Sự xuất hiện của chủ nghĩa Mác đã tạo ra một bước ngoặt trong triết học, một trong những biểu hiện nổi bật của cuộc cách mạng này là sự thống nhất chủ nghĩa duy vật và phép biện chứng. Phép biện chứng duy vật trở thành cơ sở của thế giới quan và phương pháp luận khoa học, vì nó là một hệ thống lý luận phản ánh những mối liên hệ, những quá trình biến đổi của bản thân thế giới hiện thực, căn cứ vào những kết quả khoa học đã được đúc kết, kết hợp với sự tổng kết, khái quát thực tiễn hoạt động của con người. Phương pháp luận của phép biện chứng là những kết luận được rút ra từ việc khảo sát các mối liên hệ của các sự vật, từ quá trình phát sinh, phát triển cụ thể của nó, “từ các mặt liên hệ, liên kết, vận động, sinh ra và mất đi của các sự vật”. Vì vậy, phương pháp luận của phép biện chứng duy vật được coi là những nguyên tắc xuất phát chỉ đạo các chủ thể trong việc xác định phạm vi, phương pháp, cách thức, phương tiện tác động nhằm tạo ra những biến đổi cho phù hợp và hiệu quả. Các nguyên tắc cơ bản có thể kể đến, như: nguyên tắc khách quan, nguyên tắc toàn diện, nguyên tắc phát triển, nguyên tắc lịch sử – cụ thể…
Nguyên tắc khách quan đòi hỏi, chủ thể khi nhận thức sự vật, hình tượng cần phải nắm bắt nó như nó vốn có trong hiện thực, không vì ý muốn chủ quan mà “tô hồng” hay “bôi đen”, tránh tùy tiện áp đặt cho nó cái xa lạ với nó. Nhận thức về sự vật phải xuất phát từ chính bản thân sự vật hiện tượng đó với những thuộc tính, mối liên hệ bên trong vốn có của nó. Vì vậy, nhận thức cần đạt tới cái bản chất, cái quy luật chi phối sự vật. Đây là quá trình khó khăn và phải trải qua nhiều giai đoạn, bởi lẽ cái bản chất thể hiện qua vô vàn các hiện tượng phong phú, đa dạng, phức tạp và luôn vận động, biến đổi. Bằng thực tiễn, thông qua thực tiễn, kết quả của hoạt động thực tiễn cho phép đánh giá tri thức ấy có khách quan, đúng đắn hay không. V.I.Lênin viết: “Quan điểm về đời sống, về thực tiễn, phải là quan điểm thứ nhất và cơ bản của lý luận về nhận thức”(1). Vì vậy, trong nhận thức cần tránh thái độ thụ động, chủ quan, bảo thủ, trì trệ, thiếu tính sáng tạo, mà cần chủ động, tích cực, thông qua hoạt động thực tiễn của con người để nhận biết đúng các thuộc tính, các cấp độ bản chất, các hệ thống quy luật chi phối sự vật. Như vậy, nguyên tắc khách quan là điều kiện cần thiết cho mọi nhận thức khoa học. Nếu nhận thức và phương pháp hoạt động của chủ thể không tôn trọng quy luật khách quan, nếu hoạt động thực tiễn không tuân theo quy luật khách quan, chúng ta sẽ phải gánh những kết quả không như mong muốn.
V.I.Lênin viết: “Muốn thực sự thấu hiểu được sự vật, cần phải nhìn bao quát và nghiên cứu tất cả các mặt, tất cả các mối liên hệ và “quan hệ gián tiếp” của sự vật đó. Chúng ta không thể làm được điều đó một cách hoàn toàn đầy đủ, nhưng sự cần thiết phải xem xét tất cả mọi mặt sẽ đề phòng cho chúng ta khỏi phạm phải sai lầm và sự cứng nhắc”(2). Những chỉ dẫn trên của V.I.Lênin nhắc nhở con người trong nhận thức, muốn biết chân tướng của sự vật cần phải xem xét sự vật trong mối liên hệ qua lại giữa các bộ phận, các yếu tố, các thuộc tính khác nhau của nó; phải xem xét sự vật, hiện tượng này trong mối liên hệ với sự vật hiện tượng khác kể cả khâu trung gian của nó, phải xem xét nó trong mối liên hệ với nhu cầu thực tiễn để từ đó thấy được vị trí, vai trò của các mối liên hệ giữa các mặt trong một sự vật, hiện tượng hay giữa các sự vật, hiện tượng với nhau. Qua đó, xác định được những quan hệ trọng tâm trọng điểm cần được giải quyết trong những điều kiện hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Nguyên tắc toàn diện này cũng chỉ ra rằng, một luận điểm là đúng đắn trong những quan hệ này lại trở thành sai lầm trong những quan hệ khác, một luận điểm, một hướng đi, một cách làm là đúng đắn, hữu ích trong điều kiện này lại có thể là không phù hợp, có hại trong điều kiện khác.
Phép biện chứng duy vật chỉ ra rằng, liên hệ là quá trình tác động qua lại – cái tạo thành “nguyên nhân cuối cùng của mọi sự vận động và biến đổi của sự vật”. Cho nên, mối liên hệ phổ biến giữa các sự vật, hiện tượng là nguyên nhân tạo nên sự vận động của chúng. Cũng chính do có mối liên hệ phổ biến mà trong thế giới khách quan luôn tồn tại xu hướng phát triển không ngừng. Vật chất không vận động đi tới tiêu vong mà tạo ra sự chuyển hóa (biến đổi) theo những hướng khác nhau, trong đó có khuynh hướng vận động theo chiều hướng đi lên, từ thấp đến cao, từ kém hoàn thiện đến hoàn thiện hơn (gọi là phát triển). Các chủ thể cần nhận thức và chuẩn bị các điều kiện cần thiết, các phương pháp hành động cho phù hợp để có được những biến đổi theo chiều hướng phát triển. Đây là quá trình phức tạp, bởi lẽ, sự biến đổi theo chiều hướng phát triển của hiện thực là quá trình vận động có tính quy luật nội tại, diễn ra trong nó, là quá trình phủ định biện chứng, phủ định có kế thừa. Xem xét hiện tượng xã hội, V.I. Lênin chỉ dẫn rằng, cần phải “xem xét vấn đề theo quan điểm sau đây: một hiện tượng nhất định đã xuất hiện trong lịch sử như thế nào, hiện tượng đó đã trải qua những giai đoạn phát triển chủ yếu nào, và đứng trên quan điểm của sự phát triển đó để xem xét hiện nay nó đã trở thành thế nào?”(3).
Phép biện chứng duy vật không chỉ là một lý luận khoa học cho phép phản ánh đúng đắn các sự vật, hiện tượng, nó còn là một công cụ sắc bén để mổ xẻ, phân tích các vấn đề xã hội và tìm ra các giải pháp thích hợp cho từng giai đoạn phát triển lịch sử cụ thể. Chính nhờ công cụ sắc bén này, chủ nghĩa Mác đã tìm ra các quy luật vận động của xã hội, đã nhìn xã hội như một cơ thể sống luôn vận động, biến đổi do những mối liên hệ nội tại của nó tạo ra; thấy được vai trò quyết định của điều kiện vật chất, của cơ sở kinh tế nhưng cũng thấy vai trò hết sức to lớn của kiến trúc thượng tầng chính trị, của tư tưởng, văn hóa… Điều đó đã khắc phục được tư tưởng duy tâm, siêu hình, lối nhìn nhận phản biện chứng trước đây. Khái lược điều đó cho thấy các nguyên tắc phương pháp luận của phép biện chứng duy vật là những nguyên tắc cơ bản để nhận thức về các mối quan hệ lớn ở nước ta hiện nay.
Tại Đại hội XI, Đảng ta nhấn mạnh: “Trong quá trình thực hiện các phương hướng cơ bản đó, phải đặc biệt chú trọng nắm vững và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn: quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ;… Không phiến diện, cực đoan, duy ý chí”(4). Việc nắm vững và giải quyết các mối quan hệ lớn là những khía cạnh cụ thể để thực hiện mục tiêu tổng quát của thời kỳ quá độ ở nước ta là xây dựng được cơ bản nền tảng kinh tế của CNXH với kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng, văn hóa phù hợp, tạo cơ sở để nước ta trở thành một nước XHCN ngày càng phồn vinh, hạnh phúc(5).
Đại hội XII của Đảng xác định, một trong các nhiệm vụ tổng quát là: “Tiếp tục quán triệt và xử lý tốt các quan hệ lớn: quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; giữa Nhà nước và thị trường; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ;…”(6)
Như vậy, mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội là một trong những mối quan hệ lớn cần được quán triệt trong nhận thức cũng như giải quyết có hiệu quả trong thực tiễn. Việc nhận thức và giải quyết mối quan hệ này cần bảo đảm nguyên tắc khách quan, toàn diện, phát triển và lịch sử – cụ thể.
Trong sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước theo định hướng XHCN, tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội là những bộ phận quan trọng không thể thiếu, có quan hệ thống nhất, cùng tồn tại, có ảnh hưởng qua lại, vừa làm tiền đề vừa làm điều kiện cho nhau. Trong đó, xã hội muốn phát triển phải có tăng trưởng kinh tế để giải quyết các nhu cầu vật chất không thể thiếu của con người, mặt khác, tăng trưởng kinh tế thì mới có khả năng huy động các nguồn lực vật chất cho việc phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Thực tế không thể có một nền văn hóa phát triển lành mạnh, phong phú và một xã hội tiến bộ, công bằng trên cơ sở một nền kinh tế yếu kém, suy thoái hay một nền kinh tế tăng trưởng nóng lấy số lượng tăng trưởng là thước đo duy nhất. Ngược lại, trong một xã hội mà đạo đức xuống cấp, tham nhũng, lãng phí cao, nhiều lao động có trình độ học vấn và tay nghề thấp, bị lâm vào cảnh thất nghiệp, nghèo đói…thì cũng không thể có kinh tế tăng trưởng nhanh, hiệu quả cao và bền vững. Từ lâu, chương trình phát triển của Liên Hợp quốc (UNDP) đã cảnh báo về 5 kiểu tăng trưởng kinh tế cần tránh, đó là:
1. Tăng trưởng không việc làm: tăng trưởng kinh tế nhưng không mở rộng những cơ hội tạo thêm việc làm hoặc phải làm việc nhiều giờ và có thu nhập thấp.
2. Tăng trưởng không có lương tâm: tăng trưởng nhưng thành quả của nó chủ yếu đem lại lợi ích cho người giàu, còn người nghèo được hưởng ít, thậm chí người nghèo còn tăng thêm, khoảng cách giàu – nghèo gia tăng.
3. Tăng trưởng không có tiếng nói: tăng trưởng kinh tế không kèm theo sự mở rộng nền dân chủ hay là việc tạo thêm quyền lực, chặn đứng tiếng nói khác và dập tắt những đòi hỏi được tham dự nhiều hơn về xã hội và kinh tế.
4. Tăng trưởng không gốc rễ: sự tăng trưởng đã khiến cho nền văn hóa của con người trở nên nghèo nàn.
5. Tăng trưởng không tương lai: tăng trưởng mà thế hệ hiện nay phung phí những nguồn lực mà các thế hệ trong tương lai cần đến.
Nhận thức và giải quyết tốt mối quan hệ cơ bản trên là điều cần thiết để tránh những điều đã được cảnh báo. Thực tế cho thấy, việc quán triệt và thực hiện những chủ trương trên của Đảng, đời sống kinh tế – xã hội của đất nước có bước chuyển biến cơ bản.
Về kinh tế, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt tốc độ tăng trưởng khá cao trong nhiều năm liền. Về văn hóa – xã hội, những giá trị và sắc thái văn hóa của 54 dân tộc anh em được kế thừa và phát triển, góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng. Giao lưu, hợp tác văn hóa với nước ngoài được mở rộng. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thông tin – truyền thông… từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân. Giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, thực hiện chính sách an sinh xã hội đạt kết quả tích cực, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng lên. Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ dần được đẩy mạnh. Công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân có tiến bộ. Chỉ số phát triển con người (HDI) không ngừng gia tăng.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, quá trình nhận thức và giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội của nước ta còn nhiều bất cập:
Một là, tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào những yếu tố như: vốn, lao động giá rẻ, đất đai, tài nguyên khoáng sản. Hệ quả là khan hiếm các loại nguyên nhiên liệu, môi trường thiên nhiên bị hủy hoại, cân bằng sinh thái bị phá vỡ, chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế không cao, thu nhập của một bộ phận đáng kể người lao động thấp, việc khai thác yếu tố văn hóa trong phát triển kinh tế không nhiều.
Hai là, văn hóa – đạo đức phát triển chưa tương xứng với kinh tế thể hiện qua nhiều biểu hiện, nhiều cấp độ như: buôn bán và sử dụng ma túy diễn biến phức tạp; bạo lực đang có xu hướng gia tăng, trên diện rộng, ở cả không gian gia đình, học đường, xã hội; văn hóa chính trị có nhiều tiêu cực, tồn tại tình trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kể cả cán bộ cấp cao, nhưng chưa ngăn chặn, đẩy lùi được. Việc đầu tư cho phát triển văn hóa chưa tương xứng với tăng trưởng kinh tế. Tại thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo thành phố thừa nhận: “Đầu tư cho thiết chế văn hóa chưa được quan tâm đúng mức, vai trò quản lý nhà nước chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, việc quy hoạch xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội chưa gắn bó chặt chẽ với văn hóa. Nhiều chương trình, dự án còn nặng về lợi ích kinh tế, xem nhẹ yếu tố văn hóa, môi trường”(7).
Ba là, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị và nhất là tỷ lệ thiếu việc làm ở nông thôn còn cao; xóa đói, giảm nghèo chưa bền vững, tình trạng tái nghèo còn nhiều, khoảng cách chênh lệch giàu – nghèo giữa các tầng lớp dân cư, giữa thành thị và nông thôn, miền xuôi và miền núi có xu hướng ngày càng giãn ra. Báo cáo của Oxfam năm 2017 cho biết, năm 2014, Việt Nam có 210 người siêu giàu (tài sản ròng trên 30 triệu đô la Mỹ), chiếm 12% GDP cả nước, con số này sẽ tăng lên 403 vào năm 2025. Người giàu nhất Việt Nam có thu nhập một ngày bằng 10 năm thu nhập của người nghèo nhất, và với tài sản này, có thể đưa toàn bộ 13 triệu người nghèo thoát nghèo ngay tức khắc(8).
Trước những bất cập nêu trên, việc nhận thức và giải quyết về mối quan hệ này trong điều kiện cụ thể hiện nay cần:
Thứ nhất, kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước và từng chính sách phát triển. Muốn vậy, mỗi chính sách phát triển kinh tế không thuần túy chỉ vì kinh tế mà phải bao hàm trong đó mục tiêu thúc đẩy phát triển văn hóa, xã hội, phát triển con người. Mặt khác, mỗi chính sách phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội không thuần túy vì mục tiêu nhân văn, văn hóa mà cũng bao hàm trong đó mục tiêu kinh tế. Ví như, định hướng việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc không chỉ là việc bảo tồn, bảo tàng, lưu giữ, phát triển mà cần gắn các hoạt động đó với các hoạt động kinh tế du lịch, quảng bá sức mạnh mềm Việt Nam. Qua đó, không chỉ kinh tế tăng trưởng còn gia tăng cơ hội việc làm, thu nhập cho người dân sở tại, hạn chế bất công bằng vùng miền, hạn chế tệ nạn xã hội.
Thứ hai, chuyển dịch tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ theo hướng bền vững. Cách mạng công nghiệp 4.0 khiến xu hướng phát triển kinh tế thế giới có những chuyển dịch cơ bản về công nghệ, đổi mới và sáng tạo. Xu hướng này đòi hỏi người lao động có trình độ học vấn và kỹ năng nghề nghiệp cao, có khả năng thích ứng với dây chuyền công nghệ hiện đại và từng bước đi vào lĩnh vực thiết kế, chế tạo, làm ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Mặt khác, cần đẩy mạnh khai thác các yếu tố văn hóa – xã hội, như: sức mạnh mềm Việt Nam, những giá trị văn hóa con người Việt Nam theo hướng xây dựng nền kinh tế xanh. Theo đó, kinh tế tăng trưởng nhanh hơn, chất lượng cao hơn và người lao động cũng có thu nhập xứng đáng để cải thiện đời sống vật chất và văn hóa của mình. Về thực chất, đây là giải pháp đưa các nhân tố văn hóa, tinh thần nhân văn, cùng các tiêu chí tiến bộ và công bằng xã hội chuyển nhập vào bên trong mô hình tăng trưởng mới của nền kinh tế.
Thứ ba, kiên quyết đấu tranh chống lại xu hướng tìm kiếm lợi nhuận bằng mọi giá, tách rời mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội. Thực tế thời gian qua, không ít địa phương chỉ chú trọng việc thu hút đầu tư, mở dự án mà không chú trọng đến vấn đề việc làm của nông dân sau thu hồi đất, vấn đề môi trường,… đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng khiếu kiện đông người, tệ nạn xã hội. Cần đấu tranh không khoan nhượng nhằm ngăn chặn và đẩy lùi có hiệu quả nạn tham nhũng, làm ăn phi pháp, tệ nạn xã hội (như: buôn gian, bán lận, lừa đảo,…). Bởi lẽ, hậu quả của nó không chỉ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế mà còn làm gia tăng bất công trong xã hội, băng hoại văn hóa và các chuẩn mực đạo đức xã hội.
Thứ tư, tiếp tục phát triển văn hóa, thực hiện công bằng xã hội cả trong phân phối và cơ hội, người dân được tiếp cận công bằng với các nguồn lực phát triển và các dịch vụ xã hội cơ bản, như: giáo dục – đào tạo, chăm sóc sức khỏe, việc làm, thông tin; tư vấn pháp luật… Điều này góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chung.
_________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2019
(1) V.I.Lênin: Toàn tập, t.18, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.167.
(2) V.I.Lênin: Toàn tập, Sđd, t.42, tr.364.
(3) V.I.Lênin: Toàn tập, Sđd, t.39, tr.78.
(4), (5) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2011, tr.72-73, 71.
(6) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.24.
(7) Theo https://www.cpv.org.vn.
(8) https://baovanhoa.vn.
(9) https://thesaigontimes.vn.
PGS, TS Nguyễn Thị Nga
Viện Triết học,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh