Giới thiệu tác giả, tác phẩm và phân tích những đặc sắc về nội dung và giá trị nghệ thuật của “Chuyện người con gái Nam Xương”.
Chuyện người con gái Nam Xương là một tác phẩm giàu giá trị nội dung và nghệ thuật. Từ câu chuyện kể về số phận của Vũ Nương để mở rộng ra số phận của người con gái thời phong kiến. Bài viết sau đây sẽ giới thiệu đôi nét về tác giả, tác phẩm, bố cục cũng như chỉ ra các khía cạnh nội dung và nghệ thuật đặc sắc của tác phẩm này.
Giới thiệu về tác giả, tác phẩm
Tác giả Nguyễn Dữ
Nguyễn Dữ sống vào khoảng thế kỷ XVI, hiện năm sinh và năm mất của ông vẫn chưa được xác định. Ông là người huyện Trường Tân, nay thuộc tỉnh Hải Dương. Là người học trò ưu tú của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nhờ học thức và hiểu biết cao rộng, Nguyễn Dữ được phong làm quan dưới triều nhà Lê. Tuy nhiên ông đã lui về ở ẩn chỉ sau một năm làm quan.
Tập truyện “Truyền kỳ mạn lục”
Tập truyện là tác phẩm nổi tiếng nhất của Nguyễn Dữ viết bằng chữ Hán. Nội dung tác phẩm là những ghi chép tản mạn xoay quanh những điều kỳ lạ được lưu truyền trong dân gian. Từ đó thể hiện tấm lòng xót thương của ông cho những số phận bất hạnh trong cuộc đời và quan niệm sống của nhà văn.
Tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương”
Được trích từ tập truyện “Truyền kỳ mạn lục” của Nguyễn Dữ. Câu chuyện nói về một người con gái tên là Vũ Nương với số phận thảm thương, bất hạnh và đầy bi kịch trong thời đại phong kiến xưa. Từ đó thể hiện sự thương cảm của nhà văn với người con gái trong xã hội đương thời.
Bố cục của tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương”
Tác phẩm có bố cục ba phần bao gồm:
- Phần 1: Từ đầu đến “như đối với cha mẹ đẻ mình”: Kể về cuộc sống của nhân vật chính tên là Vũ Nương – một người con gái đầy phẩm hạnh có người chồng phải đi chiến đấu xa nhà
- Phần 2: Tiếp theo đến “nhưng việc đã trót rồi”: Những oan khuất mà Vũ Nương phải gánh chịu
- Phần 3: Đoạn còn lại: Nỗi oan của Vũ Nương được hóa giải
Đặc sắc về nội dung của tác phẩm
- Hình ảnh Vũ Nương hiện lên là một cô gái nết na, thùy mị và có phẩm hạnh cao quý. Tuy nhiên số phận của cô lại vô cùng thảm thương, phải hứng chịu nỗi oan khuất.
- Từ số phận người con gái Vũ Nương, tác giả đã bộc lộ sự đồng cảm với những người phụ nữ thời phong kiến. Mặc dù đẹp người đẹp nết nhưng bị vùi dập, có số phận bất hạnh. Đồng thời ca ngợi vẻ đẹp phẩm chất của người phụ nữ thời xưa, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào vẫn luôn giữ trọn đạo nghĩa.
- Mặc dù có nhiều chi tiết hoang đường kì ảo, nhưng tác phẩm lại khắc họa rõ nét những cổ hủ, bất công, khắc nghiệt trong xã hội thời phong kiến. Khiến cho người phụ nữ phải hứng chịu nhiều đau khổ.
Giá trị nghệ thuật của tác phẩm
Nghệ thuật xây dựng cốt truyện
Từ câu chuyện dân gian, tác giả đã phát triển và thêm thắt nhiều tình tiết, yếu tố khiến cho tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương” trở nên ly kỳ, hấp dẫn và phù hợp với thời đại hơn. Mạch truyện lôi cuốn, tự nhiên mặc dù nhiều yếu tố kỳ ảo đã được thêm thắt trong câu chuyện.
Nghệ thuật xây dựng nhân vật
Qua những đoạn độc thoại, đối thoại, tác giả đã khắc họa một cách rõ nét tính cách riêng của từng nhân vật. Từ Vũ Nương cho tới cậu bé Đản, người chồng… Tất cả đều thể hiện những nét tính cách riêng, ngôn ngữ riêng khiến cho thế giới trong câu chuyện được hiện lên vô cùng sinh động và chân thực.
Sử dụng các yếu tố kỳ ảo
Trong chuyện, tác giả đã thêm thắt những yếu tố kỳ ảo, không có thật để giúp làm nổi bật chủ đề và khiến cho câu chuyện trở nên độc đáo, hấp dẫn hơn đối với người đọc, người nghe. Đặc biệt các yếu tố thực và kỳ ảo được thể hiện và đan xen một cách khéo léo khiến cho cốt truyện hợp lý, liền mạch hơn. Đồng thời những chi tiết này cũng thể hiện sự đồng cảm, mong muốn của tác giả giúp nàng Vũ Nương hóa giải những oan khuất của mình.
Sử dụng nhiều phương thức biểu đạt
Tác phẩm không chỉ đơn thuần là một câu chuyện kể lại mà trong đó còn thể hiện cảm xúc, tình cảm của tác giả. Việc sử dụng nhiều phương thức biểu đạt giúp câu chuyện không còn khô khan mà hấp dẫn và lôi cuốn hơn.
Xây dựng tình tiết câu chuyện ly kỳ
Trong câu chuyện có nhiều tình tiết được xây dựng một cách khéo léo và đầy ly kỳ hấp dẫn. Đặc biệt là chi tiết “cái bóng” trên tường, là điểm thắt của câu chuyện giúp những mâu thuẫn, nỗi oan được đẩy lên đến đỉnh điểm một cách tự nhiên.
Tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương” không chỉ chứa đựng những giá trị nghệ thuật đặc sắc mà còn phản ánh nhiều giá trị hiện thực và nhân đạo. Ngợi ca phẩm chất của người phụ nữ, sự đồng cảm với thân phận bất hạnh của họ đồng thời phê phán, lên án những luật lệ hà khắc, cổ hủ trong thời đại phong kiến xưa.
Văn Học Lớp 9 –