Đề bài: Thuyết minh cái phích nước
4 bài văn mẫu Thuyết minh cái phích nước
I. Dàn ý Thuyết minh cái phích nước (Chuẩn)
1. Mở bài
Giới thiệu cái phích nước.
2. Thân bài:
a. Lịch sử ra đời:
Do Sir James Dewar nhà khoa học người Scotland chế tạo ra và năm 1892, trở thành đồ gia dụng bởi hai người thợ thủy tinh người Đức là Reinhold Burger và Albert Aschenbrenner.
b. Cấu tạo:
* Phần vỏ:– Hình trụ, làm từ kim loại hoặc nhựa, đường kính đáy là 15cm, chiều cao khoảng 40cm.- Nếu là vỏ kim loại thì dùng nắp gỗ, vỏ nhựa thì dùng nắp nhựa có ren vặn.- Bên cạnh hông có quai cầm, bên trên có quai xách.- Phần vỏ được trang trí bằng nhiều hoa văn, lô-gô của công ty,…* Phần ruột:– Cấu tạo kiểu bình thủy tinh có hai lớp tách biệt, gắn với nhau ở miệng, giữa hai lớp là khoảng chân không ngăn cản nhiệt tản ra ngoài.- Mặt đối diện nhau của hai lớp thủy tinh còn được tráng một lớp bạc mỏng để ngăn cản sự tán nhiệt. c. Cách chọn mua phích, sử dụng và bảo quản:– Khi mua cần chọn lựa kỹ, quan sát kỹ phần ruột phích, nắp, tay cầm.- Lần đầu sử dụng không nên rót nước nóng vội và nên rót nước ấm để tránh phích nứt vỡ.- Khi rót nước sôi không nên rót quá đầy để lại một khoảng trống gần miệng để giữ nhiệt tốt hơn, dùng xong thì đóng nắp ngay lại để tránh thoát hết nhiệt.- Dùng giấm để vệ sinh các mảng bám trong phích.- Để xa tầm tay trẻ em.
3. Kết bài
Nêu ý kiến về cái phích nước.
Mẹo Cách làm bài văn thuyết minh hay
II. Bài văn mẫu Thuyết minh cái phích nước
1. Bài văn Thuyết minh cái phích nước, mẫu số 1 (Chuẩn):
Khoảng chục năm về trước khi việc đun nấu còn gặp nhiều trở ngại, bếp ga, bếp điện, đặc biệt là ấm siêu tốc dùng để đun nước chưa ra đời và có giả cả phải chăng, thì phích nước chính là một trong những vật dụng tối cần của mỗi gia đình để trữ nước nóng. Đặc biệt là trong mùa đông giá lạnh, trong các gia đình có thói quen pha trà, pha cà phê, hoặc những người có thói quen uống nước ấm. Ngày nay tuy rằng phích đã không còn quá phổ biến như xưa, thế nhưng nó vẫn giữ một vị trí khá quan trọng trong đời sống sinh hoạt của mỗi gia đình bởi tính hữu dụng của nó.
Ban đầu chiếc phích nước ra đời không phải vì mục đích dân dụng như hiện nay mà nó được chế tạo ra bởi mục đích nghiên cứu khoa học. Năm 1982, nhà vật lý học, hóa học người Scotland, Sir James Dewar (1842-1923), vì phục vụ cho công trình nghiên cứu khoa học của mình, với yêu cầu cách li nhiệt độ giữa bên ngoài và bên trong thiết bị một cách hiệu quả nhất. Thế nên ông đã nghĩ cách cải tiến nhiệt kế lượng của Newton, thành một loại bình tương tự như chiếc phích ngày nay. Và phát minh này của ông đã giữ nhiệt một cách hiệu quả, đóng góp rất lớn cho các công trình nghiên cứu của Dewar. Tuy nhiên chiếc bình thú vị này chỉ thực sự trở thành một sản phẩm gia dụng có tính thương mại khi vào tay hai người thợ thủy tinh người Đức là Reinhold Burger và Albert Aschenbrenner. Chiếc phích nước đã nhanh chóng được phổ biến trong suốt thế kỷ XX, với khả năng giữ nhiệt, sự thuận tiện của nó đặc biệt là ở các quốc gia có mùa đông kéo dài, việc đun nấu không phải lúc nào cũng thuận tiện.
Cấu tạo của phích nước khá đơn giản, gồm hai phần chính là ruột phích và vỏ phích. Bao bên ngoài là phần vỏ phích có hình trụ sau đó bóp lại ở phần miệng, hiện nay phổ biến nhất là loại phích có đường kính đáy 15cm, chiều cao phích khoảng 40cm. Vỏ phích làm chủ yếu bằng hai chất liệu chính là kim loại và nhựa. Với loại phích vỏ kim loại, phổ biến vào khoảng chục năm về trước thì đi kèm với một cái nút bằng gỗ, để đóng vào miệng phích, bên ngoài có thêm một chiếc nắp bằng nhôm úp lên, bao trùm cả phần miệng phích để tránh cho nút gỗ bị bung ra và đảm bảo vệ sinh. Ngày nay người ta ưa dùng loại phích có vỏ nhựa bởi nó nhẹ nhàng, và có phần nắp nhựa có ren, chắc chắn, ngăn cản sự thoát nhiệt tốt, bền và rẻ hơn. Bên hông phích còn thiết kế một tay cầm chắc chắn, để thuận tiện cho việc rót nước ra khỏi phích một cách chính xác, tránh đổ vỡ gây nguy hiểm. Ngoài ra các kiểu phích lớn còn có thêm một quai xách, để tiện lợi cho việc di chuyển. Bề ngoài vỏ phích có thể trang trí nhiều loại họa tiết trong đó phổ biến là cách hình hoa lá, phong cảnh, gợi tạo cảm giác dân dã, thông dụng. Ngoài ra các nhà sản xuất còn đánh dấu thương hiệu bằng cách in lên trên vỏ phích lô-gô của công ty mình.
Phần ruột phích là một kiểu bình được cấu tạo bằng hai lớp thủy tinh ngăn cách nhau bằng một khoảng trống ở giữa, nối với nhau ở miệng. Khoảng trống giữa hai lớp thủy tinh này là khoảng chân không giúp ngăn cản sự truyền nhiệt, để gia tăng khả năng giữ nhiệt thì mặt đối diện nhau của hai lớp thủy tinh này được tráng một lớp bạc mỏng, có chức năng bức xạ lại các tia nhiệt có xu hướng tiến ra ngoài vỏ phích. Chính vì vậy khả năng giữ nhiệt của phích là khá tốt, sau 24 giờ nước từ 100 độ C còn khoảng từ 65-70 độ C phụ thuộc vào nhiệt độ của môi trường.
Về việc chọn mua phích cũng có nhiều điều cần lưu ý để chọn được một chiếc phích tốt, giữ nhiệt lâu. Khi đi mua, nên quan sát tỉ mỉ phần vỏ và phần ruột phích, mở nắp ra kiểm phần ruột bên trong xem có còn nguyên vẹn hay không, áp tai vào miệng bình, nếu khi có tiếng “ro ro” là phích tốt, bởi khi phích kín, khả năng bức xạ tốt thì mới có kiểu âm thanh này. Ngoài ra còn cần kiểm tra cả nắp phích để chắc chắn rằng nắp phích kín, van ăn khớp vào nhau, trành làm rò rỉ nước hoặc thoát nhiệt ra ngoài môi trường. Phần quai xách và quai cầm cũng cần phải thực sự chắc chắn, để đảm bảo không bị rớt vỡ phích gây nguy hiểm khi sử dụng.
Về việc sử dụng phích thì khá đơn giản, để giữ nhiệt được lâu, tốt nhất là sau khi sử dụng thì đóng ngay nắp phích lại, khi rót nước vào phích cũng không nên rót đầy, mà nên để lại một khoảng trống gần miệng để tạo một lớp cách nhiệt bằng không khí, bởi so với nước thì không khí truyền nhiệt kém hơn rất nhiều. Đặc biệt trong lần đầu tiên sử dụng, không nên lập tức rót hẳn nước đang sôi vào phích, vì như thế sẽ gây sự giãn nở một cách nhanh chóng và không đồng đều của thủy tinh gây nứt, vỡ lớp ruột phích. Thay vào đó ta chỉ nên rót nước ấm tầm 50-60 độ, để cho lớp thủy tinh giãn nở từ từ, lần sau mới nên rót nước sôi. Thêm vào đó trong quá trình sử dụng việc bảo quản, cọ rửa phích cũng rất cần thiết, đơn giản nhất để tẩy sạch lớp cặn dưới đáy phích chính là dùng giấm cho vào phích ngâm vài giờ rồi súc sạch. Phích nước là đồ dễ vỡ và thường xuyên trữ nước nóng thế nên tốt nhất là nên để xa tầm tay trẻ em, giáo dục trẻ nhỏ không được đụng vào. Hiện nay giá của một chiếc phích dao động trên dưới hai trăm ngàn đồng và có hạn dụng sử khá dài tầm 3-5 năm đối với các gia đình biết bảo quản.
Phích là một trong những đồ gia dụng phổ biến nhất trong mọi gia đình, phổ biến với việc trữ nước nóng, thế nhưng ngày nay người ta còn chế tạo thành các loại bình có tên gọi khác là bình giữ nhiệt, nguyên lý hoạt động tương tự dùng để trữ các dạng thức ăn lỏng nóng hoặc lạnh, thuận tiện cho việc mang đi làm, đi chơi, thăm bệnh,… Có thể nói rằng tuy cấu tạo đơn giản, nhưng phích đã có vai trò nâng cao chất lượng cuộc sống của con người trên thế giới này.
2. Thuyết minh cái phích nước ngắn gọn, mẫu số 2:
Phích nước là đồ dùng để giữ nhiệt cho nước nóng, rất thông dụng và thường có trong mọi gia đình.
Phích nước có rất nhiều loại được làm từ những vật liệu khác nhau, có cấu tạo và hình dáng khác nhau, về hình dáng phích nước thường có hình trụ, cao khoảng 35 – 40cm, giúp cho phích có thể đứng thẳng mà không bị đổ.
Về cấu tạo: Phích nước được làm theo nguyên lý chống sự truyền nhiệt của nước, gồm hai bộ phận: ruột phích và vỏ phích. Ruột phích là bộ phận quan trọng nhất. Nó được làm bằng hai lớp thuỷ tinh. Ở giữa là môi trường chân không làm mất khả năng truyền nhiệt của nước ra ngoài, ở phía trong lòng và ngoài của ruột phích là lớp thuỷ tinh được tráng bạc có tác dụng hắt nhiệt trở lại để giữ nhiệt. Càng lên trên cao đầu phích, miệng phích càng nhỏ lại để giảm khả năng truyền nhiệt của nước. Gắn với chiếc miệng nhỏ nhắn là cái nút có thể làm bằng gỗ hoặc bằng nhựa cứng luôn vừa khớp với miệng phích để cản trở sự thoát hơi nước và sự đối lưu truyền nhiệt của nước.
Ruột phích có hiệu quả giữ nhiệt cho nước rất tốt, trong vòng 6 tiếng đồng hồ, nước từ 100°c còn giữ được 70°c sẽ đảm bảo dùng nước được lâu và nước đủ nhiệt để pha chế trà, cà phê… tạo nên một nét đẹp văn hoá vừa mang tính chất cổ truyền của dân tộc vừa mang một phong cách hiện đại còn gọi là nét văn hoá “cafe” đậm đà bản sắc dân tộc. Chính vì ruột phích được làm bằng hai lớp thuỷ tinh nên rất dễ vỡ. Vì vậy vỏ phích là lớp để bảo quản ruột phích như là một tấm bình phong, vỏ phích ngày xưa có thể làm bằng tre, mây, sắt, nhôm… Ngày nay công nghiệp nhựa phát triển, vỏ phích cũng được thay thế dần bằng nhựa cứng vừa nhẹ, đẹp lại vừa bền và tốt. Gắn trên vỏ phích là một chiếc quai bằng nhựa, sắt… tuỳ theo từng loại phích, chiếc quai đó có thể quay đi quay lại một cách dễ dàng giúp chúng ta có thể xách di chuyển đi chỗ khác mà không phải bưng bê. Trên chiếc nút phích là nắp phích, nó có chức năng năng bảo vệ nút phích không cho trò em nghịch ngợm gây bỏng nước nóng. Nút phích băng các lớp ren xoáy chặt với miệng phích. Chiếc nắp phích đó có thể lấy làm cốc đựng nước cũng được.
Để bảo quản phích lâu hỏng ta nên làm một chiếc khung bằng gỗ để đặt phích và giữ chặt lấy phích. Đặt khuôn giữ phích ở nơi khô ráo, sạch sẽ, tránh nóng và xa tầm tay của trẻ em. Nếu để phích không đúng quy cách có thể gây tai nạn bỏng nặng vì phích giữ nhiệt cho nước sôi khá lâu.
Điều quan trọng nhất nhất là ta phải giữ gìn chiếc nũm phích, vì nũm phích để giữ khoảng chân không góp phần làm giảm khả năng truyền nhiệt của nước. Chúng ta nên lưu ý khi rót nước nóng vào phích phải rót từ từ để ruột phích dễ thích nghi với nhiệt độ cao thì phích sẽ lâu hỏng hơn khi chúng ta không làm như vậy. Khi rót nước xong phải đậy nút phích cẩn thận. Đối với nút phích bằng nhựa thì phải xoáy đúng ren, xoáy thật chặt, còn với nút phích bằng gỗ ta cũng phải đậy cho vừa khít để nước nóng được lâu. Nếu chúng ta không làm đúng cách thì ruột phích sẽ chóng hỏng vì không khí bên ngoài xâm nhập vào ruột phích.
Phích nước là một đồ dùng rất tiện lợi cho cuộc sống hàng ngày trong mỗi gia đình. Nó như người bạn thân trong mỗi gia đình. Sáng sớm, bác nông dân mang phích nước nóng ra đồng, pha ấm trà nóng rít điếu thuốc lào khi đã cày xong thửa ruộng thì sảng khoái biết bao. Khách đến chơi nhà không phải “đốt than quạt nước” vì đã có phích ủ sẵn nước nóng pha trà mời khách rồi… Như vậy có thể nói: Phích nước đã góp phần tạo nên một nét đẹp văn hoá ở Việt Nam.
Như vậy chúng tôi đã gợi ý Thuyết minh cái phích nước để luyện kĩ năng thuyết minh, các em tìm hiểu Thuyết minh về cây bút bi và cùng với phần Thuyết minh về một dụng cụ học tập mà em thích.
Bài văn Thuyết minh về cái phích nước ngắn gọn
3. Thuyết minh cái phích nước, mẫu số 3:
Để cuộc sống gia đình của chúng ta có đầy đủ những tiện nghi về vật chất lẫn tinh thần thì chắc chắn việc trang bị những đồ dùng hiện đại, hữu ích là điều không thể thiếu đúng không nào. Và trong số ấy thì hẳn chiếc phích nước đã trở thành một vật dụng quen thuộc và không thể thiếu trong nhà chúng ta phải không nào. Vậy thì hôm nay chúng mình hãy cùng đi tìm hiểu về chiếc phích nước nhé.
Phích nước được phát minh bởi nhà vật lý học Sir James Dewar vào năm 1892 nhờ cải tiến từ thùng nhiệt lượng kế của Newton. Phích nước được cấu tạo từ 2 phần: ruột và vỏ. Phần vỏ hình trụ, chiều cao tùy hình dạng và kích thước của phích. Vỏ có thể làm bằng nhựa hoặc bằng kim loại và đi kèm với mỗi loại vỏ là các loại nắp (phích nhựa dùng nắp nhựa có ren, phích kim loại dùng nắp gỗ). Vỏ phích cũng là bộ phận cách nhiệt với ruột phích, người sử dụng có thể thoải mái sử dụng, va chạm với lớp vỏ bày mà không sợ bị phỏng, nóng. Ngày nay, do nhu cầu sử dụng đi kèm với nhu cầu thẩm mĩ nên con người nên những chiếc phích được trang trí bởi họa tiết hoa văn, những hình vẽ ở vỏ phích vô cùng độc đáo và đa dạng. Nắp phích dùng để ngăn cản hiện tượng truyền nhiệt của phích bằng đối lưu và giúp nước không tràn ra khỏi phích. Phần đầu phích còn có quai cầm và được trang trí hoa văn cùng tên thương hiệu. Phần đáy có thể gỡ ra lắp vào, bên trong có 1 lớp đệm nhỏ bằng cao su dùng để cố định ruột phích. Phần ruột phích thực chất là một bình 2 vỏ, được nối với nhau ở miệng, làm bằng thủy tinh tráng bạc để bức xạ các tia nhiệt trở lại nước trong phích. Giữa 2 lớp thủy tinh là chân không giúp nhiệt không truyền được ra bên ngoài. Đáy ruột phích có chuôi hút chân không là nơi hút khí giữa 2 lớp ruột phích nhằm ngăn chặn sự truyền nhiệt giữa nước trong phích và môi trường bên ngoài. Vì vậy, trong vòng 6 tiếng đồng hồ, nước từ 100°C còn giữ được 70°C.
Phích nước là đồ dùng thiết yếu trong gia đình tiện lợi cho việc giữ nước ấm trong một thời gian tương đối dài khoảng 24-30 tiếng. Đặc biệt mỗi khi có khách đến nhà thì chiếc phích nước dự trữ nguồn nước ấm sẽ giúp ta pha trà nhanh hơn, tấm lòng thảo thơm của ta như sóng sánh ra cùng hương thơm và sự ấm áp của li trà. Tuy không hiện đại cao và đáp ứng tuyệt đối hoàn hảo nhu cầu sử dụng của con người nhưng chiếc phích nước phần nào đảm bảo về việc giữ nhiệt và sự nhanh gọn. Có thể nói chiếc phích đã trở thành một trong những người bạn da dụng không thể thiếu trong gia đình chúng ta.
Để chọn được loại phích tốt thì bạn cần có một số mẹo sau đây. Mới mua về thì không nên rót nước sôi vào ngay sẽ làm vỡ phích, chỉ nên rót nước có nhiệt độ từ 50-60°C. Ruột phích là phần quan trọng nhất nên khi mua phích cần lựa chọn thật kĩ. Mang ra chỗ sáng, mở nắp phích ra, nhìn từ trên miệng xuống đáy thấy có điểm màu sẫm ở chỗ van hút khí. Điểm đó càng nhỏ thì van hút khí càng tốt, sẽ giữ được nhiệt độ lâu hơn. Áp miệng phích vào tai nghe có tiếng o o là tốt bởi vì không khí sẽ không thể bức xạ nhiệt ra ngoài môi trường được Tháo đáy phích xem núm thủy ngân có còn nguyên vẹn hay không. Khi bạn dùng lâu thì dưới đáy phích sẽ có bám những lớp váng màu vàng, vì thể càn vệ sinh thường xuyên bằng nước giấm. Ruột phích là đồ thủy tinh dễ vỡ vậy nên bạn cần để chúng ở nơi tránh va đập và có trẻ con nghịch ngợm.
Hi vọng rằng chiếc phích nước sẽ là người bạn giữ nhiệt đáng yêu và tiện ích của bạn. Ngày nay có thể có rất nhiều phát minh mới, hiện đại về các loại bình giữ nhiệt khác nhưng chắc chắn chiếc phích nước là một vât dụng không thể thiếu trong cuộc sống gia đình của mỗi người.
4.Thuyết minh về cái phích nước, mẫu số 4:
Chiếc phích nước đã đi vào đời sống và trở thành một vật dụng quen thuộc và hữu ích của mỗi gia đình Việt Nam. Hầu như gia đình nào cũng sở hữu ít nhất là một chiếc phích nước.
Phích nước hay còn gọi là bình thủy hình trụ, chiều cao tùy vào kích thước của phích. Chiếc phích gồm có 2 phần là ruột phích và vỏ phích. Bộ phận vỏ phích gồm quai xách, nắp, cổ, thân, đáy làm bằng nhôm hoặc tre đan và hiện nay được làm nhiều bằng nhựa. Quai phích gồm hai quai : một quai gắn ở hai bên cổ phích vòng lên phía trên nắp phích để xách đi xách lại cho dễ, một quai được gắn ở thân phích để thuận lợi khi rót nước. Nắp phích gồm nút bên trong làm bằng xốp nhẹ bọc vải màu trắng hoặc làm bằng nhựa và nắp bên ngoài. Nhiệm vụ của nắp phích là giữ cho hơi nước không tỏa ra bên ngoài.Thân phích hình ống có in họa tiết, tranh trí hoa văn. Nhiệm vụ của thân là bảo vệ cho ruột phích khỏi vỡ. Đế phích hình tròn, là bộ phận cuối cùng của phích giữ cho phích đứng trụ trên mặt đất và bảo vệ phía dưới ruột phích. Ruột phích được cấu tạo bởi hai lớp thủy tinh, ở giữa là khoảng chân không. Bên thành trong của hai lớp thủy tinh còn được tráng bạc để phản chiếu bức xạ nhiệt, giúp ngăn sự truyền nhiệt ra bên ngoài. Ruột phích làm bằng thủy tinh nên rất mỏng và dễ vỡ. Ruột là phần quan trọng nhất nên khi mua cần lựa chọn thật kĩ: mang ra chỗ sáng mở nắp phích, nhìn từ trên miệng xuống đáy phích thấy có điểm màu sẫm ở chỗ van hút khí. Điểm đó càng nhỏ thì van hút khí càng tốt. Áp miệng phích vào tai nghe tiếng o…o là tốt. Tháo đáy phích kiểm tra xem núm thủy ngân có còn nguyên vẹn hay không. Tuy nhiên ruột phích truyền nhiệt kém, sự thay đổi nhiệt đột ngột như đổ nhanh nước nóng vào khi bình đang nguội lạnh, hay đổ nước lạnh vào khi bình đang nóng đều có thể làm bình bị nổ.
Từ đó ta nên bảo quản bằng cách: Khi mới mua về, rửa sạch để ráo nước rồi mới đổ nước nóng vào. Phích mới hay phích đã lâu không sử dụng ra phải từ từ đổ nước nóng vào, tốt nhất là chỉ đổ một ít rồi đậy nắp lại vài phút xong mới đổ tiếp. Khi đổ nước mới vào phích cần đổ hết nước cũ trong phích ra, lắc nhẹ tráng ruột phích cho sạch cặn. Muốn phích giữ được nước nóng lâu hơn ta không nên rót đầy chừa lại một khoảng trống giữa mực nước và nút phích để cách nhiệt. Nên để phích xa tầm tay trẻ nhỏ hoặc để trong các giá đựng phích tránh để phích bị đổ gây nguy hiểm. Ruột phích cũng có tuổi thọ nhất định. Khi thấy ruột không giữ được nhiệt nước lâu cầm mua và thay bằng ruột mới. Ruột phích khi sử dụng lâu có cặn bám ở đáy, muốn rửa sạch ta có thể đổ vào ruột một ít dấm, đậy chặt nắp lại, lắc nhẹ quanh ruột phích rồi để khoảng 30 phút sau đó dùng nước rửa sạch.
Phích nước có hiệu quả giữ nhiệt cho nước trong vòng 6 tiếng từ 100 độ C xuống 60 độ C. Chiếc phích là một vật dụng quen thuộc có ích và cần thiết cho mọi gia đình, nó đặc biệt có ích cho những người bán trà vỉa hè. Phích có nhiều loại và nhiều kích cỡ khác nhau có loại chứa khoảng nửa lít, loại lớn chứa khoảng 2 đến 3,2 lít. Các thương hiệu sản xuất được nhiều người ưa chuộng là phích Rạng Đông.
Ngày nay trên thị trường có nhiều những vật dụng có thể giữ ấm cho nước nhưng chiếc phích vẫn là một vật dụng quen thuộc, gần gũi giá cả phù hợp cho mọi gia đình người Việt.
Thuyết minh cái phích nước lớp 8 hay, chi tiết
5. Thuyết minh cái phích nước, mẫu số 5:
Trong gia đình chúng ta có vô vàn những vật dụng ,vật dụng nào cũng hữu ích. Mỗi dụng cụ mang một chức năng riêng như cái bàn cái ghế để ngồi nói chuyện để ăn cơm chiếc phích nước dùng để giữ nước sôi khỏi nguội. Chiếc phích nước từ lâu đã trở thành một thứ đồ vật không thể thiếu của tất cả các gia đình từ xưa đến nay.
Trước tiên chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về nguồn gốc của chiếc phích nước nhé. Bình thủy (hoặc phích nước) là phát minh của nhà vật lý – hóa học người Scotland (bắc Anh quốc) có tên là Sir James Dewar vào năm 1892. Năm 1904, những chiếc bình thủy đầu tiên đã xuất hiện trên thị trường Đức. Bình thủy có cấu trúc hai lớp (làm bằng thủy tinh, kim loại hoặc nhựa polymer), giữa hai lớp này là một lớp chân không giữ vai trò cách nhiệt.
Bình thủy (phích nước) thông dụng rộng rãi hiện nay là một bình thủy tinh 2 lớp. Giữa hai lớp thủy tinh này là chân không để ngăn cản sự dẫn nhiệt. Hai mặt đối diện của 2 lớp thủy tinh được tráng bạc để phản xạ các tia nhiệt trở lại nước đựng trong phích. phích được đậy nút kín để ngăn cản sự truyền nhiệt bằng đối lưu ra bên ngoài. Nhờ đó mà phích giữ được nước nóng lâu dài. Loại ruột bình thủy (phích nước) thông dụng nhất ở Việt Nam cũng được làm bằng thủy tinh. Ruột phích thủy tinh còn được tráng một lớp bạc mỏng ở mặt có lớp chân không kín. Lớp bạc này cũng góp phần làm giảm quá trình tỏa nhiệt của nước trong bình thủy.
Nếu đựng nước trong phích, nước sẽ chỉ tiếp xúc với lớp thủy tinh bên trong và không liên quan tới một hóa chất độc hại nào cả. Chính vì vậy, ý kiến cho rằng dùng nước trong phích để uống hay để nấu cơm mà mắc bệnh là không có cơ sở khoa học. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là, nếu ruột phích bị nứt vỡ thì nước có thể tiếp xúc với lớp bạc, ảnh hưởng tới độ tinh khiết và không tốt với sức khỏe. Ruột phích bị nứt vỡ thường gây hiện tượng nóng vỏ phích, nước nguội rất nhanh, có thể thấy những vảy ánh bạc trong nước từ phích đổ ra, và có thể thấy vết nứt vỡ trong lòng phích. Trong trường hợp này, bạn cần thay ngay ruột phích. Cần tráng rửa sạch phích trước lần sử dụng đầu tiên. Cách chọn phích nước cũng rất quan trọng. Đầu tiên, mở nắp phích ra , nhìn từ miệng phích xuống dưới đáy, lớp bạc tráng phải đều. Điểm màu sẫm ở chỗ van hút khí càng nhỏ càng tốt thì sẽ giữ nhiệt được lâu. Áp miệng phích vào tai, nghe có tiếng o o đều đều là tốt. Ta nên cẩn thận khi tháo đáy phích để xem núm thủy ngân có còn nguyên vẹn hay không. Đối vơi phích khi mới mua về, không được rót nước sôi ngay mà chỉ rót nước nóng khoảng 50 đến 60 độ, để khoảng nửa tiếng rồi rót nu7óc đó đi, rót nước sôi vào. làm như vậy phích sẽ không bị vỡ. Muốn phích có thể giữ nóng được lâu hơn chúng ta nên rót nước không đầy tràn mà nên để một khoảng cách nhất định giữa mực nước đối với nắp phích Sau một thời gian sử dụng kim loại trong phích sẽ bị hỏng giảm khả năng giữ nhiệt khi đó ta nên thay vỏ mới để có thể giữ nhiệt lâu hơn.
Mỗi sáng ta nên đổ nước thừa ra, tráng qua một lượt cho sạch cặn còn đọng lại trong lòng phích, rồi mới rót nước sôi vào và vặn nắp thật chặt. Vì biết cách sử dụng và giữ gìn cẩn thận nên chiếc phích nhà em sau mấy năm vẫn tốt. Chúng ta nên để phích nước trong một chiếc thùng bằng bìa hoặc bằng gỗ. Tuy phích nước có rất nhiều công dụng nhưng nó cũng rất nguy hiểm đối với tất cả mọi lứa tuổi và nhất là trẻ em. Chúng ta nên để xa chỗ chơi của trẻ để tránh các em va đập vào rất nguy hiểm.
https://thuthuat.taimienphi.vn/thuyet-minh-cai-phich-nuoc-40599n.aspx Giữa bao nhiêu đồ dùng khác, chiếc phích là vật dụng không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi gia đình trong mọi thời đại. Bên cạnh đó chiếc phích cũng được coi là một ngọn lửa để giữ ấm nóng cuộc sống gia đình vì thế trong mỗi gia đình luôn cần phải có chiếc phích nước.