Cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên con người trong bài Quê hương và Đoàn thuyền đánh cá – Hướng dẫn cách làm và tham khảo bài văn mẫu liên hệ vẻ đẹp cảnh đoàn thuyền ra khơi trong bài thơ Quê hương (Tế Hanh) và Đoàn thuyền đánh cá
(Huy Cận).
>>> Hướng dẫn chi tiết soạn bài Đoàn thuyền đánh cá
Đề bài: Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp thiên nhiên và con người trong hai đoạn thơ sau:
– “Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang
Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió…”
(Tế Hanh – Quê hương)
– Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng
Ra đậu dặm xa dò bụng biển
Dàn đan thế trận lưới vây giăng
(Huy Cận – Đoàn thuyền đánh cá)
Bài văn cảm nhận hay nhất về vẻ đẹp thiên nhiên con người qua bài thơ Quê hương và Đoàn thuyền đánh cá
Biển từ lâu đã trở thành hình ảnh biểu tượng và là nguồn cảm hứng sáng tác cho nhiều nhà thơ, nhà văn. Ở đó có nghề đánh cá với những con người làng chài chất phác, mộc mạc. Hai tác phẩm “Quê hương” và “Đoàn thuyền đánh cá” đã khắc họa sắc nét cảnh vật thiên nhiên và con người trên biển khi ra khơi. Đoạn trích một nằm trong tác phẩm “Quê hương” của nhà thơ Tế Hanh và đoạn trích thứ hai là đoạn thơ thuộc tác phẩm “Đoàn thuyền đánh cá” của nhà thơ Huy Cận. Cả hai đoạn trích đều khắc họa cảnh ra khơi của những người đánh cá. Họ ra đi với tâm thế hào hứng và niềm lạc quan phới phới. Họ cùng ra đi vào một ngày nắng đẹp với khung cảnh hoành tráng, hùng vĩ nhưng cũng rất thơ mộng. Tuy nhiên, ở mỗi đoạn trích, đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi trên nền không gian khác nhau và mỗi cảnh lại mang một vẻ đẹp, ấn tượng riêng.
Ở khổ một của “Quê hương”, tác giả Tế Hanh có viết:
Khi trời trong, gió nhẹ sớm mai hồng
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá
Mới sáng sớm, khi mặt trời còn ẩn sau những bóng mây, dân trai tráng trong làng bơi thuyền ra khơi đánh cá. Đón những người dân chài là tín hiệu tốt lành của đất trời, sớm mai hồng với cơn gió nhẹ thoảng qua, bầu trời trong xanh. Bức tranh thiên nhiên được Tế Hanh tô điểm với gam màu tươi sáng cùng những tính từ gợi tả “trong”, “nhẹ”, “hồng”. Nền thiên nhiên hiện trong trẻo, thơ mộng, đón những người dân chài ra đi cho một ngày mới bội thu. Thiên nhiên trở thành nguồn cảm hứng vô tận, giúp con người phấn chấn, sảng khoái, có tâm thế tốt nhất chuẩn bị cho một ngày lao động mới. Trên khung cảnh thiên nhiên tuyệt mĩ ấy, dẫn đường con người đến với đại dương xanh không thể thiếu hình ảnh cánh thuyền buồm kiêu hãnh vươn mình trong gió:
Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang
So sánh con thuyền với “con tuấn mã” là một hình ảnh ấn tượng, độc đáo, thể hiện sự nhanh nhẹn. Những chiếc thuyền rẽ sóng chạy băng băng, lời thơ của tác giả cũng theo đó bay vào không gian khoáng đạt, rộng lớn. Con thuyền trong tâm thức của tác giả, của những người con làng chài mang một vẻ đẹp hồ hởi, trẻ trung, dũng mãnh. Từ lâu, hình ảnh ấy đã trở nên thân thuộc, gắn liền với khung cảnh của làng chài. Những hành động mạnh mẽ, khí thế hào hứng của chuyến đi được lột tả qua cách sử dụng những động từ “hăng”, “phăng” một cách điêu luyện và độc đáo. Hình ảnh các chàng trai trở nên đẹp đẽ như những chàng kị sĩ tài ba, chèo lái con thuyền, đè sóng, cưỡi gió ra khơi. Đặc sắc nhất là hình ảnh những cánh buồm căng rộng đón gió:
Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió…
Cánh buồm vô tri được người thi sĩ thổi hồn và trở nên đẹp đẽ lạ thường. Cánh buồm như mang theo tâm hồn thiêng liêng của cả làng chài. Đến đây, tác giả đưa ra một hình ảnh so sánh độc đáo, lạ thường: “cánh buồm giương to như mảnh hồn làng”. Linh hồn làng biển dường như được cụ thể hóa như cánh buồm trắng. Gợi cảm giác đi xa, những ước mơ bay bổng, những khát khao cháy bỏng về một cuộc sống đầy đủ, ấm no của tuổi trẻ nhiều hoài bão. Thể hiện một tình yêu quê hương tha thiết, khát vọng được cống hiến, xây dựng quê hương tươi đẹp. Và từ lâu cánh buồm đã trở thành người bạn thân thiết không chỉ che chở, nuôi sống họ mà còn nâng đỡ cho những ước mơ được bay lên. Con thuyền như tự “rướn” thân mình vươn ra biển lớn, hòa nhập vào với nắng và gió của biển khơi, góp sức nuôi sống làng chài. Nếu ở tác phẩm “Quê hương” của Tế Hanh, đoàn thuyền ra khơi đánh cá trong khung cảnh bình minh cho một khởi đầu mới thì bức tranh lao động của người dân chài lại được tác giả Huy Cận khắc họa khác lạ trong “Đoàn thuyền đánh cá”.
Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng
Ra đậu dặm xa dò bụng biển
Dàn đan thế trận lưới vây giăng…
Người lao động dường như đang thưởng ngoạn bức tranh vô giá của biển cả về đêm mà thiên nhiên đã hào phóng ban tặng. Âm điệu câu thơ tha thiết kết hợp với từ cảm thán ơi và dấu chấm cảm thể hiện khát vọng đến cháy bỏng của ngư dân mong muốn đánh bắt thật nhiều cá để làm giàu cho Tổ quốc. Đó cũng chính là nét đẹp của người lao động trên biển. Cảm hứng lãng mạn đã giúp nhà thơ phát hiện ra những vẻ đẹp của cảnh đánh cá giữa biển đêm, trong niềm vui phơi phới, khỏe khoắn của người lao động làm chủ công việc của mình.
Con thuyền đánh cá vốn nhỏ bé trước biển cả bao la đã trở thành con thuyền kì vĩ, khổng lồ, hòa nhập vào với kích thước rộng lớn của thiên nhiên vũ trụ. Hai câu thơ “Thuyền ta lái gió với buồm trăng / Lướt giữa mây cao với biển bằng đẹp như một bức tranh lồng lộng mây trời, mênh mông biển cả. Hình ảnh đoàn thuyền được làm đẹp thêm bởi sự tưởng tượng phong phú giàu chất lãng mạn: gió là người lái thuyền, còn ánh trăng trên cao tựa là cánh buồm. Thuyền và người đã hòa nhập vào thiên nhiên bát ngát, lướt đi phơi phới trong cái thơ mộng của trời biển, gió, trăng. Chù nhân của con thuyền chính là những người lao động đang lồng lộng giữa biển trời với tư thế làm chủ thiên nhiên, làm chủ vũ trụ.
Tư thế ra khơi nhẹ nhàng thoải mái đầy khí thế ấy chỉ có ở những con người vừa thoát khỏi kiếp sống nô lệ đang làm chủ cuộc sống, làm chủ đất trời. Chữ lướt đặc tả đoàn thuyền ra khơi với vận tốc phi thường, thiên nhiên cùng góp sức với con người trên chặng đường lao động. Đến ngư trường để dò bụng biển: hỏi dưới lòng biển sâu thẳm kia nơi nào có nhiều cá nhất ? Đây thật sự là một cuộc chiến đấu giữa con người và thiên nhiên để dành lấy từ bàn tay thiên nhiên những của cải, tài nguyên để làm giàu đất nước phục vụ cuộc sống con người bằng tất cả sức lực với trí tuệ của con người. Ngư dân muốn thu được những mẻ cá lớn thì phải có nhiều lưới, nhiều con thuyền, phải biết cách dàn đan thế trận cách bủa lưới vây giăng. Huy Cận quả có sự am hiểu sâu sắc với nghề nghiệp và cảm thông với người lao động mới vẻ được bức tranh vừa hiện thực vừa lãng mạn ấy.
Thành công của đoạn thơ là bút pháp lãng mạn và tả thực hình ảnh người dân chài lao động trên biển. Không chỉ có con người mà thiên nhiên cùng đồng hành với họ trong quá trình lao động đánh bắt cá về đêm. Sự hăng say và tinh thần phấn khởi của ngư dân đã giúp cuộc sống họ ổn định và góp một phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng đất nước.
Đoạn thơ là một bài ca lao động hứng khởi, hào hùng. Bài ca ấy dành cho biển hào phóng, cho những con người cần cù, gan góc, đang làm giàu cho đất nước. Những người lao động đã thật sự làm chủ cuộc sống của mình, làm chủ vùng biển thân yêu của Tổ quốc. Cảm hứng trữ tình và nghệ thuật điêu luyện được tác giả sử dụng trong đoạn thơ đã cuốn hút người đọc thật sự. Chúng ta cùng chia sẻ niềm vui to lớn với nhà thơ, với tất cả những người lao động mới đang kiêu hãnh ngẩng cao đầu trên con đường đi đến tương lai tươi sáng.
Mỗi cảnh ra khơi dù ở những thời điểm khác nhau trong ngày nhưng đều mang một vẻ đẹp hoành tráng, thơ mộng trên khung cảnh thiên nhiên được khắc họa ấn tượng với những sắc thái riêng. Mà nổi bật trên đó là hình ảnh những người lao động nhiệt tình với tư thế hào hứng, lao động miệt mài không kể ngày đêm để xây dựng quê hương đất nước. Họ làm việc với lòng say mê và những ước mơ được vun đắp.
Tham khảo thêm:
-
Phân tích vẻ đẹp người lao động trong bài Đoàn thuyền đánh cá
-
Phân tích tình yêu quê hương đất nước qua bài Quê hương của Tế Hanh