“Hôi” cả tiền người chết
Ngày 29/6, tại khu vực gần ngã tư Tân Xuân giao cắt với đường Phạm Văn Đồng (đoạn đối diện số nhà 90, thuộc quận Nam Từ Liêm – Hà Nội) xảy ra một vụ va chạm giữa xe chở rác và xe máy. Hậu quả, người đàn ông điều khiển xe máy tử vong tại chỗ. Thấy nạn nhân tử vong, nhiều người đã ném tiền lẻ, gạo muối xuống đường… Song bất chấp xe cộ qua lại đông đúc, một số người vẫn dừng lại nhặt tiền cho vào túi. Vụ việc xảy ra giữa ngã tư khiến giao thông trên tuyến đường Phạm Văn Đồng theo hướng Trung tâm Hà Nội ùn tắc nghiêm trọng.
Sự vô tâm hôi tiền của người chết hay người bị tai nạn không phải là hiếm gặp. Trước đó, trên Quốc lộ 5, đoạn qua phường Ái Quốc (TP Hải Dương) xảy ra vụ tai nạn giữa xe tải và xe container khiến hai người bị thương nặng. Nhiều người dân đang lưu thông qua đoạn đường xảy ra vụ tai nạn thấy đầu xe hư hỏng nặng tưởng có người tử vong đã ném tiền xuống đường. Thấy tiền rơi, một số người dân đã lao ra đường bất chấp các phương tiện đang lưu thông để “hôi” tiền.
Đáng buồn là đã có những trường hợp bị tử vong do lao ra đường “hôi” tiền của người chết. Đó là trường hợp một cậu bé bị cuốn vào gầm xe ben chỉ vì mải nhặt tờ tiền mệnh giá 5.000 đồng rải từ đám ma vừa đi qua trên Quốc lộ 39 – đường từ TP Thái Bình đi huyện Tiền Hải.
Đa phần người dân đều cho rằng, việc nhặt tiền của người chết là điều cấm kỵ, dễ mang vận rủi vào người. Về vấn đề này, TS Vũ Thế Khanh – Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng (UIA) cho rằng, việc nhặt tiền thả ra từ những đám tang, tai nạn giao thông của những người xung quanh vứt ra không hẳn là xấu. Ai nhặt cũng được nhưng việc sử dụng đồng tiền ấy như thế nào lại là điều đáng nói. Nhặt đồng tiền đấy đem làm việc thiện sẽ có ý nghĩa tốt mà mang đi làm việc xấu sẽ sinh ra nhân quả xấu.
Hơn nữa, người nhặt tiền ở đám tang hay tai nạn giao thông cũng không thể nắm được cái tâm của người vứt tiền. Tâm của người vứt tiền thường mong muốn hóa giải điều xui xẻo, mình lại cố nhặt về thì chính là nhặt cái xui xẻo. Và tâm của người “bố thí” thường cho người lang thang cơ nhỡ, đói khổ mà mình không phải đối tượng đó lại nhặt nghĩa là đã nhận mình vậy.
Việc rải tiền không mang lại ý nghĩa gì
TS Vũ Thế Khanh cho rằng, ngày xưa không hề có chuyện rải tiền thật trong đám tang. Mãi về sau này, một số người nhiều tiền mới làm ra việc này rồi có người học theo và lầm tưởng đó là phong tục tập quán. Mong muốn những điều tốt đẹp hơn cho người đã khuất của nhiều người là hoàn toàn chính đáng, nhưng mọi người không biết rằng, việc rải tiền là việc không nên làm. Nó không chỉ gây lãng phí mà còn khiến người đi đường gặp nguy hiểm, gây mất mỹ quan đô thị.
Hiện tượng này không chỉ xảy ra nơi những vụ tai nạn giao thông gây chết người mà còn ở đám ma, đám cưới, đám rước… Người ta quan niệm làm như vậy thì sẽ may mắn và thuận buồm xuôi gió. Khi có người thân chết đi, họ dùng những thỏi vàng mã, tiền xu mã rải ra đường với mục đích phân phát cho ma quỷ để chúng không quấy phá, bắt nạt vong hồn người chết và đánh dấu đường cho linh hồn người chết biết đường về nhà.Với mục đích này, người thân của người chết sẽ rắc các thỏi vàng dọc đường và rắc nhiều nhất ở các ngã ba, ngã tư để vong hồn người chết chú ý khỏi lạc đường về.
“Thực tế đây chỉ là một biện pháp trấn an về mặt tâm lý chứ không có một ý nghĩa nào. Việc rải tiền thật hay tiền vàng mã chỉ là nghi thức tín ngưỡng của nhân dân. Đối với thế giới người âm cho dù chúng ta đưa tiền thật thì với thế giới đó cũng là tiền giả. Đồng tiền thật vứt cho người chết tuy có mệnh giá nhỏ nhưng cũng không nên ném đi ở đường như vậy. Chúng có thể gây ra những hậu quả không lường được trước như gây tai nạn cho người nhặt. Trên thực tế, vì mải nhặt những đồng tiền thả ra từ các vụ tai nạn, đám tang mà đã có người tử vong. Chúng ta nên tôn trọng đồng tiền quốc gia, vận động mọi người không nên vứt bỏ tiền”, TS Vũ Thế Khanh nhấn mạnh.
Theo Hòa thượng Thích Nguyên Quang (Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tỉnh Khánh Hòa), đạo Phật không chủ trương rải tiền vàng. Trong đám tang, các gia đình thường mời các sư thầy về hành lễ, nhưng việc hành lễ đó không hề nói tới chuyện vàng mã cũng như bày vẽ lễ lạt tốn kém. Việc rải vàng mã thực sự là một hủ tục, gây phung phí, ô nhiễm môi trường. Mọi người thay vì tốn kém vào việc rải vàng mã, tiền nên nghĩ đến chuyện làm những việc thiện, có ích cho người khác.
Việc thả tiền ở đám tang hay những nơi xảy ra tai nạn có người chết đôi khi lại tạo “nghiệp” vì gây họa cho người khác. Người nhặt tiền không biết có bị xui xẻo hay không nhưng việc cố chạy ra nhặt tiền bất chấp mất an toàn giao thông có thể xảy ra dù mệnh giá tiền rất nhỏ.
Hà My/Báo Gia đình & Xã hội