Khái niệm phụ tải
Thiết bị lấy năng lượng điện để hoạt động gọi là tải điện. Nói một cách dễ hiểu, phụ tải điện là bất kỳ thiết bị nào tiêu thụ năng lượng điện, biến đổi năng lượng đó thành các dạng khác hữu ích, như nhiệt, ánh sáng, hay chuyển động.
Nếu trong nhà bạn có bất kỳ thiết bị nào sử dụng năng lượng điện thì bạn có phụ tải điện. Đèn điện, máy giặt, máy điều hòa không khí, nồi cơm điện, tủ lạnh, bếp từ, … cần có tải điện để thực hiện công việc của chúng.
Ở các nhà máy, xí nghiệp, phụ tải là các thiết bị, máy móc, dây chuyền sản xuất có tiêu thụ điện.
Nói rộng ra, phụ tải điện có thể đề cập đến: các thiết bị sử dụng điện; công suất yêu cầu từ một mạch điện nhất định; dòng điện hoặc công suất đi qua đường dây hay máy móc.
Hiểu được phụ tải điện là gì và tại sao nó lại quan trọng, điều đó rất cần thiết, bởi ảnh hưởng đến tiền điện hằng tháng của bạn. Bằng cách quản lý những phụ tải được sử dụng tại một thời điểm, bạn có thể giảm nhu cầu điện năng tối đa của mình, cho phép bạn kiểm soát tốt hơn hóa đơn tiền điện hằng tháng, thậm chí giảm tiền điện dựa trên nhu cầu của bạn.
Các loại phụ tải trong hệ thống điện
1. Phụ tải sinh hoạt: Phụ tải sinh hoạt là tổng năng lượng tiêu thụ của các thiết bị điện trong gia đình. Phụ tải sinh hoạt chủ yếu bao gồm đèn, quạt, tivi, tủ lạnh, máy điều hòa không khí, lò vi sóng, máy bơm nhỏ, … Phụ tải sinh hoạt tiêu thụ rất ít điện năng.
2. Phụ tải thương mại: Phụ tải thương mại chủ yếu là ánh sáng, điều hòa không khí, thiết bị điện của các trung tâm thương mại, văn phòng, nhà hàng, khách sạn, quảng cáo hoặc bất kỳ phụ tải điện nào khác được sử dụng cho mục đích thương mại.
3. Phụ tải công nghiệp: Phụ tải công nghiệp được tạo thành từ nhu cầu phụ tải của nhiều ngành công nghiệp khác nhau, từ các ngành công nghiệp quy mô nhỏ đến các ngành công nghiệp nặng.
4. Phụ tải nông nghiệp: Phụ tải nông nghiệp chủ yếu là động cơ máy bơm, phục vụ mục đích tưới tiêu. Phụ tải nông nghiệp ít phổ biến hơn. Hệ số tải của phụ tải này rất nhỏ.
5. Phụ tải đô thị: Phụ tải đô thị chủ yếu từ hệ thống đèn giao thông, hệ thống cấp thoát nước, các hệ thống hạ tầng khác.
Tại sao phải điều chỉnh phụ tải điện?
Điều chỉnh phụ tải điện là một trong những chương trình quản lý nhu cầu điện nhằm khuyến khích khách hàng chủ động điều chỉnh giảm nhu cầu sử dụng điện được cung cấp từ hệ thống điện quốc gia theo các tín hiệu về giá điện hoặc các cơ chế khuyến khích khi có yêu cầu của đơn vị thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải điện, góp phần giảm công suất cực đại vào giờ cao điểm của hệ thống điện, giảm tình trạng lưới điện bị quá tải hoặc cần nâng cao hiệu quả kinh tế của hệ thống điện. (Thông tư 23/2017/TT-BCT)
Nguyên tắc thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải điện:
1. Cân bằng cung cầu trong trường hợp hệ thống điện thiếu nguồn điện.
2. Giảm tình trạng quá tải hoặc vượt giới hạn truyền tải, loại trừ nguy cơ quá tải lưới điện (trừ trường hợp sa thải phụ tải khẩn cấp).
3. Nâng cao hiệu quả kinh tế của hệ thống điện. (Thông tư 23/2017/TT-BCT)
Bên cạnh thuật ngữ “điều chỉnh phụ tải”, còn có thuật ngữ “sa thải phụ tải”.
Sa thải phụ tải là quá trình cắt phụ tải điện ra khỏi hệ thống điện khi có sự cố hoặc không đảm bảo an ninh hệ thống điện, được thực hiện thông qua hệ thống tự động sa thải phụ tải hoặc lệnh điều độ. (Thông tư 25/2016/TT-BCT)