Contents
ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN
Đôi nét về tác giả, tác phẩm:
Thanh Tịnh (1911-1988). Tên khai sinh là Trần Văn Ninh, lên 6 tuổi được đổi thành Trần Thanh Tịnh. Quê quán ông ở xóm Gia Lạc ven sông Hương, ngoại ô thành phố Huế. Thanh Tịnh học tiểu học và trung học ở Huế. Từ năm 1933, ông bắt đầu đi làm rồi vào nghề sư phạm và bắt đầu sáng tác văn chương.
Sách Ngữ văn 6 nhận định sáng tác của Thanh Tịnh từ thơ đến truyện, nhìn chung đều đượm chất trữ tình, toát lên vẻ đẹp đằm thắm, tình cảm êm dịu, trong trẻo.
Tác phẩm chính:
– Trước cách mạng: Hận chiến trường (Thơ – 1937); Quê mẹ (Tập truyện ngắn, 1941); chị và em (Tập truyện ngắn, 1942); Ngậm, ngải tìm trầm (Tập truyện ngắn, 1943); Xuân và Sinh (Truyện dài, 1944).
– Sau cách mạng: Sức mồ hôi (Thơ – 1954); Những giọt nước biển (Tập truyện ngắn, 1956); Đi từ giữa một mùa sen (Truyện thơ -1973); Thơ ca (Tuyển tập, 1980).
1. Tôi đi học là một truyện ngắn in trong tập Quê mẹ được xuất bản năm 1941.
– Tôi đi học bố cục theo dòng hồi tưởng của nhân vật “tôi”. Từ hiện tại, nhà văn nhớ về quá khứ. Những kỉ niệm của buổi tựu trường đầu tiên trong đời nhân vật “tôi” được nhà văn diễn tả theo trình tự như sau:
– Từ sự biến chuyển của trời đất vào cuối thu (thời điểm ngày khai trường) và hình ảnh mấy em nhỏ rụt rè núp dưới nón mẹ lần đầu tiên đi đến trường khiến nhà văn nhớ lại những kỉ niệm trong sáng của mình ngày xưa.
– Tâm trạng của nhân vật “tôi” trên đường theo mẹ đến trường.
– Tâm trạng của nhân vật “tôi” trên sân trường khi nhìn ngôi trường, khi nhìn mọi người, các bạn, khi nghe gọi tên mình và phải rời tay mẹ để vào lớp học.
– Tâm trạng của nhân vật “tôi” lúc ngồi vào chỗ ngồi của mình trong lớp học và bắt đầu vào tiết học đầu tiên.
2. Những hình ảnh, chi tiết chứng tỏ tâm trạng hồi hộp, cảm giác bỡ ngỡ của nhân vật “tôi” khi cùng mẹ đi trên đường đến trường, khi nghe gọi tên và phải rời bàn tay mẹ cùng các bạn đi vào lớp
– Con đường đã quen đi lại lắm lần, tự nhiên thấy lạ, cảnh vật xung quanh đều thay đổi do trong lòng mình có sự thay đổi lớn.
– Cảm thấy mình trang trọng, đứng đắn trong chiếc áo vải dù đen dài và hai quyển vở mới trên tay.
– Xóc lên nắm lại vở cẩn thận, tuy còn lúng túng nhưng muốn thử sức mình nên xin mẹ được cầm cả bút thước như các bạn khác.
– Cảm thấy sân trường dày đặc cả người. Người nào cũng sạch sẽ, gương mặt cũng vui tươi và sáng sủa.
– Cảm thấy mình bé nhỏ trước ngôi trường oai nghiêm xinh xắn, nhân vật “tôi” đâm ra lo sợ vẩn vơ.
– Cảm thấy tim ngừng đập khi chờ nghe tên mình. Nghe gọi đến tên, cậu học trò mới này tự nhiên giật mình và lúng túng.
– Lo sợ khi sắp phải rời bàn tay dịu dàng của mẹ; nức nở khóc theo bạn khi cảm thấy mình bước vào một thế giới khác cách xa mẹ hơn bao giờ hết.
– Cảm giác vừa xa lạ vừa gần gũi với mọi vật, với người bạn tí hon ngồi bên cạnh.
– Vừa bỡ ngơ vừa tự tin, nhân vật “tôi” bước vào tiết học đầu tiên trong đời mình.
3. Cảm nhận về thái độ, cử chỉ của những người lớn (“ông đốc”, thầy giáo đón nhận học trò mới, các phụ huynh) đối với các em bé lần đầu đi học
Ở đây, những người lớn từ ông đốc, thầy giáo, đến các phụ huynh ai cũng lo lắng chuẩn bị chu đáo cho con em mình ở buổi tựu trường đầu tiên này.
Cha mẹ mua sắm quần áo mới, sách vở mới cho con, đưa con đến trường và trân trọng tham dự buổi lễ tựu trường cùng con.
Ông đốc là ông hiệu trưởng, người lãnh đạo nhà trường thật hiền từ, khiêm tốn, yêu thương đám trẻ thực lòng. Thầy giáo dạy lớp mới trẻ tuổi, tươi cười chào đón các em.
Qua các hình ảnh ấy, người đọc nhận ra tấm lòng bao dung, trách nhiệm cao đẹp của cả gia đình và học đường đối với thế hệ mầm non của đất nước. Môi trường giáo dục giàu tình thương yêu này sẽ nuôi dưỡng các em mau chóng trưởng thành.
4. Tìm và phân tích các hình ảnh so sánh được nhà văn sử dụng trong truyện ngắn
Trong truyện ngắn Tôi đi học được trích giảng có nhiều hình ảnh so sánh được tác giả sử dụng nhưng đáng chú ý hơn cả là ba hình ảnh so sánh sau đây:
– “Tôi quên thế nào được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng”.
– “Ý nghĩ ấy thoáng qua trong trí tôi nhẹ nhàng như một làn mây lướt ngang trên ngọn núi”.
– “Họ như con chim đứng trên bờ tổ, nhìn quãng trời rộng muốn bay, nhưng còn ngập ngừng e sợ. Họ thèm vụng và ước ao thầm được như những người học trò cũ, biết lớp, biết thầy để khỏi phải rụt rè trong cảnh lạ”.
Các hình ảnh so sánh trên nhằm thể hiện tâm trạng của nhân vật chính trong truyện, nhân vật “tôi”. Tất cả đều giàu sức gợi cảm, gắn với những cảnh sắc thiên nhiên trong sáng tươi đẹp và trữ tình. Nhờ các hình ảnh so sánh ây, người đọc cảm nhận được cảm xúc, suy nghĩ của nhân vật “tôi” rõ ràng, xác thực hơn. Chính cũng nhờ chúng, truyện ngắn Tôi đi học càng thêm thi vị, thêm chút bâng khuâng, trong trẻo.
5. Nhận xét về đặc sắc nghệ thuật và sức cuốn hút của tác phẩm
a) Đặc sắc nghệ thuật
Truyện ngắn này là những kỉ niệm mơn man của buổi tựu trường qua hồi tưởng của nhân vật xưng tôi. Truyện khéo kết hợp hài hòa giữa tự sự và miêu tả với biểu cảm làm nên chất trữ tình trong trẻo, dịu êm, tha thiết.
b) Sức cuốn hút của tác phẩm
Truyện cuốn hút người đọc nhờ đề tài, tình huống đặc biệt là nhờ tình cảm ấm áp trìu mến của những người lớn đối với các em bé lần đầu đi học, hình ảnh thiên nhiên ngôi trường và cách biểu cảm của tác giả.
Ghi nhớ: Trong cuộc đời mỗi con người, kỉ niệm trong sáng của tuổi học trò, nhất là buổi tựu trường đầu tiên, thường được ghi nhớ mãi. Thanh Tịnh đã diễn tả dòng cảm nghĩ này bằng nghệ thuật tự sự xen miêu tả và biểu cảm, với những rung động tinh tế qua truyện ngắn Tôi đi học.
LUYỆN TẬP
1. Trong khi tổng hợp, khái quát lại dòng cảm xúc của nhân vật “tôi” thành các bước theo trình tự thời gian, các em chú ý sự kết hợp hài hòa giữa miêu tả, tự sự và biểu cảm trữ tình của tác giả.
2. Các em viết lại ấn tượng của mình ớ buổi tựu trường đầu tiên.
ĐỌC THÊM
TIẾNG TRỐNG KHAI TRƯỜNG
Tiếng trống trang văn Thanh Tịnh
Hằng năm cuối thu lại về
Đâu chỉ riêng làng Mĩ Lí
Mà vang khắp chợ cùng quê.
Đâu những sương thu gió lạnh
Đong đầy hôm ấy buổi mai?
Đâu đường làng dài và hẹp
Đến trường với mẹ cầm tay?
Tiếng trống dội vang náo nức
Trái tim ai đập liên hồi
Một thoáng bâng khuâng hoài niệm
Lặng thầm lấp kín hồn tôi.
Năm tháng dẫu bao biến đổi
Đường làng xưa đã rộng nhiều
Mẹ gánh oằn vai tuổi tác
Và tôi tóc điểm muối tiêu.
Đầu ngõ sáng nay bồng thấy
Vệt sương thu ngọn khói quê
Tiếng trống khai trường giục giã
Bao nhiêu kỉ niệm tràn về.
(Trần Ngọc Hưởng – Chân dung thơ)
NGÀY KHAI TRƯỜNG
Hôm nay là ngày khai trường. Mấy tháng nghỉ hè của chúng tôi đã đi qua như một giấc mộng. Sáng nay, mẹ tôi dắt tôi đến trường để ghi tên tôi vào lớp ba. Còn tôi thì mải nhớ thôn quê, tôi đến trường chỉ là miền cưỡng. Tất cả các đường phố đều tấp nập học sinh, đông như kiến. Hai cửa hiệu bán sách chật những bố mẹ học sinh vào mua nào vở, nào giấy thấm, nào cặp – sách bằng da… Trước trường, người đông đến nỗi ông gác cổng và người cảnh sát đều phải chật vật lắm mới giữ được thông lối vào ra. Chúng tôi sắp bước qua cổng thì thấy có người đặt tay lên vai mình: đó là thầy giáo lớp hai của tôi, có mái tóc hung, bù xù và tính vui vẻ không bao giờ cạn. Thầy bảo tôi: “Chúng ta thế là xa nhau mãi rồi, phải không En-ri-cô?”.
Tôi cũng biết như vậy, thế mà lời nói của thầy vẫn làm cho lòng tôi nặng trĩu. Chúng tôi phải chật vật lắm mới vào được trường. Những ông, những bà, những phụ nữ thường dân, những công nhân, những sĩ quan, những bà cụ và những người giúp việc, ai cũng tay dắt một trẻ em, tay mang những cái gói, làm huyên náo cả phòng đợi và các thang gác. Tôi vui thích thấy lại cái phòng rộng ở tầng dưới thông với bảy lớp học, mà suốt ba năm gần như ngày nào tôi cũng đi qua. Người đông nghịt. Các cô giáo đi đi, lại lại. Một cô giáo lớp một đứng trên ngưỡng cửa của lớp cô, chào tôi và nói:
– En-ri-cô, năm nay con học trên gác, và cô sẽ không còn thấy con đi qua đây nữa! Rồi cô nhìn tôi có vẻ buồn. Tôi trông thấy thầy hiệu trưởng, mà bộ râu hình như có bạc hơn năm ngoái một ít, đang bị vây giữa những bà mẹ khá phật ý vì không còn chỗ để cho con họ vào học nữa. Tôi thấy nhiều bạn tôi lớn lên nhiều, ở tầng dưới, học sinh chia xong vào các lớp, người ta thấy các em học sinh những lớp vỡ lòng không chịu vào lớp, cứ đẩy nhau như những con lừa con: người ta phải lôi chúng vào; vài em nhỏ chạy không chịu ngồi vào ghế, nhiều chị khác òa lên khóc khi thấy bố mẹ ra về. Những ông bố, bà mẹ ấy phải quay lại để khuyến khích hoặc dỗ dành con; còn các cô giáo trông thấy vậy cũng có nhiều thất vọng.
Em trai tôi được vào lớp học của cô giáo Đen-ca-ti, tôi học lớp thầy giáo Pec-nô-bi ở gác hai. Đến mười giờ thì tất cả chúng tôi đều đã vào lớp hết: năm mươi bốn học sinh tất cả. Trong đám ấy tôi chỉ gặp lại chưa đến mười lăm, mười sáu bạn cũ ở lớp hai; trong đó có Đê-rót-xi, cái cậu bao giờ cũng được giải nhất. Trường học đối với tôi có vẻ nhỏ hẹp và buồn tẻ làm sao so với rừng núi mà tôi đã đến ở chơi mấy tuần qua. Tôi lại còn nhớ tiếc thầy giáo lớp hai của tôi, thầy tốt làm sao, và lúc nào cũng cười với tôi. Người thầy nhỏ nhắn đến nỗi làm cho chúng tôi cứ tưởng như là một người bạn. Tôi tiếc không được thấy thầy ở đây, với mái tóc hung bù xù của thầy nữa.
Thầy giáo năm nay của chúng tôi người cao lớn, không có râu, tóc dài đã hoa râm hết, có một nếp nhăn trên trán, tiếng nói rất to, thầy nhìn chúng tôi chằm chằm hết đứa này đến đứa khác, như muốn đọc rõ tận trong lòng chúng tôi. Thầy không bao giờ cười.
Tôi thầm nghĩ: “Hôm nay là ngày đầu tiên đây. Hãy còn những mười tháng nữa mới lại nghỉ hè. Trước mắt biết bao là công việc, là bài thi, là khó nhọc!”. Tan học, tôi cần phải gặp mẹ tôi, và tôi chạy ra ôm lấy mẹ. Mẹ bảo: “Gắng lên, En-ri-cồ của mẹ. Mẹ con ta sẽ cùng học với nhau!”. Thế là tôi vui vẻ về nhà. Thôi cũng được! Tôi không còn học với thầy giáo cũ tươi cười thế, vui tính thế và tốt bụng thế; nhà trường đối với tôi hình như cũng chẳng thích thú bằng năm ngoái… Nhưng thôi cũng được.
(A-ini-xi – Những tấm lòng cao củ)