Xin chào các em! Hôm nay, Soạn Văn sẽ hướng dẫn các em soạn văn bản: Phú sông Bạch Đằng. Đây là một bài thơ rất hay và nổi tiếng của Trương Hán Siêu và được biên soạn trong chương trình Ngữ Văn 10 Tập 2. Mời các em cùng tham khảo nhé!
Contents
I. Tác giả, tác phẩm
1. Tác giả: Trương Hán Siêu (các em tham khảo phần giới thiệu tác giả trong SGK Ngữ Văn 10 Tập 2).
2. Tác phẩm
* Thể loại: Văn bản Phú sông Bạch Đằng thuộc thể loại phú.
* Bố cục: bài thơ được chia làm 4 phần:
- Phần 1: từ đầu => “luống còn lưu” : cảm xúc của nhân vật khách trước cảnh sắc của sông Bạch Đằng.
- Phần 2: tiếp => “nghìn xưa ca ngợi” : cuộc gặp gỡ bên sông và câu chuyện của các bô lão.
- Phần 3: tiếp => “chừ lệ chan” : Lời bình của các bô lão về các chiến công xưa.
- Phần 4: còn lại: Khẳng định vai trò và đức độ con người.
II. Hướng dẫn soạn bài
Câu 1:
Bố cục của bài thơ như trên.
Câu 2:
Mở đầu bài phú, nổi bật lên là hình tượng nhân vật “khách”.
* Mục đích dạo chơi thiên nhiên, chiến địa của “khách”: thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên và nghiên cứu cảnh trí đất nước. => “Khách” là một con người yêu thiên nhiên, mang tính tráng sĩ phóng khoáng, mạnh mẽ.
* Qua việc nhắc đến những địa danh lịch sử của Trung Quốc và miêu tả những địa danh lịch sử của đất Việt, “khách” là một người có chí lớn, đã “đi qua” những địa danh lấy trong điển cố Trung Quốc (Nguyên, Tương, Vũ Huyệt, Cửu Giang, Ngũ Hồ,…) thể hiện tráng chí bốn phương, tầm hiểu biết phong phú, có hoài bão. Và các địa danh của đất Việt (cửa Đại Than, bến Đông Triều, sông Bạch Đằng), loại địa danh này mang tính cụ thể, đương đại, thể hiện tình yêu đất nước, tâm hồn ưu ái đối với cảnh trí non sông.
Câu 3:
* Cảm xúc của “khách” trước khung cảnh thiên nhiên của sông Bạch Đằng: vừa vui vừa buồn, vừa tự hào lại vừa nuối tiếc.
- “Khách” vui và tự hào bởi cảnh non sông đất nước hùng vĩ và thơ mộng (nước trời: một sắc, phong cảnh: ba thu), ông cảm thấy tự hào trước dòng sông từng ghi dấu bao chiến công hiển hách của dân tộc.
- “Khách” vừa buồn và nuối tiếc là bởi những dấu tích oanh liệt nay đã trở nên trơ trọi và hoang vu. Dòng thời gian như đang vùi lấp dần bao giá trị vào quá khứ.
* Đoạn thơ chủ yếu được ngắt bằng nhịp chẵn, tạo nên giọng điệu nhịp nhàng, sâu lắng, gợi lên nhiều nỗi niềm suy tư.
Câu 4:
* Vai trò của hình tượng các bô lão trong bài phú: họ là những người dân địa phương, là phân thân của tác giả, là hình ảnh tập thể xuất hiện như một sự hô ứng, tạo nên một không khí đối đáp tự nhiên, kể cho nhân vật “khách” nghe về những chiến tích lịch sử trên sông Bạch Đằng.
* Chiến tích trên sông Bạch Đằng đã được gợi lên qua lời kể của các bô lão:
- Giọng kể đầy nhiệt huyết, tự hào và lời lẽ cô đọng, là cảm hứng của người trong cuộc.
- Lời kể: ngắn gọn, súc tích nhưng vẫn khái quát được một cách đầy đủ và sinh động không khí của trận đánh, của chiến trường.
Các chiến tích được tái hiện bằng cảm hứng lịch sử với âm điệu hào hùng Thuyền bè muôn đội, tinh kỳ,… đó là sức mạnh, khí thế dũng mãnh như hổ báo của các chiến sĩ đời Trần, trận đánh mang tầm vóc kì vĩ. Và cuối cùng, ý chí yêu nước cùng sức mạnh chính nghĩa của quân ta đã mang về những chiến thắng vang dội.
* Qua lời bình luận của các bô lão “Tuy nhiên: Từ có vũ trụ… Nhớ người xưa chừ lệ chan”, yếu tố quan trọng nhất làm nên chiến thắng sông Bạch Đằng là yếu tố con người.
Câu 5:
Lời ca của các vị bô lão và lời ca nối tiếp của “khách” nhằm khẳng định:
- Chân lí: “Những người bất nghĩa tiêu vong – Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh”
- Ca ngợi hai vị vua anh minh đời Trần
- Bày tỏ khát vọng hòa bình muôn thuở trên đất nước
- Ca ngợi đường lối giữ nước “đất hiểm”, “đức cao” của vương triều Trần.
Câu 6:
* Giá trị nội dung: bài phú thể hiện lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc trước những chiến công hiển hách trên sông Bạch Đằng. Qua đó, góp phần ca ngợi truyền thống anh hùng bất khuất của dân tộc, thể hiện tư tưởng nhân văn cao đẹp qua việc đề cao yếu tố con người trong lịch sử.
* Giá trị nghệ thuật:
- Kết cấu đơn giản, hấp dẫn, bố cục chặt chẽ
- Lời văn linh hoạt
- Ngôn từ: trang trọng, tráng lệ, lắng đọng và đầy suy tư
- Hình tượng nghệ thuật được sử dụng một cách sinh động, vừa gợi hình vừa giàu tính triết lí.