Dàn ý và 4 bài văn mẫu dưới đây sẽ giúp các em tham khảo, có thêm ý tưởng, hoàn thiện bài viết tập làm văn số 3 – Văn tự sự trong chương trình Ngữ văn lớp 9 hay nhất.
Contents
TLV số 3 lớp 9 đề số 1
Đề bài số 1 : Kể về một lần em trót xem nhật kí của bạn.
I. Dàn ý
Mở bài:
– Trong cuộc sống, ai cũng đã từng mắc sai lầm.
– Với tôi, đó là một lần trót xem trộm nhật kí của bạn.
Thân bài:
– Một hôm đến nhà bạn học nhóm, tôi vô tình nhìn thấy quyển nhật kí của bạn.
– Tôi cầm lên tay, đấu tranh nội tâm nên xem hay không?
– Cuối cùng sự tò mò đã chiến thắng, quyết định cầm quyển nhật kí rồi mở ra xem – Kể lại một số nội dung được ghi trong nhật kí: Hoàn cảnh khó khăn hiện tại của gia đình bạn? Suy nghĩ của bạn về tình bạn, tình thầy trò?…
– Kể lại tâm trạng: Tôi hiểu bạn, vỡ lẽ ra nhiều điều, tự trách bản thân mình, ân hận vì hành động vội vàng, thiếu văn hóa của mình, thấy xấu hổ, thầm xin lỗi bạn (kể đan xen với bộc lộ nội tâm qua ngôn ngữ độc thoại).
Kết bài:
– Tình cảm với người bạn sau sự việc ấy.
– Rút ra bài học ứng xử cho bản thân.
II. Bài văn mẫu
Trong cuộc sống không có ai là không một lần mắc sai lầm. Với một phút nông nổi, hiếu kì của cái tuổi 14 mà tôi đã làm người bạn mà tôi yêu quý nhất phải buồn chỉ vì một quyển nhật kí.
Mùa hè – mùa của tuổi học trò bắt đầu bằng tiếng vĩ cầm của các nhạc công ve. Cây phượng nở hoa đỏ rực như một cây nấm khổng lồ. Tôi chạy sang nhà Ngọc đứa bạn thân từ hồi còn bé tí tẹo để gọi nó cùng đi chơi. Vừa bước vào cổng tôi gọi to:
– Ngọc ơi! này đi chơi đi! gớm gì mà nghỉ hè rồi cứ ở nhà suốt thế?
Mẹ Ngọc từ trong nhà đi ra nở một nụ cười và nói với giọng trêu đùa tôi:
– Cái con bé này lúc nào cũng nhanh nhảu. Ngọc đi mua cho cô mớ rau rồi cháu lên phòng đợi bạn chút xíu nhé.
Tôi vâng dạ chạy lên phòng Ngọc. Phòng nó lúc nào cũng sạch sẽ, gọn gàng không như phòng tôi. Tính tôi hay tò mò cứ phải ngắm nghía, xem xét xem có gì hay ho không.
Bỗng tôi thấy trên giá sách của Ngọc có quyển gì màu hồng được che lấp bởi những quyển sách giáo khoa. Tôi lấy quyển sổ bí mật đó ra và ngạc nhiên khi biết đây là quyển nhật kí. Ngọc vốn là đứa trầm lặng, ít nói nhưng chuyện gì của nó tôi cũng biết. Mà sao chuyện này nó không kể với mình. Tôi cũng biết đọc trộm nhật kí là không nên nhưng nhưng tôi rất tò mò không biết nó có nói gì tôi không. Mở trang đầu ra với dòng chữ nắn nót của Ngọc
Ngày…tháng: Hôm nay mình thấy không vui vì Huyền giận vô cớ, không nghe mình giải thích lí do nữa. Mình mong lần sau bạn ý sẽ bình tĩnh hơn
Đọc đến đây tôi cảm thấy mặt mình nóng ran, thế mà nó chẳng báo giờ nói trước mặt mình mà chỉ nói sau lưng mình thôi ư? tôi dở sang trang tiếp theo
Ngày…tháng
Huyền thực sự là người vui tính, lúc nào cũng quan tâm mọi người. Ai cũng quý bạn ấy. Mình ghen tị với bạn ấy quá
À bây giờ bạn ý còn biết nói tốt với tôi cơ à, thế mà chả bao giờ nó chịu khen tôi một câu- tôi nghĩ trong đầu với nhiều ý nghĩ và quên đi hành động của mình
Cánh cửa phòng mở ra Ngọc đi vào hốt hoảng khi thấy tôi đọc những gì bí mật mà bạn ý đã dấu kín. Ngọc giằng vội quyển nhật kí, òa khóc nói với tôi;
– Tại sao cậu lại đọc trộm nhật kí của tớ?
Tôi rất xấu hổ nhưng vẫn cố cãi:
– Tớ..tớ chỉ đọc xem cậu nói gì về tớ thôi..ai ngờ cậu cũng nói xấu tớ. Cậu có coi tớ là bạn không?
Ngọc vẫn khóc nấc lên:
– Tớ cũng..muốn..muốn nói với cậu nhưng cậu không chịu nghe tớ nói đâu. Đấy chỉ là tớ suy nghĩ thế thôi chứ tớ không có ý nói xấu cậu
Bây giờ tôi mới nhớ cứ mỗi lần Ngọc khuyên bảo tôi thì tôi đều cáu gắt chỉ vì giữ sĩ diện cho mình mà quên đi tâm trạng của Ngọc. Tôi cảm thấy rất hối hận và ôm chầm lấy Ngọc nói trong nước mặt;
– Tớ xin lỗi cậu. Tớ sai rồi. Tha lỗi cho tớ nhà Ngọc. Ngọc lau vội nước mắt, gật đầu. Rồi 2 đứa lại nhìn nhau cười
Qua câu chuyện của mình tôi mới biết đọc nhật kí của bạn là đã vi phạm quyền riêng tư khiến tôi hối hận đến tận bây giờ. Nhưng cũng nhờ lần tình cờ đó mà tình bạn giữa tôi và Ngọc ngày càng hiểu nhau hơn, xây dựng tình bạn trên lâu đài của sự tin tưởng.
Tập làm văn số 3 lớp 9 đề 2
Đề 2 : Hãy tưởng tượng mình gặp gỡ và trò chuyện với người lính lái xe trong tác phẩm “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật. Viết bài văn kể lại cuộc gặp gỡ và trò chuyện đó.
I. Dàn ý
Mở bài:
– Giới thiệu về cuộc gặp gỡ.
– Cuộc gặp gỡ và trò chuyện ấy đã tác động rất nhiều đến suy nghĩ và tình cảm.
Thân bài:
– Kể lại tình huống được gặp gỡ, trò chuyện với người lính lái xe (Nhà trường tổ chức cho lớp đi thăm nghĩa trang Trường Sơn ngày 27-7. Ở đó, tôi được biết người quản trang chính là người lính Trường Sơn năm xưa…)
– Miêu tả người lính đó (ngoại hình, tuổi tác, …)
– Kể lại diễn biến cuộc gặp gỡ và trò chuyện:
+ Những năm tháng chống Mỹ khi bác lái xe trên tuyến đường Trường Sơn.
+ Những gian khổ mà bác và đồng đội phải chịu đựng: sự khốc liệt của chiến tranh, bom đạn của kẻ thù là xe bị vỡ kính, mất đèn, không mui.
+ Tinh thần dũng cảm, về tư thế hiên ngang, niềm lạc quan sôi nổi của tuổi trẻ trước bom đạn kẻ thù, trước khó khăn, gian khổ.
– Những suy nghĩ của bản thân.
Kết bài:
– Chia tay người lính lái xe.
– Suy nghĩ về cuộc gặp gỡ, trò chuyện.
II. Bài văn mẫu
Hôm ấy, nhân ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12, trường tôi tổ chức cho đi thăm quan Bảo tàng Lịch sử quân đội. Chúng tôi được chiêm ngưỡng biết bao hiện vật lịch sử: những khẩu súng trường, mảnh vỡ của bom đạn, cùng với chiếc mũ tai bèo, chiếc ba lô con cóc thân thương… Đang tham quan, tôi nhìn thấy một chiếc xe tải, không kính nằm thu mình ở một góc nhỏ.”Không có kính không phải vì xe không có kính…”, bất chợt những tứ thơ khẩu ngữ, khỏe khoắn từ “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” ấy vang lên trong thâm tâm tôi. “Liệu đây có phải là cái xe ấy không?”, đang băn khoăn, tôi bỗng thấy một bác mặt áo bộ đội, đứng từ xa lặng lẽ quan sát xe. Từ từ bước đến bên, tôi lặp bắp hỏi: “Bác là người lái chiếc xe này đó ư?”. Bác quay sang tôi, mỉm cười: “Ừ, bác là lính Trường Sơn năm xưa cháu ạ”…
Bác dẫn tôi tới quan sát chiếc xe gần hơn; lần đầu tiên, tôi được chiêm ngưỡng tận mắt một chiếc xe tải quân sự. Quả lả một chiếc xe “trần trụi”: không có kính, lại không có cả đèn, không có mui, thùng xe lại còn xước. Sinh ra và lớn lên tại thủ đô trong thời bình, từ bé tôi chỉ bắt gặp những chiếc ô tô lành lặn, nước sơn sạch bóng, nội thất khang trang; không ngờ một chiếc xe tróc sơn, hỏng hóc nặng nề như thế này vẫn có thể hiên ngang lướt đi và mang theo biết bao súng đạn, lương thực chi viện. Thật là một chuyển động kì diệu! Đang tròn mắt ngạc nhiên vì thán phục, bỗng bác chiến sĩ vỗ vai tôi, trầm giọng kể: “Chiến trường khốc liệt lắm cháu ạ! Hằng ngày máy bay Mĩ trút hàng ngàn tấn bom đạn cày xới, phá hoại Trường Sơn hòng cắt đứt chi viện của ta. Các trọng điểm lúc nào cũng mịt mù khói lửa, bom rơi.
Ngày qua ngày, xe luôn phải chịu những chấn động, rung xóc dữ dội”. À đúng rồi, tại đế quốc Mĩ xâm lược, tàn phá mà chiếc xe mới trở nên tan hoang. Tôi rùng mình trước cuộc chiến thật vô cùng gian nan, khốc liệt…Khuôn mặt bác trầm ngâm, đôi mắt hướng về chiếc xe một cách xa xăm. Bỗng bác vụt giọng vui vẻ: “Nhưng mà xe không kính hóa ra cũng có cái hay. Ta ung dung ngồi trong buồng lái, thoải mái phóng tầm mắt ra xung quanh mà nhìn trời, ngắm đất, chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ mà hùng vĩ của rừng núi Trường Sơn. Không có kính mà, gió cứ đùa chơi trong cabin, xoa vào đắng mắt. Nhưng càng hòa mình vào thiên nhiên đất nước, bác lại càng thấy lòng mình sục sôi bầu nhiệt huyết và lạc quan; lúc đó con đường khúc khuỷu ngoặt ngoèo vẫn còn đầy những chông gai phía trước, dường như rộng mở và tươi sáng hơn. Nó như chạy thẳng vào con tim, khiến bác vừa hứng khởi hân hoan, lại vừa lao xao hồi hộp. Bác nhìn thấy cả những cánh chim bay về tổ ban chiều; khi đó tâm trí lại bồi hồi, xao xuyến nhớ về cha mẹ, quê hương. Màn đêm buông xuống, tuy không có đèn pha phía trước, nhưng trên bầu trời vẫn có những vì sao rọi sáng, soi đường dẫn lối cho xe bác qua. Hướng mắt tới những ngôi sao xa xôi, bác nao lòng nghĩ đến miền Nam ruột thịt đang mong đợi. Ôi, cháu ơi, mọi thứ xung quanh cứ như sa, như ùa vào buồng lái”. Tôi háo hức nghe bác kể chuyện. Những người chiến sĩ lái xe quả thật kiên cường, dũng cảm.
Dù cho có ở trong chiến tranh khốc liệt, họ vẫn tràn đầy khí thế ung dung, lạc quan, thư thái thả mình vào vẻ đẹp huyền diệu của núi rừng, để cho tâm hồn dạt dào, trào dâng bao lãng mạn…Chợt nhớ ra những ý thơ “Không có…ừ thì…”, tôi hỏi: “Thế không có kính, bác đối chọi với thiên nhiên thời tiết ra sao?”. Bác liền cười: “Cứ mặc kệ nó thôi, cháu ạ. Không có kính, ừ thì bụi thật đấy. Bụi bẩn bắn từ đường lên sạm hết cả mặt, đến mái tóc đen cũng trở nên trắng xóa như cụ già. Nhưng cứ để nguyên; phì phèo châm điếu thuốc, thấy mặt cứ ngồ ngộ, là lạ, bác bỗng bật cười. Khuôn mặt lấm cát bụi hóa ra lại vui! Thế rồi cả những khi mưa to, đường rừng trở nên trơn trượt, lầy lội khiến bác dán mắt vào từng đoạn đường, lái xe cẩn thận hơn; nhưng cùng lúc đó, mưa tuôn mưa xối qua chiếc cửa kính vỡ kia làm bác ướt hết cả áo quần, mặt mũi. Trên đỉnh Trường Sơn này, có lúc mưa lâm râm, nhưng nhiều khi lại trút xuống ào ào, thối đất thối cát.
Ô hay, mặt bác đã được rửa sạch trơn, nhưng áo quần lại ướt như chuột lột. Nhưng còn tâm trí đâu mà để ý đến những cái đó nữa. Mắt còn mải mê với những cung đường ghập ghềnh khúc khuỷu, con tim đập rộn ràng thúc giục vì miền Nam, bác tự nhiên quên đi gian khổ. Mà lái trăm cây số nữa, kiểu gì mưa chả phải ngừng; nắng lên, gió lùa vào buồng lái, áo khô mau thôi!”. Nụ cười rạng rỡ của bác làm cho tôi khâm phục.
Nụ cười ấy đã hiên ngang trong phong ba bão táp; kiên cường, dũng cảm bất chấp thời tiết khắc nghiệt, những cung đường thử thách gian lao. Vì lí tưởng sống cao đẹp, vì tiếng gọi của Tổ quốc thiêng liêng, các bác sẵn sàng chiến đấu, quên đi tất cả. Thế rồi tôi lại hỏi:”Lái xe giữa rừng một mình thế này, bác có cảm thấy cô đơn không?”. Bác lại bật cười: “Làm sao mà cô đơn được hả cháu? Bên bác còn có trời đất, núi rừng Trường Sơn nữa cơ mà. Với lại có phải một mình bác lái xe đâu, trên tuyến đường này vẫn còn biết bao nhiêu chiếc xe khác ngày đêm chuyên chở vũ khí, lương thực.
Anh em đồng chí gặp nhau suốt dọc đường đi tới, trao cho nhau cái bắt tay. Chỉ một cái bắt tay chớp nhoáng qua ô cửa kính vỡ kia thôi, vậy mà khiến bác ấm áp cả con người, như được tiếp thêm niềm tin và sức mạnh. Xe lại tiếp tục chạy, bầu trời càng tươi xanh. Và rồi khi nghỉ giữa chặng xe, bác còn được quây quần bên bạn bè, đồng đội. Bên bếp Hoàng Cầm, cùng chung bát đũa, mọi người thân tình, cởi mở, sẻ chia những vui buồn cho nhau.
Nhiều khi tất cả cùng ca hát, mỉm cười rồi vỗ tay, truyền cho nhau nhiệt tình cách mạng và yêu thương, xua tan đi khó nhọc. Tình đồng chí, đồng đội thật đẹp quá, cháu ạ!”. Đúng là đẹp thật! Quả đúng là “Chỉ cần trong xe có một trái tim”! Những người chiến sĩ cùng chung niềm tin, lí tưởng, sát cánh bên nhau. Họ truyền sức mạnh và hơi ấm cho nhau, để cùng nhau chiến đấu vì miền Nam ruột thịt. Hình ảnh người lính lái xe thật sinh động.
Nhân ngày Thương binh liệt sĩ ngày 27/07, tôi cùng bà đến nghĩa trang tỉnh, thắp nén hương cho người ông đã hi sinh vì khói lửa chiến tranh. Mỗi lần đến đây, lòng tôi lại có chút gì đó đượm buồn, hẳn đó cũng là tâm trạng của mọi người đang đứng tại nơi đây. Tôi khẽ nhìn xung quanh, đứng cạnh tôi là một người lính đang khẽ cúi đầu trước một nấm mộ. Bà và tôi cùng trò chuyện với chú ấy, và bất ngờ thay, chú chính là người lính lái xe được miêu tả trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” mà tôi vừa mới học vào tháng trước.
Bài văn số 3 lớp 9 đề số 3
Đề 3 : Nhân ngày 20-11, kể cho các bạn nghe về một kỉ niệm đáng nhớ giữa mình và thầy, cô giáo cũ.
I. Dàn ý
Mở bài:
– Giới thiệu về không khí tưng bừng đón chào ngày 20 – 11 ở trong trường lớp.
– Bản thân mình : nghĩ về thầy cô giáo và bồi hồi nhớ lại những kỉ niệm vui buồn cùng thầy cô, trong đó có một kỉ niệm không thể nào quên.
Thân bài:
– Giới thiệu về kỉ niệm.
+ Đó là kỉ niệm gì, buồn hay vui, xảy ra trong hoàn cảnh nào, thời gian nào?…
+ Kể lại hoàn cảnh, tình huống diễn ra câu chuyện (kết hợp nghị luận và miêu tả nội tâm)
+ Kỉ niệm đó liên quan đến thầy(cô) giáo nào? Đó là người thầy (cô) như thế nào?
+ Diện mạo, tính tình, công việc hằng ngày của thầy (cô).
+ Tình cảm, thái độ của học sinh đối với thầy cô.
– Diễn biến của câu chuyện:
+ Câu chuyện khởi đầu rồi diễn biến như thế nào? Đâu là đỉnh điểm của câu chuyện?…
+ Tình cảm, thái độ, cách ứng xử của thầy (cô) và những người trong cuộc, người chứng kiến sự việc.
– Câu chuyện kết thúc ra sao? Suy nghĩ sau đó : Câu chuyện đã để lại cho em những nhận thức sâu sắc trong tình cảm, tâm hồn, trong suy nghĩ : tấm lòng, vai trò to lớn của thầy (cô), lòng biết ơn, kính trọng, yêu mến của bản thân đối với thầy (cô).
Kết bài:
Câu chuyện là kỉ niệm, là bài học đẹp và đáng nhớ trong hành trang vào đời của tuổi học trò.
II. Bài văn mẫu
Thời gian chính là liều thuốc tốt nhất để cho ta quên đi những điều không vui trong cuộc sống. Những quá khứ đau thương rồi sẽ bị gió cuốn đi, đi xa mãi như những cánh bồ công anh phất phơ giữa dòng đời xô đẩy. Nhưng cũng có những điều theo ta đến suốt cuộc đời, như những giọt nước nhỏ nhoi nhưng bồi đắp trong ta bao tình cảm khó phai. Ngày 20/11 đã đến gần, những kỉ niệm về thầy cô bỗng dưng ùa về trong tôi khiến tôi bồi hồi khó tả…
Tôi còn nhớ như in cái buổi sáng hôm ấy, một buổi sáng trong lành và mát mẻ. Hai tay chống cằm tôi phóng tầm mắt ra ngoài ô cửa sổ nơi dãy hành lang. Những tia nắng nhảy nhót trên những tán phượng, len lỏi qua từng kẽ lá chiếu xuống mặt sân. Không biết giờ này mẹ đang làm gì nhỉ? Có phải mẹ đang dùng bữa sáng, hay mẹ vẫn còn đang say giấc? Suy nghĩ mông lung, chợt tiếng gọi của cô làm tôi bừng tỉnh:
– Huyền! mang vở bài tập lên cho cô!
Đứa bạn ngồi bên nhéo tôi một cái đến phát điếng;
– Huyền cô gọi kìa!
Tôi ngoảnh lại, vội vã cầm quyển vở với hàng chữ nguệch ngoạc lên bàn cô giáo.
Cô Thích – cô giáo chủ nhiệm lớp 2 của tôi. Có lẽ cô là người lớn tuổi nhất trong các giáo viên ở trường. Hình như lúc ấy cô ngoài 50,51 gì đó. Tôi không còn nhớ rõ. Chỉ nhớ mái tóc cô bấy giờ đã điểm vài sợi bạc, đôi mắt mờ mờ nhưng ấm áp tình thương. Cô đưa cặp kính xuống, chau mày vẻ khó chịu. Cô gọi tôi đứng dậy, nghiêm khác nói:
– Huyền, con là một học sinh khá giỏi của lớp, tại sao dạo này kết quả học tập của con lại đi xuống như thế? Bài tập con làm sai hết. Cô yêu cầu con về làm lại. Con phải cố gắng hơn, nếu không cô sẽ báo cho gia đình con. Con ngồi xuống đi!
Tôi im lặng, ngồi xuống, ái ngại trước bao ánh nhìn vẻ giễu cợt của đám bạn. Buổi học hôm đó cuối cùng cũng kết thúc. Tôi ra về trong nỗi buồn nặng nề. Tôi sải bước trên con đường đầy sỏi đá, hai bên đường cây xòe bóng mát. Tiếng chim ríu rít trên ngọn cây, tưởng như vui nhưng không sao tôi vui lên được. Lại một ngày nữa, một ngày nữa trôi qua, mội ngày trôi qua sao dài như hàng thế kỉ. Kết quả học tập của tôi ngày càng sa sút, sa sút đến nỗi khiến cô giáo phải bàng hoàng. Buổi học hôm đó, cô đã liên lạc với bố tôi bàn về chuyện này.
Tôi ngồi đó, bên ngoài căn phòng hội đồng, lòng tôi như muốn nghẹn thở. ”Ánh nắng hôm nay sao mà oi ả thế?”- tôi tự hỏi. Tôi biết, tôi biết lí do tại sao tôi trở nên như vậy. Cô giáo cũng biết, qua lời kể của bố tôi:
– Cô giáo ạ! Mẹ cháu bị ốm đã hơn một tuần nay. Tôi phải thường xuyên ra bệnh viện chăm sóc cho cô ấy vì không có ai chăm nom giúp. Khi mẹ cháu ở nhà thường hay dạy cháu học. Nay chỉ còn ông bà nội ở nhà nên không dạy bảo cháu được.
Nghe đến đay hình như tôi thấy cô giáo nghẹn ngào. Cô hiểu ra tất cả, điều đó khiến tôi vui. Cô rất thương người, yêu thương đám học trò nhỏ trong lớp. Cô là người từng trải nên hiểu được tâm lí trẻ thơ như tôi. Cuối buổi hôm ấy, cô gọi tôi, nhẹ nhàng:
– Cô hiểu được hoàn cảnh của con. Từ nay cô sẽ thay mẹ con đến dạy con học bài vào buổi tối cho đến khi mẹ khỏi bệnh. Con có đồng ý không?
– Vâng ạ! Con cảm ơn cô!
Và rồi từ ngày hôm ấy, đêm nào cô cũng dành một khoảng thời gian đến dạy tôi học bài. Vì nhà cô cũng ở cùng làng nên tiện cho việc đi lại. Những hôm trời mưa tầm tã, cô không ngại khó đạp chiếc xe đạp cũ vào nhà tôi. Người cô lạnh cóng, đôi bàn tay cô run run ướt sũng. Khẽ cầm đôi bàn tay, tôi đưa nhẹ lên má, với một suy nghĩ trẻ con rằng sẽ làm cô cảm thấy đỡ rét. Rồi cả những hôm trời mất điện, hai cô trò cùng nhau bên ánh đèn dầu lập lòe trong gió. Cô dạy tôi cách làm toán, dạy tôi đọc bài nhuần nhuyễn, bắt tay tôi nắn nót từng con chữ. Cái cảm giác ấy thật thân quen, ngỡ như bàn tay của mẹ. Lúc ở nhà mẹ cũng hay làm như vậy. Tôi nhớ đến mẹ, nhớ mẹ nhiều lắm!
Một buổi sáng chủ nhật đẹp trời, bố dẫn tôi vào bệnh viện thăm mẹ. Lòng tôi như ấm hẳn lên khi tháy mẹ đang dần khỏi bệnh. Tôi kể cho mẹ nghe về cô, mẹ vui lắm. Nhưng tôi cũng phải về khi trời đã về chiều.
Những ngày sau đó, tôi hăng hái học tập hẳn lên, thành tích mà tôi đạt được ngày càng tốt. Cô giáo quyết định cho tôi đi dự cuộc thi học sinh giỏi của trường. Điều đó làm tôi vui sướng. Tôi tự nhủ phải hoàn thành tốt để làm món quà tặng cô và mẹ. Trước ngày đi thi, cô tặng cho tôi một cây bút, cây bút hồng hà mà đối với tôi nó thật ý nghĩa. Đó là niềm ao ước của tôi khi nhìn thấy đứa bạn ngồi bên được mẹ mua cho hồi đầu năm học. Kèm theo là lời nhắn: ”Con phải cố gắng lên nhé! Nhớ tập trung làm hết khả năng của mình, con nhớ chưa?”. Đó không chỉ là lời nhắn bình thường mà nó còn là nguồn động viên lớn lao đối với tôi, là niềm tin cho tôi chiến thắng. Ngày thi ấy, tôi đã làm rất tốt. Thật bất ngờ, không lâu sau đó chiếc bằng khen được trao đến tay tôi với niềm vui bao trùm lên tất cả. Tiếng gió khua lao xao ngoại thềm vắng, dao động các cành. Niềm vui như được nhân đôi khi lúc đó là lúc mẹ tôi xuất viện, trở về bên tôi. Tôi ôm trầm lấy cô và mẹ, khóc thút thít như đứa con nít (vì lúc đó tôi thấy mình đã lớn). Qua đôi mắt của họ, tôi nhận thấy được niềm vui, sự hãnh diện tự hào. Mẹ hãnh diện vì đứa con ngoan, còn cô tự hào vì những thành quả mà tôi đạt được không phụ lòng mong mỏi của mình. Tôi thầm cảm ơn ông trời đã cho tôi được sống, ban cho tôi hai người mẹ đáng kính như vậy.
”Thời gian trôi qua nhanh lắm, nếu ta không biết nắm bát và tận dụng mà cứ để nó lướt qua thì thật lãng phí. Muốn làm bất cứ việc gì phải kiên trì nhẫn nại cố gắng hết mình thì mới có thể đạt được kết quả cao”. Đó là những điều tôi học được từ cô. Cho đến bây giờ, tôi đã là một cô bé 15 tuổi, biết suy nghĩ hơn về cuộc sống. Chính vì vậy tôi mới càng hiểu sâu sắc hơn những điều cô gửi gắm. Lời dạy của cô, kỉ niệm về cô, nó luông chiếm một vị trí quan trọng trong trái tim tôi, khó mà quên được. Thầy cô – âm thầm, lặng lẽ như vậy đó, vậy nên, mọi người hãy quý trọng mọi thứ, dù chỉ là những điều đơn giản nhất, hãy nâng niu từng khoảnh khắc trong đời
Tập làm văn số 3 lớp 9 đề số 4
Đề 4 : Kể về một cuộc gặp gỡ với các anh bộ đội nhân Ngày thành lập Quân đọi nhân dân Việt Nam (22 – 12). Trong buổi gặp đó, em được thay mặt các bạn phát biểu những suy nghĩ của thế hệ mình về thế hệ cha anh đã chiến đấu, hi sinh để bảo vệ Tổ quốc.
I. Dàn ý
Mở bài:
– Giới thiệu về cuộc gặp gỡ.
– Em thay mặt các bạn phát biểu ý kiến.
Thân bài:
– Địa điểm của cuộc gặp gỡ? Cuộc gặp gỡ đó diễn ra như thế nào?
– Tại buổi gặp đó, em đã phát biểu những suy nghĩ gì?
+ Về những gian khổ, khó khăn, vất vả của thế hệ cha anh.
+ Về tinh thần dũng cảm, kiên cường, bất khuất của thế hệ cha anh.
+ Niềm tự hào về thế hệ cha anh.
+ Trách nhiệm của bản thân với đất nước.
Kết bài:
– Cảm nhận về cuộc gặp gỡ.
– Bài học cho bản thân.
II. Bài văn mẫu
Xe dừng bánh,cả doanh trại bộ đội rộng lớn, sạch sẽ, ngăn nắp hiện ra trước mắt. Hội trường trang hoàng lộng lẫy,các bác các chú quân phục chỉnh tề,gương mặt rạng rỡ, tự hào. Chúng em vây quanh các chiến sỹ áo xanh,mặt các bạn hớn hở, hãnh diện lạ thường! Chúng em hỏi các chú nhiều chuyện lắm, cả về lịch sử ra đời ngày 22/12 nữa. Giờ thì chúng em đã biết: Bác Hồ chỉ thị thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân vào ngày 22/12 /1944. Ngay sau đó đội đánh thắng 2 trận liên tiếp tại Phây Khắt, Nà Ngần…Đội ngày càng lớn mạnh và được đổi tên thành QĐND Việt Nam. Và từ đó lấy ngày 22/12 làm ngày truyền thống. Bây giờ thì em đã hiểu lịch sử ra đời của ngày 22/12,hiểu về truyền thống yêu nước và ý chí chiến đấu bảo vệ đất nước của dân tộc ta. Càng hiểu em càng thấy trân trọng và muốn khắc ghi vào tiềm thức để nhớ về một thời kì hào hùng với những con người quả cảm của một đất nước bé nhỏ mà kiên cường…
Chúng em còn được nghe kể nhiều về những chiến công anh dũng, hào hùng của những người lính cụ Hồ, về những tháng năm bôn ba chinh chiến chống kẻ thù xâm lược, những gian khổ hy sinh không thể diễn tả bằng lời. Đến thời bình, bộ đội đâu đã hết nguy nan: Những đêm tuần tra lạnh run người khi truy bắt tội phạm chống lại những lực lượng thù địch phá hoại từ bên ngoài,những lúc giúp dân chống thiên tai, lụt lội… Nhìn gương mặt rắn rỏi, sạm đen vì nắng gió, nghe những câu chuyện kể và chứng kiến vẻ bình thản của những chiến binh, em thật sự thấy rất cảm động xen lẫn cả niềm tự hào, biết ơn sâu sắc…Trong dòng cảm xúc khó tả,ấy em lại được vinh dự thay mặt các bạn phát biểu những suy nghĩ tình cảm của mình:“Kính thưa các bác ,các chú , chúng cháu may mắn được sinh ra và lớn lên trong một dân tộc anh hùng.Chúng cháu biết để có được cuộc sống hòa bình hôm nay,dân tộc Việt Nam đã phải đánh đổi rất nhiều,bằng cả nước mắt và máu xương của bao người đã hy sinh cho Tổ quốc.Để thể hiện lòng biết ơn của thế hệ mình đối với cha anh, chúng cháu hứa sẽ nỗ lực học tập, rèn luyện, tu dưỡng để trở thành những công dân có ích,góp phần nhỏ bé của mình xây dựng đất nước.Có như vậy mới xứng đáng với truyền thống cao quý của dân tộc, xứng đáng với sự hy sinh của bao thế hệ cha anh.”Em ngồi xuống mà thấy tay mình vẫn còn run,trái tim lâng lâng một cảm xúc bay bổng lạ kì .
Ánh nắng đã nhạt dần, chúng em chia tay với các bác, các chú trong lưu luyến.Buổi gặp gỡ đã khơi dậy những ước mơ trong em,tăng thêm lòng quyết tâm và niềm tin của em vào một tương lai tươi sáng.
CLICK NGAY vào nút TẢI VỀ dưới đây để download hướng dẫn viết tập làm văn số 3 lớp 9 file word, pdf hoàn toàn miễn phí.