Đề bài : Phân tích sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị trong đêm mùa đông cắt dây trói cứu A phủ ( Vợ chồng A Phủ- Tô Hoài)
Bài văn mẫu số 3.
Tô Hoài là một trong những nhà văn lớn của văn học Việt Nam hiện đại. Ông có vốn hiểu biết sâu sắc về phong tục tập quán của nhiều vùng miền khác nhau trên đất nước. Trong sự nghiệp sáng tác của mình , ông đã để lại rất nhiều tác phẩm có giá trị, tiêu biểu nhất là truyện ngắn “ Vợ chồng A Phủ”. Qua tác phẩm tác giả đã khắc họa thành công hình tượng nhân vật Mị, một người luôn luôn tiềm tàng sức sống. Sức sống ấy được thể hiện rõ qua diễn biến tâm trạng của nhân vật Mị trong đêm cưới trói cứu A Phủ.
“ Vợ chồng A Phủ” là kết quả của chuyến đi cùng bộ đội lên vùng núi Tây Bắc. Được in trong tập “ truyện Tây Bắc ”. Câu chuyện bao gồm hai phần, phần đầu là cuộc sống bế tắc, khổn khổ của Mị và A Phủ ở nhà thống lí Pá Tra. Phần hai là cuộc sống của Mị và A Phủ ở Phiềng Sa.
Câu chuyện kể về nhân vật Mị – một cô gái yêu tự do, yêu lao động, trẻ đẹp, có tài thổi sáo. Vì món nợ truyền kiếp của gia đình mà Mị bị cha con nhà thống lí Pá Tra bắt về làm dâu gạt nợ. Lúc đầu Mị đòi ăn lá ngón để tự tử, nhưng vì hiếu thảo với cha nên Mị đã chấp nhận sống kiếp trâu ngựa trong nhà thống lí Pá Tra, hi sinh cả tuổi thanh xuân của mình,Mị sống “ lùi lũi như con rùa nơi xó cửa”. Hình ảnh Mị hiện lên ở đầu câu chuyện cũng cho ta thấy được điều đó. Ai ở xa về, có việc vào nhà thống Lí Pá Tra, lúc nào cũng thấy một cô gái ủ rũ, ngồi quay sợi gai bên tảng đá trước cửa cạnh tàu ngựa. Cuộc sống của cô bế tắc, tăm tối trong một căn phòng chỉ có ô cửa nhỏ bằng bàn tay, nhìn ra không biết là sương hay là nắng. Sống cực khổ, thân phận như trâu, như ngựa. Mị cảm thấy “ ở lâu trong cái khổ Mị cũng quen rồi”. Chính cường quyền và thần quyền đã đẩy Mị tới một cuộc sống như vậy. Tuy nhiên, sức sống tiềm tàng trong Mị vẫn luôn âm ỉ. Sức sống tiềm tàng ấy được khơi dậy ngay trong đêm tình mùa xuân, với khung cảnh mùa xuân tươi vui tràn đầy sức sống, với tiếng sáo tha thiết gọi bạn đi chơi. Tất cả tác nhân đó đã khiến Mị nhớ lại quá khứ, Mị tìm đến rượu, Mị uống rượu rồi Mị muốn chết, hành động đó cho thấy Mị đã tìm thấy được chính mình, không chịu khuất phục số phận. Tiếng sáo cứ tha thiết bên tai, Mị muốn đi chơi, hàng loạt hành động gấp gáp diễn ra: “Mị lấy cái váy vắt trong vách”, “ quấn lấy tóc”. Mị làm tất cả điều đó mà không quan tâm đến sự có mặt của A Sử. Điều đó chứng tỏ sức sống trong Mị đã lớn dần, bóng ma thần quyền cũng không thể cản nổi. Nhưng rồi A Sử trói đứng Mị, ý định giải thoát của Mị không thành, trở về với hiện thực phũ phàng đau khổ. Nhưng sức sống tiềm tàng của Mị vẫn luôn ẩm ỉ cháy chờ đợi bùng lên. Sức sống tiềm tàng của Mị đã bùng cháy trong đêm cởi trói cứu A Phủ. A Phủ là một chàng trai khỏe mạnh, giỏi giang, vì hủ tục, thần quyền đã trở thành nô lệ nhà thống lí Pá Tra. Vì để hổ ăn mất nửa con bò nên đã bị trói đứng giữa nhà cho đến chết. Lúc đầu, Mị hoàn toàn vô cảm với A Phủ, hàng đêm vẫn thổi lửa hơ tay. Mị sống không có cảm xúc, không hề quan tâm đến bất cứ điều gì xung quanh. Có hôm bị A Sử đánh dúi ở cửa đầu bếp, đêm xuống Mị vẫn thổi lửa hơ tay, như không có điều gì xảy ra. Qua đây ta có thể nhận thấy cuộc sống của Mị, hoàn toàn đông cứng không có cảm xúc. Nhưng từ vô cảm, Mị đã trở nên đồng cảm với A Phủ khi nhìn thấy “ hai dòng nước mắt bò trên hõm má đen sạm”. Đó là dòng nước mắt của thân phận nô lệ, không làm chủ được cuộc sống của mình. Bất lực trước thần quyền, hủ tục, dòng nước mắt ấy đã thức tỉnh lòng thương người trong Mị, xua tan đi băng giá trong con người Mị. Mị nhận thấy sự vô lý trong số phận của A Phủ. Sức sống tiềm tàng trong Mị chính thức trỗi dậy. Mị đồng cảm bởi Mị nghĩ đến thân phận của mình. Có lần bị A Sử trói đứng, nước mắt rơi mà không sao lau đi được. Đó là sự tương đồng của hai thân phận nô lệ không làm chủ được cuộc sống của mình. Mị nhớ lại năm xưa cũng có người đàn bà bị trói đứng cho đến chết, Mị sợ chết “cứa mình coi mình có còn sống hay không”, Mị nghĩ đến thân phận của mình, xót xa cho số phận của mình. Tiếp theo đó Mị thốt lên “ cơ chừng này mai là người đàn ông kia chết”, “ trời ơi chúng nó bắt trói đứng người ta đến chết”. Mị đã thốt lên những câu nói đó, những câu nói biểu hiện cho sự thức tỉnh của Mị, rồi Mị nguyền rủa “ chúng nó thật độc ác” . Dòng nước mắt của A Phủ đã thức tỉnh Mị, khơi dậy lòng thương người, ý thức được sống tự do của Mị. Mị không muốn chấp nhận số phận, sức sống tiềm tàng trong Mị đã bùng cháy lên mãnh liệt. Tất cả đã đưa Mị tới quyết định hành động cắt dây trói cứu A Phủ, Mị cũng nghĩ đến chuyện sau khi cắt dây trói cho A Phủ, chính Mị sẽ là người thế chỗ cho A Phủ, bị trói đứng đó cho tới chết. Trong giây phút ấy, sau khi cắt dây trói và A Phủ vùng chạy, Mị đã đấu tranh nội tâm một cách quyết liệt rồi quyết định cùng chạy theo A Phủ “cho tôi theo với, ở đây thì chết mất”. Đây là lần thứ hai Mị sợ chết, Mị ý thức được niềm khát khao có một cuộc sống tự do. Sức sống trong Mị đã trỗi dậy mãnh liệt khiến Mị vượt qua tất cả, vượt qua sự sợ hãi, sự đè nặng về hủ tục lạc hậu, bóng ma thần quyền để có được một cuộc sống tự do.
Qua diễn biến tâm trạng của nhân vật Mị trong đêm cởi trói cứu A Phủ, ta có thể nhận thấy sức sống mãnh liệt của Mị, một con người luôn khao khát tự do, không chấp nhận số phận. Vượt qua tất cả để được làm chủ cuộc sống của chính mình. Sức sống của Mị không bị dập tắt luôn âm ỉ cháy trong con người ấy và chờ đợi có cơ hội bùng lên mãnh liệt. Tác giả cho ta thấy được những giá trị hiện thực trong tác phẩm, đó là tố cáo lên án những thế lực chà đạp lên quyền sống của con người. Cho thấy được bộ mặt của chủ nô thời phong kiến, số phận của những con người bị nô lệ hóa, đồng thời cho thấy ý thức cách mạng của con người. Không những thế , tác giả còn cho thấy những giá trị nhân đạo mang ý nghĩa sâu sắc. Thể hiện lòng thương cảm của tác giả đối với số phận của những con người trong thời kì trước cách mạng tháng Tám. Phát hiện trân trọng vẻ đẹp của con người nơi đây đồng thời cho thấy ý thức của con người khi đến với cách mạng, từ tự phát sang tự giác.
Qua diễn biến tâm trạng của nhân vật Mị trong đêm cởi trói cứu A Phủ, tác giả không chỉ thành công về mặt nội dung mà còn thành công về mặt nghệ thuật. Xây dựng nhân vật có nhiều điểm đặc sắc trần thuật uyển chuyển. linh hoạt. Cách giới thiệu nhân vật đầy bất ngờ, tự nhiên. Cách kể chuyện ngắn gọn, tình tiết khé léo. Biệt tài miêu tả thiên nhiên và phong tục tập quán của người miền núi. Ngôn ngữ chọn lọc, sáng tạo giàu tính tạo hình và thẫm đẫm chất thơ.
Khép lại diễn biến tâm lý cuả nhân vật Mị trong “ Đêm cởi trói cứu A Phủ” nói riêng và truyện “ Vợ chồng A Phủ” nói chung. Tác giả cho người đọc cảm nhận được sức sống tiềm tàng mãnh liệt của Mị, vượt qua mọi rào cản để có được cuộc sống tự do. Diễn biến tâm trạng của nhân vật trong đêm Mị cởi trói cứu A Phủ sẽ sống mãi trong lòng người đọc hôm nay và mai sau.
Xem thêm : Những bài văn mẫu về truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, Tô Hoài : Vợ chồng A Phủ