Có người nói rằng: “Học ca dao chính là học cách sống, cách làm người”. Quả thật, những câu ca dao kết tinh từ trăm đắng ngàn cay của cuộc đời, thoát thai từ chính cuộc sống lao động hàng ngày của người dân, mang trong mình tiếng nói của cả một dân tộc. Sức mạnh răn dạy của ca dao còn tồn tại mãi trong dòng chảy bất tận của thời gian. Câu ca dao “Nhiễu điều phủ lấy giá gương” là một trong những câu ca dao phổ biến nhất đối với độc giả Việt Nam.
- Giá trị hiện thực trong tác phẩm Truyện Kiều
- Phong vị dân gian trong các tác phẩm của Nguyễn Bính
- Truyện cổ tích Tấm Cám – Ý nghĩa truyện cổ tích Tấm Cám
Giải thích câu ca dao
Nguyên văn của câu ca dao này là:
Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng
Để có thể hiểu sâu sắc câu nói này, ta cần phải xét trên hai tầng nghĩa là nghĩa đen và nghĩa bón
Nghĩa đen
“Nhiễu điều” là thứ hàng tơ lụa màu đỏ đẹp đắt giá; “giá gương” là vật dụng bằng gỗ chạm khắc khéo léo vừa đỡ lấy tấm gương soi vừa để trang hoàng nhà cửa. Nếu hai vật ấy đứng riêng lẻ thì không cổ gì đặc sắc. Nhưng đặt mảnh lụa đỏ phủ lên giá gương thì chúng tạo nên một cảnh tượng vừa rực rỡ, vừa uy nghiêm. Tấm “nhiễu điều” giữ cho gương sáng mãi, khỏi bị ố mờ vì bụi, cồn tấm gương kia nhờ tấm nhiễu điều nên luôn sáng tươi mãi. Chính nhờ bao phủ, chở che cho nhau mà cả hai trở nên cổ giá trị, tôn vinh thêm nét đẹp. Ý muốn nói đến tầm quan trong của sự chở che đùm bọc. Sự tồn tài của cái này là nhờ sự hi sinh của cái còn lại
Nghĩa bóng
Từ những hình ảnh nhiễu điều và giá gương, tác giả muốn ẩn dụ cho hình ảnh đùm bọc giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Những người dân trong cùng một dân tộc, cùng một nước, đã chảy chung một dòng máu quê hương, có mục đích chung thì cần biết thương yêu nhau, đùm bọc, gắn bó, sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau trong mọi hoàn cảnh để cùng vượt qua khó khăn, thử thách, có như thế mới giúp đất nước phát triển và đi lên.
Tư tưởng này là một sợi chỉ đỏ xuyên suốt nền văn học Việt Nam – tư tưởng tương thân tương ái. Ta cũng đã từng bắt gặp tư tưởng này trong rất nhiều câu nói khác:
Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn
Hay :
Khôn ngoan đối đáp người ngoài
Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau
Qua đó ta mới thấy được ý nghĩa sâu xa của câu ca dao. Kết tinh trong ngôn từ giản đơn là truyền thống của cả một dân tộc anh hùng. Mỗi chúng ta chỉ là một cá nhân riêng biệt, sức mạnh rất nhỏ và yếu đuối. Không ai có thể tồn tạo một mình mà không cần đến sự giúp đỡ của đồng loại. Yêu thương đùm bọc sẻ chia đã là một truyền thống tốt đẹp của ông cha ta để lại. Tất cả người dân Việt Nam dù khác họ khác tên, dù ở miền Bắc hay miền Nam, dân tộc Kinh hay Mường,… thì đều là con cháu Rồng Tiên, mang trong mình dòng máu Lạc Việt, phải biết yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, cùng nhau xây dựng đất nước. Mở rộng ra là sự đoàn kết trong công cuộc bảo vệ đất nước. Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Trãi có câu thơ:
Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo
Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Truyền thống yêu nước thương nòi đã trở thành viên gạch làm nên nền móng của đất nước. Nước ta trải qua bao lần xâm lăng vẫn giữ được truyền thống đó. Người Việt Nam có tấm lòng yêu thương đồng bào cao cả, thể hiện qua các cuộc chiến tranh xâm lược cũng như trong chính cuộc sống hàng ngày. Họ sẵn sàng hi sinh tính mạng vì đồng bào mình.
Xem thêm: Hịch tướng sĩ – Tác phẩm văn học kinh điển của Việt Nam
Quan niệm của ông cha ta là hoàn toàn đúng đắn và sâu sắc. Trước hết, mỗi người đều có cội nguồn, đều có một Tổ Quốc thiêng liêng mà thân thương như là nhà, là nơi vững chãi để con người ta sống và hoạt động. Từ xa xưa, truyền thuyết về Lạc Long Quân và Âu Cơ sinh ra chiếc bọc trăm trứng đã thể hiện sự liên kết, mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa người với người trong cùng một dân tộc, có chung nhau tổ tiên, nguồn cội, có chung dòng máu dân tộc trong huyết quản. Sự đoàn kết giữa các dân tộc chung một dòng máu tạo nên sức mạnh trường kì của một đất nước nhỏ bé, nhưng chưa bao giờ bị khuất phục.
Sự yêu thương đùm bọc thể hiện trong những hành động giản dị hằng ngày song giá trị lại vô cùng to lớn. Nó chứng tỏ dân tộc Việt Nam là một, nước Việt Nam là một, dù cho vận đổi sao dời thì đó vẫn mãi là chân lý.
Thật đáng tiếc cho những ai vẫn đang sống ích kỉ, không bao giờ quan tâm đến đồng bào của mình, có lẽ chính họ sẽ giết chết bản thân mình với lối sống đó.
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương” là một câu ca dao ngắn được ông cha ta truyền lại qua bao thế hệ, để dạy dỗ những thế hệ sau bài học về tương thân tương ái, về sự đoàn kết và đùm bọc lẫn nhau. Đó là lý do mà ngày nay, ca dao được sử dụng như một trong những phương tiện chính để giáo dục giới trẻ, vì cả đố tin cậy cũng như sự dễ hiểu của nó. Đây thực sự là quan niệm rất đúng đắn của ông cha ta.
Thảo Nguyên