Ngày càng có nhiều nhà đầu tư, học giả và cả những người kỳ cựu trên thị trường trái phiếu lo lắng về một cuộc khủng hoảng sẽ nổ ra đối với trái phiếu kho bạc Mỹ. Theo họ, thị trường có quy mô 24.000 tỷ USD sẽ rơi vào khủng hoảng vì Cục dự trữ liên bang (Fed) đẩy mạnh lộ trình “thắt chặt định lượng” trong tháng này.
Tháng 9, Fed sẽ tăng gấp đôi tốc độ loại bỏ trái phiếu kho bạc Mỹ ra khỏi bảng cân đối kế toán. Do đó một số nhà đầu tư định chế và một số ngân hàng lo ngại thanh khoản trên thị trường trái phiếu vốn đang mỏng manh giờ sẽ càng sụt giảm mạnh hơn nữa.
Ralph Axel, chiến lược gia lãi suất của Bank of America, mới đây cảnh báo khách hàng rằng “tình trạng thanh khoản sụt giảm và tính đàn hồi của thị trường trái phiếu kho bạc hiện đang là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với sự ổn định của thị trường tài chính toàn cầu”. Theo ông, thậm chí mối đe dọa này còn lớn hơn cả bong bóng nhà đất giai đoạn 2004 – 2007.
Làm sao một thị trường vốn bình lặng có thể trở thành nơi ươm mầm khủng hoảng tài chính? Lý do là vì trái phiếu kho bạc Mỹ có một vai trò rất quan trọng trong hệ thống tài chính quốc tế. Lợi suất của loại tài sản này được coi là thước đo chuẩn cho các khoản vay trị giá hàng nghìn tỷ USD, trong đó phần lớn là nợ thế chấp.
Trên toàn thế giới, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm được coi là “lãi suất phi rủi ro” được lấy làm chuẩn để định giá rất nhiều loại tài sản, trong đó có cả cổ phiếu.
Không chỉ có vậy, đây cũng là loại tài sản được nhiều ngân hàng sử dụng làm tài sản đảm bảo khi đi tìm nguồn vốn ngắn hạn trên thị trường repo (thường được miêu tả là trái tim của hệ thống tài chính Mỹ). Bởi vậy chỉ một biến động nhỏ của thị trường này cũng có thể ảnh hưởng đến hàng loạt kênh tín dụng khác, gồm nợ của các hộ gia đình, nợ doanh nghiệp và cả nợ chính phủ.
Nếu như thanh khoản giảm đi kèm với một loạt yếu tố bất lợi khác cho chi phí di vay tăng và mức độ biến động tăng, sẽ xuất hiện khả năng chính phủ liên bang có thể vỡ nợ nếu như các phiên đấu giá trái phiếu mới phát hành không thể hoạt động trơn tru.
Kể cả trước khi Fed bắt đầu thu hẹp bảng cân đối kế toán từ tháng 6, thanh khoản giảm vẫn là một vấn đề gây lo ngại. Tuy nhiên, vào tháng 9 tốc độ giảm sẽ tăng lên 95 tỷ USD mỗi tháng – mức chưa từng có tiền lệ theo thống kê của Fed Kansas.
Theo 2 chuyên gia kinh tế Rajdeep Sengupta và Lee Smith của Fed Kansas, những thành phần khác trên thị trường có thể bù đắp phần của Fed. Tuy nhiên điều này sẽ khiến thanh khoản càng giảm trừ khi xuất hiện một thế lực khác mạnh tay mua vào trái phiếu kho bạc Mỹ.
Do đó lần thắt chặt định lượng này của Fed sẽ gây ra nhiều sóng gió cho thị trường hơn so với các lần trước (mà diễn ra trong khoảng thời gian từ 2017 đến 2019).
“Lần này rất khác, có lẽ thị trường sẽ không thể bình tĩnh và bình yên như trước”, Smith nói với Marketwatch.
Thanh khoản rất tệ ở thời điểm hiện tại
Có nhiều dấu hiệu cho thấy thanh khoản trên thị trường trái phiếu kho bạc đang ở mức thấp. Từ tháng 7, một nhóm chuyên gia của Barclays đã nhận thấy chênh lệch giá hỏi mua (bid) và hỏi bán (ask) tăng lên. Khoản chênh lệch này chính là số tiền mà các nhà môi giới thu khách hàng để thực hiện giao dịch. Mức chênh càng nhỏ thì thanh khoản của thị trường càng cao và ngược lại.
Đó không phải là dấu hiệu duy nhất. Kể từ giữa năm ngoái khối lượng giao dịch đã liên tục giảm vì cả giới đầu tư và đầu tư ngày càng quay sang thị trường tương lai nhiều hơn để vào các vị thế ngắn hạn. Theo dữ liệu của Barclays, khối lượng giao dịch trung bình đã giảm từ mức gần 3.500 tỷ USD mỗi 4 tuần ở đầu năm 2022 xuống chỉ còn hơn 2.000 tỷ USD.
Chỉ số MOVE Index do ICE Bank of America Merrill Lynch thống kê – chỉ số đo lường mức độ biến động của thị trường trái phiếu – ở mức trên 120 điểm trong phiên hôm qua. Mức này cho thấy các nhà đầu tư quyền chọn đang dự báo thị trường sẽ biến động mạnh hơn trong thời gian tới.
Chỉ số MOVE Index cũng tương tự như chỉ số VIX của thị trường chứng khoán Mỹ. Quay trở lại hồi tháng 6, chỉ số này gần chạm ngưỡng 160 điểm. Ngày 9/3/2020 nó đạt đỉnh 160,3 điểm, cao nhất kể từ khủng hoảng tài chính.
Hãng tin Bloomberg cũng có 1 chỉ số riêng đo lường thanh khoản của các chứng khoán có kỳ hạn từ 1 năm trở lên do chính phủ Mỹ phát hành. Chỉ số này sẽ tăng điểm khi trái phiếu kho bạc Mỹ được giao dịch ở cách xa mức giá trị hợp lý, điều thường xảy ra khi thanh khoản giảm.
Hôm qua chỉ số của Bloomberg ở mức 2,7 điểm, gần cao nhất trong hơn 1 thập kỷ.
Các nhà đầu tư và nhà quản lý quỹ nói với MarketWatch rằng trong bối cảnh thanh khoản thấp như hiện nay, họ cần phải cẩn trọng hơn về quy mô và thời gian giao dịch. Thị trường đang ngày càng biến động mạnh hơn. “Những tháng gần đây chúng ta có 4 -5 ngày trái phiếu kho bạc kỳ hạn 2 năm biến động hơn 20 điểm cơ bản trong 1 ngày. Đó là mức bất thường”, John Luke Tyner, nhà quản lý quỹ của Aptus Capital Advisors nói.
Tầm quan trọng của thanh khoản
Giống như đồng USD được coi là đồng tiền dự trữ toàn cầu, trái phiếu kho bạc Mỹ giống như một tài sản dự trữ toàn cầu. NHTW các nước cần sử dụng đồng USD để hỗ trợ giao dịch thương mại quốc tế đều nắm giữ một lượng trái phiếu kho bạc Mỹ nhất định.
Để giữ được vị thế này, các bên tham gia thị trường cần có thể giao dịch trái phiếu Mỹ một cách nhanh chóng, dễ dàng và với chi phí thấp, theo chuyên gia kinh tế Michael Fleming của Fed viết năm 2001.
Các chiến lược gia của JPMorgan Chase, Credit Suisse và TD Securities đều đồng tình với nhận định này. Họ cho rằng thậm chí ngày nay duy trì tính thanh khoản của trái phiếu kho bạc Mỹ còn là nhiệm vụ quan trọng hơn so với trước đây.
Vị thế tài sản dự trữ của trái phiếu kho bạc cũng đem lại nhiều lợi ích to lớn cho chính phủ Mỹ, trong đó có khả năng tài trợ thâm hụt lớn mà không tốn nhiều chi phí.
Chúng ta có thể làm gì?
Khi thị trường tài chính toàn cầu chao đảo mùa xuân năm 2020, thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ cũng bị ảnh hưởng.
Từ ngày 9/3 đến 18/3, chênh lệch bid-ask bùng nổ và số lượng giao dịch thất bại tăng đột biến, gấp gần 3 lần so với bình thường. Tình trạng này xảy ra khi 1 giao dịch đã được đặt trước nhưng không thể thực hiện vì một trong hai bên không có đủ tiền hoặc tài sản.
Cuối cùng Fed đã ra tay giải cứu. Nhưng một nhóm có tên gọi G30 gồm các chuyên gia kinh tế dẫn đầu bởi cựu Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner đã ra đời để nghiên cứu cách phòng tránh những kịch bản tương tự.
Năm ngoái nhóm đưa ra báo cáo nêu một loạt khuyến nghị nhằm củng cố sự vững chãi của thị trường trái phiếu kho bạc khi căng thẳng xuất hiện. Các kiến nghị bao gồm thành lập trung tâm thanh toán bù trừ cho tất cả các giao dịch, thành lập ủy ban quản lý hoạt động repo tại Fed…
Mặc dù phần lớn các kiến nghị vẫn chưa được triển khai, Fed đã thành lập cơ quan quản lý hoạt động repo cho các nhà giao dịch nội địa và nước ngoài vào tháng 7/2021. Và Ủy ban chứng khoán Mỹ đang hành động để có được trung tâm thanh toán bù trừ tập trung.
Dẫu vậy, chừng đó là chưa đủ. Một số người cho rằng cơ quan quản lý hành động chậm trễ là bởi họ trông chờ bất cứ khi nào có rắc rối xảy ra thì đơn giản là Fed sẽ nhảy vào giải cứu như trong quá khứ.
Tuy nhiên, Axel tin rằng đó là một nhận định sai lầm. “Rất không ổn khi nợ công của nước Mỹ ngày càng trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào Fed. Fed là bên cho vay cuối cùng của hệ thống ngân hàng, chứ không phải của chính phủ liên bang”, chuyên gia của Bank of America viết.
Tham khảo MarketWatch