Cúng Tất niên là một truyền thống của người Việt được thực hiện vào cuối năm âm lịch. Cứ vào mỗi dịp Tết đến, các gia đình đều hoàn thành công việc bận rộn trong một năm, dọn dẹp nhà cửa và chuẩn bị một mâm cơm cúng tất niên, sau đó cả gia đình đoàn tụ, sum vầy kể về những điều đã qua và hướng đến những điều mới sẽ đến trong năm mới.
Theo truyền thống, lễ cúng Tất niên được tổ chức vào chiều ngày 30 Tết (hoặc chiều ngày 29 Tết nếu tháng Chạp không đủ 30 ngày). Tuy nhiên, ngày nay mâm cơm cúng tất niên có thể thay đổi về thời gian cúng, các gia đình có thể cúng từ ngày 29 Tết.
Cúng Tất niên thường bao gồm 2 phần đó là phần lễ vật và mâm cơm cúng Tất niên. Tùy vào mỗi vùng miền mà mâm cơm cúng sẽ có các món ăn khác nhau.
Lễ vật cúng Tất niên cần chuẩn bị
Phần lễ vật cúng Tất niên giữa các vùng miền đều giống nhau, các lễ vật cần chuẩn bị đưa lên mâm cúng Tất niên đó là:
– Hương và đèn (đèn cầy hoặc nến)
– Mâm ngũ quả (mâm ngũ quả tùy vào từng vùng miền để có các loại quả và cách bày khác nhau).
– 1 đĩa gạo, 1 đĩa muối
– 1 đĩa trầu cau
– Bánh kẹo
– Trà và rượu, nước lọc
– Tiền vàng mã
– Hoa tươi
Mâm cơm cúng Tất niên gồm những món gì?
Ngoài phần lễ vật thì cúng tất niên còn có mâm cơm cúng. Mâm cơm cúng Tất niên thường có các món thịt, món xào, món canh… Tùy vào mỗi vùng, miền sẽ có sự khác nhau về thực đơn mâm cơm cúng tất niên.
1. Mâm cơm cúng Tất niên miền Bắc
Mâm cỗ cúng Tất niên miền Bắc thường chuẩn bị rất cầu kỳ, bao gồm 4 bát, 4 đĩa, gia đình nào có điều kiện hơn thì chuẩn bị 6 bát, 6 đĩa hay 8 bát, 8 đĩa. Mâm cỗ tất niên miền Bắc thường gồm:
– 1 con gà trống luộc (hoặc thịt lợn luộc)
– 1 bát canh măng móng
– 1 đĩa xôi gấc
– 1 đĩa bánh chưng đã bóc vỏ
– 1 đĩa giò lụa
– 1 đĩa nem rán
– 1 bát miến nấu lòng gà
– 1 đĩa xào thập cẩm
– 1 bát thịt đông
– 1 đĩa hành muối
Mâm cơm cúng tất niên miền Bắc truyền thống
Một số gia đình miền Bắc còn nấu canh bóng thả, nấu canh mọc, các món nộm… để làm phong phú thêm thực đơn mâm cơm cúng Tất niên ngày Tết của gia đình mình.
2. Mâm cơm cúng Tất niên miền Trung
Mâm cỗ cúng Tất niên của người miền Trung khác với miền Bắc, mâm cơm thường có các món:
– 1 đĩa giò lụa Huế
– 1 bát miến Huế
– 1 đĩa gà bóp rau răm
– 1 bát măng khô ninh
– 1 đĩa thịt heo luộc
– 1 đĩa ram
– 1 đĩa bánh chưng
– 1 đĩa bánh Tét
Ngoài ra, các gia đình miền Trung cũng vẫn chuẩn bị thêm những món như thịt gà luộc, các món xào, rau củ, củ kiệu muối…
3. Mâm cơm cúng Tất niên miền Nam
Mâm cỗ cúng Tất niên của người miền Nam có sự khác biệt so với 2 miền còn lại. Thực đơn cơm cúng Tất niên của người miền Nam thường có:
– 1 đĩa bánh tét
– 1 đĩa củ cải ngâm
– 1 bát canh măng tươi
– 1 bát canh khổ qua nhồi thịt
– 1 bát thịt kho tàu
– 1 đĩa thịt heo luộc
– 1 đĩa gỏi tôm thịt
– 1 đĩa chả giò
– 1 đĩa dưa giá
– 1 đĩa củ kiệu
Canh khổ qua nhồi thịt, củ kiệu, thịt kho tàu và bánh tét là món ăn không thể thiếu trong mâm cơm tất niên của người miền Nam
Chuẩn bị mâm cơm cúng cuối năm tùy vào từng điều kiện của các gia đình có thể chuẩn bị nhiều món hoặc ít món. Tuy nhiên, mâm cỗ mặn chỉ cần có món thịt, món bánh/ xôi nếp, một món canh và các lễ vật trên là được.
Gợi ý những mâm cơm cúng Tất niên ngon và đẹp
Để giúp các gia đình có thêm những lựa chọn những món cúng tất niên, Bếp Eva gửi đến những gợi ý về mâm cơm cúng tất niên ngon, đẹp mắt sau đây.
Mâm cỗ cúng tất niên đơn giản với gà luộc, canh rau củ, giò xào, thịt rán, rau củ xào, bánh chưng
Mâm cơm cúng 30 Tết với các món xôi, gà luộc, muối chua, nem, canh măng, món thịt xào, giò….
Bánh chưng, thịt gà luộc, canh rau củ, canh măng, giò lụa, giò xào, nem rán…
Mâm cơm cúng cuối năm miền Nam điển hình với món thịt kho tàu, canh khổ qua nhồi thịt, bánh tét, dưa giá, củ kiệu…
Mâm cơm cúng cuối năm truyền thống của người Bắc với nem rán, thịt đông, canh mọc, xôi gấc, thịt gà, bánh chưng, miến xào…
Mâm cúng tất niên có món gà, tôm chiên, nem rán, thịt nguội, canh măng, rau củ luộc, món xào, hành muối, xôi…
Mâm cúng cuối năm đơn giản mà đẹp
Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/mam-com-cung-tat-nien-cuoi-nam-dung-le-nghi-don-gi…Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/mam-com-cung-tat-nien-cuoi-nam-dung-le-nghi-don-gian-y-nghia-d265329.html