Với sự cởi mở và hiện đại ngày nay, giới trẻ dần có nhiều xu hướng muốn sống thử, cùng nhau trải nghiệm cuộc sống vợ chồng trước khi đưa ra quyết định kết hôn. Tuy nhiên, vấn đề này hiện vẫn chưa thực sự được chấp nhận tại nước ta, đặc biệt là các gia đình có truyền thống lâu đời. Chính vì thế, nhiều người vẫn còn đang tranh cãi về vấn đề “Có nên sống thử trước hôn nhân?”.
Sống thử là gì?
Sống thử là một cụm từ nhằm nói đến những cặp đôi yêu nhau, có mối quan hệ tình cảm và cùng sống chung với nhau như vợ chồng nhưng chưa đăng kí kết hôn. Đây là những người đang còn độc thân và họ tự nguyện cùng nhau “góp gạo thổi cơm chung” để có thể tìm hiểu đối phương, cùng tạo dựng một gia đình nhỏ để có thể dễ dàng đưa ra quyết định kết hôn thực sự hay không.
Những người trong mối quan hệ sống thử sẽ không bị phụ thuộc về mặt pháp lý. Tuy họ sống chung với nhau như vợ chồng nhưng không tổ chức hôn lễ và cũng không tiến hành đăng kí kết hôn. Sau khoảng thời gian chung sống với nhau, nếu cảm thấy phù hợp họ sẽ quyết định tiến đến hôn nhân và ngược lại nếu cảm thấy không hài lòng thì cả hai có thể rời đi.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, sống thử vẫn chưa thực sự nhận được sự ủng hộ của nhiều người, đặc biệt là các bậc phụ huynh, những thế hệ cha ông. Cũng bởi những chuẩn mực xã hội, những quan điểm phong tục truyền thống của nước ta xem trọng phẩm hạnh của người phụ nữ nên việc sống thử vẫn còn đang là vấn đề gặp phải nhiều luồng ý kiến trái chiều.
Còn ở các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, sống thử là một chuyện rất bình thường và thậm chí các bậc phụ huynh còn khuyên con cái không nên kết hôn nếu chưa về chung sống cùng nhau. Trong một cuộc nghiên cứu được thực hiện vào năm 2015 bởi Trung tâm Xác suất Sức khỏe Quốc gia Mỹ (NCHS) cho thấy có đến gần 67% các cặp vợ chồng đã kết hôn từ sống thử trước đó.
Sống thử trước hôn nhân có vi phạm pháp luật không?
Đăng kí kết hôn là một trong các vấn đề quan trọng và cần thiết đối với hầu hết các cặp vợ chồng. Sau khi đăng kí kết hôn, họ sẽ được pháp luật công nhận về mối quan hệ vợ chồng và có những sự ràng buộc về mặt pháp lý trong đời sống hôn nhân. Đồng thời, họ cũng sẽ được gắn liền với những nghĩa vụ và quyền lợi về mặt tài sản, con cái, đời sống sinh hoạt hàng ngày.
Xét về mặt pháp luật, các cặp nam nữ khi muốn sống chung với nhau như vợ chồng thì nên đăng kí kết hôn để được công nhận một cách hợp pháp và tránh việc tranh chấp sau khi chia tay. Cho đến hiện nay thì việc sống thử giữa các cặp đôi yêu nhau nhưng không đăng kí kết hôn vẫn chưa thực sự được pháp luật quy định và định nghĩa trong Luật Hôn nhân và Gia đình.
Tại đây vẫn có đề cập đến việc nam nữ cùng sống chung với nhau như vợ chồng trước khi kết hôn nhưng theo điều 14 của bộ luật thì tình trạng này không đủ điều kiện để làm phát sinh các quyền lợi và nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Pháp luật hôn nhân và gia đình chỉ bảo vệ các mối quan hệ hôn nhân hợp pháp, tuy nhiên cũng không có bất kì hình thức nghiêm cấm hay xử phạt đối với những trường hợp nam nữ yêu nhau và chấp nhận về sống chung trước khi kết hôn.
Như vậy có thể thấy rằng, nếu hai người đang trong trạng thái độc thân và tự nguyện về chung sống với nhau như vợ chồng nhưng không đăng kí kết hôn sẽ không bị nghiêm cấm bởi pháp luật. Nhưng nếu một trong hai hoặc cả hai đã có vợ hoặc chồng thì sẽ được xem là hành vi vi phạm pháp luật.
Có nên sống thử trước hôn nhân hay không?
Có nên sống thử trước hôn nhân là vấn đề không còn mới nhưng lại là đề tài được nhắc đi nhắc lại với những ý kiến bàn tán trái ngược nhau. Nhiều người cho rằng sống thử là một trong các cách có thể giúp cho những cặp đôi yêu nhau trải nghiệm đời sống vợ chồng, có được thời gian thấu hiểu và đánh giá liệu rằng cả hai có thực sự phù hợp. Tuy nhiên, cũng có những luồng ý kiến cho rằng, sống thử là đi ngược với những giá trị truyền thống của dân tộc, làm xấu đi hình ảnh của người phụ nữ.
Trong thực tế cho thấy rằng, sống thử mang đến khá nhiều lợi ích nhưng cũng tồn tại những điểm bất cập. Trước khi đưa ra quyết định có nên sống thử cùng nhau không, bạn cũng cần xem xét và đánh giá về những mặt lợi và hại để có thể nghiêm túc cùng nhau xây dựng một mối quan hệ bền vững.
1. Lợi ích của việc sống thử trước khi kết hôn
1.1 Giảm nhẹ sự căng thẳng, lo lắng trước hôn nhân
Với cuộc sống hiện đại và phát triển ngày nay, giới trẻ dường như cảm thấy yêu thích việc tự do và luôn lo sợ ti tỉ những vấn đề về đời sống hôn nhân. Bên cạnh đó, việc tiếp xúc với những thông tin tiêu cực về cuộc sống vợ chồng, những sự ràng buộc trong hôn nhân, những mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu, áp lực con cái khiến cho nhiều người cảm thấy “sợ” kết hôn.
Chính vì thế, việc chấp nhận sống thử cùng nhau trước hôn nhân đôi khi là một lựa chọn phù hợp để bạn có thể giảm bớt sự căng thẳng, lo lắng và suy nghĩ thấu đáo hơn về quyết định kết hôn của mình. Hôn nhân là một chặng đường dài và chắc chắn bạn sẽ phải đối diện với nhiều sự thay đổi, những khó khăn, thách thức. Do đó, việc chuẩn bị kỹ càng về mặt tinh thần trước khi bước vào chặng đường dài này cũng là một trong các biện pháp tốt giúp bạn hạn chế những sự bỡ ngỡ.
Việc cùng nhau có một khoảng thời gian chung sống như vợ chồng trước hôn nhân sẽ giúp bạn có thể bắt kịp nhịp sống sau khi kết hôn. Đồng thời, đây cũng là thời gian để bạn có thể dần thích nghi và hiểu được những việc mà bản thân cần phải thay đổi, điều chỉnh để có thể dung hòa cuộc sống cho cả hai. Cả hai có thể cùng nhau sửa đổi và phát huy tốt để có thể dọn sạch những trở ngại trước khi thực sự trở thành vợ chồng.
1.2 Giúp cả hai thấu hiểu nhau hơn
Dù thời gian cả hai yêu nhau lâu đến mấy và hạnh phúc ra sao thì bạn sẽ không thể nào hiểu rõ về đối phương nếu cả hai chưa thực sự về chung một nhà. Có thể những lần gặp gỡ, những buổi hẹn hò giữa bạn và người thương luôn diễn ra một cách thuận lợi, vui vẻ. Người ấy của bạn là một người tử tế, lịch sự, gọn gàng nhưng đôi khi đó vẫn chưa thực sự là tất cả.
Chắc hẳn bạn đã từng nghe ai đó nói về những sự “vỡ mộng” sau khi kết hôn, những tật xấu bắt đầu hình thành khi về sống cùng một mái ấm. Họ có thể trở nên hoàn hảo khi gặp bạn trong giây lát nhưng không thể gồng mình nếu đã dọn về sống cùng bạn. Do đó, nhiều người lựa chọn việc sống thử để có thể thấu hiểu và biết rõ hơn về những thói hư tật xấu của người yêu, từ đó có thể biết được cả hai có thực sự phù hợp và chấp nhận nhau hay không.
1.3 Tiết kiệm chi phí sinh hoạt
Có lẽ một trong những lợi ích dễ thấy nhất của việc sống thử đó chính là tiết kiệm được về mặt chi phí. Khi bạn dọn về sống cùng một ai đó thì những khoản chi phí riêng như tiền điện nước, tiền thuê nhà, tiền ăn uống có thể cùng nhau san sẻ và hỗ trợ lẫn nhau. Do đó, mà nhiều người luôn bị hấp dẫn bởi hình thức sống thử vì nó chính là một phép giải lớn đối với vấn đề kinh tế, giúp giảm bớt một phần gánh nặng về mặt tài chính.
Khi cả hai cùng chung sống với nhau như vợ chồng thì sẽ bắt đầu có những kế hoạch chi tiêu, có những khoản tiền tiết kiệm để chuẩn bị tốt cho tương lai. Đồng thời, khi đã trở thành bạn cùng phòng của nhau thì cả hai cũng sẽ dần có ý thức hơn về mặt kinh tế, có những cách chi tiêu hợp lý hơn để vun vén và xây dựng tốt cho gia đình nhỏ của mình. Tuy nhiên, bạn cũng cần phải rõ ràng về mặt tiền bạc và các tài sản chung với nhau để tránh những tranh chấp không đáng có trong trường hợp “đường ai nấy đi”.
1.4 Học cách giải quyết mâu thuẫn
Cuộc sống hôn nhân không phải lúc nào cũng trải đầy màu hồng mà đôi lúc vẫn có những sự cãi vã, những bất đồng quan điểm. Cũng bởi mỗi chúng ta là những cá thể riêng biệt nên việc mâu thuẫn là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, để cuộc sống vợ chồng được hạnh phúc và lâu bền thì cả hai cần phải biết cách nhường nhịn, tôn trọng và giải quyết các khúc mắc, mâu thuẫn.
Sống thử trước khi kết hôn chính là cơ hội tốt nhất để bạn có thể học và thực hiện điều này. Trong thực tế, dù có yêu thương nhau đến mấy thì cũng không thể tránh khỏi những lúc “cơm không lành, canh không ngọt”. Khi xảy ra những sự cãi vã, những bất đồng thì việc bạn nên làm đó chính là tìm cách hóa giải nó.
Khi đã dọn về sống cùng nhau, tức nghĩa bạn đã bắt đầu làm quen với việc xem nhau như một phần của cuộc sống. Chính vì thế, không thể như lúc mới yêu nhau, giận hờn, cãi vã lại nghĩ ngay đến việc chia tay, chấm dứt mối quan hệ. Sống thử chính là một phép thử hiệu quả để giúp cả hai hiểu được nhau hơn, biết cách dung hòa và xem xét về việc có nên cùng nhau tạo dựng một mối quan hệ lâu dài.
1.5 Sống thử giúp bạn dễ dàng đưa ra quyết định kết hôn hay không
Hiểu một cách đơn giản nhất, sống thử chính là cách sống để giúp cho bạn biết được cả hai có thực sự phù hợp trở thành vợ chồng của nhau hay không. Khi dọn về sống chung với nhau, bạn và người ấy sẽ sinh hoạt giống như các cặp vợ chồng và sau thời gian đó, cả hai sẽ đưa ra quyết định nên tiến đến hôn nhân hay là dừng lại mối quan hệ này.
Bởi khi sống cùng nhau, bạn sẽ thấu hiểu và biết rõ hơn về những thói quen và tính cách của người ấy. Nếu cả hai có thể dung hòa và chấp nhận lẫn nhau thì sẽ dễ dàng đi đến hôn nhân và giúp cho cuộc hôn nhân trở nên hạnh phúc, bền chặt. Ngược lại, nếu thời gian sống thử, đôi bên cảm thấy quá mệt mỏi, xảy ra quá nhiều mâu thuẫn, bất đồng thì tốt nhất bạn nên cân nhắc kỹ lưỡng về quyết định trở thành vợ chồng.
2. Sống thử có những nhược điểm gì?
2.1 Định kiến và sự phản đối của gia đình, xã hội
Tình trạng sống thử của các cặp đôi yêu nhau hiện nay là vô cùng phổ biến. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn gặp phải nhiều ý kiến phản đối và sự không đồng tình của nhiều người. Đặc biệt là đối với nước ta vẫn còn tồn tại nhiều quan niệm, văn hóa, truyền thống xưa cũ, những suy nghĩ khắt khe về việc sống thử trước hôn nhân. Do đó, khi đưa ra quyết định này, bạn sẽ phải đối diện với những sự phản đối của bạn bè, người thân và cả xã hội.
Nhiều gia đình vẫn luôn xem trọng những phẩm chất và sự chuẩn mực của người phụ nữ. Họ cho rằng phụ nữ phải luôn biết “giữ mình” trước khi về nhà chồng và những người chấp nhận sống thử chính là kẻ hư hỏng, đáng phải gánh chịu những lời chỉ trích, cười chê và đay nghiến cứ xã hội. Thậm chí có nhiều gia đình luôn coi thường con dâu vì cho rằng họ quá dễ dãi và luôn dành cho họ những lời mắng chửi, ánh mắt xem thường, khinh khi thậm tệ.
2.2 Bị ảnh hưởng tâm lý
Như đã chia sẻ ở trên, khi bước vào cuộc sống hôn nhân “tạm bợ” thì chắc chắn bạn sẽ phải đối diện với những lời gièm pha và những sự phản đối từ mọi người xung quanh hoặc thậm chí là nhiều vấn đề khó khăn khác. Nhiều người cho rằng bản thân hoàn toàn có khả năng vượt qua điều đó nếu cả hai thực sự yêu và đồng hành cùng nhau. Tuy nhiên, khi bước vào thực tế, nhiều người lại cảm thấy suy sụp và mệt mỏi về điều này.
Không phải ai cũng có đủ mạnh mẽ để đối mặt với những khó khăn, những điều tồi tệ trong cuộc sống hôn nhân, đặc biệt là sống thử. Có thể những sự tổn thương tâm lý không xuất phát từ xã hội mà đôi khi nó lại đến từ chính từ nửa kia. Nếu người yêu của bạn là người vô tâm, thờ ơ hoặc bạn bỗng chốc nhận ra những thói hư của họ khi cả hai về sống cùng nhau thì có thể bạn sẽ dễ rơi vào trạng thái “sốc” tâm lý.
Người ấy không còn những lời nói yêu thương, không còn những cử chỉ thân mật, những sự nhẹ nhàng và chiều chuộng như lúc mới yêu. Và sau khi kết thúc mối quan hệ này, nhiều người sẽ dần đóng cửa trái tim của mình, đối mặt với những sự tổn thương tinh thần nặng nề và khó có thể bắt đầu một cuộc tình mới. Đặc biệt là nếu một trong cả hai có một người đặt niềm tin quá nhiều, quá phụ thuộc vào mối quan hệ này thì khi kết thúc, những tổn thương của họ rất khó lường trước được.
Trong thực tế đã không ít các cặp đôi khi về sống thử cùng nhau đã đưa ra quyết định chia tay dù họ đã có một cuộc tình đẹp và lâu dài trước đó. Điều này có thể là một điểm xấu đối với nhiều người nhưng cũng có thể là một mặt lợi. Bởi biết đâu nếu bạn không sống thử mà quyết định đi đến hôn nhân thì có lẽ cuộc chia ly này sẽ còn đau đớn hơn gấp nhiều lần.
2.3 Phá vỡ viễn tưởng hôn nhân hạnh phúc
Nếu thời gian sống thử của mình luôn tốt đẹp và làm bạn hài lòng thì không có gì đáng bàn cãi. Và chắc chắn rằng bất kì người nào khi đã dọn về sống cùng nhau cũng đều hi vọng có một kết thúc đẹp, cả hai sẽ cùng nhau tiến vào lễ đường và chính thức trở thành vợ chồng, tạo dựng một cuộc hôn nhân viên mãn.
Tuy nhiên, trên thực tế lại không như thế, việc sống cùng chung một mái nhà với một người khác sẽ bắt buộc bạn phải đối diện với cả những ưu và nhược điểm của họ. Thời gian đầu bạn có thể cảm thấy hứng thú với nó và dễ dàng chấp nhận lẫn nhau. Tuy nhiên, khi trải qua một khoảng thời gian và đối phương hoàn toàn không có sự thay đổi để dung hòa cho mối quan hệ này thì bạn sẽ dần cảm thấy mệt mỏi và có cái nhìn tiêu cực về nó.
Khi đó bạn sẽ không còn mơ tưởng đến một cuộc hôn nhân như cổ tích mà thay vào đó là hàng loạt các cảm xúc tiêu cực, những sự thất vọng. Nếu cả hai không đi đến kết quả như một đợi thì nó còn có thể trở thành một sự ám ảnh to lớn đối với bản thân mỗi người, khiến bạn có những ác cảm đối với hôn nhân.
2.4 Mất thiện cảm với gia đình đối phương
Sống thử tại các nước phương Tây không còn là vấn đề nổi trội, tuy nhiên tại Việt Nam vẫn chưa nhận được sự đồng tình của nhiều người. Bên cạnh đó, trên các báo đài, những thông tin truyền thông cũng liên tục đăng tải những trường hợp nói về hậu quả của việc sống thử. Điều này gây nên những cái nhìn tiêu cực và xấu xa đối với sống thử và khiến cho nhiều người có ác cảm với nó, đặc biệt là các bậc phụ huynh.
Do không nhận được sự chấp thuận từ phía gia đình nên có không ít các cặp đôi tự đưa ra quyết định về sống chung. Tuy nhiên, khi bị phát hiện, bạn sẽ dễ để lại những ấn tượng xấu đối với gia đình của người yêu. Đối với nam giới sẽ được cho là kể dụ dỗ, lợi dụng. Còn đối với nữ giới sẽ được xem như một người dễ dãi, không có đạo đức, không được dạy dỗ tử tế.
Điều này cũng gây nên nhiều sự khó khăn nếu cả hai quyết định đi đến hôn nhân. Thậm chí có nhiều gia đình phản đối, không chấp nhận một người con dâu chấp nhận sống thử. Hoặc dù có đồng ý nhưng sau khi về sống chung, gia đình chồng vẫn sẽ luôn xem thường, có những sự xúc phạm đối với nhân cách của con dâu.
2.5 Mang thai ngoài ý muốn
Tình dục là yếu tố quyết định đến hơn 70% hạnh phúc của một gia đình. Sự hòa hợp trong tình dục sẽ giúp cả hai gia tăng tình cảm, gắn chặt mối quan hệ yêu đương và càng mặn nồng hơn. Và sống thử cũng là một cơ hội để cả hai có thể biết được bản thân có thực sự dung hòa và hợp nhau trong việc chăn gối.
Tuy nhiên, điều này cũng tiềm ẩn những hậu quả khó lường, thường gặp nhất là vấn đề mang thai ngoài ý muốn. Nếu cả hai đã ổn định về mặt kinh tế và cũng có ý định tiến xa hơn trong mối quan hệ này thì nó không hẳn là một điều tồi tệ. Tuy nhiên, nếu đôi bên vẫn chưa thực sự muốn kết hôn hoặc tài chính vẫn không đảm bảo thì nó lại trở thành một vấn đề khó giải quyết.
3. Có nên sống thử trước khi kết hôn?
Việc quyết định có nên sống thử trước khi kết hôn là lựa chọn của mỗi người. Tùy vào ý muốn, sở thích, nhu cầu và điều kiện của mỗi cá nhân mà câu trả lời sẽ được đưa ra khác nhau. Tuy nhiên, trước khi tìm lời giải đáp cho thắc mắc này thì bạn cũng nên cân nhắc và xem xét kỹ lưỡng về cả mặt lợi ích và những nhược điểm của việc sống thử.
Bạn chỉ nên sống thử khi:
- Sống thử là sự mong muốn và tự nguyện của cả hai.
- Cả hai đã có ý định kết hôn và muốn trải nghiệm cuộc sống cùng nhau để thấu hiểu, dung hòa tốt hơn.
- Cả hai đã có điều kiện kinh tế ổn định.
- Cả hai đã chuẩn bị về mặt tâm lý cho những sự “bất ngờ” sau khi về sống chung nhà.
- Cả hai nên có những chia sẻ, tâm sự hoặc cần thiết hãy đưa ra những nguyên tắc cụ thể trước khi sống thử.
- Trang bị đầy đủ các kiến thức về phòng chống việc mang thai ngoài ý muốn và các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.
Tuy nhiên, nếu bạn đang trong các trường hợp sau thì đừng vội đưa ra quyết định sống thử để không phải gánh chịu những hậu quả khôn lường.
- Chưa thực sự sẵn sàng để xây dựng một mối hệ lâu dài.
- Sống thử chỉ vì nhu cầu tình dục.
- Một trong hai hoặc cả hai đều đang là sinh viên và chưa có nguồn thu nhập ổn định.
- Chưa thực sự hiểu rõ về các biện pháp phòng tránh mang thai và các bệnh lý tình dục.
- Chưa chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt tâm lý, không chị được những định kiến của xã hội.
- Có sự cấm đoán và ngăn cản dữ dội từ phía gia đình.
Việc có nên sống thử trước hôn nhân là quyết định riêng của mỗi người. Tuy nhiên, trước khi đưa ra lựa chọn của mình, bạn cần phải cân nhắc thật thấu đáo và nghiêm chỉnh về vấn đề này, đánh giá về những việc được mất để không phải hối hận về quyết định của mình.
Tham khảo thêm:
- Mẹ chồng khó tính thì nàng nên xử lý thế nào cho hợp lý?
- Chồng vô tâm thì vợ nên làm gì để chàng sống tình cảm hơn?
- Bạo lực gia đình là do đâu? Thực trạng và Cách ngăn chặn