- Hàm ý là những nội dung, ý nghĩa mà người nói muốn thông báo đến người nghe nhưng không trực tiếp nói ra mà ngụ ý để người nghe suy ra từ nghĩa tường minh, ngữ cảnh giao tiếp và các phương châm hội thoại.
- Tác dụng của hàm ý:
- Tạo được hiệu quả biểu đạt mạnh mẽ, sâu sắc hơn cách nói thông thường.
- Giữ được tính lịch sự và tôn trọng thể diện của người đối thoại.
- Làm cho lời nói thêm hàm súc.
- Không chịu trách nhiệm về lời nói của mình (hàm ý do người nghe suy ra).
- Cách thức để tạo hàm ý:
- Cố ý vi phạm các phương châm hội thoại.
- Dùng hành động nói theo cách gián tiếp.
Câu 1:
Về đến nhà, A Phủ lẳng vai ném nửa con bò xuống gốc đào trước cửa. Pá Tra bước ra hỏi:
– Mất mấy con bò?
A Phủ trả lời tự nhiên:
-Tôi về lấy súng, thế nào cũng bắn được. Con hổ này to lắm.
Pá Tra hất tay, nói:
– Quân ăn cướp làm mất bò tao. A Sử ! Đem súng đi lấy con hổ về.
(Tô Hoài, Vợ chồng A Phủ)
Gợi ý làm bài
a. Căn cứ vào lời đáp của A Phủ đối với câu hỏi của Pá Tra thì:
Nghĩa tường minh
Hàm ẩn
– Thiếu thông tin về số lượng bò bị mất.
– Thừa thông tin về việc lấy súng đi bắt con hổ.
– Công nhận bò bị mất, bị hổ ăn thịt, công nhận mình có lỗi.
– Khôn khéo lồng vào đó ý định lấy công chuộc tội, hơn nữa còn hé mở hi vọng con hổ có giá trị nhiều hơn so với con bò bị mất.
b. Cách trả lời của A Phủ có hàm ý:
- Công nhận bò mất do hổ ăn, mình có lỗi.
- Cách trả lời này thể hiên sự khôn khéo của A Phủ, lồng vào đó ý định lấy công chuộc tội và hé mở hi vọng con hổ có giá trị nhiều so với con bò bị mất (con hổ này to lắm).
c. Hàm ý :
- Những nội dung, ý nghĩ mà người nói muốn truyền báo đến người nghe, nhưng không nói ra trực tiếp, tường minh qua câu chữ, mà chỉ ngụ ý để người nghe suy ra.
⇒ A Phủ chủ ý vi phạm phương châm về lượng tin để tạo ra hàm ý: công nhận việc mất bò, muốn lấy công chuộc tội.
Câu 2:
Những lúc như thế, thì một người dẫu khôn ngoan cũng không bình tĩnh được. Nhất là khi trông thấy một thằng chỉ đến vòi tiền uống rượu như Chí Phèo. Tuy vậy, cụ cũng móc sẵn năm hào. Thà móc sẵn để tống nó đi cho chóng. Nhưng móc rồi, cụ cũng phải quát một câu cho nhẹ người:
– Chí Phèo đấy hở ? Lè bè vừa thôi chứ, tôi không phải là cái kho.
Rồi ném bẹt năm hào xuống đất, cụ bảo hắn:
– Cầm lấy mà cút đi cho rảnh. Rồi làm mà ăn chứ cứ báo người ta mãi à?
Hắn trợn mắt chỉ tay vào mặt cụ:
– Tao không đến đây xin năm hào.
Thấy hắn toan làm dữ cụ đành dịu giọng:
– Thôi, cầm lấy vậy, tôi không còn hơn.
Hắn vênh cái mặt lên, rất kiêu ngạo:
– Tao đã bảo là tao không đòi tiền.
– Giỏi! Hôm nay mới thấy anh không đòi tiền. Thế anh cần gì?
Hắn dõng dạc:
– Tao muốn làm người lương thiện!
(Nam Cao, Chí Phèo)
Gợi ý làm bài
a. Câu nói của Bá Kiến: “Tôi không phải cái kho.”
→ Hàm ý: Cái kho là biểu tượng của của cải, sự giàu có
- Tôi không có nhiều tiền của để có thể lúc nào cũng có thể cho anh – Chí Phèo
→ Cách nói không đảm bảo phương châm cách thức: không nói rõ ràng, mạch lạc mà thông qua hình ảnh cái kho để nói bóng gió đến tiền của.
b. Tại lượt lời thứ nhất và thứ hai của Bá Kiến có dùng những câu hỏi:
- ”Chí Phèo đấy hở?”
→ Không nhằm ý định hỏi, thực hiện hành động hỏi mà mục đích hô gọi, hướng lời nói đến người nghe.
- “Rồi làm mà ăn chứ, cứ báo người ta mãi à?”
→ Nhằm mục đích cảnh báo, sai khiến, thúc giục: Chí Phèo làm mà ăn chứ không thể luôn đến xin tiền.
c. Lượt lời 1, 2 Chí Phèo không nói hết ý: đến để làm gì?
- Hàm ý được tường minh ở lượt lời thứ 3 của hắn.
- Cách nói ở hai lượt đầu không đảm bảo phương châm về lượng (không đủ lượng thông tin cần thiết so với yêu cầu ở thời điểm nói) và cả phương châm về cách thức (nói không rõ ràng).
Câu 3:
Một thầy đồ đang cặm cụi viết bài, bà vợ đến bên cạnh nói:
-Ông lấy giấy khổ to mà viết có hơn không?
Thầy đồ lấy làm đắc chí, cho là bà vợ khen tài văn chương của mình, văn tứ dồi dào, giấy khổ nhỏ không đủ chép, nhưng cũng hỏi lại:
-Bà nói vậy là thế nào?
Bà vợ thong thả nói:
-Ông chả biết tính toán gì cả, giấy khổ to bỏ đi còn gói hàng, chứ giấy khổ nhỏ thì làm gì được.
(Theo truyện cười Những chàng ngốc, NXB Văn hóa, Hà Nội 1993)
Gợi ý làm bài
a. Lượt lời thứ nhất:
- “Ông lấy giấy khổ to mà viết có hơn không?”
→ Câu hỏi nhưng không phải để hỏi, mà để thực hiện việc làm thực dụng: khuyên ông đồ viết bằng khổ giấy to.
- Qua lượt lời thứ hai, lượt lời đầu còn có thêm hàm ý khác (không nói ra): không tin vào tài năng của ông.
b. Bà đồ không nói thẳng ý mình vì :
- Muốn giữ thể diện cho ông đồ.
- Không muốn phải chịu trách nhiệm về cái hàm ý của câu nói.
Câu 4: Để nói một câu có hàm ý, người ta thường sử dụng các cách thức:
- Chủ ý vi phạm phương châm về lượng trong giao tiếp (câu 1).
- Chủ ý vi phạm phương châm cách thức (nói mập mờ, không rõ ràng, rành mạch) (câu 2).
- Sử dụng các hành động nói gián tiếp (câu 3).
⇒ Đáp án đúng là đáp án D:Tùy vào ngữ cảnh mà sử dụng một hay phối hợp các cách thức trên.
Để nắm vững nội dung bài học, các em có thể tham khảo thêm bài giảng Thực hành về hàm ý.