Đề bài: Cảm nhận về sức sống tiềm tàng của Mị trong đêm tình mùa xuân
Cảm nhận về sức sống tiềm tàng của Mị trong đêm tình mùa xuân
Bạn đang xem: Cảm nhận về sức sống tiềm tàng của Mị trong đêm tình mùa xuân
I. Dàn ý Cảm nhận về sức sống tiềm tàng của Mị trong đêm tình mùa xuân (Chuẩn)
1. Mở bài:
– Giới thiệu tác giả, tác phẩm, vấn đề: sức sống tiềm tàng của Mị trong đêm tình mùa xuân.
2. Thân bài:
a. Khái quát chung về tác giả, tác phẩm:
* Tác giả:– Tô Hoài là một nhà văn có số lượng tác phẩm kỉ lục trong văn học hiện đại Việt Nam- Ông có hiểu biết phong tục, tập quán của nhiều vùng trên đất nước.- Các tác phẩm của ông thường được trần thuật rất hóm hỉnh, sinh động, vốn từ giàu có, bình dân, thông tục, rất hấp dẫn và lôi cuốn người đọc.
* Tác phẩm Vợ chồng A Phủ:– Vợ chồng A Phủ được sáng tác năm 1952 sau khi nhà văn cùng đồng đội giải phóng vùng Tây Bắc, được in trong tập Truyện Tây Bắc.- Nội dung: Phản ánh cuộc sống tăm tối, cực nhục của những người đồng bào dân tộc miền núi và hành trình tự vùng lên giải thoát của họ.
b. Phân tích:
* Hoàn cảnh của Mị:– Mị là cô gái xinh đẹp, tài hoa và hiếu thảo.- Cha mẹ của Mị mượn tiền của nhà thống lý Pá Tra, không trả được nên Mị bị bắt trở thành “con dâu gạt nợ” nhà thống lý, trở thành vợ A Sử.
– Mang tiếng là con dâu nhưng thực chất Mị là thân phận nô lệ trong gia đình chồng:+ Mị phải làm việc quần quật suốt cả năm.+ Mị còn bị đày đọa về tinh thần khi bị tước đoạt tự do, hạnh phúc, tình yêu, bị hành hạ cả về thể xác và tinh thần.
* Sức sống tiềm tàng của Mị trong đêm tình mùa xuân:
– Từ khi lấy chồng, Mị sống trầm lặng, cam chịu, nhưng Tết năm nay khi nghe tiếng sáo gọi bạn yêu, cùng men rượu đã đánh thức tâm hồn Mị.
– Tiếng sáo và men rượu đưa Mị trở lại những ngày xưa, ngày còn tự do và hạnh phúc:+ Tiếng sáo gọi bạn yêu đã khiến tâm hồn Mị hồi sinh, bừng sáng.+ Mị hồi sinh ý thức về quyền sống của mình, Mị ý thức được tuổi trẻ của mình “Mị trẻ lắm, Mị vẫn còn trẻ”.+ Đánh thức cả khao khát được đi chơi xuân của Mị: “Mị muốn đi chơi. Bao nhiêu người có chồng vẫn đi chơi ngày Tết”.+ Những điều đó chứng tỏ tâm hồn Mị vẫn tràn đầy khát vọng tự do, tình yêu, hạnh phúc.
– Khát vọng và ý thức sống trỗi dậy là lúc Mị có ý thức phản kháng:+ Mị đau khổ vì phải sống trong một cuộc hôn nhân không hạnh phúc: “Không có lòng với nhau mà phải ở với nhau”.+ Mị muốn tìm đến cái chết như một sự giải thoát khỏi nỗi khổ đau: “Nếu có nắm lá ngón trong tay, Mị sẽ ăn cho chết ngay”.+ Nghĩ đến cái chết, sự giải thoát, mong muốn được sống trong yêu thương, hạnh phúc của Mị, đây là biểu hiện cho sức sống, cho ý thức về quyền sống của con người tuổi trể
– Vượt qua suy nghĩ về cái chết, Mị “vào buồng”, “lấy váy” và chuẩn bị đi chơi
– Khi bị A Sử phát hiện và “trói đứng” ở góc nhà, sức sống trong tâm hồn Mị vẫn không vơi cạn:+ Khi bị A Sử trói, thân thể Mị “đau nhức”, chân tay “đau không cựa được” nhưng tâm hồn Mị vẫn đang “lơ lửng” theo tiếng sáo.+ Tiếng sáo đưa Mị “đi theo những cuộc chơi, những đám chơi”.
c. Đánh giá nội dung, nghệ thuật:
– Nội dung:+ Sức sống tiềm tàng của Mị – một người lao động miền núi dù bị vùi dập, nhưng vẫn vươn lên mạnh mẽ+ Lời ngợi ca, trân trọng vẻ đẹp tâm hồn của người lao động.+ Ca ngợi vẻ đẹp của con người lao động, ngòi bút của Tô Hoài mang giá trị nhân đạo sâu sắc
– Nghệ thuật:+ Nghệ thuật xây dựng nhân vật và miêu tả tâm lý xuất sắc:+ Tô Hoài đã miêu tả từng bước diễn biến tâm lý phức tạp của Mị một cách tinh tế, sâu sắc, hợp lý.+ Nhân vật được xây dựng trong cảm hứng lãng mạn.
3. Kết bài:
– Khẳng định vẻ đẹp của người lao động, giá trị của tác phẩm.
II. Bài văn mẫu Cảm nhận về sức sống tiềm tàng của Mị trong đêm tình mùa xuân (Chuẩn)
Tô Hoài là một trong những nhà văn lớn của nền văn học Việt Nam hiện đại. Một trong những tác phẩm nổi bật nhất trong sự nghiệp sáng tác của ông phải kể đến truyện ngắn Vợ chồng A Phủ. Truyện kể về những người dân nghèo miền núi dưới ách thống trị của giai cấp phong kiến với số phận vô cùng bi thảm, khốn cùng. Thế nhưng, sâu thẳm trong con người họ, ta vẫn thấy toát lên những nét đẹp, phẩm chất cao quý của tâm hồn. Một trong vẻ đẹp đó chính là sức sống vô cùng mãnh liệt và mạnh mẽ. Điều này được thể hiện chân thực và rất sống động thông qua hình tượng nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân.
Nhà văn Tô Hoài bắt đầu sự nghiệp sáng tác của mình bằng một số tác phẩm thơ và tác phẩm truyện vừa võ hiệp. Nhưng tài năng của ông thực sự tỏa sáng khi ông chuyển sang viết văn xuôi hiện thực. Tô Hoài là một nhà văn có một vốn kiến thức phong phú về các tập quán, phong tục của nhiều vùng miền trên cả nước. Các tác phẩm của ông đều có văn phong trần thuật hóm hỉnh, sinh động, với vốn từ giàu có, bình dân, thông tục. Vậy nên những câu chuyện của ông đều rất lôi cuốn và lay động người đọc. Truyện ngắn Vợ chồng A Phủ được sáng tác năm 1952, sau chuyến đi thực tế của chính tác giả cùng đồng đội vào giải phóng miền Tây Bắc của Tổ quốc, được in trong tập Truyện Tây Bắc. Thông qua tác phẩm, ta có thể thấy được cuộc sống cực nhục, tăm tối của những người đồng bào dân tộc vùng cao Tây Bắc cùng hành trình tự vùng lên giải phóng khỏi ách áp bức, thống trị của bọn thực dân và chúa đất lúc bấy giờ. Đồng thời Tô Hoài còn muốn ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn tràn đầy sức sống của những người dân nghèo ấy cũng như chỉ ra cho họ một con đường để được đổi đời dưới ánh sáng của Cách mạng.
Nhân vật trung tâm của câu chuyện Vợ chồng A Phủ là Mị – một cô gái người dân tộc Mông xinh đẹp, nết na và hiếu thảo. Thế nhưng cuộc sống của cô lại là một chuỗi những tháng ngày bi thảm, đau khổ. Cha mẹ Mị cưới nhau không có tiền phải vay bạc nhà thống lý Pá Tra, làm quần quật đến lúc chết cũng không đủ trả nợ. Chính vì thế, Mị bị “bắt” trở thành “con dâu gạt nợ” nhà thống lý, trở thành vợ của A Sử. Mang tiếng là “con dâu” thế nhưng thực chất Mị chỉ là thân phận nô lệ, là kiếp người ở không công trong gia đình chồng , bị đày đọa về cả thể xác và tinh thần. Mị phải làm việc triền miên suốt cả năm “tết xong thì lên núi hái thuốc phiện”, “giữa năm thì giặt đay xe đay”, “đến mùa thì đi nương bẻ bắp”, rồi lúc nào cũng có “bó đay trong cánh tay để tước thành sợi”. Mị sống kiếp con người nhưng lại chẳng bằng “con trâu, con ngựa” trong nhà, suốt năm tháng phải “vùi vào việc làm cả đêm cả ngày”. Hơn thế, Mị còn bị đày đọa về tinh thần khi phải sống trong một cuộc hôn nhân không tình yêu “không có lòng với nhau mà phải ở với nhau”, và bị đánh đập, hành hạ, và bị tước mất quyền sống, quyền được tự do.
Thế nhưng trong tâm hồn Mị vẫn tiềm tàng một sức sống vô cùng mãnh liệt và nó đã bùng cháy lên thật mạnh mẽ trong một đêm tình mùa xuân. Đêm tình mùa xuân với âm thanh của tiếng sáo gọi bạn yêu đã đánh thức trong Mị khao khát tự do, khao khát một cuộc sống với tình yêu và hạnh phúc. Thêm vào đó là hơi rượu nồng nàn đã khiến tâm hồn tưởng như đã tê liệt của Mị lại thăng hoa trở lại, làm trỗi dậy trong tâm hồn Mị bao nhiêu là cảm xúc. Tiếng sáo và men rượu đã đưa Mị trở về những ngày xưa, những ngày còn tự do, hạnh phúc, những kỉ niệm ngọt ngào của quá khứ. Tất cả đã khiến cho lòng Mị đột nhiên bừng dậy, phơi phới niềm vui “đã từ nãy, Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm Tết ngày trước”. Đó cũng là lần đầu tiên trong đời, Mị ý thức được quyền sống của bản thân mình. Nếu trước đây Mị nghĩ mình chẳng bằng thân “con trâu con ngựa” trong nhà thống lý thì nay, Mị đã ý thức được mình là một người con gái đang trong vòng của tuổi trẻ. Mị biết rằng “Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ”. Niềm khát khao được đi chơi xuân bùng lên mãnh liệt trong tâm hồn Mị “Mị muốn đi chơi. Bao nhiêu người có chồng vẫn đi chơi ngày Tết”. Khát khao ấy trào lên, dâng lên mãnh liệt trong tâm hồn của Mị. Điều đó chứng tỏ sâu thẳm trong trái tim tưởng như đã tê liệt của Mị là bao nhiêu những khát vọng của tự do, của tuổi trẻ, của tình yêu, hạnh phúc vẫn âm ỉ cháy.
Thế nhưng, vào lúc Mị ý thức được quyền sống của mình, khao khát được đi chơi xuân thì cũng là lúc Mị đau khổ hơn bao giờ hết khi nghĩ về số phận bi thảm, tình cảnh hiện tại của mình. Cuộc sống địa ngục cùng một cuộc hôn nhân không hạnh phúc với A Sử “không có lòng với nhau mà phải ở với nhau” đã khiến Mị đau đớn vô cùng. Nỗi đau cùng sự ý thức mãnh liệt về quyền sống đã đánh thức sự phản kháng của Mị. Mị muốn tìm đến cái chết như một sự giải thoát khỏi số phận bi thảm của mình “Nếu có nắm lá ngón trong tay, Mị sẽ ăn cho chết ngay chứ không buồn nhớ lại nữa”. Lúc nghĩ về cái chết cũng chính là lúc ý thức phản kháng của Mị mạnh mẽ hơn bao giờ hơn. Mị muốn sống phải được sống trong yêu thương, hạnh phúc, tự do nếu không thà chết còn hơn. Chúng ta không còn thấy một cô Mị cam chịu, nhẫn nhục “lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa nữa” mà thấy được một cô Mị khác bừng bừng một khát vọng hạnh phúc tự do, một sức sống mãnh liệt vô cùng của tuổi trẻ. Vượt qua những suy nghĩ về cái chết, Mị mong muốn được hưởng sự tự do, được hưởng những niềm vui của tuổi trẻ trong những ngày xuân đang phơi phới này. Chính vì thế, Mị mới “lấy ống mỡ, xắn một miếng bỏ vài đĩa đèn cho sáng” rồi chuẩn bị đi chơi. Mị “quấn lại tóc”, “với tay lấy cái váy hoa vắt ở phía trong vách”. Khát vọng tự do, hạnh phúc đã thôi thúc Mị hành động, và Mị đang quyết liệt giành giật với số phận để lấy lại hạnh phúc, tự do của mình đã bị tước đoạt ngày trước. Ngay cả trong vòng dây trói nghiệt ngã tàn bạo của A Sử thì sức sống tiềm tàng trong tâm hồn Mị cũng không hề vơi cạn. Để Mị không thể đi chơi xuân, A Sử đã “trói đứng Mị vào cột nhà”. Vòng dây trói “thít lại, đau nhức”, tay chân, cổ của Mị “đau đứt từng mảnh thịt”, thế nhưng vòng dây trói đó chỉ trói được thể xác của Mị, còn tâm hồn của Mị vẫn đang tự do, bay bổng theo tiếng sáo. Nó “đưa Mị đi theo những cuộc chơi, những đám chơi” và Mị vẫn “nồng nàn tha thiết nhớ”. Tác giả đã đặt nhân vật Mị vào trong hoàn cảnh vô cùng nghiệt ngã, bị chà đạp, bị dày vò đau đớn, thế nhưng điều đó chỉ càng làm bừng lên sức sống mãnh liệt đang tiềm tàng trong con người cô.
Thông qua hình ảnh của nhân vật Mị, tác giả muốn gửi lời trân trọng và ngợi ca vẻ đẹp tâm hồn của những người lao động. Những tâm hồn giàu sức sống vươn lên dù phải sóng trong bi thảm của cuộc sống, họ vẫn luôn hướng về khát khao được tự do, hạnh phúc, và không cam chịu chấp nhận số phận nô lệ. Ca ngợi vẻ đẹp của con người, ngòi bút của Tô Hoài đã mang đậm tinh thần nhân đạo cao cả. Về mặt nghệ thuật, nhà văn Tô Hoài đã xây dựng rất thành công nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân với cảm hứng lãng mạn. Ông đã thể hiện sự tài hoa của mình trong cách miêu tả nội tâm nhân vật. Thế giới nội tâm là trạng thái khó nắm bắt nhất của con người nhưng Tô Hoài đã miêu tả từng bước diễn biến tâm lý của Mị hết sức tinh tế, sâu sắc và hợp lý với quy luật phát triển tâm lý của con người.
Sức sống tiềm tàng của Mị trong đêm tình mùa xuân trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài là vẻ đẹp tâm hồn, sức mạnh tinh thần lớn lao của những người lao động. Trong bi thảm của cuộc sống, họ vẫn cố vươn lên, vẫn khao khát về tình yêu, hạnh phúc, không chịu khuất phục dưới cười quyền. Đó là tấm lòng nhân đạo mà tác giả muốn gửi gắm đến những số phận bất hạnh. Vợ chồng A Phủ là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất trong sự nghiệp của nhà văn tài hoa – Tô Hoài.
—————-HẾT—————
Để tìm hiểu về ý nghĩa,tác phẩm Vợ chồng A Phủ cũng như về các nhân vật trong tác phẩm, mời các em có thể tham khảo các bài viết khác về tác như: Phân tích giá trị nhân đạo của truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, Phân tích hình ảnh người phụ nữ Tây Bắc trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ, Phân tích giá trị nhân đạo của truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, Cảm nhận về nhân vật Mị trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ.
Đăng bởi: THPT Sóc Trăng
Chuyên mục: Giáo Dục