Contents
Lý thuyết Công nghệ 11 Bài 8: Thiết kế và bản vẽ kĩ thuật hay, ngắn gọn
Trong sản xuất, muốn chế tạo một sản phẩm công nghiệp hay thi công một công trình xây dựng trước tiên phải tiến hành thiết kế nhằm xác định hình dạng, kích thước, kết cấu và chức năng của chúng. Thiết kế là quá trình hoạt động sáng tạo của người thiết kế, bao gồm nhiều giai đoạn.
1. Các giai đoạn thiết kế
Các quá trình thiết kế trải qua các giai đoạn chính sau:
a) Điều tra, nghiên cứu yêu cầu thị trường và nguyện vọng người tiêu dùng, hình thành ý tưởng và xác định đề tài thiết kế.
b) Căn cứ vào mục đích và yêu cầu đề tài thiết kế, thu thập thông tin, đề ra phương án thiết kế và tiến hành tính toán lập bản vẽ nhằm xác định hình dạng, kích thước, kết cấu, chức năng sản phẩm.
c) Làm mô hình, tiến hành thử nghiệm hoặc chế tạo thử.
d) Thẩm định, phân tích đánh giá phương án thiết kế, nếu cần sửa đổi cải tiến để được phương án thiết kế tốt nhất.
e) Căn cứ vào phương án thiết kế tốt nhất, tiến hành lập hồ sơ kĩ thuật. Hồ sơ gồm có các bản vẽ tổng thể và chi tiết sản phẩm, các bản thuyết minh tính toán, các chỉ dẫn về vận hành sử dụng sản phẩm.
Ngày nay máy tính đã được sử dụng rộng rãi trong thiết kế và chế tạo. Thiết kế trợ giúp bằng máy tính (Computer Aided Design, viết tắt là CAD) đã mang lại hiệu quả rất to lớn.
2. Thiết kế hộp đồ dùng học tập:
a) Khi học tập ở nhà, cần dùng sách, vở, tài liệu, bút, thước, compa,… Nếu tất cả đồ dùng này được bày trên bàn học thì mất mĩ quan, ảnh hưởng đến hiệu quả học tập. Do đó cần thiết kế một chiếc hộp để đựng các đồ dùng học tập. Chiếc hộp cần thoả mãn các yêu cầu sau:
– Hộp chứa được một số cuốn sách, vở, bút và dụng cụ học tập khác như thước, êke, compa, tẩy, …
– Hộp được đặt trên bàn học, có kích thước nhỏ gọn, kết cấu chắc chắn, hình dạng và màu sắc đẹp, làm bằng vật liệu rẻ tiền.
b) Căn cứ vào các yêu cầu thiết kế trên hình thành phương án thiết kế, phác hoạ sơ bộ hộp đựng đồ dùng học tập.
Hộp có chiều dài 350mm, rộng 220mm, gồm 3 bộ phận:
– Ống đựng bút (1).
– Ngăn để sách vở (2).
– Ngăn để dụng cụ (3).
Sau đó tính toán, xác định hình dạng, kích thước và lập bản vẽ của hộp đựng.
c) Làm mô hình, chế tạo hộp đựng thử, sau đó đặt sách vở, đồ dùng học tập vào hộp xem có hợp lí và thuận tiện không?
d) Phân tích, đánh giá phương án thiết kế theo các yêu cầu thiết kế đề ra.
Về kết cấu và kích thước, hình dạng, màu sắc và vật liệu có gì cần thay đổi và cải tiến:
– Ngăn đựng sách vở cần tạo dáng đường cong đẹp hơn, thuận tiện hơn
– Ngăn đựng dụng cụ thu hẹp lại, gọn hơn,…
e) Căn cứ vào phương án thiết kế đã hoàn thiện, tiến hành hoàn chỉnh hồ sơ, viết thuyết minh giới thiệu sản phẩm, lập các bản vẽ chi tiết để chế tạo và bản vẽ lắp của hộp đựng để lắp ráp.
1. Các loại bản vẽ kĩ thuật
Bản vẽ kĩ thuật là các thông tin kĩ thuật được trình bày dưới dạng đồ hoạ theo các quy tắc thống nhất.
Có hai loại bản vẽ kĩ thuật thuộc hai lĩnh vực quan trọng là:
– Bản vẽ cơ khí gồm các bản vẽ liên quan đến thiết kế, kiểm tra, chế tạo, lắp ráp, sử dụng các máy móc và thiết bị.
– Bản vẽ xây dựng gồm các bản vẽ liên quan đến thiết kế, thi công, lắp ráp, kiểm tra sử dụng các công trình xây dựng.
2. Vai trò của bản vẽ kĩ thuật đối với thiết kế
Trong quá trình thiết kế, từ khi hình thành ý tưởng đến khi lập hồ sơ kĩ thuật, người thiết kế thường xuyên sử dụng “ngôn ngữ” kĩ thuật, đó là các bản vẽ kĩ thuật để làm việc như:
– Đọc các bản vẽ để thu thập thông tin liên quan đến đề tài thiết kế.
– Vẽ các bản vẽ phác của sản phẩm khi lập phương án thiết kế để thể hiện ý tưởng thiết kế.
– Vẽ các bản vẽ chi tiết và bản vẽ tổng thể của sản phẩm để chế tạo và kiểm tra sản phẩm. Vẽ các sơ đồ, bản vẽ để hướng dẫn vận hành sử dụng sản phẩm.
Các bản vẽ của sản phẩm là tài liệu chính của hồ sơ kĩ thuật, kết quả cuối cùng của công việc thiết kế.
Xem thêm các bài Lý thuyết và câu hỏi trắc nghiệm Công nghệ lớp 11 có đáp án hay khác:
Giới thiệu kênh Youtube Tôi