Dàn ý
1. Mở bài
– Mùa thu là đề tài gợi lên bao cảm xúc đối với mỗi thi nhân song, mỗi người sẽ có những cảm nhận về mùa thu khác nhau. Với nhà thơ Hữu Thỉnh, khoảnh khắc giao mùa từ hạ sang thu đã rung động hồn thơ để thi sĩ vẽ nên một bức tranh thơ “Sang thu” thật hay.
– Giới thiệu vài nét về bài thơ “Sang thu”: bài thơ miêu tả những chuyển biến nhẹ nhàng của đất trời từ hạ sang thu, không chỉ có hình ảnh thiên nhiên mà còn có bóng dáng con người trước mùa thu của cuộc đời.
2. Thân bài
a. Khổ 1: Cảm nhận ban đầu của nhà thơ về cảnh sang thu của đất trời
– Bài thơ mở đầu bằng một phát hiện bất ngờ.
– Thiên nhiên cảm nhận từ những gì vô hình:
+ “hương ổi” : hương thơm bình dị của làng quê Bắc Bộ mà bất cứ ai cũng đã từng cảm nhận mỗi dịp chớm thu.
+ “Gió se”: gió heo may, khiến làn da cảm nhận được hơi lạnh và khô
+ “phả”: gợi sự sánh, hòa quyện, hương thu hòa trong làn gió se trải đều khắp các ngõ ngách làng quê. Từ “phả” cho thấy hương ổi ở độ thơm nồng quyến rũ, hòa vào trong gió heo may.
+ “sương chùng chình”: tả làn sương mỏng nhẹ bắt đầu xuất hiện, có lẽ làn sương cũng như cố chậm lại có vẻ đợi chờ ai. Hai câu thơ sử dụng biện pháp nhân hóa khiến thiên nhiên như có linh hồn, như cũng đợi chờ, trông ngóng ai.
⇒ Những chuyển biến của không gian được tác giả cảm nhận bằng nhiều giác quan tinh tế: khứu giác (hương ổi), xúc giác (gió se), thị giác (sương chùng chình) và bằng cảm giác (hình như thu đã về).
– Cảm xúc của con người: tâm trạng ngỡ ngàng, bâng khuâng, giật mình, bối rối thể hiện qua loạt từ “bỗng, phả, hình như”.
=> Cảm nhận nhẹ nhàng, tinh tế, mơ hồ khi thu vừa sang.
b. Khổ 2: Quang cảnh đất trời vào thu
– Không gian đất trời vào thu bằng những dấu hiệu và hình ảnh: “sông dềnh dàng”, “chim vội vã”: Sông cạn nước đã chảy chậm hơn, đàn chim đã bắt đầu bay đi tránh rét.
– “sông dềnh dàng”, “chim vội vã”, “mây vắt nửa mình”: Phép nhân hóa => từ những dấu hiệu vô hình giờ đây hữu hình, không gian đất trời mở ra nhiều tầng bậc khác nhau.
– Phép nhân hóa “mây vắt nửa mình”: những đám mây xanh mỏng lững lờ bảng lảng như một dải lụa nửa nghiêng về mùa hạ nửa ngả về mùa thu.
⇒ Bằng sự cảm nhận qua nhiều giác quan, sự liên tưởng thú vị, tâm hồn nhạy cảm, tinh tế của tác giả, tất cả không gian, cảnh vật như đang chuyển mình từ điềm tĩnh bước sang thu.
c. Khổ 3: Những biến chuyển âm thầm của tạo vật và suy ngẫm về cuộc đời người lúc chớm thu
– Nắng – hình ảnh cụ thể của mùa hạ. Nắng cuối hạ vẫn còn nồng, còn sáng nhưng đã nhạt dần, yếu dần bởi gió se chứ không còn chói chang, gay gắt.
– Mưa cũng đã vơi dần, tất cả đều chầm chậm, từ từ, không hối hả.
– Hai câu cuối:
+ Tả thực: hình tượng sấm thường xuất hiện bất ngờ đi liền với những cơn mưa rào chỉ có ở mùa hạ. Hàng cây cổ thụ, cảnh vật thiên nhiên vào thu không còn giật mình bởi tiếng sấm.
+ Ẩn dụ: sấm là những vang động bất thường của cuộc đời; hàng cây đứng tuổi gợi tả những con người đã đi qua nhiều thăng trầm. Qua đó con người trở nên vững vàng và không sợ trước những vang động của cuộc đời.
=> Đất trời sang thu khiến lòng người bâng khuâng, gợi bao suy nghĩ về cuộc đời.
3. Kết bài
– “Sang thu” của Hữu Thỉnh đã không chỉ mang đến cho người đọc những cảm nhận mới về mùa thu quê hương mà còn làm sâu sắc hơn tình cả quê hương trong trái tim mọi người.
– Miêu tả mùa thu bằng những bước chuyển mình của vạn vật, Hữu Thỉnh đã góp thêm một cách nhìn riêng, một lối miêu tả riêng cho mùa thu thi ca thêm phong phú.