Ngày 16/12 vừa rồi, Mỹ chính thức đưa Việt Nam vào danh sách những nước thao túng tiền tệ. Đây có thể coi là 1 tin khá xấu khi nó có thể ảnh hưởng đến lợi thế xuất khẩu của Việt Nam. Vậy thao túng tiền tệ là gì?
Thao túng tiền tệ là khi chính phủ và ngân hàng trung ương một nước hạ giá đồng nội tệ nhằm mục đích giảm chi phí xuất khẩu giúp hàng hoá xuất đi nước ngoài rẻ hơn. Đây là động thái cạnh tranh không lành mạnh trong thương mại quốc tế để tăng cường xuất khẩu.
Giả sử như bây giờ tốn 25.000 đồng = 1 USD để mua 1 chiếc bánh giá 1 USD thì khi VNĐ mạnh lên, chỉ cần tốn 10.000 đồng = 1 USD là đã có thể mua chiếc bánh đó. Như vậy, người dân trong nước sẽ mua được đồ ngoại dễ dàng hơn, Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam được nhiều hơn, đồng thời Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ khó hơn và ngược lại khi VNĐ hạ xuống.
Cách thức thường gặp để phá giá đồng nội tệ là: Tăng thu mua đồng ngoại tệ (thường là USD) dẫn tới giảm nguồn cung ngoại tệ và in thêm đồng nội tệ để tăng nguồn cung tiền nội địa, khiến giá trị tiền nội địa giảm xuống, giá trị ngoại tệ tăng lên theo quy luật cung – cầu.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Tổ chức Thương mại Thế giới có các điều khoản cấm các quốc gia thao túng tiền tệ để đạt được lợi thế thương mại. Để xác định 1 quốc gia có đang thao túng tiền tệ hay không thì có thể dựa vào:
– Thứ nhất: Quốc gia X có xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu trong khoảng thời gian 06 tháng không?
– Thứ hai: Quốc gia X có thêm vào dự trữ ngoại hối của mình trong cùng khoảng thời gian 06 tháng đó không?
– Thứ ba: Dự trữ ngoại hối của Quốc gia X có quá dư thừa so với nhu cầu nhập khẩu bình thường của quốc gia này trong khoảng 03 tháng hay không?
Các tiêu chí để Mỹ gán mắc “thao túng tiền tệ” này được lượng hóa cụ thể như sau: Thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Hoa Kỳ ít nhất 20 tỷ USD; Thặng dư cán cân vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP; Can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ, thể hiện qua việc mua ròng ngoại tệ trong ít nhất 6 tháng trên giai đoạn 12 tháng với tổng lượng ngoại tệ mua ròng tương đương ít nhất 2% GDP trong giai đoạn 12 tháng.
Sau cáo buộc đó, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức lên tiếng, khẳng định việc điều hành tỷ giá những năm qua – trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung. Bên cạnh đó, chính sách điều hành tỷ giá nhằm thực hiện mục tiêu nhất quán là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan để trao đổi, làm việc về các vấn đề mà Mỹ quan tâm trên tinh thần hợp tác, hai bên cùng có lợi, tiến đến quan hệ thương mại hài hòa, công bằng theo Kế hoạch hành động hợp tác giữa hai nước.