Ngoại cảm có thật hay không vẫn là vấn đề gây tranh cãi không có hồi kết. Nhưng khả đặc biệt của một số nhà ngoại cảm đã phần nào được thừa nhận trong hành trình tìm hài cốt Nhà văn, Liệt sỹ Nam Cao.
TS. Vũ Thế Khanh, Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ (UIA) đã có cuộc trò chuyện với PV Doanh nghiệp & Hội nhập về khả năng đặc biệt của các nhà ngoại cảm và kể lại hành trình tìm hài cốt Nhà văn, Liệt sỹ Nam Cao.
PV: Thưa ông, được biết, Liên hiệp UIA có chương trình nghiên cứu về các khả năng đặc biệt của con người. Ông có thể nói rõ hơn về chương trình này?
TS. Vũ Thế Khanh: Liên hiệp Khoa học công nghệ UIA được kết hợp với Viện Khoa học Hình sự của Bộ Công an và Trung tâm Bảo trợ Văn hóa kỹ thuật truyền thống. Đây là ba cơ quan đầu tiên và duy nhất được Chính phủ Việt Nam giao trực tiếp nghiên cứu thẩm định về các khả năng đặc biệt. Chương trình này đã trải qua ba giai đoạn.
Giai đoạn một, Chính phủ giao cho nghiên cứu 100 ca trắc nghiệm xem khả năng ngoại cảm có thật hay không? Nếu có thì cần tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, nếu không, cần loại bỏ khỏi đời sống tinh thần của nhân dân. Sau một thời gian nghiên cứu khẩn trương, khoa học với sự hỗ trợ của các máy móc và thiết bị của Viện Khoa học hình sự, chúng tôi đã báo cáo và đã được Chính phủ nghiệm thu, đánh giá cao về tinh thần làm việc của các nhà khoa học tham gia thực hiện công trình này. Trong giai đoạn một, có thể khẳng định: khả năng ngoại cảm là có thật. Và khả năng một nhà ngoại cảm xuất sắc nhất là được 70%, nghĩa là 100 ca thì sẽ tìm được 70 ca.
Giai đoạn hai, chúng tôi không chỉ khảo nghiệm một cá nhân mà khảo nghiệm hàng trăm người “tự xưng có khả năng đặc biệt”, kết quả là có đến hơn 90% là không có khả năng thật và nhà ngoại cảm thật chỉ chiếm chưa đến 10% trong số đó. Vậy chúng ta có thể thấy con số hơn 90% là những người ngoại cảm giả, hành nghề mê tín hoặc hoang tưởng về khả năng của mình. Điều này gây hoang mang cho xã hội và khiến mọi người hiểu sai về ngoại cảm.
Đến giai đoạn ba là đọc và giải mã các thông điệp từ thế giới tâm linh. Khi nghiên cứu và đọc được thông điệp của tâm linh, chúng ta sẽ giải được rất nhiều bài toán bí ẩn về thế giới tâm linh. Ngay cả trong Y học, có những căn bệnh không chữa được bằng liệu pháp thực thể nhưng lại có thể trị liệu được bằng liệu pháp tâm linh.
PV: Được biết, một trong những thành công của các nhà ngoại cảm là tìm được mộ của Nhà văn, Liệt sĩ Nam Cao. Ông có thể cho biết đôi chút về chương trình “Tìm lại Nam Cao” năm 1996?
TS. Vũ Thế Khanh: Như chúng ta biết, Nhà văn Liệt sỹ Nam Cao tên thật là Trần Hữu Tri (1915-1951), là một trong những nhà văn Việt Nam tiêu biểu nhất thế kỷ 20. Nhiều truyện ngắn của ông được xem như là khuôn thước cho thể loại này. Đặc biệt, một số nhân vật trong tác phẩm của Nam Cao trở thành những biểu tượng văn học điển hình, được “tính từ hóa” trong ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày.
Nhà văn Nam Cao hy sinh trong một chuyến công tác tuyên truyền thuế nông nghiệp tại tỉnh Ninh Bình năm 1951. Ông được nhân dân chôn cất cùng với hai đồng đội trong một mộ. Khi hòa bình lập lại, các hài cốt được quy tập về nghĩa trang Gia Viễn – Ninh Bình.
Trong khi quy tập, gặp phải trận mưa, các chữ viết bằng phấn ghi trên nắp đậy của 3 bộ hài cốt bị xóa nhòa, nên khi đưa vào an táng tại nghĩa trang thì các ngôi mộ chỉ được ghi số thứ tự và lẫn trong khu ngôi mộ không có tên.
Khi ông hy sinh, vợ của ông vừa từ nơi tản cư bồng bế bốn đứa con trở về quê (Hà Nam) đang là vùng địch chiếm đóng. Lúc bấy giờ, các con ông còn nhỏ dại, nỗi lo cơm áo và giặc dã khiên gia đình không có điều kiện đi tìm mộ…
Nhiều năm sau, cùng với trăn trở của gia đình; bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp của cố nhà văn biết đến và lên tiếng, đã có nhiều cơ quan ngôn luận vào cuộc. Đó cũng là cơ duyên để chương trình “Tìm lại Nam Cao” do Hiệp hội UNESCO Việt Nam cùng Hội Nhà văn Việt Nam đồng khởi xướng (năm 1996) với quy mô chưa từng có. Chương trình gồm 35 cơ quan tham gia, trong đó, Liên hiệp UIA đã mời 7 nhà ngoại cảm cùng tham gia chương trình. Sau gấn 2 năm tìm kiếm, hài cốt của Nhà văn Liệt sỹ Nam Cao đã được tìm thấy. Viện Khoa học Hình sự – Bộ Công an sau khi thẩm định với các tiêu chí cá biệt của khoa học hình sự, đã chính thức khẳng định: “Tất cả đã diễn ra đúng như lời dự đoán của nhà ngoại cảm” và cuối cùng hài cốt Nhà văn Nam Cao được đưa về an táng trên quê hương ông với sự đón tiếp long trọng và thành kính của nhân dân
PV: Ông có thể kể lại về công việc của ông cùng 7 nhà ngoại cảm trong hành trình gần 2 năm gian nan đó?
TS. Vũ Thế Khanh: Ban đầu chúng tôi gặp khó khăn, vì qua 3 lần di chuyển, hài cốt của nhà văn Nam Cao đã nằm cùng trong số 800 liệt sĩ vô danh, nên để tìm được không hề đơn giản. Từ những thông tin đa chiều, chúng tôi định vị nơi an táng ban đầu của nhà văn, tiếp theo là những lần di chuyển. Cuối cùng, xác định được hài cốt Nam Cao là một trong 48 ngôi mộ từ xã Gia Thành đưa vào Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Gia Viễn, Ninh Bình. Nhưng cần tìm đích xác hài cốt ông nằm trong ngôi mộ nào…
Tôi đã tập hợp 7 nhà ngoại cảm mang ký hiệu NC01 đến NC07. Tư liệu duy nhất cung cấp cho mỗi nhà ngoại cảm là tấm ảnh nhà văn Nam Cao. Sau ảnh ghi ngày tháng năm sinh, năm mất và quê quán của ông. Khi đó, các nhà ngoại cảm tự chọn cách tiếp cận với người đã mất, sau đó ghi lại thông tin nhận được ra giấy, cho phong bì dán kín và nộp cho Liên hiệp UIA. Họ làm việc độc lập bằng khả năng riêng của mình. Các kết quả được chúng tôi niêm phong, sau đó tổng hợp để phân tích. Đây là phương pháp truyền thông giao thoa. Sau hơn một tuần làm việc, chúng tôi tổng hợp và phân loại thông tin, thì có 3 trong 7 số nhà ngoại cảm là có thông tin rõ ràng nhất.
Nhà ngoại cảm NC01: “Hiện tại hài cốt của Liệt sĩ Nam Cao được quy tụ về nghĩa trang liệt sĩ của địa phương, nơi ông đã hy sinh. Nơi ông nằm là một cánh đồng ven đường là trục liên huyện, đi qua một cái cầu xi măng nhỏ… Ông nằm trong số các liêt sĩ vô danh, không một dòng địa chỉ. Phần mộ của ông vẫn không có gì thay đổi sau 45 năm. Số mộ của ông trùng lặp với số tuổi đời của ông khi ông hy sinh, chỉ khác là số mộ có số 0 ở giữa…”
Nhà ngoại cảm NC02: “Mộ của nhà văn Nam Cao đã được vào nghĩa trang Gia Viễn – Ninh Bình. Khi đi vào nghĩa trang phải đi qua cây cầu nhỏ… Trong mộ của Nam Cao còn bị lẫn xương của người khác, còn ngôi mộ ở hàng số 2 ngôi thứ 8 là mộ của anh Thao, người chỉ huy nhóm của ông. Hàng thứ 4 ngôi thứ 7 là của liệt sĩ quê ở Thanh Hóa không còn thân nhân nữa.”
Trong đáp án của nhà ngoại cảm NC03 có thông tin “tìm 1 được 3”. Nhà ngoại cảm giải thích cùng hy sinh với nhà văn Nam Cao, có Liệt sỹ Nguyễn Văn Thao, quê Thái Bình và Liệt sĩ Nguyễn Văn Yêng, quê ở Hà Nam. Lúc bấy giờ, chúng tôi có nghi vấn một trong hai ngôi mộ là 305 và 306, vì trong cả hai ngôi mộ đều có tín hiệu tâm linh của Nhà Văn Liệt sỹ Nam Cao. Các nhà ngoại cảm cho biết, trong quá trình quy tập đã bị lẫn xương chân của liệt sỹ trong 2 ngôi mộ này Bộ Lao động TBXH đã cho phép khai quật 2 ngôi mộ. Tuy nhiên, ban tổ chức cố gắng chỉ khai quật 1 ngôi để kiểm định, tránh ảnh hưởng đến liệt sỹ khác. Tranh thủ lúc còn sớm, gia đình nhà văn Nam Cao đã thắp hương xin nhà văn Nam Cao phù hộ chỉ bảo. Mọi người thân đều linh cảm được sự mách bảo của Liệt sỹ rất mạnh vào ngôi mộ 306 và cuối cùng ban tổ chức quyết định chỉ khai quật ngôi mộ 306.
Chiếc tiểu sành đựng hài cốt được cho là của nhà văn Nam Cao đã được đưa về Viện Khoa học Hình sự ở Hà Nội để giám định và kết quả thật bất ngờ. “Mọi việc đều đúng như linh cảm của gia đình tôi, như ngoại cảm của các nhà ngoại cảm. Song, nếu không có khoa học hiện đại, chưa hẳn gia đình tôi đã tin. Nhưng kết quả giám định của Viện Khoa học Hình sự đã một lần nữa khẳng định niềm tin của gia đình tôi và ngôi mộ 306 đúng là mộ của cha tôi”. Sau khi, có kết quả của Viện Khoa học Hình sự người con cả của nhà văn Nam Cao xúc động, đã chia sẻ với chúng tôi như vậy. Trong hộp sọ của Nhà văn Liệt sỹ Nam Cao còn tìm thấy viên đạn và kéo theo sợi tóc. Đại tá Trần Diệp Đĩnh (Trưởng phòng Giám định Viện Hình sự) có gọi điện cho tôi, hỏi rằng “đã phát hiện viên đạn trong hộp sọ, có gắp viên đạn ra khỏi hộp sọ không?”. Tôi trả lời rằng nên gắp ra để Liệt sỹ khỏi đau đầu, và tránh cho người thân của Liệt sỹ cũng không còn bị đau đầu vì ảnh hưởng của hiệu ứng tâm linh.
PV: “Hành trình tìm lại Nam Cao” đã mang lại cảm xúc gì cho ông?
TS. Vũ Thế Khanh: Tôi còn nhớ sáng ngày 18/01/1998, hài cốt của Nhà văn Nam Cao được đưa về xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, Hà Nam. Không chỉ có người thân trong gia đình, dòng họ, các cơ quan khoa học mà cả bà con lối xóm nơi chôn cất hài cốt ông đều có mặt đông đủ để tiễn đưa ông về quê nhà. Dòng người nối nhau rất đông như chuyến vinh quy bái tổ của ông Nghè xưa. Vậy là sau gần nửa thế kỷ nằm trong ngôi mộ vô danh, cuối cùng Nhà văn, Liệt sỹ Nam Cao cũng được yên nghỉ tại quê nhà. Đến ngày 30/11/2004, Nhà tưởng niệm Nam Cao đã được khai trương vào đúng dịp kỷ niệm 53 năm ngày ông hy sinh. Tôi cũng cảm thấy vinh dự khi UIA cùng các nhà ngoại cảm đã góp một phần công sức trong hành trình tâm linh ý nghĩa này.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Trang Nhung (thực hiện)