(BTN)- Để sưu tầm tài liệu cho bài báo này, nhóm tác giả đã tìm gặp nghệ nhân Chín Dơn (tên thật là Nguyễn Văn Dơn, hiện là Cai quản Ban Tổng Trạo thuộc Hội thánh Cao Đài Tây Ninh), và được ông cung cấp những thông tin, tư liệu quý báu về nghệ thuật chèo thuyền.
Về tổng thể, nội dung vở chèo thuyền cũng giống như hát bả trạo ở miền Trung. Cũng với bối cảnh của một con thuyền trong một chuyến hải trình, khi thì biển lặng sóng êm, khi thì phong ba bão tố. Cũng với các nhân vật điều khiển con thuyền là Tổng Lái, Tổng Mũi, Tổng Thương và các tay chèo là các anh Trạo phu, gọi chung là Bá Trạo (trăm tay chèo, người miền Trung gọi trại ra là bả trạo). Riêng hát chèo thuyền của đạo Cao Đài có thêm nhân vật Tổng Khậu, là người phục vụ cơm nước trên thuyền. Tuy nhiên, hát chèo thuyền lại gần với hát bội ở chỗ có kịch bản hẳn hoi, đầy kịch tính; có tất cả các lối hát nam, hát khách, lối xuân, lối ai… cộng với các điệu hò vùng duyên hải miền Trung của hát bả trạo. Về mặt nghệ thuật âm nhạc, đây là một sự tổng hoà đặc sắc giữa âm nhạc cung đình- các bài bản cổ, và âm nhạc dân gian- các điệu hò, chèo, lý vùng duyên hải miền Trung. Độc đáo là ở chỗ sự tổng hợp các điệu hát ấy đều được phối âm, phối khí hài hoà, đồng điệu với dàn nhạc hát bội.
Theo kịch bản hát chèo thuyền, các ông Tổng chính là các vị thiên tướng vâng mệnh đấng Chí Tôn xuống trần gian độ những “nguyên nhân” vượt qua “bến mê, bể khổ” để trở về nơi “thiêng liêng hằng sống”. Từ “nguyên nhân” ở đây tức là chơn linh bản ngã của vị chức sắc vừa qua đời. Tang lễ của vị này được tổ chức theo nghi thức của đạo Cao Đài, trong đó có nghi thức “chèo thuyền”. Nếu vị chức sắc quá cố lúc sinh thời thọ phẩm Lễ Sanh thì khi chết có một buổi “chèo hầu” ngay trước nơi quàn linh cữu trong đêm trước ngày đưa tang. Nếu là phẩm Giáo Hữu trở lên thì có thêm một buổi “chèo đưa” ngay trên “thuyền Bát Nhã” (kiểu xe tang của đạo Cao Đài có hình chiếc thuyền rồng, nhưng có hai bánh xe để kéo bằng dây thừng đi trên cạn, ngày nay hầu hết thuyền Bát Nhã ở Toà thánh cũng như ở các họ đạo địa phương đều được “cơ giới hoá” bằng cách đặt trên chiếc ô tô bốn bánh).
Đối với các nhân vật trong vở chèo thuyền, chơn linh của Tổng Lái là vì sao Hắc Sát Tinh trên thượng giới, chơn linh của Tổng Mũi là vì sao Bạch Hổ Tinh, chơn linh của Tổng Thương là vì sao Xích Long Tinh, chơn linh của 12 anh Bá Trạo là Thập nhị Thời thần, tức là 12 con giáp (Tý, Sửu, Dần, Mẹo…). Còn anh Tổng Khậu là tượng trưng của người phàm tục cõi trần gian, không có chơn linh trên thượng giới. Các ông Tổng là các nghệ nhân thanh niên, trung niên; các anh Bá Trạo là các thiếu niên khoảng từ 12 đến 15 tuổi. Trên đường vượt qua “bể khổ” đưa khách (vong linh vị chức sắc quá cố) trở về cõi thiêng liêng, các vị Tổng, Trạo đều dốc lòng, dốc sức làm tròn nhiệm vụ, đoàn kết, yêu thương nhau, lèo lái con thuyền Bát Nhã vượt qua phong ba bão tố.
Phần đầu kịch bản, tương tự như các vở hát bội, các nhân vật Tổng Lái, Tổng Mũi lần lượt ra sàn diễn “tự giới thiệu” với khách đi thuyền (linh cữu vị chức sắc quá cố, mà cũng là giới thiệu với khán giả xem chèo thuyền) danh xưng, chức trách, nhiệm vụ của nhân vật mình đóng vai. Khi Tổng Mũi tự giới thiệu xong thì 12 vị Bá Trạo, tay cầm chèo, được Tổng Mũi chỉ huy sắp hàng ra “chào khách”. Sau đó đến lượt vị Tổng Thương ra chào. Theo nhiệm vụ được đấng thiêng liêng phân công thì Tổng Lái là thuyền trưởng, là “đại ca” chỉ huy cả đội thuyền, đồng thời làm nhiệm vụ cầm lái, sử dụng đạo cụ là một chiếc bàn cao trên có ghế ngồi tượng trưng cho đuôi thuyền và một cây chèo lớn để lái thuyền. Tổng Lái mặc giáp, có “võ trang” là một thanh kiếm. Tổng Mũi, sử dụng một cặp “nhịp sanh” là hai thanh gỗ dài khoảng 3 tấc (30cm) dùng để gõ nhịp điều khiển đội Bá Trạo chèo thuyền. Tổng Thương, là người quản lý sinh hoạt trên thuyền, “trình diện” sau cùng.
Sau màn “chào khách”, thuyền Bát Nhã khởi hành. Tổng Lái lái thuyền, Tổng Mũi chỉ huy Bá Trạo chèo thuyền. Sau một ngày hải hành, thuyền neo đậu nghỉ ngơi thì đến phiên Tổng Thương làm nhiệm vụ canh thuyền, tát nước, chăm sóc phục vụ khách đi thuyền. Tuy nhiên, cũng có lúc nhân vật Tổng Thương quá mệt mỏi, xao lãng nhiệm vụ, bị anh cả là Tổng Lái trừng trị bằng hình phạt cao nhất là xử chém. Người anh kế là Tổng Mũi xin tội cho em không được bèn liều chết theo Tổng Thương. Xúc động trước chân tình ấy, Tổng Lái bèn tha tội cho các em và họ lại chan hoà hữu hảo với nhau tiếp tục chuyến hải trình. Đây là đoạn cao trào đầy kịch tính của vở diễn, rất hấp dẫn người xem. Kế tiếp là màn diễn hài của anh Tổng Khậu khi được “tam ca” Tổng Thương nhờ chèo thuyền thúng đi mua quả phẩm về dâng lên cho vị khách đi thuyền. Cuối cùng, trước khi kết thúc vở diễn thì trời có bão, cả thuyền phải ra sức chống chỏi vượt qua sóng to, gió lớn đến khi biển lặng, trời yên, thuyền Bát Nhã “cập bến giác” ở cõi “thiêng liêng hằng sống”, hoàn thành chuyến hải hành từ trần gian lên thượng giới.
Về nghệ thuật diễn xuất cũng như y trang, đạo cụ, bố trí sân khấu của chèo thuyền thực sự y hệt như hát bội trong một đám cúng đình thời xưa. Sân khấu rất đơn giản, phía trong chỉ có chiếc bàn hai tầng tượng trưng cho phần đuôi thuyền, nơi Tổng Lái chèo lái con thuyền, phía trước là “linh sàng” của “vị khách đi thuyền” (nơi đặt bàn thờ vong và quan tài của người quá cố), khoảng giữa là khoang thuyền, tức sân khấu chính, khán giả và dàn nhạc ở hai bên, không có tiền trường, hậu trường, cánh gà gì cả. Y trang của Tổng, Trạo cũng là khôi giáp, mũ mãng, cân đai, cả những lá cờ lịnh tiễn sau lưng, những chiếc lông trĩ gắn trên mão như hát bội. Hoá trang cũng theo cách giặm mặt hát bội: Tổng Lái “mặt đen tròng táo”, Tổng Mũi “mặt thiệt trắng hồng”, Tổng Thương mặt đỏ tươi như trái gấc. Điệu bộ của chèo thuyền cũng hoàn toàn là điệu bộ hát bội, nhất cử, nhất động đều ăn khớp với tiếng nhạc. Còn hát bả trạo ở vùng duyên hải miền Trung thì y trang đơn giản hơn, chỉ là những bộ đồ dân dã của người miền biển. Sự hiện diện của hát bả trạo trong chèo thuyền là các nhân vật Tổng, Trạo cùng một số làn điệu hò, chèo rất nhịp nhàng của các tay chèo dưới sự điều khiển của Tổng Mũi với “cặp nhịp sanh” trên tay. Nhưng lớp chèo này mới là đặc sắc nhất của chèo thuyền mà trong hát bội không có. Chẳng hạn như đoạn sau đây trong kịch bản chèo thuyền.
“… Tổng Mũi viết: – Bá trạo hà… (cả Trạo đều dạ).
Thuyền rồng đà tách bến
Nhưng nẻo tới hãy còn xa
Vậy mấy em tua khá nghe qua
Bắt mái một âu ta chèo tới… hồ!
(cả Trạo đều dạ)
– Hù hời hù khoan/ hù là khoan
– Chữ rằng sanh ký… (Bá Trạo hò nện: Hù là khoan)
Sanh ký tử quy (Hù là khoan)
Thiên tào đã định (Hù là khoan)
Xưa nay lẽ thường (Hù là khoan, hù hời hù khoan)
– Hiềm vì máy tạo (Hù là khoan)
Máy tạo khôn lường (Hù là khoan)
Kẻ dư trăm tuổi (Hù là khoan)
Người thường mấy mươi (Hù là khoan, hù hời hù khoan)
– Đoái nhìn non nước (Hù là khoan)
Non nước chơi vơi (Hù là khoan)
Tư bề sương toả (Hù là khoan)
Ngàn trùng mây che (Hù là khoan, hù hời hù khoan)
– Hố, hố khoan, hù hời hù khoan, hù là khoan…”
“Tổng Lái vãn viết:
– Chơn mây người đã lìa đời
Bá trạo… hà! (Cả Trạo đều dạ)
Thuyền rồng một chiếc ư.. ư… đưa người biệt ly…”.
Đoạn tuồng này phần hát kết hợp giữa hát bội trong các câu viết, vãn viết của Tổng Mũi, Tổng Lái, với các điệu “bắt mái bi”, “bắt mái một” của hát bả trạo miền Trung. Thực chất các điệu hò “bắt mái” này chính là điệu “hò nện”, dân ca miền Trung rất quen thuộc. Trong đó Tổng Mũi là người lĩnh xướng, Bá Trạo hò nện “hù là khoan” theo nhịp chèo rập rềnh, khoan nhặt. Hò nện mà lại được phối âm với những bài bản cổ của dàn nhạc hát bội hết sức nhuần nhuyễn, điêu luyện, khiến cho dân ghiền hát bội lẫn người chưa quen nghe hát bội đều cảm thụ được cái hay, cái đẹp khi xem chèo thuyền.
Hiện nay, trong khu Nội ô Toà thánh Cao Đài, mỗi lần có một vị chức sắc quy thiên, Ban Tổng Trạo lại tổ chức một đêm hát cúng chèo thuyền khi tang lễ đang cử hành tại Khách Đình, hoặc Điện thờ Phật Mẫu (Báo Ân Từ). Thỉnh thoảng ở các họ đạo địa phương trong, ngoài tỉnh Tây Ninh có việc đạo sự long trọng như khánh thành Thánh Thất, Điện thờ, Ban Tổng trạo cũng “dong buồm” đến tận địa phương để biểu diễn một đêm chèo thuyền, phục vụ “bổn đạo”. Mới đây, trong đêm 15.1.2013, Ban Tổng Trạo Toà thánh đã đến biểu diễn nhân dịp khánh thành Điện thờ họ đạo liên xã Tân Hưng, Tân Phú, huyện Tân Châu.
Để duy trì nghi thức đặc biệt “chèo thuyền” này, thực chất là một hoạt động văn hoá nghệ thuật đặc sắc, Ban Tổng Trạo phải thường xuyên luyện tập, truyền nghề cho nhau rất nghiêm túc, công phu. Đối với các “diễn viên” chèo thuyền (các vị Tổng, Trạo), việc tham gia hát cúng được xem như là việc làm công quả của người tu hành, nhưng thực chất đó cũng là một niềm đam mê nghệ thuật không khác chi các nghệ nhân hát bội. Do vậy, nghệ thuật chèo thuyền của đạo Cao Đài cũng cần được nghiên cứu đầy đủ và cần được bảo tồn như một loại hình nghệ thuật cổ truyền, một di sản văn hoá phi vật thể quý báu của dân tộc.
DUY NHÃ – GIA MINH