa đồng thời cũng mang lại cho các quốc gia trên thế giới nhiều thách thức, đòi hỏi các nước phải đối mặt với những thách thức đó. Thứ nhất, toàn cầu hóa kinh tế đã không phân phối cân bằng các cơ hội và lợi ích giữa các khu vực, quốc gia, và trong mỗi quốc gia và trong từng nhóm dân cư, làm gia tăng thêm tình trạng bất công, làm sâu sắc thêm sự phân hóa giàu nghèo. Thứ hai, toàn cầu hóa kinh tế dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt và nảy sinh vấn đề phá sản và thất nghiệp , làm trầm trọng thêm các vấn đề xã hội vốn đã rất nan giải ở các quốc gia chậm phát triển. Thứ ba, toàn cầu hóa cho phép tận dụng các nguồn lực để rút ngắn quá trình phát triển, song nó bao hàm khả năng không bền vững trong phát triển. Có thể tăng trưởng nhưng lại kèm theo những hậu quả tai hại về mặt môi trường. 1.4.5 Toàn cầu hóa kinh tế là quá trình mở rộng sự hợp tác kinh tế đồng thời với sự gia tăng cạnh tranh ngày càng quyết liệt. Về bản chất, toàn cầu hóa kinh tế là một thể chế quan hệ quốc tế mới, các quốc gia sẽ hợp tác, phụ thuộc vào nhau trong phát triển. Trong thời kỳ đầu của toàn cầu hóa, tức quốc tế hóa các hình thức hợp tác chủ yếu là thông qua thương mại, trao đổi mua bán các hàng hóa hữu hình với các quan hệ song phương là chủ yếu. Và cũng do hạn chế về thông tin và phương tiện vận chuyển các hình thức giao dịch hợp tác thương mại còn đơn sơ, cường độ thấp và chưa thực sự có mối gắn kết chặt chẽ. Ngày nay hợp tác kinh tế toàn cầu được mở rộng từ lĩnh vực hàng hóa hữu hình đến lĩnh vực hàng hóa vô hình, việc chuyển nhượng và bảo hộ bản quyền tri thức, thương mại điện tử phát triển ngày ột mạnh, các giao dịch song phương, đa phương đan xen phát triển, các thỏa thuận hợp tác sản xuất, đầu tư gia tăng. Sự hợp tác kinh tế quốc tế không chỉ gia tăng về hình thức, về quy mô, về cường độ mà hợp tác trở thành điều kiện của tồn tại và phát triển. Trong nền kinh tế toàn cầu ngày nay khó có thể nói đến thành công với một công ty, một quốc gia nào đó nếu không có sự phối hợp trong các khâu của quá trình sản xuất. Sự gia tăng mạnh mẽ của hợp tác kinh tế cũng là quá trình gắn bó ngày một chặt chẽ giữa các chủ thể của nền sản xuất thế giới. Đặc tính mở rộng sự hợp tác, sự gắn bó của nền kinh tế toàn cầu vừa là điều kiện bảo đảm cho sự phát triển bền vững của kinh tế toàn cầu cũng như kinh tế các quốc gia và nó cũng lại gia tăng tính dễ bị tổn thương dây chuyền khi có sự đổ vỡ ở một mắt khâu nào đó của nền sản xuất có tình toàn cầu ngày nay. Hai ví dụ điển hình cho điều này là cuộc khủng hoảng kinh tế ở Mê-xi-cô năm 1994 và cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Cuộc khủng hoảng kinh tế Mê-xi-cô năm 1994 là một cuộc khủng hoảng kinh tế bùng phát bằng sự mất giá nhanh chóng của đồng Pê-sô Mê-xi-cô vào tháng 12/1994. Cuộc khủng hoảng này không chỉ làm cho nền kinh tế Mê-xi-cô chao đảo, mà còn ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế các nước Mỹ La-tinh khác. Khủng hoảng tài chính châu Á là cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu từ tháng 7 năm 1997 ở Thái Lan rồi ảnh hưởng đến các thị trường chứng khoán, trung tâm tiền tệ lớn, và giá cả của những tài sản khác ở vài nước châu Á, nhiều quốc gia trong đó được coi như là “những con Hổ Đông Á”. In-đô-nê-si-a, Hàn Quốc và Thái Lan là những nước bị ảnh hưởng mạnh nhất bởi cuộc khủng hoảng này. Hồng Kông, Ma-lay-si-a, Lào, Phi-lip-pin cũng bị ảnh hưởng bởi sự sụt giá bất thình lình. Nhật Bản cũng không bị ảnh hưởng nhiều bởi sự khủng hoảng, song nền kinh tế Nhật phải kinh qua những khó khăn kinh tế dài hạn của chính bản thân mình. Gắn liền với mở rộng quan hệ trong bối cảnh của nền kinh tế toàn cầu hóa, sự cạnh tranh cũng trở nên quyết liệt hơn bao giờ hết, cạnh tranh phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, nó trở thành động lực thúc đẩy đổi mới phát triển của nền kinh tế đồng thời nó cũng chính là nguyên nhân của đổ vỡ, của thua thiệt và tụt hậu. Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là tin học đã và đang làm thay đổi vai trò của các nguồn năng lực tăng trưởng và vì vậy cạnh tranh không chỉ là cạnh tranh giá cả và chất lượng mà cạnh tranh hướng vào thỏa mãn tốt nhất nhu cầu của khách hàng. Điều này cho thấy hoạt động kinh doanh đòi hỏi phải năng động hơn, luôn đổi mới bám sát nhu cầu khách hàng. Điểm mới của cạnh tranh trong kỷ nguyên toàn cầu hóa là cạnh tranh trong một khuôn khổ được quản lý. Các quốc gia tham gia hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới đều phải tuân thủ các qui chế và các luật chơi hiện hành, cạnh tranh vì vậy càng quyết liệt, các yếu tố may rủi giảm đi, trong điều kiện cạnh tranh này người thắng đòi hỏi phải có sự cố gắng vượt lên, thắng bằng chính ưu thế, thực lực của bản thân. Đối với những quốc gia đi sau càng phải có nỗ lực nếu như không muốn thua, tụt hậu. Trong bối cảnh cạnh tranh có sự quản lý đã làm xuất hiện một phương thức mang tính chủ đạo trong giải quyết các cuộc canh tranh, đó là thỏa hiệp. Về nguyên tắc các mâu thuẫn có thể dẫn đến canh tranh, đấu tranh quyết liệt. Trong bối cảnh toàn cầu, lợi ích các quốc gia đều tùy thuộc vào nhau, vì vậy chiến tranh xảy ra, trên thực tế lợi ích cả hai bên đều thua thiệt. Thỏa hiệp, một cơ chế giải quyết các quan hệ kinh tế quốc tế ngày nay cho phép các bên đối tác tìm ra phương cách giải quyết mâu thuẫn mà lợi ích của hai bên đều được tính đến, không có sự áp đặt điều kiện ý chí của bên này cho bên kia. Thỏa hiệp hay còn được gọi là cơ chế giải quyết cạnh tranh không có người thua cuộc trở thành chủ đạo là điểm mới của hợp tác kinh tế quốc tế trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay. 1.4.6 Toàn cầu hóa kinh tế hiện nay đang gia tăng mạnh mẽ gắn liền với xu thế khu vực hóa diễn ra cũng không kém phần nhộn nhịp. Nét mới và là một trong những đặc trưng của xu thế toàn cầu hóa kinh tế hiện nay là nó diễn ra cùng với xu thế khu vực hóa. Trong quan hệ với toàn cầu hóa thì xu thế khu vực hóa được xem là bước chuẩn bị để tiến tới toàn cầu hóa, mặt khác xu thế khu vực hóa hiện nay nó phản ánh một thực trạng co cụm nhằm bảo vệ những lợi ích tương đồng giữa một vài nước trước những nguy cơ, những tác động tiêu cực do toàn cầu hóa đặt ra. Như vậy xét về ngắn hạn dường như khu vực hóa đối nghịch với toàn cầu hóa, nhưng về dài hạn thì chính khu vực hóa là bước chuẩn bị để thực hiện toàn cầu hóa. Khu vực hóa có nhiều mức độ khác nhau, từ một vài nước và lãnh thổ, đến nhiều nước tham gia vào một tổ chức khu vực địa lý. Các tổ chức khu vực này nhằm hỗ trợ nhau phát triển, tận dụng những ưu thế của khu vực trong quá trình từng bước tham gia nền kinh tế toàn cầu. Hiện nay có các tổ chức khu vực đáng chú ý như EU; Khu vực thương mại tự do châu âu (EFTA); Khu vực thương mại tự do châu Mỹ (FTAA); Khu vực thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA); Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN); Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC); Khu vực thương mại tự do Mỹ Latinh (MERCOSUR); Tổ chức hợp tác khu vực Nam Á (SAARC); các hiệp định kinh tế khu vực giữa các tam giác, tứ giác tăng trưởng kinh tế (nay có khoảng 70 hiệp định)… Trong các tổ chức kinh tế khu vực mức độ gắn kết của các thành viên trong mỗi khu vực là không giống nhau. Có những tổ chức khu vực được hình thành nhằm tiến tới tự do hóa mậu dịch hoặc đầu tư, hoặc nhằm tự do hóa toàn bộ các yếu tố của quá trình sản xuất. Theo thống kê từ năm 1948 đến năm 1994 trên thế giới đã xuất hiện 109 tổ chức hợp tác kinh tế khu vực, trong đó 2/3 được hình thành trong những năm 1990. Căn cứ theo mức độ liên kết có thể thấy tồn tại một số dạng hình tổ chức kinh tế khu vực chủ yếu như sau: Khu vực mậu dịch tự do, Đồng minh thuế quan, Thị trường chung, Khu vực kinh tế tự do toàn phần .v.v. Việc nâng cao trình độ hợp tác khu vực xét về tương lai chính là cơ sở cho việc thực hiện toàn cầu hóa kinh tế và cũng vì vậy chừng nào còn tồn tại các tổ chức kinh tế khu vực thì chưa thể có toàn cầu hóa, tự do hóa hoàn toàn. Sự ra đời hàng loạt các tổ chức khu vực và sự phát triển qui mô địa lý của các tổ chức khu vực trên cơ sở bổ sung các thành viên hay hợp nhất các tổ chức khu vực chính là bước tiến ngày càng gần hơn đến tự do hóa trên phạm vi toàn cầu. Như vậy có thể nói khu vực hóa chỉ là tạm thời, nó ra đời trên cơ sở một trình độ phát triển nhất định của toàn cầu hóa, là bước tất yếu trên đường đi tới toàn cầu hóa. Hợp tác kinh tế khu vực càng phát triển sẽ là điều kiện và động lực cho toàn cầu hóa kinh tế.
PHẦN 2: NHỮNG NGUYÊN NHÂN CHỦ YẾU CỦA TOÀN CẦU HÓA KINH TẾ 2.1 Sự phát triển cao của lực lượng sản xuất 2.1.1 Khái niệm lực lượng sản xuất Để tiến hành sản xuất thì con người phải dùng các yếu tố vật chất và kỹ thuật nhất định. Tổng thể các nhân tố đó là lực lượng sản xuất. Lực lượng sản xuất biểu hiện mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên. Nghĩa là trong quá trình thực hiện sản xuất xã hội con người chinh phục tự nhiên bằng các sức mạnh hiện thực của mình, sức mạnh đó được chủ nghĩa duy vật lịch sử khái quát trong khái niệm lưc lượng sản xuất. Trình độ lực lượng sản xuất biểu hiện trình độ chinh phục tự nhiên của con người. Lực lượng sản xuất nói lên năng lực thực tế của con người trong quá trình sản xuất tạo nên của cải cho xã hội đảm bảo sự phát triển của con người. Lực lượng sản xuất bao gồm người lao động, kỹ năng lao động và tư liệu sản xuất. Người lao động là chủ thể của quá trình lao động sản xuất, với sức mạnh và kĩ năng lao động của mình, sử dụng tư liệu lao động tác động vào đối tượng lao động để sản xuất ra của cải vật chất. Còn trong tư liệu lao động, tức là tất cả các yếu tố vật chất mà con người sử dụng để tác động vào đối tượng lao động thì công cụ lao động là yếu tố quan trọng nhất, linh hoạt nhất. Bởi vậy khi công cụ lao động đạt đến trình độ tin học hóa được tự động hóa thì vai trò của nó lại càng quan trọng. Trong mọi thời đại công cụ sản xuất luôn là yếu tố đồng nhất của lực lượng sản xuất. Chính sự chuyển đổi cải tiến và hoàn thiện không ngừng của nó đã gây nên những biến đổi sâu sắc trong toàn bộ tư liệu sản xuất. Trình độ phát triển công cụ lao động là thước đo trình độ chinh phục tự nhiên của con người. 2.1.2 Sự phát triển cao của lực lượng sản xuất – một trong những nguyên nhân cơ bản của toàn cầu hóa kinh tế. Chúng ta biết rằng trong xã hội phong kiến do lực lượng sản xuất và giao thông kém phát triển cho nên sản xuất và trao đổi chỉ được thực hiện trong một phạm vi quy mô nhỏ. Tính tự cung tự cấp của sản xuất là đặc trưng chủ yếu của phương thức sản xuất phong kiến. Tuy vậy trong thời đại phong kiến cũng đã có thông thương vượt biên giới quốc gia nhưng chưa tạo ra những quan hệ phụ thuộc trong phát triển, chưa có thị trường thế giới theo nghĩa hiện đại. Khi nghiên cứu chủ nghĩa tư bản, Mác và Ăng-ghen đã cho r�%