TOP 58 bài Thuyết minh về một loài cây ngắn gọn, thuộc bài viết số 1 lớp 9 đề 2. Qua đó, giúp các em học sinh lớp 9 nhanh chóng viết bài văn thuyết minh về cây cao su, thuyết minh cây tre, thuyết minh cây dừa, thuyết minh cây bàng, thuyết minh cây chuối… thật hay.
Khi viết bài văn thuyết minh loài cây, các em cần tìm hiểu rõ nguồn gốc, đặc điểm, cách trồng, cách chăn sóc cũng như vai trò của cây đó đối với đời sống của con người Việt Nam. Vậy mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn:
Đề 2: Cây … ở quê em. (Đây là dạng đề chưa hoàn tất, dành để giáo viên và học sinh lựa chọn, bổ sung. Nên chọn đối tượng thuyết minh cụ thể cho sát với thực tế mỗi địa phương)
Thuyết minh về cây cao su
Dàn ý thuyết minh về cây cao su
I. Mở bài:
– Dẫn dắt và giới thiệu về đối tượng cần thuyết minh: cây cao su
II. Thân bài:
* Nguồn gốc cây cao su: Xuất hiện ở khu vực rừng Amazon.
* Đặc điểm hình dáng cây cao su
+ Thân: cao thẳng, thân gỗ tròn cao từ 15 đến 20 mét.
+ Lá: xanh đậm, tán lá rộng.
+ Rễ cọc , ăn sâu vào lòng đất.
* Đặc điểm thích nghi:
+ Môi trường rừng nhiệt đới ẩm.
+ Nhiệt độ thấp , mưa nhiều.
+ Sự phân bố: Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, trung tâm phía Bắc, duyên hải miền Trung…
* Cách trồng và chăm sóc:
+ Trồng phù hợp với đặc điểm của cây.
+ Chăm sóc hợp lý để cây có thể phát triển tốt.
+ Khoét thân lấy nhựa cây.
* Vai trò:
+ Loại cây công nghiệp lâu năm.
+ Lợi ích lợi nhuận mang lại cao.
+ Cải thiện nâng cao đời sống con người.
+ Phát triển kinh tế quốc dân.
+ Bảo đảm an ninh quốc phòng….
III. Kết bài:
– Khẳng định lại một lần nữa vai trò của cây cao su đối với con người.
Thuyết minh về cây cao su – Mẫu 1
Cuộc sống là một dòng chảy với những tiến bộ, những đổi mới không ngừng với những sáng tạo, phát minh giúp ích cho con người trong mọi công việc. Với cuộc sống hiện đại, vật dụng làm từ cao su chẳng còn quá xa lạ nhưng không phải ai cũng thực sự hiểu rõ về cây cao su, nguyên liệu tạo ra những sản phẩm ấy. Liệu chăng các bạn đã thực sự hiểu rõ về loài cây này? Hãy cùng tìm hiểu nhé!
Cây cao su được biết đến là một loài cây thân gỗ thuộc họ Đại kích. Cao su đem lại nguồn lợi nhuận kinh tế lớn, phần nhiều là do nhựa cây, hay còn được gọi là mủ cao su. Một cây cao su trưởng thành có thể cao tới 30 mét. Chỉ khi mới đạt đến độ tuổi 5,6 năm, cây cao su đã được người ta khai thác để lấy mủ. Nếu như các mạch nhựa mủ ở vỏ cây thường tạo thành một vòng xoắn ốc thì khi khai thác, người ta rạch những vết cắt vuông góc với mạch nhựa mủ với một độ sâu hợp lí để vừa làm nhựa mủ chảy ra nhưng đồng thời không gây tổn hại đến sự phát triển của cây. Hoạt động khai thác này nhiều khi được gọi là cạo mủ cao su. Dựa vào giống, địa điểm trồng, cách chăm sóc và khai thác, ta có thể nhận biết được lượng mủ cao su khai thác được. Một cây cao su trung bình có chu kỳ khai thác kéo dài từ 20 đến 25 năm.
Tìm hiểu về đặc tính của cây cao su, ta cũng bắt gặp rất nhiều thông tin thú vị. Ngoại trừ ba tháng cây thay lá, khoảng thời gian còn lại trong năm ta đều có thể thu hoạch được nhựa mủ cao su. Vốn dĩ thời gian cây thay lá có một ảnh hưởng vô cùng quan trọng đến sinh lý cây cũng như năng suất, nên cây thường được người ta khai thác từ tháng ba năm trước và kết thúc vào tháng một năm sau. Cây cao su mang bộ rễ cọc cắm sâu vào lòng đất để chống sự khô hạn, giữ vững thân cây và hấp thụ dinh dưỡng từ đất. Vỏ cây nhẵn, có màu nâu nhạt. Lá cao su thuộc loại lá kép, mỗi năm thay lá một lần nhưng lại có hoa đơn. Vùng nhiệt đới ẩm với nhiệt độ trung bình cao, mưa nhiều chính là nơi phù hợp nhất cho loài cây này phát triển. Trước đây, cây cao su thường được trồng và sinh trưởng tự nhiên bằng hạt nhưng do yêu cầu về chuyên canh, nhiều cây cao su hiện nay được nhân bản vô tính bằng phương pháp ghép mắt trên gốc cây sinh trưởng bằng hạt tự nhiên.
Một điểm đặc biệt cần lưu ý về cao su là đây là một loài cây độc. Ban ngày hay ban đêm, việc trao đổi khí đều đem lại nguy hiểm cao nên mọi người thường tránh xây dựng, sinh hoạt trong rừng hoặc những khu gần rừng trồng cao su bởi vì cây hấp thụ oxi cao, dễ gây hiện tượng hiếm khí. Bên cạnh đó, mủ của cây cao su cũng là một chất lỏng rất độc có thể gây hại với môi trường, đặc biệt là nguồn nước tại những nơi khai thác hoặc gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của bất cứ những ai tham gia khai thác lấy mủ cao su.
Cây cao su cũng khá phổ biến ở Việt Nam, cây được trồng nhiều nhất tại vùng Tây Nguyên với khí hậu, đất đai phù hợp. Cây cao su là mặt hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam, đem lại những giá trị kinh tế cao. Hiện nay, những sản phẩm làm từ cao su rất phổ biến và mủ cao su là nguyên liệu chủ lực để sản xuất nên cao su tự nhiên. Găng tay, lốp xe, đồ chơi…đó đều là những mặt hàng được làm rất nhiều từ cao su, đem lại lợi ích kinh tế cũng như nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho con người. Cho dù cây cao su có một vài những điểm trừ có thể gây hại cho con người, song sản phẩm làm từ nguyên liệu này vẫn đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống con người, đồng thời góp phần vào quá trình phủ xanh đất trống đồi trọc không chỉ ở Việt Nam mà còn ở rất nhiều vùng khác trên thế giới.
Cao su là một loài cây quen thuộc đem lại nhiều giá trị kinh tế cao. Thực trạng lâm tặc khai thác rầm rộ hiện nay yêu cầu một giải pháp kịp thời để có thể bảo vệ loài cây này. Trồng, chăm sóc và khai thác hợp lí cũng là cách hữu hiệu mà mỗi chúng ta cần cân nhắc và kiên trì thực hiện.
Thuyết minh về cây cao su – Mẫu 2
Trong những cây công nghiệp có giá trị kinh tê cao của nước ta, cây cao su chiếm vị thế vô cùng quan trọng.
Cây cao su bắt nguồn từ loài cây ở vùng lưu vực sông Amazon, đến năm 1878,những cây cao su đầu tiên được du nhập vào Việt Nam dưới sự vận chuyển của thực dân Pháp và được ươm trồng ở một vườn ươm riêng, nay được gọi là Thảo Cầm Viên. Đến nay, cây cao su là loài cây được trồng phổ biến ở khắp mọi tỉnh thành trên cả nước, từ vùng duyên hải miền Trung đến vùng núi phía Bắc. Diện tích trồng cao su của nước ta tính đến năm 2017 đã đứng thứ 3 trên toàn thế giới với tổng diện tích là 969.000 ha. Cây cao su thuộc họ Thầu Dầu, thích hợp với môi trường sống ở các vùng khí hậu nhiệt đới ẩm, mưa nhiều. Thân cao thẳng với chiều dài thân từ 15 đến 30 mét, to khoảng 0,5 đến 1 mét. Cao su là loài cây rễ cọc, rễ cắm sâu vào lòng đất để dễ hút nước và chất dinh dưỡng cung cấp cho các bộ phận của cây. Lá cây cao su là lá kép, màu xanh thẫm, cứ đến tháng 12 hàng năm cây sẽ thay lá một lần. Cây cao su là loài cây ra hoa. Hoa cao su không mọc thành khóm hay chùm mà mọc riêng lẻ. Sau khi hoa rụng sẽ kết quả. Quả cao su hình bầu dục hoặc hình cầu, màu xanh nhạt hơn lá một chút.
Hiện nay, người ta nhân giống vô tính cây cao su bằng cách ghép mắt chồi và trồng như một giống phổ biến khắp cả nước. Tùy vào khả năng chăm bón và điều kiện khí hậu, một cây cao su có thể mất 5 đến 6 năm để trưởng thành đến giai đoạn lấy mủ. Tuy thế, thời gian khai thác mủ của một cây cao su kéo dài rất lâu, từ 20 đến 25 năm. Sau khi khai thác triệt để mủ cao su, người ta có thể đem thân cây dùng như gỗ gia dụng hàng ngày. Có nghĩa là, suốt một vòng đời khoảng 30 năm của mình, cây cao su được tận dụng triệt để những công dụng của nó. Dù vẫn có thể được sử dụng với mục đích lấy gỗ với nhu cầu thị trường đang ngày một cao lên, nhưng mủ cao su mới là trọng tâm trong giá trị kinh tế của cây cao su. Mủ cao su được lấy bằng cách cắt nghiêng 32 độ trên vỏ cây, sản phẩm mủ sẽ được chuyển đến các nhà máy và được chế biến thành thành phẩm. Có rất nhiều mặt hàng được làm từ mủ cao su, từ găng tay y tế, băng chuyền đến lốp xe các loại… Chính bởi giá trị kinh tế cao của nó , cao su là loại cây được trồng rất nhiều trên diện tích lớn ở vùng núi nhằm xóa đói giảm nghèo cho người dân vùng sâu vùng xa nước ta. Bên cạnh lợi ích to lớn về kinh tế, việc khai thác cây cao su nói chung và khai thác mủ cao su nói riêng gây ra những ảnh hướng xấu vô cùng đến môi trường. Chất thải, khí thải trong quá trình khai thác và chế biến mủ cao su tác động xấu đến không khí và tầng ozone, thậm chí là chính sức khỏe của những người dân lao động kiếm sống nhờ loài cây này. Chính vấn đề này đòi hỏi chúng ta phải tìm ra giải pháp thích hợp để bảo vệ môi trường và sức khỏe của người dân lao động.
Cùng với tiềm năng kinh tế to lớn cần được khai thác của cây cao su, ta cần tìm ra những giải pháp khắc phục những mặt xấu trong quá trình chế biến chúng, chỉ có thế ta mới có thể biến cây cao su trở thành cây hoàn toàn có ích, không gây hại đến bất cứ phương diện nào của cuộc sống.
Thuyết minh về cây tre
Dàn ý Thuyết minh về cây tre
I. Mở bài:
Giới thiệu khái quát về mối quan hệ và công dụng thiết thực của cây tre với người dân Việt Nam
II. Thân bài:
1. Nguồn gốc:
– Cây tre đã có từ lâu đời, gắn bó với người dân Việt Nam qua hàng nghìn năm lịch sử.
– Tre xuất hiện cùng bản làng trên khắp đất Việt, đồng bằng hay miền núi…
2. Các loại tre:
– Tre có nhiều loại: tre Đồng Nai, nứa, mai, vầu Việt Bắc, trúc Lam Sơn, tre ngút ngàn rừng cả Điện Biên, và cả lũy tre thân thuộc đầu làng…
3. Đặc điểm:
– Tre không kén chọn đất đai, thời tiết, mọc thành từng lũy, khóm bụi
– Ban đầu, tre là một mầm măng nhỏ, yếu ớt; rồi trưởng thành theo thời gian và trở thành cây tre đích thực, cứng cáp, dẻo dai
– Thân tre gầy guộc, hình ống rỗng bên trong, màu xanh lục, đậm dần xuống gốc. Trên thân tre còn có nhiều gai nhọn.
– Lá tre mỏng manh một màu xanh non mơn mởn với những gân lá song song hình lưỡi mác.
– Rễ tre thuộc loại rễ chùm, cằn cỗi nhưng bám rất chắc vào đất -> giúp tre không bị đổ trước những cơn gió dữ.
– Cả đời cây tre chỉ ra hoa một lần và vòng đời của nó sẽ khép lại khi tre “bật ra hoa”…
4. Vai trò và ý nghĩa của cây tre đối với con người Việt Nam:
a. Trong lao động:
– Tre giúp người trăm công nghìn việc, là cánh tay của người nông dân.
– Làm công cụ sản xuất: cối xay tre nặng nề quay.
b. Trong sinh hoạt:
– Bóng tre dang rộng, ôm trọn và tỏa bóng mát cho bản làng, xóm thôn. Trong vòng tay tre, những ngôi nhà trở nên mát mẻ, những chú trâu mới có bóng râm để nhởn nhơ gặm cỏ, người nông dân say nồng giấc ngủ trưa dưới khóm tre xanh…
– Dưới bóng tre, con người giữ gìn nền văn hóa lâu đời, làm ăn, sinh cơ lập nghiệp.
– Tre ăn ở với người đời đời kiếp kiếp:
+ Khi chưa có gạch ngói, bê tông, tre được dùng để làm những ngôi nhà tre vững chãi che nắng che mưa, nuôi sống con người.
+ Tre làm ra những đồ dùng thân thuộc: từ đôi đũa, rổ rá, nong nia cho đến giường, chõng, tủ…
+ Tre gắn với tuổi già: điếu cày tre.
+ Đối với trẻ con ở miền thôn quê thì tre còn có thể làm nên những trò chơi thú vị, bổ ích: đánh chuyền với những que chắt bằng tre, chạy nhảy reo hò theo tiếng sáo vi vút trên chiếc diều cũng được làm bằng tre…
c. Trong chiến đấu:
– Tre là đồng chí…
– Gậy tre, chông tre chống lại sắt thép quân thù.
– Tre xung phong… giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh…
– Tre hi sinh để bảo vệ con người
III – Kết bài:
– Cây tre trở thành biểu tượng của dân tộc Việt Nam. Trong đời sống hiện đại ngày nay, chúng ta vẫn không thể rời xa tre.
Thuyết minh cây tre – Mẫu 1
Có lẽ đối với mỗi người Việt Nam, cây tre đã trở thành một phần của cuộc sống. Đặc biệt với mỗi con người ra đi từ làng quê thì hình ảnh những luỹ tre xanh đã ăn sâu vào tiềm thức, do vậy dù có đi đâu đến nơi đâu họ cũng đều nhớ về luỹ tre xanh như nhớ về kỉ niệm gắn bó, thân thương nhất. Và đó chính là niềm tự hào của họ hàng nhà tre chúng tôi.
Sự gắn bó, gần gũi của họ hàng nhà tre chúng tôi được thể hiện ở chỗ đi bất cứ nơi đâu, đồng bằng hay miền núi thì bạn cũng đều thấy chúng tôi nghiêng mình trên những con đường hay trong những cánh rừng bát ngát. Họ nhà tre chúng tôi rất đông đúc, nào là: Tre Đồng Nai, nứa, mai, vầu Việt Bắc, trúc Lam Sơn, tre ngút ngàn rừng cả Điện Biên, rồi dang, rồi hóp và cả luỹ tre thân thuộc đầu làng…
Khác với các loài cây khác, từ khi mới bắt đầu sinh ra, chúng tôi đã thể hiện sự ngay thẳng, điều đó các bạn có thể thấy ngay khi nhìn những mầm tre mọc thẳng tắp và dù trong bất cứ môi trường nào chúng tôi cũng vẫn vươn lên để sống mạnh mẽ và xanh tốt. Thân tôi gầy guộc hình ống rỗng bên trong,màu xanh lục, đậm dần xuống gốc. Tôi bền bỉ hiên ngang chẳng dễ gì bị ngã dưới các anh mưa chị gió. Vả lại trên thân tôi có rất nhiều rất nhiều gai nhọn như những chiếc kim giúp tôi tự vệ ,bảo vệ cuộc sống của mình trước những bàn tay ác quỷ dám chặt phá tôi một cách vô lí. Lá của tôi mỏng manh một màu xanh non mơn mởn với những hình gân song song trên lá như những chiếc thuyền nan rung rinh theo những cơn gió thoảng. Rễ tôi thuộc loại rễ chùm, gầy guộc và cằn cỗi nhưng bám rất chắc chắn vào đất giúp giữ mình không bị đổ trước những cơn gió dữ.
Vào những ngày khô hạn nóng nực vô cùng. Cả nhà chúng tôi đung đưa theo gió, dang những cành tre che mát cho đàn con – những đàn con thân yêu. Đến thời kì mưa gió bão bùng,chúng tôi kết thành lũy dày kiên cố ra sức chống gió cản mưa. Chính nhờ đặc điểm này mà chúng tôi sống được ở nhiều vùng khí hậu khác nhau, ở những nơi gần nước hay những nơi xa nước. Vì thế mà câu thơ này ra đời:
“Ở đâu tre cũng xanh tươiCho dù đất sỏi đá vôi bạc màu”…
Trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc, chúng tôi luôn cùng con người đấu tranh cho độc lập, tự do. Chẳng thế mà từ lâu, người Việt đã ví chúng tôi với phẩm chất quật khởi của dân tộc ngàn đời.Những ngày đất nước Việt Nam còn sơ khai, chúng tôi đã giúp ông Gióng diệt lũ giặc Ân bạo tàn, đem lại hạnh phúc cho muôn dân. Rồi trong cuộc chiến chống quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, chính chúng tôi đã dìm chết bao tàu chiến của địch khiến cho chúng khiếp sợ phải thua cuộc. Thuở đất nước còn chưa có vũ khí hiện đại như bây giờ, chúng tôi là vũ khí mạnh nhất được dùng để tiêu diệt quân thù. Và trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mĩ, chúng tôi cũng tích cực tham gia kháng chiến bằng cách góp một phần bé nhỏ cơ thể mình để làm ra những cây chông nhọn hoắt sẵn sàng tiêu diệt kẻ thù. Bởi vững vàng trong chiến đấu mà họ mà tre tôi đã được phong danh hiệu anh hùng bất khuất.
Không chỉ trong đánh giặc giữ nước, loài tre nhà chúng tôi còn rất có ích trong cuộc sống hàng ngày. Mỗi khi về thăm một thôn xóm, một bản làng nào bạn cũng sẽ thấy vòng tay của chúng tôi dang rộng, ôm trọn và toả bóng mát cho cho cả dân làng. Trong vòng tay của chúng tôi, những ngôi nhà trở nên mát mẻ, những chú trâu mới có bóng râm để nhởn nhơ gặm cỏ. Những trưa hè, chúng tôi thật hạnh phúc khi được ngắm những khuôn mặt trẻ thơ say nồng giấc ngủ trong tiếng võng kẽo kẹt dưới khóm tre. Hơn thế chúng tôi còn là những vật liệu để bà con dựng nhà, những ngôi nhà được làm từ tre rất mát mẻ và sạch sẽ.
Dưới bóng chúng tôi là cả một nền văn hoá lâu đời đang từng ngày được nâng niu và gìn giữ. Trong đời sống sinh hoạt, chúng tôi còn làm ra những đồ dùng thân thuộc với mỗi người: đó là đôi đũa, là chiếc chõng tre, chiếc giường tre. Đối với mỗi gia đình nông dân, tre tôi là người bạn vô cùng thân thiết. Ngoài ra cây danh, nứa, một trong những họ nhà trẻ còn giúp con người chẻ lạt buộc nhà, nứa giúp cắm sào làm giàn cho bầu bí leo quấn quýt vào nhau. Tre còn gắn với tuổi già, cho họ chiếc ống điếu hút thuốc làm vui.
Đối với trẻ con ở miền thôn quê thì tre còn có thể làm nên những trò chơi thú vị, bổ ích. Dưới những bãi đất rộng, được chúng tôi che hết ánh nắng oi ả của mùa hè, các bạn tha hồ chơi đùa thoả thích. Các bạn nữ còn trò gì thú vị hơn ngồi đánh chuyền với những que chắt bằng tre. Còn các bạn nam lại chạy nhảy reo hò theo tiếng sáo vi vút trên chiếc diều cũng được làm ra từ tre. Những cánh diều đó sẽ đem ước mơ của các bạn về nơi xa.
Tre chúng tôi còn làm nên những tiếng nhạc réo rắt từ những cây sáo tre, sáo trúc, làm vơi đi bao nỗi vất vả nhọc nhằn của người nông dân chân lấm tay bùn.
Ngày nay loài tre của chúng tôi còn vươn xa hơn nữa. Có một giáo sư là Việt Kiều sống ở Pháp đã đưa anh em chúng tôi sang trồng thử trên đất Pháp. Thế mà ở xứ lạ, chúng tôi vẫn sống vững vàng. Ngày sau, dẫu nước mình có hiện đại hơn, loài tre chúng tôi cũng vẫn sẽ ngay thẳng, thuỷ chung và can đảm để tôn lên những đức tính của người hiền – đức tính Việt Nam.
Thuyết minh cây tre – Mẫu 2
Từ bao đời nay, cây tre là người bạn gắn bó và gần gũi với người dân Việt Nam. Tre đã cống hiến tất cả sự sống cho con người nên ta phải yêu quý và bảo vệ cây tre Việt Nam.
Tre là một loại cây khẳng khiu, có nhiều công dụng. Lá tre thường được người miền Nam lấy để gói bánh tro vào dịp lễ giết sâu bọ. Lạt tre dùng để cột bánh. Thân tre được dùng để làm đũa. Các thợ thủ công cũng đã tận dụng thân tre để đan thành giỏ tre, rổ tre. Nhân dân ta thường đong dầu, đong nước mắm khi mua bán bằng ống tre. Thời cách mạng, bộ đội Việt Nam dùng ống tre để đựng nước, nấu cơm. Trong quán ăn ở vùng nông thôn, người ta cũng chẻ thân tre để làm ống tăm cho khách sử dụng sau bữa ăn. Thân tre chẻ nhỏ để nhóm bếp rất đượm lửa.
Tre có một số loại thông dụng như: tre gai, tre xanh, tre ngà, tre rừng… Bên cạnh đó, nó còn có anh em bà con như: lồ ô, trúc, tầm vông… Tre xanh lúc còn sống có màu xanh mượt, đốt dài và bóng nhẵn, đường kính của thân tre trưởng thành khoảng từ 6 – 8 cm. Cao không đến 10 m. Tre gai kích thước ốm và thấp hơn, lá cũng mỏng manh hơn nhưng ở mỗi đốt tre mọc ra rất nhiều nhánh gai, sắc, nông dân thường trồng thành hàng rào chống trộm. Tre ngà là loại tre có thân sọc vàng xen lẫn với sọc xanh rất đẹp. Người ta thường trồng làm cảnh. Tre rừng, mọc hoang trong rừng nên thường không tươi tốt lắm.
Ngược lại, lồ ô là loại tre rừng khổng lồ, bề ngang và bề cao của nó gấp hai, ba lần tre xanh. Nó mọc thành từng bụi, từng hàng như rừng trong vùng đất hoang. Người ta đốn lấy gỗ làm nhà tranh, nhà sàn rất chắc chắn. Lồ ô to lớn bao nhiêu thì trúc lại mảnh mai, yếu ớt bấy nhiêu vì thân rỗng và kích thước nhỏ bé. Có hai loại trúc là trúc xanh và trúc vàng. Gần đây nước ta có nhập thêm một ít trúc kiểng gọi là trúc Nhật. Những cây kiểng này có hình dáng đặc biệt, thân màu vàng óng, lá xanh mượt mà rất được mọi người ưa chuộng, trồng làm cảnh và thường bày ở mái hiên, phòng khách.
Hình ảnh cây tre đã đi vào ca dao, thơ văn và ca từ. Chẳng hạn như:
“Rễ siêng chẳng ngại đất nghèoTre bao nhiêu lá bấy nhiêu cần cùNghiêng mình trong gió tre đuCây kham khổ vẫn hát ru lá cành…”
(NGUYỄN DUY)
Ông bà ta có nhiều kinh nghiệm trong việc lựa chọn tre tốt:
“Trồng tre, trồng trúc, trồng dừaMuốn nên cơ nghiệp thì chừa lang vân”
Người ta còn sử dụng tre già hay tre non vào những việc khác nhau:
“Tháng tám tre non làm nhàTháng năm tre già làm lạt”
Người thợ mộc còn so sánh độ bền của tre như sau:
“Tre già là bà gỗ lim”
Ngoài ra, ông bà ta còn nhìn cây tre để nghe ngóng về thời tiết: “Lá tre trôi lộc, mùa rét xộc đến”. Và từ đó người xưa còn rút ra một quy luật sống của thiên nhiên và con người: “Tre già, măng mọc” tre chẻ ra làm nuộc lạt, trở thành, một thứ không thể thiếu ở nhiều chỗ: khi gói bánh, bó rau hoặc lợp nhà. Ca dao cũng nhắc đến nuộc lạt: “Bao nhiêu nuộc lạt nhớ ông bà bấy nhiêu”.
Ai từng đọc truyện Thánh Gióng hẳn không quên bụi tre Đằng Ngà khi Thánh Gióng nhổ tre đánh tan giặc ngoại xâm: “Chẻ tre nghe Gióng”.
Tre không những đi vào thơ văn mà măng tre còn là một thực phẩm chế biến đa dạng. Các món ăn từ măng tre: măng tươi, măng khô, bún măng vịt, măng xào thịt ba rọi, thịt kho măng, măng luộc chấm mắm tôm, măng chua… Bún măng vịt là món ăn được nấu với vịt non, béo, măng tươi hoặc khô đã được luộc và thay nước nhiều lần, khi ăn người ta cho bún, một ít hành răm và rau sống vào nữa, trở thành một món ăn vừa thơm vừa béo với nước dùng ngọt dịu. Măng tươi đã luộc kĩ, có màu vàng chanh, được sắt miếng xào chung với thịt ba rọi trở thành một món ăn dân dã và rất ngon nếu có thêm một vài lát ớt đỏ thì lại càng hấp dẫn. Thịt heo kho măng cũng là một món ăn “bắt mắt”, nấu nhanh và để được vài ngày, tiết kiệm được thời gian nấu nướng mà khi chan vào chén cơm nóng thì cũng rất ngon miệng. Măng luộc phải chọn măng trúc non, vào mùa mưa. Sau khi luộc nhiều lần, ta sắt mỏng rồi chấm với mắm tôm hoặc nước mắm ngon ăn kèm với cơm như một món rau. Nó sẽ có một vị vừa giòn vừa mát, kèm theo một vị ngọt dịu của măng tươi. Nói tóm lại thì cây tre luôn là người bạn đồng hành và nó đóng góp tất cả lợi ích của bản thân mình cho con người Việt Nam.
Hiện nay cuộc sống ngày càng hiện đại và có nhiều đồ dùng là bằng nhựa, inox xuất hiện. Nhưng người ta vẫn có khuynh hướng quay về với thiên nhiên. Bằng chứng là những bộ salon làm bằng mây và tre rất được ưa chuộng và trở thành một món hàng xuất khẩu đắt giá. Ngày nay, nhiều người đã bỏ trồng lúa hoặc cây khoai, đốn cây tre để có chỗ xây nhà lầu, nhưng nếu một lúc nào đó, nước ta không còn một bóng tre thì đời sống sẽ khó khăn và buồn tẻ biết mấy!
Thuyết minh cây tre – Mẫu 3
Một những loài cây có sự gắn bó lâu đời và mật thiết đời sống, văn hóa của dân tộc Việt Nam phải kể đến là cây tre. Khi nhắc đến cây tre, chúng ta không khỏi tư hào gọi là cây tre Việt Nam như sự thừa nhận, khẳng định cây tre là một phần không thể thiếu được của nước nhà.
Tre thường được thấy ở cổng làng, cổng đình cùng với những hình ảnh như cây đa, giếng nước, sân đình, là một điều không thể thiếu nơi làng quê. Chúng đứng thành bụi, giăng thành hàng, thành lũy. Những lũy tre mọc cao, dày vươn lên như có ý che chắn cả cả một vùng sinh hoạt bên dưới. Dáng tre mọc thẳng, cao, nhìn có vẻ “gầy gò” mà thực chất rất dẻo dai. Rễ tre thuộc loại rễ chùm, gầy guộc và cằn cỗi nhưng bám rất chắc chắn vào đất giúp giữ cây không bị đổ trước những cơn gió dữ. Thân tre tròn, xanh thẫm, nhỏ nhắn nhưng dẻo dai, không dễ gì đổ, gãy. Trên thân có các đốt được phân ra, nhìn kĩ có màu vàng nhạt. Các nhánh tre thường không mọc trên cao mà mọc ngay gần dưới đất, chúng có rất nhiều gai gồ ghề và thường rất nhỏ. Lá dài, thon, nhọn, chỉ bằng nửa lá xoài, nhìn mong manh nhưng không dễ bị úa tàn. Họ nhà tre phải đến cả trăm họ, đông đúc, nào là: Tre Đồng Nai, nứa, mai, vầu Việt Bắc, trúc Lam Sơn, tre ngút ngàn rừng cả Điện Biên,… Dù là họ nào thì từ khi còn là măng tre, đã có dáng mọc thẳng, hiên ngang như vươn lên phía bầu trời không chịu cong bao giờ.
Cấu tạo thì có vẻ đơn giản như vậy nhưng cây tre có rất nhiều công dụng, là một phần rất quan trọng trong đời sống của bà con nông dân. Dân ta xưa kia chưa thể xây nhà gạch, mái ngói, tre trở thành chất liệu lợp mái, lát vách che nắng che mưa cho bao gia đình. Tre còn được tận dụng trong nghề thủ công, đan lát, trở thành những chiếc rổ, chiếc rá xinh xắn, tiện dụng theo các cô, các chị ra chợ, ra đồng. Tre làm cán cuốc, cán cày một nắng hai sương với người nông dân để được những mùa gặt bội thu. Tre gắn bó trở thành những thứ đồ hàng cho tụi trẻ chăn trâu, trở thành cái điếu cày làm bạn tuổi già với các cụ già,… Không chỉ thế, các chị, các mẹ còn trở nên duyên dáng hơn nhiều trong chiếc guốc tre thoải mái. Tre đã trở thành người bạn thân thiết với nông dân ta từ xưa đến nay.
Khi thời bình, tre trở thành những vật dụng thường ngày của người nông dân nhưng vào lúc nước ta gặp nỗi gian truân, tre lại trở thành một vũ khí vô cùng lợi hại của dân ta. Ở đó, “tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín” (Thép Mới). Trong lúc mà dân ta chưa có vũ khí hiện đại, vũ khí sử dụng đều phụ thuộc cả vào thiên nhiên. Tre với tính chất dẻo dai mà cứng rắn đã trở thành một vũ khí vô cùng lợi hại của dân ta. Từ ngày còn bé ta đã được biết đến truyền thuyết về vị anh hùng Thánh Gióng, bẻ tre bên đường, đánh cho quân xâm lược không còn manh giáp. Hay sự kiện lịch sử quan trọng, Ngô Quyền dùng cọc tre và lợi dụng thủy triều đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng vào năm 938, chấm dứt một nghìn năm Bắc thuộc trong lịch sử Việt Nam, mở ra một thời kỳ độc lập tự chủ cho Việt Nam. Đó là minh chứng rất cụ thể cho vai trò to lớn của cây tre trong những trận chiến khốc liệt giành độc lập dân tộc.
Tre cũng mang trong mình những ý nghĩa biểu tượng rất đáng tự hào, tiêu biểu cho những đức tính tốt đẹp của dân tộc. Tre luôn mọc thành lũy, thành hàng chứ không bao giờ mọc một mình, đó là tinh thần đoàn kết, đồng lòng, là một truyền thống quý báu từ bao đời của cha ông. Tre mọc thẳng, mọc cao, không bao giờ mọc nghiêng, cùng sự dẻo dai dễ sống của cây là biểu hiện rõ nhất cho sự kiên cường, bất khuất, giống như những con người Việt Nam dù phải chịu bao nhiêu sương gió, nhọc nhằn hay bị áp bức vẫn không mất đi sự cao quý trong tâm hồn và sự kiên cường trong tính cách. Đó đều là những phẩm chất đáng quý của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam, nên mới nói, nhắc đến cây tre là nhắc đến con người Việt Nam. Bởi vậy, cả dân tộc đều gọi tre là cây tre Việt Nam.
Tre thật đẹp, thật có ích. Tre là biểu tượng không thể phai đổi, không thể mất đi, tre già măng mọc, thế hệ này sẽ tiếp nối nhựa sống của thế hệ kia, sẽ còn mãi đến mai sau. Dù là chiến tranh đã lùi xa, cuộc sống trở nên hiện đại hơn, nhiều loại vật liệu được sinh ra thay thế cho tre nhưng cây tre vẫn mãi giữ một vị trí quan trọng trong tâm hồn người Việt và mãi là tài sản vô giá của cả dân tộc.
Trên mảnh đất Việt Nam của cha ông, tre và người và đã gắn bó, cùng đồng cam cộng khổ, nâng đỡ nhau qua bao năm tháng lịch sử có giá trị to lớn và vĩnh hằng. Hình ảnh cây tre đã trở thành hình ảnh không thể thiếu trong những trang văn hóa bất diệt của dân tộc, là người bạn lớn đáng tôn vinh của cả dân tộc.
Thuyết minh về cây dừa
Dàn ý thuyết minh cây dừa
I. Mở bài: Giới thiệu cây dừa
– Kìa vườn dừa cây cao cây thấp
– Gió quặt quà cành lá xác xơ
– Thương anh em vẫn đợi chờ
Không biết từ bao giờ mà cây dừa đã đi vào thơ ca rất đỗi thân thuộc và trìu mến, cây dừa là một loại cây rất quen thuộc và ý nghĩa đối với cuộc sống của người dân. Cây dừa gắn bó thủy chung son sắt với con người.
II. Thân bài:
1. Nơi phân bố
– Trên thế giới: Dừa thường phân bố ở vùng châu Á, Thái Bình Dương
– Ở Việt Nam: Dừa thường tập trung từ Quảng Ngãi đến Cà Mau nhưng nhiều nhất là ở Bình Định và Bến Tre.
2. Đặc điểm
a. Cấu tạo
– Thân dừa: Cây dừa cao khỏe, có màu nâu sậm, hình trụ và có những nốt vằn trên thân.
– Lá: Lá dài, xanh và có nhiều tàu
– Hoa: Trắng và nhỏ
– Quả: Phát triển từ hoa, bên ngoài màu xanh dày, bên trong có cơm và nước.
– Buồng dừa: Chứa các quả dừa, mỗi buồng thường có 15 quả.
b. Khả năng sinh sống
– Thường sống ở khí hậu nhiệt đới
– Phát triển trên đất pha cát và có khả năng chống chịu tốt
– Dừa cần độ ẩm cao (70-80%+) để có thể phát triển một cách tối ưu
– Phát triển trong khu vực khô cằn
3. Phân loại
– Dừa xiêm: Loại dừa này trái thường nhỏ, có màu xanh, nước dừa rất ngọt, thường dùng để uống.
– Dừa bị: Trái thường to, vỏ màu xanh đậm, thường được dùng trong chế biến thực phẩm
– Dừa nếp: Trái vàng xanh mơn mởn.
– Dừa lửa: Lá đỏ, quả vàng hồng.
– Dừa dâu: Trái rất nhỏ, thường có màu hơi đỏ.
– Dừa dứa: Trái nhỏ, màu xanh, nước ngọt, vì thơm mùi dứa nên gọi là dừa dứa.
– Dừa sáp: Cơm dừa vừa xốp, vừa mềm mại lại dẻo như bột đã được nhào sệt, đồng thời lại có màu vàng đục như sáp, chỉ có ở vùng Cầu Kè (Trà Vinh).
4. Công dụng
– Nước dừa: Thường được dùng làm nước uống, kho cá, nước chấm,….
– Cơm dừa: Làm kẹo, mứt hay làm nước cốt dừa
– Dầu dừa: Nấu ăn, thoa tóc, dưỡng da,….
– Xơ dừa: Dùng làm dây thừng
– Thân dừa: Làm cột nhà, làm cầu bắt qua sông,…
– Hoa dừa: Dùng để trang trí
– Gáo dừa: Dùng để nấu ăn hay vật dụng trong gia đình,….
– Rễ dừa có thể dùng làm thuốc nhuộm, thuốc sát trùng để súc miệng hay chữa trị bệnh lỵ.
– Làm đồ mỹ nghệ
– Dừa có thể một số bệnh như: Khản tiếng, lỵ, giải độc,….
5. Ý nghĩa của cây dừa
– Trong đời sống:
– Trong nghệ thuật:
+ văn học dân gian:
+ văn thơ hiện đại và cận hiện đại
+ âm nhạc
III. Kết bài
Dừa là một người bạn rất hữu ích với người dân quê Việt Nam. Dừa rất có ích cho cuộc sống và tinh thần của người dân.
Thuyết minh cây dừa – Mẫu 1
Dừa là loại cây dễ trồng ở nước ta. Xu hướng dùng hàng thủ công mĩ nghệ từ cây dừa ngày càng được ưa chuộng trên thế giới. Các sản phẩm từ dừa đang có tiềm năng xuất khẩu rất lớn, đem nhiều ngoại tệ về cho đất nước.
Dừa được trồng rải rác khắp các làng quê Nam Bộ, nhiều nhất là ở tỉnh Bến Tre, Bình Định. Tiềm năng sản xuất và xuất khẩu của cây dừa rất lớn, đã hình thành cả công nghệ chế biến: Ngâm tẩm chống mối, tạo dáng, đánh bóng, phủ lớp nhựa chống thấm lên bề mặt sản phẩm.
Xu hướng dùng hàng thủ công mỹ nghệ từ cây dừa: Giỏ xách, dĩa, chén, bình, tách, đũa, khay, hộp. Ở các nước phương Tây ngày càng được ưa chuộng.
Từ dừa có thể làm vô vàn thứ: cọng dừa tước bỏ lá, đan giỏ xách, làm chổi; gáo dừa làm than hoạt tính, làm chén, dĩa, tô, thân dừa lão làm đũa, làm cột nhà, vỏ dừa làm dây buộc. Mùa nắng nước dừa là một thứ giải khát tuyệt chiêu vừa sạch vừa bổ. Cơm dừa già làm nguyên liệu chế biến các món ăn và thức uống, nấu dầu dừa và chế biến xà phòng. Nước ta chê biến được nhiều sản phẩm như: bánh dừa, kẹo dừa, các loại mứt dừa và còn nhiều món ăn truyền thống dân tộc chế biến từ dừa: Bánh tét, chuối nướng.
Đặc biệt, nước dừa được tạo thành sản phẩm thông qua quy trình công nghệ sinh học. Nước dừa nuôi nấm men Saccharomyces tạo ra prô-tê-in đơn bào bổ sung nguồn đạm thực vật dùng cho người. Giấm ăn hoặc các sản phẩm nước uống lên men từ nước dừa như nước giải khát đóng chai, nước dừa có ga. Nước dừa còn chế biến thành rượu có hương vị đặc trưng. Nước cốt dừa tạo sữa dừa đóng hộp, sản phẩm chiết từ cơm dừa nạo chế biến sữa đặc có đường. Gần đây các nhà khoa học còn dùng vi khuẩn tạo ra thạch dừa.
Thạch dừa là đặc sản ăn vừa dai, vừa giòn, góp phần tăng cường các chất xơ giúp cơ thể bài tiết, kích thích tiêu hóa, gây cảm giác khoái khẩu.
Doanh nghiệp Trường Ngân ở Bến Tre đã thành công trong việc tìm được thị trường riêng cho sản phẩm của mình bằng hàng trăm mặt hàng gia dụng như: Giỏ xách đi chợ, giỏ đựng hoa (lẵng hoa) và đựng quà cáp, rổ rá, bình hoa, cùng nhiều chủng loại: Tách, chén, dĩa, khay trà và đồ dùng trang trí nội thất khác như: Voi khỉ, ngựa, gà, và các tranh treo tường.
Sản phẩm dừa của Trường Ngân đã có mặt tại một số cửa hàng lớn ở Đài Loan, Nhật, Mĩ, Ca-na-đa, từ những dụng cụ bếp núc, đồ gia dụng: Hộp đựng hành, tỏi, khay đựng trái cây, bộ bàn ghế nhỏ, đến những dụng cụ văn phòng: Hộp đựng viết, khay đựng giấy tờ, hộp đựng danh thiếp, kệ đựng sách báo, kệ đựng đĩa nhạc CD. Mỗi tháng cơ sở Trường Ngân xuất xưởng ít nhất là 30 sản phẩm từ cây dừa lão, chào hàng khách nước ngoài thu về một khoản tiền lớn.
Thuyết minh cây dừa – Mẫu 2
Dừa không chỉ một loại cây ăn quả, cây cảnh mà còn là loại cây quen thuộc của nhiều làng quê Việt Nam. Cây dừa đã gắn bó với đời sống của người Việt, và trở thành biểu tượng của làng quê, trong đó phải nói đến vùng đất dừa Bến Tre.
Có thể nói, bất kì ở vùng quê nào trên đất nước Việt ta đều thấy thấp thoáng những bóng dừa. Có 2 loại dừa: Dừa cao và dừa lùn. Dừa lùn thường trồng để làm cảnh, loại dừa cao được phân ra thành các loại dừa như: Dừa xiêm, dừa bị, dừa nếp, dừa lửa, dừa dâu, dừa dứa, dừa sáp.
Các bộ phận của cây dừa gồm: Thân, lá, hoa, buồng, trái. Thân dừa cao khoảng 20 – 25m, trên thân dừa có những đốt như hổ vằn, thường có màu nâu sậm, đường kính khoảng 45 cm. Với những loại dừa cảnh, thân dừa thường có màu xanh, nhiều đốt, đốt trên cùng là nơi xuất phát những phiến lá ôm lấy thân rồi tỏa ra. Lá dừa to, có màu xanh, gồm nhiều tàu, khi già lá sẽ vàng dần rồi héo và có màu hơi nâu. Hoa dừa có màu trắng, nhỏ, kết thành chùm.
Cây dừa ra hoa rồi kết trái, quả dừa có lớp vỏ dày bên ngoài. Bên trong mỗi lớp vỏ cứng là cùi dừa và nước dừa. Cây dừa có rất nhiều quả, quả của chúng kết thành buồng, mỗi cây có rất nhiều buồng và mỗi buồng dừa có nhiều quả, trung bình mỗi buồng từ 5 đến 10 trái dừa, có loại trên 20 trái.
Dừa không phải chỉ để ăn quả mà các bộ phận của nó được dùng vào rất nhiều việc. Nhiều người đã dùng thân dừa để bắc ngang con mương nhỏ làm cầu. Do thân dừa rất chắc nên người ta đã dùng nó làm cột, làm kèo xây nhà, hoặc sáng tạo ra các mặt hàng thủ công mỹ nghệ khác hoặc làm chén đũa. Bông dừa tươi được dùng làm vật trang trí rất đẹp mắt. Đọt dừa non có thể làm gỏi, lăn bột, xào rất thích hợp với người ăn chay. Có một món ăn đặc biệt mà nhiều người không biết đó là con sâu sống trên cây dừa (còn gọi là đuông dừa. Do ăn đọt dừa non nên đuông dừa béo múp míp nên được chế biến thành nhiều món ăn khoái khẩu và bổ dưỡng.
Trái dừa luôn được coi là phần giá trị nhất trên cây dừa. Trái dừa non được cắt ra lấy nước uống, là loại nước giải khát thơm ngon. Ngoài ra nước dừa dùng để kho cá, kho thịt, thắng nước màu. Phần cùi dừa dùng để làm mứt, cơm dừa dày được xay nhuyễn, vắt nước cốt làm kẹo dừa, nấu dầu dừa, làm xà phòng. Bã dừa dùng làm bánh dầu, để bón phân hoặc làm thức ăn cho gia súc. Phần vỏ cứng của trái dừa được sử dụng làm than hoạt tính, chất đốt hoặc làm các mặt hàng thủ công mỹ nghệ rất được ưa chuộng ở các nước phương Tây. Xơ dừa được đánh tơi ra dùng làm thảm, làm nệm, làm dép đặc trị cho những người bệnh thấp khớp hoặc bện làm dây thừng, lưới bọc các bờ kè chống sạt lở ven sông. Lá dừa có thể dùng để lợp nhà, làm phên liếp, chằm nón, mà còn là chất đốt thường dùng để đun nấu phổ biến ở thôn quê, lá dừa khô bó lại làm đuốc để đi trong đêm tối trời.
Có thể thấy cây dừa không chỉ mang lại cảnh đẹp cho cuộc sống thêm phần tươi đẹp, cho con người những món ăn thơm ngon bổ dưỡng mà nó còn có rất nhiều công dụng với đời sống của con người. Cây dừa cũng trở thành biểu tượng của người dân Việt Nam bởi sự kiên cường bất khuất, giám đối mặt với mọi gian nan để vươn cao, vươn xa hơn
Thuyết minh về cây bàng
Dàn ý thuyết minh cây bàng
1. Mở bài
– Giới thiệu khái quát về cây bàng
2. Thân bài
– Nguồn gốc: có từ rất lâu đời
– Phân loại: Bàng đào và bàng thường
– Đặc điểm
+ Sống ở mọi nơi
+ Thân cây thường to
+ Vỏ cây xù xì, có màu nâu
+ Có rất nhiều càng. mỗi càng lại có từng tán lá
+ lá cây có các phiến để cung cấp chất dinh dưỡng
+ Rễ cây to, dài, ngoằn ngoèo
+ Quả bàng xanh, chín
– Tác dụng: che bóng mát
3. Kết bài
– Thái độ của bản thân
Thuyết minh cây bàng – Mẫu 1
Dù đã đi ngược về xuôi, vào Nam ra Bắc, nhưng tôi chưa từng nhìn thấy một cây bàng nào từng trải và to lớn như cây bàng phố tôi. Thân nó to, phải hai, ba vòng tay người lớn mới ôm xuể. Còn tán nó rộng, che kín cả một cái sân lớn diện tích cả trăm mét vuông. Sinh thời bác tôi bảo: Cây bàng lớn này dễ thương đã sống cả trăm năm, đáng được gọi là cây bàng cổ thụ.
Tuổi thơ tôi gắn bó với cây bàng cổ thụ. Tôi nhớ những lần trốn nắng, trú mưa trong sự chở che hào phóng của tán bàng, những lần thưởng thức mùi vị ngọt chát hấp dẫn của quả bàng chín, những lần nhấm nháp vị bùi bùi khó tả của nhân quả bàng và nhớ cả những lần đi bắt ve, những lần chơi trốn tìm hớ hênh quanh gốc bàng. Tất cả cho tôi hình dung về một khái niệm bàng của riêng đám trẻ phố tôi.
Tôi thích nhất là vào tiết rét lộc vào cữ tháng 2 âm lịch, theo cách phân chia mùa đông của các cụ nhà ta: Tháng giêng rét đài, tháng hai rét lộc, tháng ba cộc rét. Vào thời điểm ấy, những lộc bàng râm ran như thể đang mời mọc nhau, mời gọi nhau mọc, mời gọi nhau lớn cho kịp phủ kín cành vào đầu mùa hạ. có thể nói: Lá bàng (cũng giống như một số cây khác thuộc họ nhà xoan) có biểu hiện rõ nhất về sự chuyển mùa, nếu như có một ai đó chịu khó quan sát sự phát triển và tàn lụi lẫn sự đổi thay màu lá của nó. Có lẽ vì thế mà từ bao đời nay, đám trẻ hay lưu luyến mấy câu trong lời một vài bài hát: Mùa đông lá đỏ, mùa hạ lá xanh…như một điệp khúc chào đón mùa hè quay trở lại (sau này tôi mới biết đây là phần mở đầu trong ca từ một ca khúc của nhạc sĩ Hoàng Vân viết cho thiếu nhi vào những năm 60, 70 của thế kỷ trước). Có một nhà thơ, trong khi nhìn ngắm mùa đông, nhìn ngắm màu đỏ của lá bàng mà đã viết được một bài thơ thật xúc động: Vẫn gió bấc căm căm/ Vãn mơ hồ mưa bụi/ Vẫn những lá bàng uốn cong mình mà cháy/ Đỏ như khi phải từ biệt bầu trời/ Anh chẳng biết thế nào để yêu em thêm nữa/ Khi mùa đông tới gần….
Nhưng đến bây giờ thì cây bàng cổ thụ ấy không còn nữa. Vì lấy đất dành cho sự mưu sinh, người ta đã triệt hạ nó. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về đứng trên mảnh đất từng gắn bó với cây bàng cổ thụ mà lòng không khỏi xót xa, tiếc nuối. Trong lòng tôi tự dưng thấy trống trải thiếu thốn…
Bây giờ, cứ mỗi khi nhìn thấy lá bàng đỏ rực lên sau khi hoàn tất chức phận của mình, để mà rụng về gốc, trong buổi giao mùa, tôi lại nao nao nhớ cây bàng cổ thụ. Cũng phải, vì nó là một phần kỷ niệm không thể thiếu trong khoảng trời thơ ấu và đáng nhớ của chúng tôi.
Thuyết minh cây bàng – Mẫu 2
Không biết tự bao giờ, cây bàng trước cửa lớp đã trở nên vô cùng thân thương đối với tôi. Tôi đã ngắm cây bàng ấy trong suốt cả bốn mùa. Mùa nào, bàng cũng có một vẻ đẹp riêng. Không biết có phải thế không hay do tình yêu tôi dành cho loài cây này mà tôi thấy bàng mùa nào cũng đẹp.
Khi những tiếng ve đầu tiên bắt đầu ngân lên báo hiệu mùa hè đến, cũng là lúc dòng nhựa chảy trong bàng mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Dòng nhựa ấy tiếp sức để những chiếc lá bàng mới ngày nào còn bé bỏng non nớt, giờ đã xanh ngắt xòe ra to. Thì ra, bàng đã phải làm việc siêng năng suốt ba mùa để bây giờ xòe tán xanh che mát cho chúng tôi. Bàng cũng thật hào phòng khi thỉnh thoảng nhờ chị gió gửi cho mấy chiếc lá để làm quạt. Cũng chính lúc này, bàng nở những chùm hoa trắng muốt, nhỏ li ti. Mỗi làn gió nhè nhẹ thoảng qua là có cả thảm hoa bàng lại trải đều quanh gốc, vương đầy trên mái tóc dài Óng ả của các nữ sinh. Bàng đẹp và bọn con gái chúng tôi hình như cũng đẹp hơn khi điểm hoa bàng trên tóc.
Sau ba tháng hè xa cách các bạn học sinh, bàng rạng rỡ hẳn lên khi thu về. Nắng thu vàng dịu ngọt xuyên qua từng mặt lá làm gương mặt bàng sáng bóng lên. Ai thấy mình đẹp mà chẳng vui, Bàng vui vì thấy mình đẹp. Mà hình như còn được nghe lại tiếng nói, tiếng cười xôn xao của các bạn học trò tinh nghịch, dễ thương. Bàng xôn xao cùng chúng tôi trong mỗi ngày học mới, bàng chia sẻ cùng chúng tôi bao buồn vui của tuổi học trò. Còn nhớ, một lần không làm bài tập, thầy giáo đã phạt tôi thật nặng. Tôi buồn quá, giờ chơi lân la đến gốc bàng. Bất ngờ, bàng gửi tặng tôi một trận mưa hoa. Cảm xúc trào dâng, tôi viết liền một bài thơ. Ai có ngờ đâu, bài thơ ấy trong cuộc thi sáng tác trẻ lại giành ,cho tôi giải A. Tôi lại thầm cảm ơn bàng. Nhờ có bàng mà tôi hiểu rằng cuộc sống thật là một chuỗi những buồn vui như thế!
Thu qua, đông lại. Mùa đông lá bàng chuyển màu sẫm nâu. Rồi một buổi sáng tôi thấy cây bàng rực lên màu đỏ như lửa. Ngọn lửa khổng lồ ấy cháy đỏ suốt mấy tuần. Tôi đứng dưới gốc bàng, thấy mình sưởi ấm. Có lẽ cây bàng đã tự đốt mình để chống lại giá rét mùa đông? Rồi gió bấc thổi qua, những chiếc lá màu lửa rụng xuống. Sau khi cởi bỏ tấm áo rực rỡ của mình, bàng chỉ còn lại tấm thân sần sùi với những cành khẳng khiu đứng trơ trọi giữa gió mưa. Bàng thu mình ngủ ngon lành trong tiếng ru của gió. Cây bàng cứ đứng vậy chống đỡ cả mùa đông. Để xuân về, bàng lại vươn mình bừng dậy…
Mùa xuân về, thời tiết trở nên ấm áp, và cây bàng nhú ra muôn vạn lộc non. Hầu như suốt mùa đông, cây bàng đã giấu trong nó tiềm tàng màu xanh non của sự sống. Cây bàng đón xuân nhiệt thành, say đắm. Có lẽ, nó hiểu rằng nó cũng phải góp chút ít tinh túy của mình để làm nên sức dào dạt của đất trời.
Tôi lặng đi khi nghĩ đến ngày mai phải chia tay mái trường, phải chia tay cả bàng nữa. Còn bây giờ, tôi và bàng vẫn cứ là bạn thân. Sớm nay, trời thật đẹp. Bàng vẫn đang giơ tay đón chào tôi đến lớp. Tôi yêu bàng nhiều lắm, nhiều lắm.
Thuyết minh về cây chuối
Dàn ý Thuyết minh cây chuối
I. Mở bài: Giới thiệu về cây chuối
– Cây chuối là một loại cây rất phổ biến ở Việt Nam. Đi khắp vùng quê trên đất nước đều thấy chuối một loại cây mang lại một cảm giác thân thiện và dân dã.
II. Thân bài
1. Đặc điểm
a. Hình dạng
– Cây chuối thân mềm, hình trụ, tán lá dài mỏng, xanh và mượt.
– Gốc chuối tròn, rễ chùm ăn sâu dưới đất, và rễ lớn dần theo thời gian.
– Buồng chuối: Tùy theo mỗi cây mà buồng chuối to nhỏ khác nhau, có những cây chuối trăm quả, nghìn quả và có cả những buồng chuối dài đến tận gốc.
– Cây chuối rất ưa ẩm nên thường sống bên cạnh ao hồ, hay sông suối
– Chuối phát triển rất nhanh và mọc thành từng khóm, từng bụi chen chúc.
b. Nơi sinh sống
– Cây chuối từng sống nơi ẩm ướt, nên thường mọc bên sông, suối, ao hồ.
– Cây chuối thích nghi với môi trường nhiệt đới
– Chuối thường không bám chặt trên đất nên thường rất dễ ngã
2. Các loại chuối
– Chuối sứ: Chuối sứ to tròn, chín màu vàng tươi
– Chuối ngự: Chuối ngự to, thơm và ngon
– Chuối cau: Nhỏ như quả cau, vàng tươi khi chín
– Chuối tiêu: Nhỏ vừa, chín rất ngọt và thơm
– Chuối lùn: Quả to dài, thơm và ngon
– Chuối hột: Quả to, bên trong hạt chi chít như hạt tiêu
– Chuối kiểng: Là cây không trái
3. Công dụng
– Tất cả bộ phận của cây chuối có thể sử dụng được
+ Lá: Gói bánh, làm thức ăn cho thực vật,…
+ Thân: Thức ăn
+ Quả: Thức ăn
+ Gốc: Thức ăn
– Chuối góp phần tạo nên các món ăn ngon
– Quả chuối là một thực phẩm bổ dưỡng và bổ ích
– Chuối có thể chữa bệnh
– Làm mặt nạ dưỡng da
4. Ý nghĩa của cây chuối
– Trong thơ ca: Chuối đi vào thơ ca một cách thân thuộc và dân dã
– Trong thi ca: Trong các bức họa đồng quê bên cạnh các con sông luôn gắn với cây chuối
– Cây chuối rất hữu ích với người dân
III. Kết bài: Nêu cảm nghĩ về cây chuối
– Cây chuối là một loại cây thân thuộc và gắn bó với người dân Việt Nam. Bên cạnh tre, nứa thì chuối cũng một hình ảnh dân dã, thể hiện sự bất khuất của người dân.
Thuyết minh cây chuối – Mẫu 1
Nhắc đến Việt Nam là không thể không nhắc đến nhắc đến hình ảnh cây chuối. Chuối là một loài cây rất mực thân quen và gần gũi trong đời sống con người. Từ khắp mọi nẻo đường, đâu đâu ta cũng có thể bắt gặp hình ảnh tàu lá chuối xanh tốt. Cây chuối đóng góp một vai trò quan trọng trong đời sống nhân dân.
Cây chuối thuộc họ chuối, là một loại cây ăn trái vốn được thuần hóa từ lâu đời. Cây chuối có nguồn gốc từ Đông Nam Á. Đến nay, người ta ước tính có khoảng 300 giống chuối được trồng và sử dụng trên khắp thế giới. Cây chuối ở Việt Nam có nguồn gốc từ giống chuối hoang dại. Cây chuối được trồng nhiều ở nông thôn và rất ưa nước nên người ta thường trồng bên ao hồ, ở rừng, ở những khe suối hay thung lũng. Chuối được phân thành nhiều loại. Về cơ bản có chuối ăn quả, chuối lấy lá. Ở Việt Nam có một số loại chuối phổ biến như chuối tiêu, chuối tây, chuối ngự, chuối ngự, chuối sứ, chuối bom, chuối quạ,…Một số loại chuối nhập khẩu từ nước ngoài như chuối Laba (Pháp), chuối Dacca (Trung Mỹ)…
Chuối là loại cây có thân ngầm. Phần thân chính nằm dưới đất gọi là củ chuối. Phía trên chỉ là một thân giả mọc thẳng đứng và tròn, được tạo thành từ nhiều lớp bẹ xếp khít vào nhau, bên trong hơi xốp, bề mặt trơn bóng và nhẵn. Lá chuối mọc thành từng tàu, to bản. Ban đầu, những chiếc nõn chuối còn xanh non, sau đó lá xòe ra có màu xanh đậm hơn. Khi già, lá ngả dần về màu vàng đất, rũ xuống để nhường chỗ cho là tươi mới. Khi cây chuối trưởng thành, nó bắt đầu trổ buồng. Mỗi cây chuối đều có một buồng, mỗi buồng gồm nhiều nải mỗi nải có nhiều quả. Buồng chuối mọc từ hoa từ thân ra. Giữa tán lá xanh mát, hoa chuối như ngọn lửa hồng chiếu sáng cả vòm lá xanh. Nhiều hoa chuối có thể lên đến gần 20 nghìn cái. Hoa sắp thành hai hàng theo kiểu xoắn tạo thành nải chuối. Sau đó những chiếc bẹ rụng dần là lúc những nải chuối con xuất hiện. Khi chuối còn xanh thì có màu xanh đậm còn khi chín thì ngả sang màu vàng.
Trong đời sống nhân dân Việt Nam, chuối là một loại cây hữu dụng từ thân, lá đến hoa, quả. Quả chuối cung cấp hàm lượng đường cần thiết cho cơ thể hoạt động. Chuối ăn dễ tiêu hóa, vừa sáng mắt lại tốt cho da, làm cho làn da luôn sáng mịn. Thân chuối có thể làm thức ăn cho trâu, bò, lợn rất tốt. Thân chuối non cùng củ chuối có thể thái ra ăn kèm với ốc, lươn để khử tanh rất tốt, lại có thể làm cho món ăn thêm ngon, thêm đa dạng. Lá chuối có thể dùng để gói bánh, gói xôi,.. lá chuối khô có thể làm chất đốt. Người ta có thể dùng hoa chuối đã nở hết buồng để làm nộm hoặc để luộc. Chuối là thức quả để thắp hương trong các ngày lễ, tết. Trong ngày rằm hoặc mùng một, người ta dùng chuối chín. Chuối là loại quả không thể thiếu trong mâm ngũ quả ngày Tết.
Chuối là loại cây khá dễ sống ưa đất phù sa, đất bãi ven sông. Quá trình sinh trưởng của một cây chuối không dài khoảng một năm. Mỗi cây chuối chỉ một lần trổ buồng, sau khi thu hoạch người ta chặt cây đào gốc lên để cho cây con phát triển.một cây chuối mẹ có thể đẻ nhiều cây chuối con rồi đẻ nhiều cây chuối cháu,sinh trưởng rất nhanh. Vì dễ trồng lại nhanh cho quả nên chuối được người nông dân ưa chuộng. Nếu không may chuối bị sâu có thể cắt bỏ lá sâu, bắt sâu. Nếu chuối ra buồng cần phải chống cho cây khỏi đổ. Khi thu hoạch cần phải nhẹ nhàng tránh rơi gãy.
Bên cạnh những loại cây gần gũi như trầu, cau, dừa,… thì chuối còn tượng trưng cho sự bình dị, thanh bình của làng quê. Cây chuối có từ ngàn đời. Nó dâng hiến tất cả những gì đẹp đẽ nhất của mình cho con người. Cây chuối là nét đẹp thanh bình của thiên nhiên, của đất mẹ, của nông thôn Việt Nam.
Thuyết minh cây chuối – Mẫu 2
Thiên nhiên tạo hóa đã ưu ái ban tặng cho con người nhiều loại trái cây thơm ngon. Biết bao loại cây, mỗi loại lại có một dáng vẻ, một công dụng khác nhau. Chuối là một loài cây đã vô cùng quen thuộc, gần gũi với làng quê. Đi khắp đất nước Việt Nam, đâu đâu ta cũng có thể bắt gặp hình ảnh những cây chuối, bụi chuối xanh tốt vươn lên từ bờ ao, bờ sông.
Chuối là loại cây có quả được ăn rộng rãi nhất. Nguồn gốc của cây chuối là từ vùng nhiệt đới ở Đông Nam Á và Úc. Ngày nay, nó đã được trồng khắp vùng nhiệt đới. Chuối có mặt ở ít nhất 107 quốc gia. Quả của những cây chuối dại có nhiều hột lớn và cứng. Nhưng hầu hết loại chuối để ăn đều thiếu hột vì đã được thuần hóa lâu đời.
Chuối thường được trồng nhiều ở nông thôn và miền núi. Vì là loài ưa nước nên nó thường mọc ở bên bờ sông, bờ suối. Thân chuối thẳng, nhẵn bóng như cái cột nhà. Thân chuối do nhiều bẹ chuối ôm lấy nhau tạo thành. Bẹ ở ngoài thường có màu đậm hơn, bẹ nằm chính giữa thì có màu trắng. Thân chính này là một thân giả của chuối. Nõn chuối màu xanh non, có hình dạng giống cuốn thư thời xưa. Cây chuối có rất nhiều tàu lá, lá chuối to như tấm phản, gân lá to chạy dọc phiến lá. Lúc lá chuối còn tươi thì có màu xanh nhạt, lúc già thì rũ xuống thân cây, chuyển thành màu nâu. Hoa chuối lúc mới ra thì hướng thẳng lên trời, sau quay sang ngang rồi đâm xuống đất. Sau khi hoa chuối già, bẹ ở ngoài rụng hết thì bắt đầu phát triển thành quả. Một buồng chuối có nhiều nải chuối, thường là 10 nải. Những buồng chuối có khi dài từ đỉnh xuống tận gốc, trĩu nặng cả thân cây. Quả chuối màu xanh lúc còn non, khi chín chuyển thành vàng, trông như vầng trăng lưỡi liềm.
Chuối có rất nhiều công dụng, hầu như bộ phận nào của cây cũng không cần bỏ đi. Quả chuối chín thơm ngon, bổ dưỡng được nhiều người ưa chuộng. Ăn chuối còn có tác dụng làm đẹp cho da. Quả chuối xanh ăn kèm với thịt luộc và thường được nấu kèm với cá, ốc, trai…, vừa khử tanh vừa làm cho món ăn thêm đa dạng. Lá chuối tươi dùng để gói quà, gói bánh. Lá chuối khô có thể làm chất đốt hoặc dây buộc. Củ chuối, hoa chuối thì nấu canh hoặc làm món nộm, salad. Thân chuối thái nhỏ làm thức ăn cho gia súc, gia cầm. Hạt chuối có thể làm một vị thuốc tốt trong Đông y. Chuối có một vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng của người Việt. Vào ngày Tết, trên mâm ngũ quả của mỗi gia đình không thể thiếu một nải chuối để cúng tổ tiên. Chuối vốn dĩ chỉ trồng để ăn quả nhưng hiện nay nó còn được dùng để trang trí trong nhà. Tàu lá rộng, xanh mướt của chuối tạo cảnh quan đẹp mắt, mang lại cảm giác tươi mới, êm đềm, tin cậy tượng trưng cho tình yêu của mẹ thiên nhiên. Những năm tháng chiến tranh đói ăn, đói mặc, chuối là nguồn thực phẩm dồi dào đã cứu sống không biết bao nhiêu mạng người.
Chuối cũng khá phong phú, đa dạng về chủng loại. Một số loại chuối tiêu biểu như: chuối ta quả dài như lưỡi liềm, chuối tây quả tròn và ngắn hơn, chuối hột, chuối mật, chuối trứng cuốc. Chuối ngự quả ngắn nhưng ruột vàng và có vị rất thơm ngon. Khi xưa, chuối ngự là món ăn hoàng gia, chỉ có vua chúa mới được thưởng thức. Chuối ngự chính là đặc sản của cùng Hòa Hậu, Lí Nhân, Hà Nam
Cây chuối mọc thành từng bụi và được trồng bằng cách tách rời thân non đem trồng thành bụi mới. Ta nên trồng chuối ở nơi gần nguồn nước như ao, hồ để tiện tưới tắm. Chuối là loại cây dễ trồng và phát triển khá nhanh nên không cần tốn công chăm sóc.Nguyễn Trãi đã từng làm bốn câu thơ về cây chuối, gọi là “Ba tiêu” :
“Tự bén hơi xuân, tốt lại thêmĐầy buồng lạ, màu thâu đêmTình thư một bức phong còn kín,Gió nơi đâu gượng mở xem”
Trải qua bao nhiêu năm nữa, chuối vẫn sẽ có một ý nghĩa đặc biệt trong đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân Việt Nam.
Thuyết minh về cây vải ở quê em
Dàn ý thuyết minh cây vải
1. Mở bài: Giới thiệu đối tượng cần thuyết minh (cây vải).
2. Thân bài:
– Nguồn gốc:
+ Là một loài thực vật có hoa thuộc họ Bồ hòn
+ Có nguồn gốc miền Nam Trung Quốc.
– Đặc điểm:
+ Cây cao khoảng 5-10 m.
+ Lá có hình lông chim mọc so le, không có lá chét.
+ Hoa màu trắng ánh xanh lục mộc thành các chùy.
+ Quả vải khi chín đỏ rực, thơm ngào ngạt.
+ Cùi vải dày, giòn và thơm, thường có nước mọng rất dễ ăn.
– Công dụng:
+ Vải dùng để ăn tráng miệng.
+ Làm chè, kẹo vải hay bánh có hương vải.
+ Vải khô dùng để xuất khẩu trong và ngoài nước.
– Cách chăm sóc:
Cần cung cấp đủ nước, nhiệt độ, ánh sáng và lượng phân đạm cần thiết.
3. Kết bài: Khẳng định vai trò cây vải.
Thuyết minh cây vải – Mẫu 1
Hẳn mùa hè không thể thiếu hương vị của những trái vải ngọt lịm, đậm đà làm ngọt và say trái tim hồng của mỗi người đúng không nào. Cây vải là một cây ăn quả đã rất gần gũi và thân quen với người dân Việt Nam. Hôm nay chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về nó nhé.
Vải được trồng nhiều tại miền nam Trung Quốc cũng như ở khu vực Đông Nam Á, Ấn Độ, miền nam Nhật Bản và gần đây là tại Florida và Hawaii (Hoa Kỳ) cũng như các khu vực ẩm ướt thuộc miền đông Australia. Cây vải với người dân Việt ta là một trong những loại cây ăn quả được ưa chuộng rộng rãi và rất dễ phù hợp khẩu vị của đại đa số người tiêu dùng. Cây vải thường cao khoảng 5-10 m, có thể hơn tùy thuộc vào từng loại vải, từng giống cây và cách chăm bón khác nhau mà cho ra những cây có chất lượng không giống nhau. Thân cây vải màu nâu, xù xì và khá thô ráp. Lá vải giống lông chim, mọc so le với nhau, không có lá chét con. Hao vải màu trắng nhỏ li ti, mùi thơm nồng gần giống như hoa nhãn. Quả vải khi chín có màu đỏ sẫm ở vỏ, bên trong là lớp cùi dày, căng mọng đậm đà rất dễ làm mê đắm lòng người. Quả vải đã từng được Lê Quý Đôn khen ngợi: “Quả vải vừa ngon, vừa đẹp, cổ nhân đã ngợi khen: mã ngoài như lụa hồng, tơ tía, thịt vải như thủy tinh, như giáng tuyết. Bạch Lạc Thiên, Thái Quân Mô đều đã ngợi khen trong các sách đồ phả, tự ký. Nước Nam nhiều vải nhất, nhất là vải sản xuất ở xã An Nhân, huyện Đường Hào là thật ngon: vừa ngọt, vừa thơm, không thể nói hết được…”
Vải cần có khí hậu nóng vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới không có sương giá hoặc chỉ có mùa đông rét nhẹ với nhiệt độ không xuống dưới -4 °C và với mùa hè nóng bức, nhiều mưa và độ ẩm cao. Nó phát triển tốt trên các loại đất thoát nước tốt, hơi chua và giàu chất hữu cơ (mùn). Có nhiều giống cây trồng, với các giống chín sớm thích hợp với khí hậu nóng hơn còn các giống chín muộn thích hợp với khí hậu mát hơn. Ở một vài nơi người ta còn trồng vải làm cây cảnh. Giống vải được ưa chuộng nhất ở Việt Nam là vải thiều trồng tại khu vực huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Tuy nhiên, vải được trồng nhiều nhất ở huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Quả vải tại vùng Thanh Hà (Hải Dương) thông thường có hương vị thơm và ngọt hơn vải được trồng ở các khu vực khác (mặc dù cũng lấy giống từ đây). Một giống vải khác chín sớm hơn, có tên gọi dân gian là “vải tu hú”, có hạt to hơn và vị chua hơn so với vải thiều. Nguyên do có tên gọi như vậy có lẽ là vì gắn liền với sự trở lại của một loài chim di cư là chim tu hú. Vải ra hoa vào tháng 3 dương lịch và chín vào tháng 6. Thời điểm vải chín rộ thường bắt đầu từ giữa tháng 6 tới giữa tháng 7. Khoảng thời gian thu hoạch vải thiều thường ngắn, khoảng 2 tuần.
Cây vải có rất nhiều công dụng. vải tươi dùng để ăn trực tiếp, có thể làm món tráng miệng, làm các loại bánh kem, kẹo ngọt hay bánh tươi hương vải mùi vị rất thơm và ngọt. Ngoài ra, ngày càng phát triển, các sản phẩm đa dạng của vải cũng được ứng dụng nhiều trong sản xuất, phong phú hơn cho người tiêu dùng như vải sấy khô, ướp lạnh, tẩm gia vị rất hấp dẫn. Tuy nhiên giống vải thiều vẫn nổi tiếng nhất ở nước ta bởi chất lượng của nó, cùi dày chín mọng và ngọt lịm.
Cây vải cũng cần có quy trình chăm sóc đạt chuẩn để cây phát triển bình thường. Cây vải có thể trồng trên nhiều loại đất như đất đỏ, đất vàng, đất cát pha, đất phù sa, đất thịt. Yêu cầu quan trọng nhất của đất trồng vải là phải thoát nước, tầng đất dày. Trước khi trồng nên bón lót với phân chuồng mục, vôi rồi phơi ải khoảng 15-20 ngày nhằm loại trừ các mầm bệnh gây hại cho cây. Cần cung cấp đủ nước cho cây vải nhất là trong mùa khô, khi trái đang lớn và lúc quả sắp chín. Phủ cỏ, rác, phân xanh xung quanh gốc cây để tránh cỏ dại. Mỗi năm làm cỏ khoảng 2 lần vào vụ Xuân tháng (tháng 1-2) và vụ Thu. Hàng năm bón phân khoảng 4 đợt cho cây vải. Với những đặc điểm này hi vọng rằng bạn sẽ trồng cây vải của mình thật tốt nhé.
Cây vải đã trở thành loài cây thân thuộc và gần gũi với hương vị của nó vào mùa hè trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Hi vọng rằng cây vải sẽ ngày càng được phát triển ở cả thị trường tiêu dùng trong và ngoài nước.
Thuyết minh cây vải – Mẫu 2
Nếu như đặc trưng của mùa xuân là mưa phùn se lạnh, hoa đào hoa mai khoe sắc, thì dấu ấn riêng của mùa hè lại là hương vị thơm mát ngọt lành của hoa trái. Đó là hoa phượng đỏ rực một góc trời, là bằng lăng tím bâng khuâng cùng tà áo trắng, là cái ngọt thanh của dưa hấu hay ngọt bùi của khoai lang. Mùa hè còn là mùa của vải thiều-thứ vải chín từ cái nắng chang chang của khí hậu nhiệt đới đã trở thành một thứ đặc sản không thể thiếu của mảnh đất Việt Nam.
Vải là thứ cây thân gỗ, thuộc họ Bồ Hòn, có nguồn gốc từ miền Nam của Trung Quốc. Du nhập về Việt Nam, vải được trồng nhiều ở huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương hay Huyện Lục Ngạn tỉnh Bắc Giang. Trung bình một cây vải cao từ 5 đến 10 mét. Tán vải xum xuê xanh mướt, bao phủ quanh gốc cây. Lá vải có hình lông chim, hai phiến lá hơi cụp lại từ gân chính, được xếp so le trên từng nhánh cành. Hoa vải có màu trắng xanh nhạt, mọc thành từng chùm, nổi bật giữa muôn vàn tán lá. Dưới cái nắng gay gắt, rực rỡ của mùa hạ, từng chùm hoa dần trở thành những chùm quả sai trĩu. Quả vải còn non có màu xanh lá mạ, vỏ sần. Khi vải chín thì chuyển dần sang đỏ thẫm, vỏ cũng trở nên nhẵn hơn. Hạt vải có màu đen tuyền, được bao phủ bởi một lớp cùi trắng mịn, mọng nước. Vải chín có vị ngọt rất riêng
Bởi vẻ thanh mát, ngọt lành, vải hấp dẫn từ cụ già đến em nhỏ. Sau mỗi bữa ăn, vải được dùng làm đồ tráng miệng. Vào những ngày hè oi ả, vải ướp lạnh như một thức quà để giải khát. Khi tách riêng hạt còn có thể kết hợp với hạt sen để nấu thành chè. Ở một vài nơi, cây vải còn được xem như một loại cây cảnh, góp phần làm nên màu xanh tươi mát cho ngôi nhà. Thế nhưng, thuộc tính của vải vốn nóng, khi ăn nhiều có thể gây mụn nhọt trên da hoặc loét miệng. Bởi vậy, khi ăn vải nên ăn vừa đủ để có thể thưởng thức vị ngon riêng của thứ quả này.
Vải chín vào đầu mùa hạ, nên một vụ vải thường bắt đầu vào mùa Xuân. Khoảng từ tháng 1 đến tháng 2, người ta đã chuẩn bị cho một vụ mới. Giữa tháng 3, vải đã bắt đầu ra hoa và dần kết quả. Thu hoạch vải thường vào cuối tháng 8 hoặc tháng 9. Đây là thời điểm quả vải chín hoàn toàn và có vị ngọt sắt.
Giống như các loại cây khác, vải cũng cần có cách chăm sóc riêng. Khi trồng cần bới sẵn một hố nhỏ, sâu tầm 20cm, đặt cây con vào chính giữa hố rồi lấp đất. Điều quan trọng nhất chính là phải dùng tay để lấp và chèn đất cho thật chặt. Sau đó rào cẩn thận xung quanh để các tác nhân bên ngoài không làm ảnh hưởng đến cây. Trong thời gian cây phát triển, cần chú ý tưới nước, bón phân, phun thuốc cho đúng thời điểm, liều lượng.
Ngày nay, khi Xã hội ngày một phát triển, vải nhanh chóng trở thành một trong những mặt hàng nông sản có thương hiệu, được bày bán rộng rãi trên khắp cả nước. Quả vải, mà nhất là giống vải thiều Thanh Hà nổi tiếng có giá trị không nhỏ về mặt kinh tế, giúp hàng loạt hộ gia đình thoát nghèo, đem lại lợi nhuận và danh tiếng cho Vùng Đồng bằng sông Hồng nói riêng, cho ngành nông sản Việt Nam nói chung. Bên cạnh đó, bằng sự cải tiến về Khoa học kĩ thuật, những giống vải chín mọng, hạt nhỏ, cùi dày, phòng trừ sâu bệnh tốt đã thu hút rất khách hàng quốc tế, đưa vải Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, Pháp, và các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Thật chẳng sai khi nói: Vải là thứ quả nổi bật trong bữa tiệc đầy hương thơm vị ngọt của mùa Hè. Cây vải đã trở thành loài cây thân thuộc và gần gũi, gắn bó mật thiết với cái nắng rực rỡ ở Việt Nam, là thứ quà mà mỗi người con xa xứ khi trở về đều làm quà biếu. Hi vọng rằng, trong thời đại Khoa học Kĩ thuật ngày một phát triển, con người sẽ lai tạo ra nhiều giống vải ngon hơn, ngọt hơn, hấp dẫn hơn, để quả vải được đến gần hơn với mọi người mọi nhà, và thương hiệu Vải Việt Nam sẽ lan truyền trên toàn thế giới.
Thuyết minh về cây xoài quê em
Dàn ý thuyết minh cây xoài
I. Mở bài
– Dẫn dắt giới thiệu vấn đề mà đề bài yêu cầu: Thuyết minh về cây xoài.
II. Thân bài
* Nguồn gốc và xuất xứ của cây xoài
– Không ai rõ ràng thời gian cây xoài xuất hiện trên thế giới, có rất nhiều giả thuyết đặt ra về nguồn gốc của loại cây này.
– Người ta thống nhất cho rằng, cây xoài có nguồn gốc từ Nam và Đông Nam Á, gồm các nước Ấn Độ, Myanmar bởi người ta đã tìm ra các mẫu hóa thạch tại các nước này và xác định chúng nó niên đại khoảng 25 triệu đến 30 triệu năm trước.
* Hình dáng và các bộ phận của cây xoài
– Rễ cây: Là rễ cọc, ăn sâu vào lòng đất, đặc biệt là vùng đất cát. Rễ cọc giúp ăn sâu, khiến cây dễ dàng sống được ở những vùng có mạch nước sâu khiến cây dễ thích nghi.
– Thân cây: Thân gỗ rất cứng và chắc. Cây cao khoảng từ 10 đến 20m, thân cây màu nâu hơi xù xì, giống như nhiều loài cây ăn quả khác như vải, nhãn, mít.
– Lá cây: Màu xanh sẫm, gân lá nổi rõ ở mặt dưới. Lá hẹp và nhỏ, hình mũi mác. Mặt lá khá nhẵn và có mùi thơm nhẹ. Các lá xoài thường mọc so le nhau.
– Hoa xoài: Nhỏ li ti, mọc rất nhiều và mọc thành từng chùm. Hoa có màu vàng nhạt, các chùm mọc trên các cành nhỏ so le nhau. Hoa thường ra vào mùa xuân, có mùi thơm nhàn nhạt rất dễ chịu. Những chùm hoa xoài rất khó thấy, thường ẩn mình sau tán lá, bởi vậy phải nhìn thật kĩ mới có thể nhìn ra được.
– Quả xoài: Có hình bầu dục, phần đầu chỗ cuống hơi cong cong, còn phần đuôi hơi nhọn. Khi trái xoài còn non có màu xanh, khi chín có màu vàng sáng hoặc màu vàng sậm tùy theo từng loại xoài. Trên lớp vỏ có những chấm cát bé li ti. Bên trong lớp vỏ là phần thịt xoài, mềm hay cứng, chua hay ngọt tùy thuộc rất nhiều vào đất, thời tiết và giống cây. Bên trong nữa là phần hột xoài. Hột xoài rất cứng, nhỏ hay to tùy vào giống.
* Phân loại
– Xoài cát: Loại xoài ngon nhất. Trái rất nhỏ, thịt thơm và ngọt, màu vàng sẫm, các chấm cát li ti rõ ràng trên vỏ. Hạt dẹp và nhỏ.
– Xoài tứ quý: Trái nặng khoảng hơn 300g, vỏ rất mỏng và trơn láng. Thịt xoài ngọt, thơm, hạt nhỏ.
– Xoài xiêm: Thịt xoài vàng, hơi dẻo. Vỏ dày, mịn. Giống xoài này cho năng suất cao.
– Xoài tượng, xoài thanh ca: Xoài này không ăn chín mà được trồng để ăn lúc còn xanh. Ăn giòn và hơi chua.
* Giá trị của cây xoài
– Giá trị dinh dưỡng: Có nhiều chất dinh dưỡng cung cấp cho cơ thể con người. Vỏ xoài có tác dụng chữa đau răng, viêm lợi. Vỏ hoặc hột xoài được dùng để làm thuốc chữa một số bệnh dân gian. Thịt xoài được sử dụng rất nhiều trong việc làm bánh, sinh tố, đồ uống. Tuy nhiên, xoài có tính nóng nên không ăn quá nhiều.
– Giá trị kinh tế: Xoài đem lại nguồn lợi kinh tế cho người trồng, đồng thời là sản phẩm xuất nhập khẩu của nhiều nước trên thế giới. Hàng năm, lượng tiêu thụ xoài thường khá lớn.
* Cách chăm sóc và gieo trồng
– Yếu tố lựa chọn giống ban đầu, lựa chọn đất là rất quan trọng.
– Cần chú ý cung cấp nước và chất dinh dưỡng đầy đủ cho cây phát triển.
– Khi cây ra quả cần dùng túi bọc lại tránh bị sâu hay chim ăn làm hỏng.
III. Kết bài
– Nêu cảm nghĩ của bản thân về cây xoài cũng như về giá trị của loại cây này.
Thuyết minh cây xoài – Mẫu 1
Hoa quả là những món ăn rất tốt cho sức khỏe của chúng ta. Trên đất nước Việt Nam xinh tươi này, có vô vàn những loại quả tốt: mận, lê, táo, dưa hấu. Loại quả nào cũng tốt cho con người và những cây hoa quả như vậy đã thân thuộc với chúng ta từ lâu và đặc biệt phải kể đến một loại cây ăn quả đó là cây xoài.
Xoài là một loại cây ăn quả nhiệt đới, vẫn chưa biết chính xác nguồn gốc của loại cây này nhưng có tài liệu cho rằng đây là một loại cây xuất phát từ miền Đông Ấn Độ và các vùng giáp ranh như là Myanma, Việt Nam, Malaysia. Cây xoài có phần rễ mọc sâu, bám chắc, thường tập trung ở phần đất cách gốc khoảng hai mét và thích nghi với vùng đất cát ẩm ướt. Cây xoài là cây thân gỗ lớn, mọc khỏe, chắc, cao, màu nâu sẫm. Lá mọc đơn, nguyên, mọc so le, phiến lá xoài có hình thuôn mũi mác, thơm, có màu xanh tươi tốt. Xoài nở hoa rất đẹp, hoa hợp thành chùm kép ở ngọn cành, chùm hoa dài khoảng 30cm, có 200-400 hoa tủa ra trên cành xen vào những quả xoài chưa kịp chín. Mỗi chùm thường có 2 loại hoa: hoa lưỡng tính và hoa đực. Hoa xoài nhỏ li ti, có màu vàng với búp nụ màu xanh. Mỗi hoa có năm lá đài nhỏ, có lông ở mặt ngoài. Có lẽ, phần đáng được chú ý đến nhất ở cây xoài là quả xoài. Quả xoài có ba lớp, lớp vỏ mỏng bên ngoài khi ăn có thể gọt bỏ hoặc ăn không cần thiết vì phần này vẫn có thể ăn được, phần thịt bên trong dày và hạt trắng hình bầu dục ở trong cùng. Khi chưa chín, ở trên cây, xoài có màu xanh của lá cây, khi ăn có vị chua, chua nhiều hay chua ít tùy thuộc và mức độ sắp chín của trái xoài. Nhưng đến khi xoài đã chín, vỏ ngoài của xoài từ màu xanh đã chuyển thành màu vàng tươi bắt mắt, khi ăn không còn vị chua mà vừa ngọt vừa mát. Xoài một năm có thể ra độ ba đến bốn đợt tùy theo giống, tuổi thọ của cây, thời tiết và tình hình dinh dưỡng cũng như sự chăm sóc tưới tắm của con người. Xoài có rất nhiều loại giống: Xoài cát Chu, Xoài cát Hòa Lộc, Xoài Tứ Quý, Xoài Tượng, Xoài Thanh Ca, Xoài Tím(loại xoài có vỏ màu tím),…
Cây xoài trong đời sống con người đã trở nên gần gũi và không thể thiếu. Xoài xanh có thể làm xoài dầm, một món hoa quả ngon. Khi ăn xoài xanh cũng có tác dụng chữa viêm họng và đặc biệt đây là một thức quả mà phụ nữ thai nghén những tháng đầu rất ưa thích khi thèm của chua. Còn xoài chín được dùng nhiều hơn, có tác dụng bổ não, có lợi cho người làm việc trí óc, suy nhược thần kinh, giúp tăng cường sức đề kháng, chống viêm, phòng ngừa ung thư, giảm béo, cải thiện hệ tiêu hóa, giúp hạ cholesterol máu, hạ huyết áp, phòng bệnh mạch vành, nên các chị em phụ nữ vẫn thường chọn cho gia đình những trái xoài chín khi đi chợ. Vào mùa hè, khi dầm xoài chín ra làm sinh tố thì đúng là không còn gì ngon lanh bằng, vừa mát mẻ, vừa bổ dưỡng. Ta vẫn hay thấy quả xoài xuất hiện trong mâm ngũ quả ngày tết như một biểu tượng về sự đủ đầy no ấm. Ngoài ra vỏ thân cây xoài có thể dùng để chữa ho, sưng cổ họng, đau răng, tẩy giun sán, khử trùng, lá xoài có thể dùng để chữa viêm da, viêm họng.
Tuy là một loại quả tốt nhưng nếu sử dụng quả xoài quá nhiều cũng có một số những hạn chế nhất định ví dụ như là tiêu chảy, nổi nhọt, sưng mủ. Cần lưu ý rằng không ăn xoài, nhất là xoài xanh vào lúc đói, dễ bị cồn ruột, người bị sốt, có vết thương thì không nên ăn xoài chín sẽ gây nên những hậu quả đáng tiếc.
Cây xoài đã trở thành một loại cây rất quen thuộc với chúng ta, mang lại cho con người rất nhiều những lợi ích đáng kể. Trên đất nước mình không chỉ cây xoài mà còn rất nhiều những loại cây khác cũng rất có giá trị như vậy, biết được điều này, ta càng thấy tự hào vì non sông tươi đẹp.
Thuyết minh cây xoài – Mẫu 2
Mỗi người lại yêu thích một hương vị trái cây riêng. Có người thì thích vị béo, hương thơm đặc biệt của sầu riêng, có người lại thích vị ngọt mát của những trái táo, nhưng cũng có không ít người yêu thích hương vị của những quả xoài. Cây xoài cũng chính là một trong những loài cây gần gũi, thân thuộc với cuộc sống của mỗi chúng ta.
Xoài có nguồn gốc ở Nam Á và Đông Nam Á, từ đó nó đã được phân phối trên toàn thế giới để trở thành một trong những loại trái cây được trồng hầu hết ở vùng nhiệt đới. Ở Việt Nam, xoài được trồng nhiều nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long và một số khu vực miền Trung, Tây Bắc. Xoài cát Hòa Lộc là một trong những giống xoài nổi tiếng nhất ở đồng bằng Sông Cửu Long và là một trong những loại quả được ưa chuộng bởi màu sắc hấp dẫn, mùi vị thơm ngon và có giá trị dinh dưỡng cao.
Dạo bước trên mỗi cung đường, không khó để bắt gặp những hàng xoài đua nhau tỏa bóng xanh mát. Thân cây to, chắc khỏe, vươn cao đón những tia nắng mặt trời buổi sớm. Khoác lên mình chiếc áo nâu giản dị, đơn sơ nhưng thân xoài không hề sần sùi, xấu xí trái lại còn nhẵn nhụi. Dáng cây cao, thẳng, tỏa nhiều cảnh. Điểm ở đó là sắc xanh tươi, tràn trề sức sống của những chiếc lá xoài mọc so le nhau nhưng vẫn đủ sức tạo một khoảng râm mát. Điểm xuyết vào đó là những mầm lá non mới nhú. Dưới cái nắng ban mai, những mầm non vươn mình đón những tia nắng đầu tiên, óng ánh sắc tím hồng tươi tắn. Chỉ nay mai thôi những mầm non ấy sẽ từ từ hé mở để rồi xòe ra chiếc lá xanh thẫm mơn dáng rung rinh cùng gió cùng mây. Quen với những mùi hương nồng nàn của hoa hồng, hoa huệ, đôi khi hương hoa xoài dịu nhẹ, thoang thoảng lại làm lòng con người ta xao xuyến nhớ nhung. Hương vị nhẹ nhàng của những chùm hoa xoài li ti, trắng muốt như muốn báo hiệu một mùa xoài trĩu quả sắp ghé tới. Cây xoài sau tháng ngày phải còm cõi vì giá lạnh của mùa đông, thì giờ đây tựa như một nàng thiếu nữ xinh đẹp điểm tô lên mình cái sắc cái hương dịu dàng, duyên dáng.
Tuy nhiên, cây xoài có lẽ trong mắt mọi người hấp dẫn nhất là những ngày trĩu quả. Những chùm xoài căng mọng, mập mạp trĩu trịt chen nhau luồn lách ra ngoài những tán lá xanh dày. Cây xoài khi ấy dường như giống như một bà mẹ đôi lúc trĩu xuống nặng nề vì những đứa con béo mập. Quả xanh quả chín cứ thế mà đu mà chen khoe mình bóng mượt, ngon lành dưới ánh nắng lấp lánh. Những trái xoài ấy tràn ngập nơi mỗi nẻo đường, góc phố, căn nhà và thậm chí là cả những mảnh sân trường. Có lẽ vì vậy mà nó gắn liền với biết bao kỉ niệm, làm lòng người xuyến xao. Ai mà quên được khoảnh khắc cùng lũ bạn nghịch ngợm vặt trộm những trái xoài xanh. Hương vị chua chua ngòn ngọt hòa cùng chút cay mặn của muối ớt luôn là sự yêu thích, thèm thuồng của những lứa học trò tinh nghịch, láu lỉnh. Đâu chỉ làm lũ học sinh thèm muốn, mà trái xoài cũng làm người lớn phải say mê. Vị chua ngọt không thể thiếu trong những món nộm hay cái hương vị ngọt lịm của trái xoài chín vàng óng lên hấp dẫn bất cứ ai thưởng thức. Trái xoài còn chính là một loại quả không thể thiếu của những người dân Nam Bộ trong những ngày tết. Nó tượng trưng gửi gắm một ước nguyện cho năm mới “cầu vừa đủ xài sung”. Thế mới thấy cây xoài cũng thật quen thuộc, gần gũi, được mọi người dành nhiều tình cảm yêu mến, trân trọng.
Mỗi loài cây đều mang đến một vẻ đẹp, giá trị riêng cho cuộc sống con người và cây xoài cũng vậy. Câu xoài không chỉ mang giá trị vật chất mà trong nó còn chứa đựng cả giá trị tinh thần, gắn bó với kỉ niệm của mỗi chúng ta.