Tài liệu hướng dẫn chi tiết soạn bài Đại cáo bình Ngô phần 1 của Đọc Tài Liệu sẽ cùng các em tìm hiểu về tác giả Nguyễn Trãi – một vị anh hùng dân tộc, một nhân cách lớn của thời đại, một nhà văn hóa kiệt xuất, một cây đại thụ vĩ đại của nền văn học dân tộc và là nhân vật toàn tài số một của lịch sử Việt Nam thời phong kiến.
Với những hướng dẫn chi tiết trả lời câu hỏi sách giáo khoa dưới đây các em không chỉ soạn bài tốt mà còn nắm vững các kiến thức quan trọng về tác giả Nguyễn Trãi. Cùng tham khảo…
Tóm tắt về tác giả Nguyễn Trãi khi soạn Đại cáo bình Ngô phần 1
I. Xuất thân và cuộc đời
– Nguyễn Trãi (1380 – 1442); hiệu là Ức Trai; quê gốc ở Chi Ngại (Chí Linh, Hải Dương), sau dời về Nhị Khê (Thường Tín, Hà Tây), xuất thân từ gia đình nho giáo có truyền thống yêu nước, truyền thống thơ ca lâu đời. Chính điều này đã tạo điều kiện cho Nguyễn Trãi được tiếp xúc và thấu hiểu tư tưởng chính trị của Nho giáo.
– Năm 1400, Nguyễn Trãi đỗ Thái học sinh, cùng cha ra làm quan cho nhà Hồ
– Năm 1407, giặc Minh cướp nước ta, cha ông bị bắt sang Trung Quốc. Chứng kiến cảnh nước mất nhà tan, Nguyễn Trãi sống ẩn náu trong dân gian 10 năm dài
– Năm 1416, Nguyễn Trãi trốn vào Thanh Hóa dâng “Bình Ngô sách” cho Lê Lợi tại Lỗi Giang. Trong suốt 10 năm khởi nghĩa Nguyễn Trãi là cộng sự đắc lực của Lê Lợi. Chứng tỏ tài năng chính trị, ngoại giao, góp phần to lớn vào chiến thắng vẻ vang của dân tộc.
– Năm 1428, hòa bình lập lại, Nguyễn Trãi hăm hở bắt tay vào việc xây dựng đất nước nhưng bị nghi oan, bị bắt, sau đó được tha nhưng không còn được vua tin dùng.
– Năm 1439, ông từ quan về sống ẩn dật tại Côn Sơn
– Năm 1440, Nguyễn Trãi được Lê Thái Tông mời ra giúp nước
– Năm 1442, ông bị vu oan giết vua và lãnh án tru di tam tộc, hơn 20 năm sau, vua Lê Thánh Tông giải oan cho Nguyễn Trãi và cho người tìm di cảo thơ văn của ông.
II. Sự nghiệp thơ văn
Khi tìm hiểu để soạn bài Đại cáo bình Ngô, các em có thể thấy được rằng: Nguyễn Trãi sống trong thời đại xã hội nhiều biến động, loạn lạc – mâu thuẫn nội bộ trong triều đình phong kiến, đất nước có giặc ngoại xâm, đời sống nhân dân cơ cực và các cuộc khởi nghĩa của nhân dân nổ ra khắp nơi… điều này đã hướng ngòi bút của ông hướng tới hiện thực đời sống.
1. Những tác phẩm chính
Nguyễn Trãi là tác giả xuất sắc về nhiều thể loại văn học, bao gồm cả chữ Hán và chữ Nôm. Ông đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị trên nhiều lĩnh vực, trong sáng tác chữ Hán hay chữ Nôm, văn chính luận hay thơ trữ tình đều có những thành tựu nghệ thuật lớn.
+ Sáng tác viết bằng chữ Hán: Quân trung từ mệnh tập, Bình Ngô đại cáo, Ức Trai thi tập, Chí Linh sơn phú, Băng Hồ di sự lục, Lam Sơn thực lục, Văn bia Vĩnh Lăng, Văn loại.
+ Sáng tác viết bằng chữ Nôm: Quốc âm thi tập gồm 254 bài thơ viết theo thể Đường luật hoặc Đường luật xen lục ngôn.
+ Ngoài sáng tác văn học, Nguyễn Trãi còn để lại cuốn Dư địa chí, một bộ sách địa lí cổ nhất Việt Nam.
2. Nguyễn Trãi – nhà văn chính luận kiệt xuất
Nguyễn Trãi là nhà văn chính luận kiệt xuất, những tác phẩm văn chính luận của ông có luận điểm vững chắc, lập luận chặt chẽ với giọng điệu linh hoạt.
– Tác phẩm tiêu biểu: Bình Ngô đại cáo, Quân trung từ mệnh tập – có sức mạnh bằng 10 vạn quân (Phan Huy Chú)
– Tư tưởng chủ đạo: Tư tưởng nhân nghĩa, yêu nước, thương dân
– Văn chính luận của Nguyễn Trãi đạt tới trình độ nghệ thuật mẫu mực từ việc xác định đối tượng, mục đích để sử dụng bút pháp thích hợp đến kết cấu chặt chẽ, lập luận sắc bén.
3. Nguyễn Trãi – nhà thơ trữ tình sâu sắc
Không chỉ là nhà văn chính luận kiệt xuất, Nguyễn Trãi còn được biết đến là một nhà thơ trữ tình sâu sắc.
– Các tác phẩm tiêu biểu: Ức Trai thi tập, Quốc âm thi tập
– Nội dung chủ đạo trong thơ ông:
+ Thể hiện hình ảnh con người bình thường – con người trần thế thống nhất hòa quyện với con người anh hùng vĩ đại
+ Lí tưởng nhân nghĩa yêu nước kết hợp thương dân
+ Thể hiện phẩm chất thanh cao của người quân tử
+ Đau nỗi đau con người, yêu tình yêu của con người
+ Khát khao dân giàu nước mạnh, yên ấm, thái bình
+ Trân trọng tình cảm vua tôi, gia đình, quê hương, bạn bè
+ Tình cảm thiên nhiên phong phú.
– Đặc sắc nghệ thuật trong ngòi bút Nguyễn Trãi
+ Có cống hiến đặc biệt trong thơ Nôm: sáng tạo thơ lục ngôn.
III. Kết luận
– Nguyễn Trãi là một hiện tượng văn học kết tinh truyền thống văn học Lí – Trần, đồng thời mở đường cho cả một giai đoạn phát triển mới.
– Về nội dung, văn chương Nguyễn Trãi hội tụ hai nguồn cảm hứng lớn của văn học dân tộc là yêu nước và nhân đạo.
– Về hình thức nghệ thuật, văn chương Nguyễn Trãi có đóng góp lớn ở cả hai bình diện cơ bản nhất là thể loại và ngôn ngữ.
– Nguyễn Trãi là nhà văn chính luận kiệt xuất, nhà thơ khai sáng văn học tiếng Việt. Ông đem đến cho nền văn học dân tộc thơ Đường luật viết bằng chữ Nôm, góp phần làm cho tiếng Việt trở thành ngôn ngữ văn học giàu và đẹp.
Luyện tập thêm:
- Viết đoạn văn nêu ngắn gọn những nét chính trong tiểu sử của Nguyễn Trãi
- Thuyết minh về Nguyễn Trãi: Cuộc đời và sự nghiệp
Soạn bài Đại cáo bình Ngô phần 1 siêu ngắn
Câu 1 (trang 13 sgk Ngữ văn 10 Tập 2):
Nguyễn Trãi là một nhân vật lịch sử vĩ đại vì:
– Nguyễn Trãi là bậc anh hùng dân tộc. Cuộc đời Nguyễn Trãi song hành cùng dòng chảy hào hùng của lịch sử. Ông tận lực, tận tâm vì quốc gia, dân tộc và làm nên nhiều chiến công hiển hách trong cuộc kháng chiến chống quân Minh cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước sau này.
– Nguyễn Trãi là một nhân vật toàn tài hiếm có trong lịch sử thời phong kiến. Ông có nhiều đóng góp nổi bật trong nhiều lĩnh vực: chính trị, quân sự, ngoại giao, văn chương, nghệ thuật.
– Hệ tư tưởng của Nguyễn Trãi có ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều triều đại, nhiều thế hệ người Việt Nam ở nhiều lĩnh vực sau này.
– Năm 1980, ông được UNESCO công nhận là danh nhân văn hóa thế giới.
Câu 2 (trang 13 sgk Ngữ văn 10 Tập 2):
Một số tác phẩm nổi bật của Nguyễn Trãi:
– Tác phẩm viết bằng chữ Hán: Quân trung từ mệnh tập, Bình Ngô đại cáo, Chí Linh sơn phú, Băng hồ di sự lục, Ức trai thi tập, Lam Sơn thực lục, Văn bia Vĩnh Lăng….
– Tác phẩm viết bằng chữ Nôm: Quốc âm thi tập.
– Giới thiệu tác phẩm Quân trung từ mệnh tập: Quân trung từ mệnh tập là tác phẩm tập hợp những thư từ gửi cho tướng giặc và những giấy tờ giao thiệp với triều đình nhà Minh. Đây có thể xem như những “văn kiện” ngoại giao, chính trị quan trọng. Tác phẩm có sự kết hợp tuyệt diệu giữa tư tưởng nhân nghĩa, tư tưởng yêu nước và nghệ thuật viết văn luận chiến bậc thầy. Phan Huy Chú cho rằng tập văn “có sức mạnh của mười vạn quân”.
Câu 3 (trang 13 sgk Ngữ văn 10 Tập 2):
Vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi qua một số câu thơ:
– Nỗi đau thế sự, tình yêu thương con người: “Phượng những tiếc cao diều hãy lượn/ Hoa thường hay héo, cỏ thường tươi”…
– Tình yêu, thiên nhiên, quê hương, đất nước: “Nước biếc non xanh thuyền gối bãi/ Đêm thanh nguyệt bạc khánh lên lầu”…
– Nghĩa vua tôi, tình cha con sâu nặng: “Quân thân chưa báo lòng, canh cánh/ Tình phụ cơm trời áo cha”.
– Khao khát nhân dân được ấm no, hạnh phúc thể hiện tư tưởng nhân nghĩa: “Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng/ Dân giàu đủ khắp đòi phương”.
Câu 4 (trang 13 sgk Ngữ văn 10 Tập 2):
Thơ văn Nguyễn Trãi có những giá trị về nội dung và nghệ thuật:
– Giá trị nội dung:
+ Nêu cao chủ nghĩa yêu nước: ca ngợi cuộc chiến đấu vì độc lập dân tộc, vì đạo lí chính nghĩa.
+ Thể hiện tinh thần nhân đạo: quan niệm sức mạnh vô địch là bắt nguồn từ “chí nhân”, “đại nghĩa”, từ nhân dân.
– Giá trị nghệ thuật:
+ Thể loại: Tạo ra những ánh văn chính luận xuất sắc, mở đường cho thơ Nôm Đường luật phát triển thành một thể thơ dân tộc.
+ Ngôn ngữ: đưa ngôn ngữ tiếng Việt thành ngôn ngữ văn học giàu và đẹp.
Soạn bài Đại cáo bình Ngô phần 1 ngắn gọn nhất
Câu 1:
Nguyễn Trãi là một nhân vật lịch sử vĩ đại vì những đóng góp to lớn của ông trên nhiều bình diện:
– Dân tộc và tư tưởng: Là vị quân sư số 1 của Lê Lợi trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, là một thiên tài về quân sự, chính trị, ngoại giao… đưa cuộc khởi nghĩa đến ngày toàn thắng. Ông đi đầu trong công cuộc kiến thiết nước nhà với tư tưởng nhân nghĩa dẹp cường bạo.
– Văn chương: Nguyễn Trãi là hình tượng văn học kết tinh truyền thống văn hóa Lí – Trần, mở đường cho giai đoạn phát triển mới. Một nhà văn kiệt xuất, nhà thơ lớn, danh nhân văn hóa thế giới, có những đóng góp to lớn cho văn hóa, văn học.
Câu 2:
– Các tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Trãi: Côn Sơn ca, Bạch Đằng hải khẩu, Đại cáo Bình Ngô, Cảnh ngày hè, Cây chuối, Dục Thúy Sơn, Tùng, Thư lại dụ Vương Thông lần nữa…
– Giới thiệu một số tác phẩm tiêu biểu:
+ Côn sơn ca (Bài ca Côn Sơn): là khúc ca về bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, cảnh trí Côn Sơn với tác giả như là người bạn tâm giao. Âm điệu khỏe khoắn, thảnh thơi, song cơ bản, âm hưởng chủ đạo vẫn là tiếng thở dài bi thiết về kiếp nhân sinh.
+ Cây chuối: thể hiện cốt cách đa tình của người thi sĩ. Nó là một thứ tình yêu nhưng tình yêu cấy chẳng qua chỉ là một chút hương xuân, hương lòng thầm kín mà thôi.
+ Cảnh ngày hè: Bài thơ thể hiện tình yêu thiên nhiên và yêu đất nước, lòng thương dân của Nguyễn Trãi…
Câu 3:
Phân tích vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi
– Qua hai câu cuối bài “Cảnh ngày hè”:
Dễ có Ngu cầm đàn một tiếng
Dân giàu đủ khắp đòi phương
Tuy tác giả đón nhận cảnh ngày hè với tư thế ung dung trong một ngày nhàn rỗi nhưng ông vẫn luôn suy nghĩ, lo lắng cho dân, cho nước. Cảm nhận cảnh ngày hè nhưng tác giả vẫn quan tâm tới cuộc sống của nhân dân. Thế nên ông vẫn lắng tai nghe âm thanh tấp nập, lao xao của làng chài. Chính vì vậy, ông ước mong mình có cây đàn của vua Ngu Thuấn. Với cây đàn đó, Nguyễn Trãi có thể mang tới cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân và đất nước. Ấy là một giấc mơ, và cả một học thuyết nhân sinh ấp ủ bật ra thành lời.
– Qua hai câu thơ trong bài Tự thuật (bài 9):
“Phượng những tiếc cao diều hãy liệng
Hoa thường hay héo cỏ thường tươi”.
Nguyễn Trãi là bậc anh hùng với lý tưởng cao đẹp. Ông đau nỗi đau của con người, yêu tình yêu của con người. Ông đau khi chứng kiến nghịch cảnh éo le của xã hội cũ, đau trước sự thế bạc đen có tài cao muốn giúp đời nhưng gặp cảnh ngang trái của xã hội, có hoài bão, lí tưởng cao đẹp mà không được thực hiện.
Câu 4:
Những giá trị cơ bản về nội dung và nghệ thuật của thơ văn Nguyễn Trãi:
– Về nội dung: Thơ văn mang tinh thần chiến đấu vì độc lập dân tộc, vì đạo lí chính nghĩa
– Về nghệ thuật:
+ Thể thơ thất ngôn xen lục ngôn của ông là một cố gắng Việt hóa thơ Đường luật
+ Sử dụng nhiều từ thuần Việt
+ Vận dụng thành công tục ngữ, ca dao và lời ăn tiếng nói hằng ngày của nhân dân.
Soạn bài Đại cáo bình Ngô phần 1: Tác giả hay nhất
Gợi ý trả lời câu hỏi đọc hiểu và luyện tập soạn văn Đại cáo bình Ngô phần 1 trang 13 SGK Ngữ văn 10 tập 2.
Bài 1 trang 13 SGK Ngữ văn 10 tập 2
Vì sao có thể nói Nguyễn Trãi là một nhân vật lịch sử vĩ đại?
Trả lời:
– Nguyễn Trãi sống trong thời đại có nhiều biến động dữ dội: Nhà Trần suy vi, Hồ Quý Ly lên thay, quân Minh xâm lược nước ta, cha Nguyễn Trãi là Nguyễn Phi Khanh bị bắt đem về Trung Quốc cùng cha con Hồ Quý Ly và các triều thần. Nguyễn Trãi muốn theo cha làm tròn đạo hiếu nghe lời cha dặn quay về “rửa nhục cho nước, trả thù cho cha”. Cuộc đời Nguyễn Trãi là cuộc đời của một “trai thời loạn”. Sự biến động dữ dội của lịch sử dẫn tới bi kịch mất nước nhưng từ trong bi kịch ấy, lòng yêu nước, chí căm thù, tinh thần quả cảm dám xả thân vì giang sơn xã tắc đã hun đúc những phẩm chất của một trang anh hùng.
– Nguyễn Trãi tìm đến cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, dâng Lê Lợi Bình Ngô sách và trở thành quân sư bên cạnh Lê Lợi, đưa cuộc khởi nghĩa đến ngày toàn thắng. Đây là thời kì bộc lộ rõ nhất thiên tài quân sự, chính trị, ngoại giao… ở Nguyễn Trãi.
– Bước sang thời kì hoà bình, Nguyễn Trãi chưa kịp thực hiện hoài bão xây dựng đất nước thái bình thịnh trị thì đời ông chuyển sang giai đoạn khó khăn, bi thảm: bị bọn lộng thần ghen ghét, bị vua nghi ngờ, bị bắt rồi không được trọng dụng, phải tìm về cuộc sống ẩn dật. Nguyễn Trãi tìm đến thiên nhiên nhưng tấm lòng trung quân, ái quốc vẫn “đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông”.
– Vụ án Lệ Chi viên khiến Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc. Đây là vụ án lớn nhất, oan khốc nhất lịch sử Việt Nam. Hơn 20 năm sau, vua Lê Thánh Tông minh oan cho Nguyễn Trãi, những tác phẩm trước của ông tuy bị cấm, bị đốt song vẫn tìm thấy gần như nguyên vẹn trong lòng dân.
Bài 2 trang 13 SGK Ngữ văn 10 tập 2
Anh (chị) đã đọc những tác phẩm nào của Nguyễn Trãi? Hãy giới thiệu sơ lược một vài tác phẩm tiêu biểu.
Trả lời:
Dựa vào phần tìm hiểu tác giả trong khi soạn bài Đại cáo bình Ngô, em biết được rằng:
* Những tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Trãi:
Nguyễn Trãi có những đóng góp lớn cho nền văn hoá dân tộc. Sáng tác của ông thuộc nhiều lĩnh vực: văn học, lịch sử, địa lí, quân sự… các thể loại gồm: văn chính luận, văn khoa học (chữ Hán), thơ (chữ Hán và chữ Nôm)… Loại sáng tác nào của ông cũng có ý nghĩa khai mở cho đời sau. Về lịch sử, Nguyễn Trãi có Lam Sơn thực lục, về địa lí có Dư địa chí. Văn chính luận (chính trị, quân sự) có Quân trung từ mệnh tập; thơ chữ Hán có ức Trai thi tập, tập chữ Nôm có Quốc Âm thi tập… Thơ văn của Nguyễn Trãi mang tính mẫu mực cổ điển.
Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi thay Lê Lợi viết ngay sau khi cuộc kháng chiến chống quân Minh giành thắng lợi. Tác phẩm vừa có giá trị lịch sử, vừa có giá trị văn chương to lớn, được đánh giá như một bản Tuyên ngôn độc lập của dân tộc, một “thiên cổ hùng văn”. “Ức Trai thi tập” là tập thơ chữ Hán điêu luyện, tình tứ, tao nhã của Nguyễn Trãi mà mỗi bài là một mảnh hồn của ức Trai tiên sinh.
Quốc Âm thi tập của Nguyễn Trãi là tập thơ chữ Nôm sớm nhất còn lại đến ngày nay, tập thơ thể hiện ý thức về tiếng nói dân tộc cũng là ý thức tự tôn dân tộc trên lĩnh vực văn hoá, văn học. Đặc biệt, Nguyễn Trãi đã sáng tạo những bài thơ thất ngôn xen lục ngôn rất tài tình…
Bài 3 trang 13 SGK Ngữ văn 10 tập 2
Phân tích vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi qua một số câu thơ mà anh (chị) cảm nhận sâu sắc nhất.
Trả lời:
Nguyễn Trãi không chỉ là một con người vĩ đại với những tư tưởng lớn lao phi thường mà Nguyễn Trãi còn mang một tâm hồn nghệ sĩ rất đỗi lãng mạn, thậm chí có lúc đa tình. Một số câu thơ, bài thơ tiêu biểu thể hiện điều đó như:
– Hai câu thơ đầu bài Côn Sơn ca:
Côn Sơn suối chảy rì rầm
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai.
Khung cảnh thiên nhiên mở ra hết sức nên thơ, nhẹ nhàng cho ta cảm thấy sự tĩnh tại trong từng câu từng chữ. Nơi Côn Sơn vắng vẻ mà yên tĩnh, để cho tiếng suối chảy róc rách cũng vang vọng, êm dịu đi vào lời thơ trong trẻo như tiếng đàn cầm. Tâm hồn thi nhân thật tinh tế, để tiếng suối trong kia khẽ khàng chạm vào sợi dây rung cảm. Nguyễn Trãi có lẽ không chỉ yêu mến thiên nhiên mà còn coi thiên nhiên như một người bạn tâm tình, hòa mình vào thiên nhiên cảm nhận từng hơi thở của cành cây hoa lá, của âm thanh.
– Bài thơ “Quan hải”
Giang san như tạc anh hùng thệ
Thiên địa vô tình sự biến đa
Họa phúc hữu môi phi nhất nhật
Anh hùng di hậu kỉ thiên niên.
Nguyễn Trãi nêu lên những giá trị về quy luật của đời sống thường tình. Dù có là người hùng hay là ai đi nữa thì cuộc đời này vẫn luôn là hữu hạn, không ai có thể tránh khỏi vòng “họa phúc”.
– Hai câu thơ trong bài Thuật hứng (bài 2)
Bụi một tấc lòng ưu ái cũ,
Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông.
Phẩm chất ý chí của người anh hùng luôn luôn ngời sáng trong chiến đấu chống ngoại xâm cũng như trong đấu tranh chống cường quyền bạo lực vì chân lí với trọn lòng lo nước yêu dân lúc nào cũng thiết tha, mãnh liệt. (Đây là phẩm chất của tác giả Nguyễn Trãi mà các em học sinh sẽ gặp trong phần soạn bài Đại cáo bình Ngô này)
– Hai câu cuối bài “Cảnh ngày hè”:
Dễ có Ngu cầm đàn một tiếng
Dân giàu đủ khắp đòi phương
Trước hai câu thơ trên, bạn đọc đã thấy được bức tranh thiên nhiên với những sắc màu, hình ảnh, từ bức tranh thiên nhiên ấy, tác giả đã thể hiện, bộc bạch rõ lòng mình hơn qua hai câu thơ cuối. Hai câu thơ cuối thổi bùng khát vọng của người anh hùng đầu bạc mà vần vẹn tấm lòng son.
Một sự giản dị, thanh cao, đã được thể hiện với mong ước không dành cho riêng mình. Giữa thiên nhiên hương sắc ấy, Nguyễn Trãi không hề mong muốn hưởng thụ thú nhàn tản. Ông không phải con người chỉ chăm chăm giữ lấy sự trong sạch cho riêng mình theo triết lí nhà Nho “độc thiện kì thân”. Ở sâu thẳm tâm hồn ông vẫn là nồi niềm “ưu quốc ái dân”, là khát khao hành động của một con người trọn đời vì lợi ích của nhân dân. Tinh thần Nguyễn Trãi vẫn không hề nhụt giảm, vẫn còn nung nấu hoài bão cống hiến cho đất nước thái bình thịnh trị như thời Đường Ngu – xã hội thịnh trị lí tưởng theo quan niệm nho gia. Giản dị thay và cũng cao cả thay sáu chữ đúc kết tấm lòng Nguyễn Trãi hướng về nhân dân, Quả thật, riêng ông trong hoàn cảnh bấy giờ có nhiều nỗi buồn, nhưng bản chất tâm hồn Nguyễn Trãi luôn “trong sáng và đầy sức sống” (lời cố thủ tuớng Phạm Văn Đồng). Tâm hồn ấy chỉ cháy bỏng niềm mong ước đem lại cho nhân dân cuộc sống giàu đủ. Niềm mong mỏi nhân dân “khắp nơi không một tiếng hờn giận oán sầu” chính là minh chứng cho nhân cách trong sáng tuyệt vời của Nguyễn Trãi.
Bài 4 trang 13 SGK Ngữ văn 10 tập 2
Nêu khái quát những giá trị cơ bản về nội dung và nghệ thuật của thơ văn Nguyễn Trãi.
Trả lời:
Khái quát giá trị cơ bản về nội dung và nghệ thuật của thơ văn Nguyễn Trãi:
* Giá trị nội dung:
– Luôn xuất phát từ quan điểm tư tưởng “lấy dân làm gốc”, tư tưởng đó hoà quyện với tinh thần yêu dân, yêu nước, lí tưởng nhân nghĩa đã trở thành cảm hứng chủ đạo xuyên suốt trong thơ văn Nguyễn Trãi. Cũng xuất phát từ tư tưởng này mà thơ văn Nguyễn Trãi mang tinh thần chiến đấu vì dân, vì nước, vì chính nghĩa.
– Thơ văn Nguyễn Trãi thể hiện rõ ý thức xây dựng nhân cách con người mang tinh thần nhân văn cao đẹp (hiếu học, trọng đức, trọng tài, đem tài đức cống hiến cho dân, cho nước, cho đời), đồng thời mang những triết lí giản dị mà sâu sắc, giàu trải nghiệm. Tinh yêu thiên nhiên, tâm hồn tình tứ, phong lưu, lãng mạn cũng là một trong những nội dung đặc sắc của thơ văn Nguyễn Trãi.
* Giá trị nghệ thuật:
“Nguyễn Trãi là bông hoa đầu mùa tuyệt đẹp của thơ Nôm Việt Nam” (Lê Trí Viễn). Ông là người đặt nền móng cho thơ ca Tiếng Việt. Thơ Nguyễn Trãi dùng từ ngữ, hình ảnh mang tính dân tộc. Nguyễn Trãi đã sáng tạo thể thơ thất ngôn xen lục ngôn và được coi như một thể đặc trưng của thơ tiếng Việt phổ biến trong thế kỉ XV, XVI.
Tham khảo văn mẫu: Cuộc đời và sự nghiệp văn học vĩ đại của Nguyễn Trãi
Soạn bài Bình Ngô đại cáo lớp 10 nâng cao
Trong chương trình Ngữ văn 10 tập 2 nâng cao, bài học Bình Ngô đại cáo không chia thành 2 phần tác giả, tác phẩm vì vậy mà không có phần các câu hỏi soạn văn bài Đại cáo bình Ngô nâng cao phần 1, phần 2.
Các câu hỏi hướng dẫn làm bài Bình Ngô đại cáo lớp 10 nâng cao đều về tác phẩm, nên mời các em tham khảo phần Soạn bài Đại cáo bình ngô phần 2 – Tác phẩm để xem được chi tiết nội dung các câu hỏi về tác phẩm này trong sách nâng cao.
Tổng kết
Nguyễn Trãi là bậc anh hùng dân tộc, một nhân vật toàn tài hiếm có nhưng lại là người phải chịu những oan khiên thảm khốc dưới thời phong kiến. Ông là nhà thơ, nhà văn kiệt xuất, là danh nhân văn hoá thế giới, có những đóng góp to lớn cho sự phát triển của văn hoá, văn học dân tộc.
// Mong rằng nội dung của bài hướng dẫn soạn văn 10 bài Đại cáo bình Ngô phần 1 này sẽ giúp các em ôn tập và nắm vững các kiến thức quan trọng của tác phẩm. Chúc các em luôn đạt được những kết quả cao trong học tập.
[ĐỪNG SAO CHÉP] – Bài viết này chúng tôi chia sẻ với mong muốn giúp các bạn tham khảo, góp phần giúp cho bạn có thể để tự soạn bài Đại cáo bình Ngô phần 1 một cách tốt nhất. “Trong cách học, phải lấy tự học làm cố” – Chỉ khi bạn TỰ LÀM mới giúp bạn HIỂU HƠN VỀ BÀI HỌC và LUÔN ĐẠT ĐƯỢC KẾT QUẢ CAO.