Năm 944, Ngô Quyền mất, triều đình rối ren. Các thổ hào, tù trưởng nổi lên khắp nơi, cát cứ chống lại chính quyền trung ương. Sau khi các con của Ngô Quyền (Ngô Xương Ngập, Ngô Xương Văn) chết (năm 954 và 965); đất nước rơi vào tình trạng chia cắt, hỗn loạn. Nổi lên 12 vùng đất biệt lập do 12 thủ lĩnh đứng đầu, lịch sử gọi là “Loạn 12 sứ quân”. Đinh Bộ Lĩnh xuất hiện, dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước vào cuối năm 967.
Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, đặt tên nước là Đại Cồ Việt (tức Nước Việt to lớn), định đô ở Hoa Lư, xây dựng triều chính và quản lý đất nước. Mùa Xuân năm 970, Đinh Tiên Hoàng bỏ, không dùng niên hiệu của nhà Tống, tự đặt niên hiệu Thái Bình. Với việc xưng đế, đặt quốc hiệu, dựng kinh đô, định niên hiệu, Đinh Tiên Hoàng đã khẳng định nền độc lập, tự chủ của quốc gia Đại Cồ Việt và bắt tay vào xây dựng một mô hình nhà nước với thiết chế mới: Quân chủ Trung ương tập quyền.
Quốc hiệu “Đại cồ Việt” tồn tại trong lịch sử dân tộc từ năm 968 đến năm 1054, trải qua 3 triều đại: Đinh (968 – 980), Tiền Lê (980 – 1009) và thời kỳ đầu của nhà Lý (1009 – 1054). Nhà nước Đại Cồ Việt dưới thời nhà Đinh (968 – 980), về tổ chức bộ máy nhà nước: Đinh Tiên Hoàng đã hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý đất nước từ hình thức “Vương quyền” chuyển sang hình thức “Đế quyền” với 3 cấp: Triều đình Trung ương – Đạo (trung gian) – Giáp, Xã (cơ sở).
Về quân đội, Nhà nước Đại Cồ Việt thời Đinh là một Nhà nước võ trị; quân đội đông và tương đối mạnh. Quân đội được trang bị các loại bạch khí, kết hợp giữa giáo, kiếm, côn với cung, nỏ…
Về luật pháp, Đinh Tiên Hoàng đã đặt chức Đô hộ phủ sĩ sư coi việc hình án – một chức quan tư pháp và giao cho Lưu Cơ giữ chức này. Vua Đinh cho đặt vạc dầu và cũi hố ở sân triều để trừng phạt phạm nhân.
Về kinh tế, nông nghiệp, Nhà vua nắm toàn bộ ruộng đất trong nước. Một số ngành nghề thủ công nghiệp cũng được chú ý phát triển như: Nghề thợ nề, thợ đá, mộc, chạm khắc, dát vàng bạc… Trong dân gian, các nghề truyền thống như trồng dâu, nuôi tăm, dệt vải lụa, làm giấy tiếp tục phát triển. Đồng tiền đầu tiên của đất nước: Đồng Thái Bình Hưng Bảo được phát hành vào khoảng năm 970.
Về văn hóa, Đạo Phật là chỗ dựa tinh thần và có vị trí lớn trong đời sống xã hội Đại Cồ Việt cũng như trong cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước thời Đinh.
Dưới thời Tiền Lê và thời kỳ đầu của nhà Lý (980 – 1054), Nhà nước Đại Cồ Việt tiếp tục phát triển về mọi mặt. Về tổ chức bộ máy nhà nước: Chính quyền trung ương thời Tiền Lê được giữ nguyên như thời Đinh, vua nắm mọi quyền hành cả dân sự lẫn quân sự. Vua Lê Hoàn (tức Lê Đại Hành) vẫn đóng đô ở Hoa Lư; năm 984, cho xây dựng nhiều cung điện với quy mô to lớn hơn. Năm 1006, Vua Lê Long Đĩnh cho sửa đổi quan chế và triều phục của các quan văn, võ và tăng đạo.
Thời Nhà Lý: Hệ thống quan chức được chia làm 9 phẩm cấp. Chính quyền địa phương đầu thời Tiền Lê vẫn giữ nguyên 10 đạo như thời Đinh; đến năm 1002, đổi các đạo thành lộ, dưới có phủ, châu, giáp, xã. Sang thời Lý, năm 1010, Lý Công Uẩn chia nước thành các lộ và phủ; dưới phủ là huyện và cuối cùng là hương, giáp; miền núi và vùng xa trung ương thì chia thành châu, trại.
Thời Tiền Lê và thời kỳ đầu nhà Lý, có thêm quân đội địa phương (dân binh, hương binh) làm nhiệm vụ canh phòng, bảo vệ các lộ, phủ, châu và có thể được chính quyền trung ương điều động bất cứ khi nào cần thiết. Cùng với lực lượng bộ binh, lực lượng thủy quân cũng được tập trung xây dựng. Năm 1042, Lý Thái Tông cho soạn bộ “Hình thư” gồm 3 quyển, xuống chiếu ban hành trong dân gian. Đây là bộ luật thành văn đầu tiên của Việt Nam.
Nhà nước Đại Cồ Việt ra đời, tồn tại và phát triển đã khẳng định sức mạnh của ý chí độc lập dân tộc, hòa bình, thống nhất đất nước của nhân dân ta sau nghìn năm Bắc thuộc. Đây là Nhà nước quân chủ Trung ương tập quyền đầu tiên của Việt Nam trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Nhà nước Đại Cồ Việt đã mở ra những trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam trong thời kỳ đầu xây dựng và bảo vệ đất nước – kỷ nguyên độc lập, tự chủ lâu dài xuyên suốt các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần và Hậu Lê sau này. Các chủ trương, chính sách và những thành tựu, kết quả của Nhà nước Đại Cồ Việt đã đặt nền móng cho sự ra đời, tồn tại và phát triển trên các lĩnh vực kinh tế, tài chính, đối ngoại, giao thông,… của nhà nước phong kiến Việt Nam trong tiến trình lịch sử dân tộc.
ÁNH TUYẾT (tổng hợp)