Tình trạng này thường không ảnh hưởng đến các vấn đề về chức năng của mí mắt, nhưng vì thiếu thẩm mĩ nên thường khiến bệnh nhân e ngại.
Contents
Nguyên nhân gây mắt nhiều mí
Mắt nhiều mí có thể là do bẩm sinh, lão hóa hoặc sau phẫu thuật cắt mí.
- Do bẩm sinh: mắt nhiều mí do bẩm sinh thường rất hiếm khi xảy ra, ở những trường hợp gặp phải thường là do cơ nâng mi bẩm sinh đã yếu, không có khả năng nâng đỡ mí mắt, khiến da chùng, hình thành các nếp gấp khác nhau.
- Do lão hóa: do mất mỡ ở mí mắt trên, dẫn đến da lỏng lỏng lẻo, chùng nhão tạo nên nếp gấp mí thừa. Hiện tượng này xảy ra dần dần trong một thời gian dài và dẫn đến hốc mắt trũng. Những tình trạng này đa phần xuất hiện ở người cao tuổi và những người đã giảm cân nhiều.
- Do phẫu thuật cắt mí: việc cắt bỏ quá mức mỡ, mô liên kết và cơ vòng mì sẽ tạo nên sự liên kết không mong muốn và dẫn đến hậu quả là nếp gấp thừa bên trên nếp mí mong muốn.
Ngoài ra, mắt nhiều mí cũng là một biến chứng sau ca phẫu thuật lần hai để sửa nếp mí cao, lật mí hoặc co rút mí mắt. Trong trường hợp này, nếp mí thừa được tạo nên do sự tái liên kết ở vị trí nếp mí của các ca phẫu thuật trước.
Cách khắc phục mắt nhiều mí
Mắt nhiều mí tùy từng tình trạng mà việc xử lý có thể từ đơn giản đến phức tạp. Ở những trường hợp mắt nhiều mí do bẩm sinh hoặc lão hóa, thường quy trình thực hiện chỉ giống như quy trình tạo nếp mí đôi ban đầu, có thể phải cắt bỏ da thừa, kết hợp chỉnh sửa sụp mí hoặc tiêm mỡ tự thân, tuy nhiên ở các quy trình mắt nhiều mí do phẫu thuật 1 hoặc nhiều lần thì sẽ phức tạp hơn, đòi hỏi bác sĩ cần đánh giá và xử lý nhiều vấn đề khác nhau. Nếu xử lý không chính xác có thể sẽ vẫn không loại bỏ được nếp mí thừa, thậm chí còn có thể xảy ra hiện tượng co rút mí trên do cắt bỏ mô sau nhiều lần phẫu thuật.
Cụ thể, nếu nếp mí thừa chỉ nông, mờ thì có thể tiêm mỡ tự thân là đủ để củng cố cho lớp da bên trên và ngăn nếp gấp hằn sâu thêm. Nếu có sự liên kết nhẹ thì có thể dùng kim để tách, giải phóng liên kết.
Nhưng nếu nếp mí thừa hằn sâu, (đặc biệt là trong trường hợp xuất hiện sau cắt mí, hoặc chỉnh sửa cắt mí trước đó) thì đa phần sẽ cần tiến hành phẫu thuật để giải phóng hoàn toàn liên kết ở vị trí nếp mí thừa này và ngăn chặn nếp gấp này tiếp tục hình thành trong tương lai.
Sau khi bóc tách, giải phóng liên kết, bác sĩ cũng cần có các biện pháp để ngăn chặn sự tái liên kết vì kể cả sau khi đã giải phóng hoàn toàn sự liên kết thì lớp sau của mí mắt vẫn có thể liên kết lại với lớp đằng trước và lại hình thành nếp mí thừa.
Vấn đề sụp mí sau phẫu thuật có thể cùng tồn tại với mắt nhiều mí. Trong những trường hợp như vậy, cần xử lý phẫu thuật sụp mí sớm để phân tách sự liên kết giữa lớp trước và lớp sau của mí mắt, sau đó mới khâu cố định tạo lại nếp mí.
Như vậy, chỉnh sửa mắt nhiều mí sau phẫu thuật một hoặc nhiều lần cũng không phải là quy trình đơn giản. Nếu đánh giá và thao tác không chuẩn xác thì có thể mắt vẫn còn nhiều mí, thậm chí còn có nguy cơ co rút mí trên hoặc lật mi do cắt bỏ da quá nhiều.
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Tâm