Phép biện chứng duy vật là một bộ phận lý luận cơ bản hợp thành thế giới quan và phương pháp luận triết học Mác Lê-nin. Với tư cách là khoa học về mối liên hệ phổ biến và sự phát triển, phép biện chứng khái quát những mối liên hệ phổ biến nhất bao quát các lĩnh vực tự nhiên, xã hội và tư duy vào các cặp phạm trù cơ bản, đó là các cặp phạm trù: cái chung và cái riêng, nguyên nhân và kết quả, tất nhiên và ngẫu nhiên, nội dung và hình thức, bản chất và hình thức, bản chất và hiện tượng, khả năng và hiện thực.
Trong sự vận động của hiện thực, mối liên hệ nguyên nhân – kết quả là một trong những mối liên hệ đầu tiên được phản ánh vào trong đầu óc của con người. Qua bài phân tích sau đây tổng đài tư vấn Luật Quang Huy chúng tôi xin giải quyết về vấn đề: “Nội dung và ý nghĩa của phương pháp luận của cặp phạm trù nguyên nhân và kết quả và vận dụng cặp phạm trù này trong hoạt động thực tiễn”. Do những hạn chế khó tránh khỏi trong lí thuyết cũng như thực tiễn, tiểu luận chắc sẽ còn nhiều khuyết điểm cần sửa chữa. Vậy nên, tiểu luận rất mong nhận được sự nhận xét, góp ý của thầy cô để hoàn thiện thêm về kiến thức, phục vụ cho việc học tập và nghiên cứu môn Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin của mình.
Danh mục tài liệu tham khảo
- Bộ giáo dục và đào tạo, Giáo trình Những nguyên lí cơ bản của chủ nghĩa Mac – Lênin, CTQG, Hà Nội, 2009.
- Bộ giáo dục và đào tạo, Giáo trình chủ nghĩa xã hội khoa học (dùng trong các trường đại học và cao đẳng), Nxb. CTQG, Hà Nội, 2005.
- Thực trạng giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay, PGS.TS Nguyễn Thị Quế, ThS Nguyễn Thị Tú Hoa, Học viện Chính trị -Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh. Ngày đăng: 25/04/2014
- Xây dựng và phát triển giai cấp công nhân Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, PGS, TS. Phạm Công Nhất – Đại học Quốc gia Hà Nội. Ngày đăng: 30/09/2015
- Để giai cấp công nhân Việt Nam thực sự là lực lượng tiên phong trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, PGS, TS. Phạm Công Nhất – Đại học Quốc gia Hà Nội. Ngày đăng: 26/04/2014
- Nhận thức chính trị, xã hội của công nhân Việt Nam hiện nay và những biện pháp nâng cao, Lê Thanh Hà, Viện Công nhân và Công đoàn.
Nội dung và ý nghĩa phương pháp luận của cặp phạm trù nguyên nhân – kết quả trong phép biện chứng duy vật
Phạm trù nguyên nhân và phạm trù kết quả
Nguyên nhân là phạm trù chỉ sự tác động lẫn nhau giữa các mặt trong một sự vật hoặc giữa các sự vật với nhau, gây ra một biến đổi nhất định nào đó. Kết quả là phạm trù chỉ những biến đổi xuất hiện do tác động lẫn nhau giữa các mặt trong một sự vật hoặc giữa các sự vật với nhau giữa các sự vật với nhau gây ra.
Tính chất của mối liên hệ nhân – quả
Phép biện chứng duy vật khẳng định mối liên hệ nhân quả có tính khách quan, tính phổ biến, tính tất yếu. Tính khách quan thể hiện ở chỗ: mối liên hệ nhân quả là cái vốn có của bản thân sự vật không phụ thuộc và ý thức của con người. Dù con người biết hay không biết, thì các sự vật vẫn tác động lẫn nhau và sự tác động đó tất yếu gây nên biến đổi nhất định. Tính phổ biến thể hiện ở chỗ: mọi sự vật, hiện tượng trong tự nhiên và trong xã hội đều có nguyên nhân nhất định gây ra. Không có hiện tượng nào không có nguyên nhân, chỉ có điều là nguyên nhân đó đã được nhận thức hay chưa mà thôi. Tính tất yếu thể hiện ở chỗ: cùng một nguyên nhân nhất định, trong những điều kiện giống nhau sẽ gây ra kết quả như nhau. Tuy nhiên, trong thực tế không thể có sự vật nào tồn tại trong những điều kiện, hoàn cảnh hoàn toàn giống nhau. Do vậy, tính tất yếu của mối liên hệ nhân quả phải được hiểu là: Nguyên nhân tác động trong những điều kiện, hoàn cảnh càng ít khác nhau bao nhiêu thì kết quả do chúng gây ra càng giống nhau bấy nhiêu.
Mối quan hệ biện chứng giữa nguyên nhân và kết quả
Nguyên nhân sản sinh ra kết quả
Nguyên nhân là cái sinh ra kết quả, nên nguyên nhân luôn luôn có trước kết quả, được sản sinh ra trước kết quả. Còn kết quả chỉ xuất hiện sau khi nguyên nhân xuất hiện và bắt đầu tác động. Tuy nhiên không phải hai hiện tượng nào nối tiếp nhau về mặt thời gian cũng là quan hệ nhân quả. Cái phân biệt quan hệ nhân quả với quan hệ kế tiếp nhau về mặt thời gian là ở chỗ: giữa nguyên nhân và kết quả còn có mối quan hệ sản sinh, quan hệ trong đó nguyên nhân sinh ra kết quả.
Nguyên nhân sinh ra kết quả như thế nào? Nguyên nhân sinh ra kết quả rất phức tạp, bới vì nó còn phụ thuộc vào nhiều điều kiện và hoàn cảnh khác nhau. Một kết quả có thể do nhiều nguyên nhân sinh ra. Mặt khác, một nguyên nhân trong những điều kiện khác nhau cũng có thể sinh ra những kết quả khác nhau. Nếu nhiều nguyên nhân cùng tồn tại và tác động cùng chiều trong một sự vật thì chúng sẽ gây ảnh hưởng cùng chiều đến sự hình thành kết quả, làm cho kết quả xuất hiện nhanh hơn. Ngược lại nếu những nguyên nhân tác động đồng thời theo các hướng khác nhau, thì sẽ cản trở tác dụng của nhau, thậm chí triệt tiêu tác dụng của nhau. Điều đó sẽ ngăn cản sự xuất hiện của kết quả. Do vậy trong hoạt động thực tiễn cần phải phân tích vai trò của từng loại nguyên nhân, để có thể chủ động tạo ra điều kiện thuận lợi cho những nguyên nhân quy định sự xuất hiện của kết quả (mà con người mong muốn) phát huy tác dụng.
Căn cứ vào tính chất và vai trò của nguyên nhân đối với sự hình thành kết quả, có thể phân các nguyên nhân ra thành: nguyên nhân chủ yếu và nguyên nhân thứ yếu; nguyên nhân bên trong và nguyên nhân bên ngoài; nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan
Sự tác động trở lại của kết quả đối với nguyên nhân
Kết quả do nguyên nhân sinh ra, nhưng sau khi xuất hiện, kết quả lại có ảnh hưởng trở lại đối với nguyên nhân, Sự ảnh hưởng đó có thể diễn ra theo hai hướng: Thúc đấy sự hoạt động của nguyên nhân (hướng tích cực), hoặc cản trở sự hoạt động của nguyên nhân (hướng tiêu cực).
Nguyên nhân và kết quả có thể thay đổi vị trí cho nhau
Điều này có nghĩa là một sự vật, hiện tượng nào đó trong mối quan hệ này là nguyên nhân, nhưng trong mối quan hệ khác lại là kết quả và ngược lại. Vì vậy, Ph.Ăngghen nhận xét rằng: Nguyên nhân và kết quả là những khái niệm chỉ có ý nghĩa là nguyên nhân và kết quả khi được áp dụng vào một trường hợp riêng biệt nhất định. Nhưng một khi chúng ta nghiên cứu trường hợp riêng biệt ấy trong mối liên hệ chung của nó với với toàn bộ thế giới, thì những khái niệm ấy lại gắn với nhau trong một khái niệm về sự tác động qua lại một cách phổ biến, trong đó nguyên nhân và kết quả luôn thay đổi vị trí cho nhau. Chuỗi nhân quả là vô cùng, không có bắt đầu và không có kết thúc. Một hiện tượng nào đấy được coi là nguyên nhân hay kết thúc bao giờ cũng ở trong một quan hệ xác định cụ thể.
Ý nghĩa phương pháp luận của cặp phạm trù nguyên nhân – kết quả
Mối liên hệ nhân quả có tính khách quan và tính phổ biến, nghĩa là không có sự vật, hiện tượng nào trong thế giới vật chất lại không có nguyên nhân. Nhưng không phải con người có thể nhận thức ngay được mọi nguyên nhân. Nhiệm vụ của nhận thức khoa học là phải tìm ra nguyên nhân của những hiện tượng trong tự nhiên, xã hội và tư duy để giải thích được những hiện tượng đó. Muốn tìm nguyên nhân phải tìm trong thế giới hiện thực, trong bản thân các sự vật, hiện tượng tồn tại trong thế giới vật chất chứ không được tưởng tượng ra từ trong đầu óc con người, tách rời với thế giới hiện thực.
Vì nguyên nhân luôn luôn có trước kết quả nên muốn tìm nguyên nhân của một hiện tượng nào đấy cần tìm trong những sự kiện những mối liên hệ xảy ra trước khi hiện tượng đó xuất hiện. Một kết quả có thể do nhiều nguyên nhân sinh ra. Những nguyên nhân này có vai trò khác nhau đối với việc hình thành kết quả. Vì vậy trong hoạt động thực tiễn chúng ta cần phân loại các nguyên nhân, tìm ra nguyên nhân cơ bản, nguyên nhân chủ yếu, nguyên nhân bên trong, nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân khách quan,…Đồng thời phải nắm được chiều hướng tác động của các nguyên nhân, từ đó có biện pháp thích hợp tạo điều kiện cho nguyên nhân có tác động tích cực đến hoạt động và hạn chế sự hoạt động của nguyên nhân có tác động tiêu cực.
Kết quả tác động trở lại nguyên nhân. Vì vậy, trong hoạt động thực tiễn chúng ta cần phải khai thác, tận dụng các kết quả đã đạt được để tạo điều kiện thúc đẩy nguyên nhân phát huy tác dụng, nhàm đạt mục đích.
Vận dụng nội dung và ý nghĩa phương pháp luận của cặp phạm trù nguyên nhân và kết quả vào hiện tượng hàng loạt công nhân bị ngộ độc trong bữa ăn tập thể ở Việt Nam hiện nay
Đôi nét về hiện tượng hàng loạt công nhân bị ngộ độc trong bữa ăn tập thể ở Việt Nam hiện nay
Ngộ độc thực phẩm là gì? Biểu hiện của ngộ độc thực phẩm ra sao? Ngộ độc thực phẩm hay còn gọi với tên thông thường là ngộ độc thức ăn hoặc trúng thực là các biểu hiện bệnh lý xuất hiện sau khi ăn, uống và cũng là hiện tượng người bị trúng độc, ngộ độc do ăn, uống phải những loại thực phẩm nhiễm khuẩn, nhiễm độc hoặc có chứa chất gây ngộ độc hoặc thức ăn bị biến chất, ôi thiu, có chất bảo quản, phụ gia… nó cũng có thể coi là bệnh truyền qua thực phẩm, là kết quả của việc ăn thực phẩm bị ô nhiễm. Người bị ngộ độc thực phẩm thường biểu hiện qua những triệu chứng lâm sàng như nôn mửa, tiêu chảy, chóng mặt, sốt, đau bụng….Ngộ độc thực phẩm không chỉ gây hại cho sức khỏe (có thể dẫn đến tử vong) mà còn khiến tinh thần con người mệt mỏi. Ở Việt Nam hiện nay, đây là một vấn đề rất được xã hội quan tâm, lo lắng, bởi vì, hiện tượng ngộ độc thực phẩm càng càng nhiều, ngày càng gia tăng không những thế mức độ do nó gây ra ngày càng nghiêm trọng, số người bị ngộ độc thực phẩm lên đến con số hàng nghìn người chứ không phải hàng chục, hàng trăm như trước kia.
Mấy năm gần đây, hiện tượng hàng loạt công nhân bị ngộ độc thực phẩm trong bữa ăn tập thể tại nhà máy, xí nghiệp ở Việt Nam đang là vấn đề “nóng” được dư luận xã hội bận tâm rất nhiều. Ở nước ta hiện nay, hiện tượng này ngày càng diễn biến phức tạp, điển hình như vụ việc mới đây vào ngày 17-11-2015, gần trăm công nhân của công ty TNHH TM-DV-SX Chánh Ích (đóng trên phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa, Đồng Nai) bị ngộ độc, nguyên nhân ban đầu được xác định là do món trứng chế biến chung với thịt gây ra tại bữa ăn tập thể của công ty. Sau khi vụ việc xảy ra, 94 công nhân phải nhập viện điều trị và được theo dõi. Vào ngày 24-11-2015 vừa qua, có 82 công nhân tại Formosa (khu kinh tế Vũng Áng Ở Hà Tĩnh) đã phải nhập viện cấp cứu sau bữa ăn tối. Không chỉ ở các tỉnh ngoài mà ngay tại thủ đô Hà Nội, vào ngày 7-4-2015 sau bữa ăn trưa hàng trăm công nhân tại công ty TNHH thời trang Star của Singapore ở khu công nghiệp Phú Nghĩa (Chương Mỹ, Hà Nội) có dấu hiệu nôn, đau bụng và đi ngoài. Đến sáng 8/4, có tất cả 107 công nhân phải nhập viện. Nguyên nhân gây ngộ độc nghi ngờ là món rau cải mà công nhân đã ăn trong bữa trưa và tối. Đây là vụ ngộ độc thực phẩm đầu tiên xảy ra ở khu công nghiệp tại Hà Nội với số lượng lớn nhập viện. Tại TP. Hồ Chí Minh, trưa 11-6-2009, hơn 700 công nhân Công ty TNHH Minh Nghệ (phường Tam Bình, Thủ Đức) sau khi dùng bữa ăn trưa gồm cá ngừ kho, canh chua rau muống… bỗng cảm thấy triệu chứng nổi ngứa ngáy, đau đầu, chóng mặt. Đáng chú ý nhất là vào sáng ngày 4-10-2013, gần 1000 công nhân của công ty Wondo Vina (sản xuất hàng may mặc) tại xã Long Bình Điền, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang đã bị ngộ độc thực phẩm. Trong đó có hơn 200 bệnh nhân phải chuyển lên tuyến trên để điều trị. Đó chưa phải là tất cả, nhưng chỉ cần nhìn những con số trên thôi, thật đáng để mọi người trong chúng ta không khỏi suy nghĩ và lo lắng. Mới đây, theo số liệu báo cáo của Bộ Y Tế Cục An Toàn Thực Phẩm: bà Trần Việt Nga- Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết trong 10 tháng đầu năm nay, cả nước ghi nhận 150 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 4.077 người mắc, 21 người tử vong. Trong số đó, riêng bếp ăn tập thể có 33 vụ, làm 2.302 người mắc, 2.268 người đi viện. Trong đó, có 70% vụ ngộ độc do cơ sở cung cấp thức ăn sẵn (đặt dịch vụ) không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trình vận chuyển, bảo quản thức ăn và 30% do bếp ăn tại chỗ. Chỉ tính riêng từ ngày 25/9 đến 25/10, cả nước liên tiếp xảy ra 13 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 813 người mắc và đi viện, không có ca tử vong. Theo lãnh đạo Cục ATTP, số vụ và ca mắc trên tuy giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn gây hoang mang trong dư luận. Đặc biệt, giai đoạn chuyển mùa hiện nay là điều kiện thuận lợi để nhiều vi sinh vật phát triển, nếu không đảm bảo vệ sinh thực phẩm thì nguy cơ ngộ độc rất cao. Riêng tại các khu công nghiệp, ngộ độc tập thể có xu hướng gia tăng. Theo thống kê, ở thành phố Hồ Chí Minh năm vừa qua, hơn 26% cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, gần 20% bếp ăn tập thể, gần 52% cơ sở nước đá, gần 27% cơ sở nước uống trong tổng số cơ sở được kiểm tra không đạt tiêu chuẩn. So với năm 2014, số cơ sở vi phạm tăng hơn 36%. Theo một thống kê năm 2008, mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 250- 500 ca ngộ độc thực phẩm với 7.000 – 10.000 nạn nhân và 100 – 200 ca tử vong. Nhà nước Việt Nam cũng phải chi trên 3 tỷ đồng cho việc điều trị, xét nghiệm và điều tra tìm nguyên nhân. Tiền thuốc men và viện phí cho mỗi nạn nhân ngộ độc do vi sinh vật tốn chừng 300.000 – 500.000 đồng, các ngộ độc do hóa chất (thuốc trừ sâu, phẩm màu…) từ 3 – 5 triệu đồng, nhưng các chi phí do bệnh viện phải chịu thì còn lớn hơn nhiều.
Nguyên nhân và kết quả của hiện tượng hàng loạt công nhân bị ngộ độc thực phẩm ở Việt Nam hiện nay
Qua những số liệu và đánh giá trên cho thấy được hiện tượng hàng loạt công nhân bị ngộ độc thực phẩm ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp. Vậy nguyên nhân do đâu mà dẫn đến hiện tượng hàng loạt công nhân bị ngộ độc thực phẩm ở các nhà máy, xí nghiệp lớn? Nguyên nhân ban đầu được các cơ quan điều tra xác định là do đồ ăn hoặc đồ uống mà công nhân ăn phải tại nhà máy, xí nghiệp – nơi mà họ làm việc. Qua nhiều vụ việc diễn ra có thể xác định được nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng này là do đồ ăn, nước uống không hợp vệ sinh; bếp ăn không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Thức ăn chưa được nấu chín kỹ, biến chất, có mùi ôi thiu, ươn và bốc mùi hoặc nhiễm vi sinh vật (vi khuẩn, ký sinh trùng), các loại rau sống, gỏi chưa được rửa sạch, nước uống thì bị nhiễm khuẩn hoặc bị ô nhiễm hóa học (kim loại nặng, độc tố vi nấm…); trong khi đó bếp ăn tập thể không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, rãnh thoát nước thải trong khu chế biến nằm lộ thiên, hố ga phía ngoài thì ứ đọng, dụng cụ chế biến thực phẩm quá cũ kỹ, ở rất nhiều khâu trong chuỗi dây chuyền sản xuất, bảo quản, chế biến thực phẩm như các dụng cụ dùng (dao, thớt, rổ, nồi niêu xoong chảo, đôi bàn tay, nước rửa…) không được đảm bảo vệ sinh, … Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác như thức ăn nhiễm vi sinh vật gồm Coliforms, E. Coli vượt mức cho phép; nguồn nước bị nhiễm khuẩn E.coli;…
Quan những nhận xét trên, có thể thấy nguyên nhân chủ quan của hiện tượng này là do bếp ăn tập thể nấu nướng không hợp vệ sinh, mặc dù biết thực phẩm có hiện tượng lạ, nước bị nhiễm khuẩn nhưng vẫn sử dụng để chế biến thức ăn dẫn đến tình trạng công nhân bị ngộ độc. Có thể nói rằng ý thức trách nhiệm của các bếp ăn không cao, đầu bếp chưa thật sự đặt “tâm” của mình khi chế biến thực phẩm, một số bếp ăn còn cố tình mua những nguyên liệu kém chất lượng để sử dụng chế biến nhằm thu thêm lợi nhuận cho mình. Trong các vụ ngộ độc xảy ra, hầu hết công nhân đã nhận thức được thức ăn có dấu hiệu lạ như: có mùi, có dòi, màu sắc không tự nhiên,… nhưng không báo cáo với lãnh đạo để giải quyết mà vẫn ăn bình thường đều đó dẫn tới tình trạng nôn ói, đau bụng, tiêu chảy, và phải nhập viện để điều trị. Ngoài nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân khách quan được cho là của hiện tượng này là do nguyên liệu thực phẩm mua về được nhà bếp sử dụng không hợp vệ sinh: rau, củ, quả có thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng chất ép trái cây chín nhanh, chất bảo quản; thịt, cá chứa chất phụ gia, chất bảo quản, để lâu ngày,… Hơn thế nữa, các loại vi khuẩn gây nhiễm khuẩn cho thực phẩm có thể tồn tại khắp nơi trong không khí, đặc biệt khi thời tiết nắng nóng hay giao mùa cũng làm các vi khuẩn trong thức ăn phát triển nhanh hơn, ngoài ra, thì vào các dịp Tết thì nguy cơ ngộc độc cũng thường xuyên xảy ra.
Ngoài các nguyên nhân trên, nguyên nhân bên ngoài được cho là do giá cả của mỗi khẩu phần ăn. Thực tế cho thấy giá lương thực, thực phẩm thì ngày càng đắt đỏ tuy nhiên giá mỗi khẩu phần ăn của công nhân lại ngày một rẻ hơn. Điều đó cho thấy chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cho mỗi khẩu phần ăn dành cho công nhân không được đảm bảo. Theo Bà Trần Việt Nga- Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, hiện khẩu phần ăn của người lao động tại các khu công nghiệp còn quá thấp chỉ khoảng 11.000 đồng, chưa kể lợi nhuận của bếp ăn, chi phí thuế. “Với mức giá đó sau khi trừ đi các khoản chi phí khác, giá trị thật của bữa ăn công nhân chỉ còn khoảng 8.000 đồng. Như vậy khẩu phần dinh dưỡng của công nhân không bảo đảm, do sản phẩm thực phẩm kém chất lượng”, bà Nga nói. Tiền ăn ít, người nấu sẽ mua thực phẩm rẻ, không nguồn gốc, mỗi lần ngồi vào bàn ăn là hàng nghìn công nhân không khỏi lo lắng vì sợ ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra với mình, và điều đó đã xảy ra.
Từ những nguyên nhân trên, kết quả dẫn đến là: đa số là khoảng 12-14 giờ sau khi ăn thực phẩm có chứa vi khuẩn, nạn nhân là các công nhân sẽ có các triệu chứng: đau bụng, nôn, tiêu chảy, toàn thân bị lạnh rồi sốt, suy nhược cơ thể. Có những ca ngộ độc diễn ra nhanh hơn là khoảng 15 phút thì công nhân bị triệu chứng đau bụng, nhức đầu, chóng mặt, nôn mửa rồi ngất xỉu, hàng trăm thậm chí hàng nghìn người phải đưa vào bệnh viện để điều trị, nhiều trường hợp dẫn đến tử vong do không được cứu chữa kịp thời. Khi đó, không những sức khỏe của công nhân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt đối với những công nhân là phụ nữ hoặc phụ nữ mang thai mà còn làm cho những người thân trong gia đình không khỏi lo lắng, hoang mang, sợ hãi. Uy tín của các nhà máy, xí nghiệp, các công ty chịu trách nhiệm cung cấp thức ăn theo đó bị hạ thấp. Hàng trăm công nhân bị ngộ độc thực phẩm phải vào viện dẫn đến mất một lượng lớn chi phí cho thuốc men và viện phí cho mỗi công nhân, ảnh hưởng tới cuộc sống mỗi công nhân sau này.
Mối quan hệ biện chứng giữa nguyên nhân và kết quả của vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm
Mối liên hệ nhân – quả được thể hiện rất rõ trong hiện tượng trên. Theo đó, thức ăn, nước uống không được đảm bảo an toàn, hợp vệ sinh; bếp ăn không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là cái có trước, sau đó mới dẫn đến hiện tượng hàng loạt công nhân bị ngộ độc thực phẩm tại các nhà máy, xí nghiệp lớn. Kết quả hàng trăm công nhân phải vào bệnh viện điều trị không phải chỉ một nguyên nhân mà nhiều nguyên nhân khác tác động tới như: nguồn nước sử dụng chưa lọc kĩ, bị nhiễm khuẩn hoặc bị ô nhiễm hóa học (kim loại nặng, độc tố vi nấm…); do lợi nhuận trước mắt mà không nghĩ tới sức khỏe của công nhân nên các bếp ăn tập thể cố tình mua những loại thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc để chế biến cho công nhân ăn; các dụng cụ chế biến như: nồi, niêu, xoong, chảo, bát, đĩa,…không được khử trùng sạch sẽ; giá tiền cho một khẩu phần ăn quá rẻ; thực phẩm mua về có chứa nhiều thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản, chất phụ gia;… và rất rất nhiều nguyên nhân khác được nêu ở trên. Nếu các nguyên nhân trên cùng đồng thời tồn tại và tác động cùng chiều sẽ dẫn đến hiện tượng thực phẩm bị nhiễm “độc” càng nhiều, càng nhanh và càng nguy hiểm tới sức khỏe của công nhân, nhiều trường hợp công nhân bị tử vong do cấp cứu không kịp thời. Ngược lại, nếu hiện tượng thực phẩm kém chất lượng vẫn tồn tại nhưng thay vào đó nhà nước hoặc các cơ quan chức năng lại có các biện pháp trừng trị đối với các cơ sở cung cấp thực phẩm cho các nhà máy, xí nghiệp, hoặc mỗi khẩu phần ăn của công nhân được tăng giá so với ngày trước thì hiện tượng hàng loạt công nhân bị ngộ độc thực phẩm sẽ giảm xuống một cách đáng kể.
Hiện tượng hàng loạt công nhân bị ngộ độc thực phẩm sẽ tác động, ảnh hưởng trở lại đối với nguyên nhân sinh ra nó một cách tiêu cực thậm chí là cản trở nguyên nhân sinh ra nó.. Cụ thể là, khi hiện tượng hàng loạt công nhân bị ngộ độc thực phẩm diễn ra liên tục, điều đó khiến cho dư luận xã hội quan tâm, lo lắng, dẫn đến sự can thiệp của các nhà chức trách vào việc siết chặt bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm như: thường xuyên kiểm tra chất lượng vệ sinh của các bếp ăn tập thể, tuyên truyền về nguy cơ ngộ độc và biện pháp phòng chống, có biện pháp trừng phạt đối với những nơi vi phạm, tiêu hủy nhưng thực phẩm không đảm bảo an toàn,… Khi đó, thực phẩm sẽ được đảm bảo an toàn về vệ sinh hơn trước.
Nếu áp dụng quy luật nhân – quả trong hiện tượng hàng loạt công nhân bị ngộ độc thực phẩm thì có thể xác định một trong các nguyên nhân gây ra là thực phẩm không hợp vệ sinh như: Thức ăn biến chất, có mùi ôi thiu, ươn và bốc mùi hoặc nhiễm vi sinh vật (vi khuẩn, ký sinh trùng), nước uống thì bị nhiễm khuẩn hoặc bị ô nhiễm hóa học (kim loại nặng, độc tố vi nấm…). Nhưng nếu áp dụng quy luật nhân – quả trong hiện tượng thực phẩm không bảo đảm an toàn vệ sinh, thì thực phẩm bị nhiễm chất độc lại là một trong kết quả của hiện tượng sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ, chất ép trái cây chín nhanh, chất bảo quản, chất phụ gia,… Hiện tượng nước uống bị nhiễm khuẩn hoặc bị ô nhiễm hóa học lại là một trong những kết quả của ô nhiễm môi trường đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước và ô nhiễm nguồn đất. Như vậy, có thể thấy quan hệ nhân – quả trong hiện tượng hàng loạt công nhân bị ngộc độc thực phẩm chỉ có tính chất tương đối.
Vận dụng ý nghĩa phương pháp luận của cặp phạm trù nguyên nhân và kết quả để nhận thức và đề xuất một số giải pháp góp phần hạn chế tác hại của vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm
Muốn tìm nguyên nhân của hiện tượng hàng loạt công nhân bị ngộ độc thực phẩm trong các nhà máy, xí nghiệp trước tiên phải dựa và hiện thực xảy ra, không được suy đoán lung tung, phải có căn cứ rõ ràng. Đầu tiên, phải dựa vào các triệu chứng mắc phải của nạn nhân, hoặc kết luận của bênh viện về hiện tượng trên. Sau đó, các cơ quan điều tra lấy mẫu thức ăn, nước uống mà công nhân đã ăn để làm xét nghiệm, khi có kết quả là thực phẩm bị nhiễm độc, khi đó mới kết luận được nguyên nhân ban đầu. Nếu muốn tìm hiểu nguyên nhân sâu xa hơn nữa, các cơ quan chức năng phải tiến hành kiểm tra cơ sở cung cấp thực phẩm. Như vậy, có thể thấy không có sự vật, hiện tượng nào trong thế giới vật chất lại không có nguyên nhân. Nguyên nhân luôn có trước kết quả, nên muốn tìm nguyên nhân của hiện tượng trên, cần xác thực lại rõ các yếu tố ảnh hưởng tới công nhân trước khi công nhân bị ngộ độc thực phẩm. Cần phân loại được ra các nguyên nhân chủ yếu, nguyên nhân thứ yếu, nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân khách quan, nguyên nhân bên ngoài, nguyên nhân bên trong, như đã nêu ở trên; đồng thời thấy được tác động tiêu cực của nguyên nhân, sau đó tìm ra những giải pháp phù hợp khắc phục hiện tượng trên. Theo đây, đề xuất một số giải pháp có thể làm giảm hiện tượng trên:
Các bếp ăn tập thể nên sử dụng thực phẩm tươi, sạch; thực hiện ăn chín, uống chín; không để thức ăn sống lẫn với thức ăn chín; thức ăn đã nấu chín phải được bảo quản đúng cách, đun kỹ trước khi sử dụng lại; không sử dụng thức ăn quá hạn, bị ôi thiu; các đầu bếp rửa sạch tay trước khi chế biến, giữ vệ sinh trong quá trình chế biến; khám sức khỏe định kỳ. Các bếp ăn tập thể không nên sử dụng các loại thực phẩm để lâu ngày, thực phẩm đã có dấu hiệu thay đổi về mùi, màu sắc, hình dáng (vỏ đồ hộp…)… so với ban đầu; không sử dụng các loại thực phẩm được khuyến cáo có khả năng chứa chất độc, các loại thực phẩm lạ. Các cơ sở cung cấp thực phẩm nên mua các loại thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đọc kỹ các thông tin trên nhãn, thông tin liên quan đến thực phẩm; vệ sinh thực phẩm kỹ trước khi chế biến, nấu chín, mở vung khi đun nấu… Khi công nhân phát hiện thức ăn, đồ uống có dấu hiệu lạ bất thường thì phải có trách nhiệm báo cáo với lãnh đạo để giải quyết. Tăng thêm công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đến các cơ sở cung cấp lương thực, thực phẩm; có biện pháp xử phạt phù hợp với những cơ sở vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Hạn chế việc sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ, chất ép trái cây chin nhanh, chất bảo quản, chất phụ gia,…Theo nguyện vọng của công nhân, nên tăng giá mỗi khẩu phẩn ăn ủa họ để bảo đảm chất lượng của bữa ăn. Đó là một số giải pháp thiết thực giúp phòng, chống ngộ độc thực phẩm xảy ra đối với hàng loạt công nhân ở các nhà máy, xí nghiệp.
Có thể nói mọi mối quan hệ giữa các sự vật, hiện tượng với nhau trong thế giới khách quan đều phản ánh một trong các phạm trù cơ bản của phép biện chứng duy vật, trong đó cặp phạm trù nguyên nhân – kết quả là một trong những cặp phạm trù cơ bản, phổ biến nhất của thế giới hiện thực khách quan và có vai trò quan trọng trong việc nhận thức. Qua những lý lẽ đã nêu và hiện tượng chứng minh, chúng ta có thể nhận thấy nguyên nhân được có thể sinh ra nhiều kết quả và kết quả tác động trở lại nguyên nhân. Đồng thời giúp chúng ta hiểu thêm về hiện tượng hàng loạt công nhân bị ngộ độc thực phẩm. Thông qua việc phân tích cặp phạm trù nguyên nhân – kết quả, chúng ta hoàn toàn có thể nhìn ra sự nguy hại từ hiện tượng này. Qua đó, tìm ra những phương pháp giải quyết phù hợp. Hi vọng những thông tin và kiến thức trên sẽ giúp xã hội có cái nhìn đúng đắn hơn về hiện tượng đang gây bức xúc hiện nay.
Trên đây là phần giải đáp thắc mắc của chúng tôi về vấn đề: Nội dung và ý nghĩa của phương pháp luận của cặp phạm trù nguyên nhân và kết quả và vận dụng cặp phạm trù này trong hoạt động thực tiễn. Nếu trong quá trình giải quyết còn gì thắc mắc bạn có thể liên hệ chúng tôi qua tổng đài tư vấn luật qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được giải đáp.
Trân trọng./.