Contents
1. Làm rõ khái niệm bảo thủ là gì?
Bảo thủ là một trong những tính cách của con người, người có tính bảo thủ thường khá ngoan cố, luôn cho rằng ý kiến của mình đưa ra mới là đúng và bác bỏ những lời khuyên hay ý kiến đến từ người khác.
Trong các cuộc tranh luận, người bảo thủ thường đưa ra những lý lẽ “cùn”, không chịu nhận sai về mình mà chỉ chăm chăm nghe theo lý tưởng của chính mình.
Những người bảo thủ phần lớn là có suy nghĩ cổ hủ, lạc hậu, họ khó chấp nhận cái mới và thay đổi bản thân. Chính vì những lối suy nghĩ cổ hủ này mà trong cuộc sống hay công việc thì họ rất khó để phát triển.
Ngày nay, tuy chúng ta sống trong một nền văn hoá hiện đại, văn minh và tiên tiến song vẫn còn không ít người vẫn giữ lối suy nghĩ lạc hậu và luôn cho rằng đó là chân lý của cuộc sống để họ noi theo.
Bạn có thể nhìn vào một ai đó và đánh giá họ có phải là người bảo thủ hay không? Điều này hoàn toàn có thể xảy ra bởi vì ở những người bảo thủ thường có những dấu hiệu bộc lộ rất rõ ràng. Vậy bạn có biết những dấu hiệu nhận biết đó là gì?
2. Những dấu hiệu nhận biết một người bảo thủ
Mặc dù có rất nhiều dấu hiệu nhận biết khác nhau nhưng bạn sẽ dễ dàng nhìn ra người bảo thủ chỉ với những dấu hiệu nổi bật nhất sau đây:
2.1. Người bảo thủ luôn tôn thờ chủ nghĩa cá nhân
Đặc điểm nổi bật nhất của một người bảo thủ chính là luôn cho bản thân mình là đúng, còn những người khác đều sai.
Có thể là do họ ít được tiếp cận với thế giới bên ngoài, sống quá khép kín cho nên tầm hiểu biết cũng bị hạn chế. Khi kiến thức bị hạn chế, họ sẽ tự đặt cho mình một tiêu chuẩn riêng và tuân theo những quy tắc của chính mình.
Đối với họ những quy tắc đó chính là triết lý và đương nhiên những ai không thuận theo điều đó thì người bảo thủ sẽ phản bác lại.
2.2. Người bảo thủ luôn tư duy theo lối cũ
Người bảo thủ luôn có tư duy, suy nghĩ theo lối cũ, thậm chí là lối mòn. Đây là dấu hiệu diễn ra khá phổ biến và bạn có thể bắt gặp rất nhiều ở một ai đó xung quanh mình.
Với người bảo thủ, nếu đã là chân lý thì họ sẽ rất khó để thay đổi, họ vẫn luôn giữ cho mình những suy nghĩ hay tư duy của thời xưa, những suy nghĩ đó khá lạc hậu và có phần cổ hủ.
Nhìn vào thực tế, tính cách bảo thủ không chỉ xuất hiện ở những người lớn tuổi hay trung tuổi mà ngay ở thế hệ trẻ cũng xuất hiện không ít người có tính cách này.
Nguyên nhân có thể là họ được di truyền từ ông bà, bố mẹ hoặc có thể là do sự giáo dục của gia đình,…
2.3. Những người bảo thủ thường không muốn giao tiếp với nhiều người
Luôn cho bản thân mình là đúng cho nên những người bảo thủ thường không muốn tiếp xúc hay giao tiếp với nhiều người. Nếu có kết giao thì các mối quan hệ này cũng khó mà bền vững bởi hầu hết mọi người đều không muốn phải làm việc với những người bảo thủ.
Cho nên, nếu bạn thấy một người vừa tôn sùng chủ nghĩa cá nhân, thường có những suy nghĩ lạc hậu lại ngại giao tiếp với người khác thì đích thị người đó là người có tính bảo thủ.
3. Bảo thủ gây ra phiền toái gì cho cuộc sống của bạn?
Như đã nói từ đầu, bảo thủ thực ra là một tính cách tốt vì nó giúp cho người sở hữu trở nên kiên định hơn, có chính kiến riêng tuy nhiên nó lại gây ra không ít phiền toái trong cuộc sống lẫn công việc của bạn. Cùng xem tính bảo thủ sẽ gây ra hậu quả gì với nội dung được trình bày bên dưới này nhé.
3.1. Người bảo thủ thường khó phát triển bản thân
Một cá nhân nếu phải chịu sự áp đặt từ một người bảo thủ đã là khó chấp nhận, nếu sự áp đặt đó là dành cho cả một tập thể thì ảnh hưởng không hề nhỏ chút nào.
Sẽ thế nào nếu như người bảo thủ lại giữ chức vụ cao trong một tập thể? Chẳng cần phải nói rõ thì bạn cũng biết đơn vị, tổ chức đó sẽ khó phát triển và vượt qua đối thủ của họ.
Sự bảo thủ càng lớn sẽ khiến cho sự phát triển của bản thân lẫn tập thể càng suy giảm, không thể theo kịp xu hướng của xã hội. Trong công việc, nếu một doanh nghiệp luôn giữ những thói quen hay tư duy cổ hủ, lạc hậu thì rất ít khách hàng sẽ ở lại và hợp tác lâu dài với doanh nghiệp đó.
Nếu không tự nhận ra cái sai, kiểm điểm lại bản thân và khắc phục những cái lỗi thời, cũ kỹ thì chắc chắn bạn hoặc doanh nghiệp của mình sẽ bị bỏ lại phía sau.
3.2. Bảo thủ làm gia tăng kẻ thù
Không phải tự dưng mà người ta lại đề cao phương pháp học nhóm hay trao đổi theo nhóm, bởi vì với hình thức này mỗi người sẽ tự do đưa ra ý kiến của mình để vấn đề được giải quyết nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, những người bảo thủ thường không nghĩ như vậy, họ luôn suy nghĩ rằng mình có thể giải quyết được mọi thứ và đương nhiên cũng chẳng cần nghe ý kiến từ người khác. Nếu có phải tham gia đóng góp ý kiến cùng tập thể thì chắc chắn cuộc họp này diễn ra theo chiều hướng căng thẳng mà vấn đề lại chưa chắc được giải quyết.
Những người bảo thủ thường không suy nghĩ tới cảm nhận của người khác cho nên thường không có bạn bè thân thiết, phần lớn là kẻ thù. Đây cũng là lý do mà những người bảo thủ thường khó gặp may mắn hay thuận lợi trong công việc lẫn đời sống thường ngày.
4. Hạn chế tính bảo thủ bằng cách nào?
Để loại bỏ bớt một phần bảo thủ trong một ai đó là điều rất khó, tuy nhiên không phải là không có cách. Chỉ có điều người bảo thủ có muốn thay đổi bản thân để có cơ hội phát triển hơn trong công việc lẫn cuộc sống sau này hay không. Nếu bạn đã quyết tâm vậy thì đừng ngại thử làm theo những gợi ý vô cùng hữu ích dưới đây nhé.
4.1. Quan tâm tới cảm xúc của bản thân và người khác
Có thể những người bảo thủ không biết rằng những lúc họ khăng khăng quyết định và làm theo chủ nghĩa cá nhân thì sẽ gây ra cảm giác ức chế, bực tức đối với những người xung quanh (đương nhiên là xét trong trường hợp chủ nghĩa cá nhân này là bất hợp lý). Chính vì vậy để hạn chế tính bảo thủ thì bạn cần đặt mình vào hoàn cảnh của người khác, ngay cả khi có bảo vệ quan điểm cá nhân thì cũng không nên thể hiện thái độ thiếu tôn trọng những người có ý kiến khác mình.
Khi bạn đã biết nghĩ cho cảm xúc của người khác thì chắc chắn bạn sẽ giảm thiểu được tính bảo thủ một cách hiệu quả.
4.2. Cần thiết thay đổi cách giao tiếp đối với những người xung quanh
Những người bảo thủ muốn người khác làm theo ý của mình một cách khâm phục thì thay vì nói năng khó nghe, bạn hãy nói cho họ biết tầm quan trọng của họ đối với bạn. Đây là cách hiệu quả để bạn có thể điều khiển tâm lý người khác nghe theo quan điểm cá nhân của mình.
Việc chỉ trích người khác không chỉ gây ra không khí căng thẳng mà nó còn khiến những người bị chỉ trích có suy nghĩ tiêu cực về vấn đề mà bạn và họ cần giải quyết.
Thay vì hành động thiếu tôn trọng người khác đó thì bạn có thể lắng nghe ý kiến của mọi người, sau đó ghi nhận sự đóng góp của họ và đưa ra ý kiến của bản thân một cách khéo léo.
Đôi khi lời nói không thể giải quyết được mọi vấn đề nhưng ít nhất cách giao tiếp của bạn có thể biến cục diện căng thẳng thành ít căng thẳng hơn. Khi đó các thành viên sẽ không bị tỏ ra quá bất bình với nhau.
4.3. Đọc nhiều sách đề tài giao tiếp và ứng xử
Những người bảo thủ nếu muốn hạn chế tính cách này của mình thì nên bổ sung kiến thức. Kiến thức ở đây sẽ bao gồm kiến thức chuyên môn lẫn kiến thức về giao tiếp ứng xử.
Cách để gia tăng kiến thức hiệu quả nhất chính là đọc sách, chỉ có đọc sách thì bạn mới có thêm thông tin về xã hội và cuộc sống, tự mình học và làm theo những kiến thức mình tiếp nhận, khi đó tư duy của người bảo thủ mới tiến bộ hơn.
4.4. Định kiến cá nhân cần được loại sang một bên
Thông thường những người bảo thủ sẽ có thói quen kiên định và giữ vững những gì mình cho là đúng, vì vậy mà tất cả những người xung quanh cùng ý kiến của họ đều bị cho là lệch lạc.
Nếu cứ giữ mãi lối suy nghĩ như vậy thì tính bảo thủ của bạn chỉ ngày càng gia tăng mạnh hơn. Để giảm thiểu sự bảo thủ của bản thân, hãy học cách lắng nghe người khác, sau đó nhìn nhận vấn đề một cách khách quan nhất.
Bạn có từng nghe câu “muốn tháo chuông cần tìm người buộc chuông”, vậy thì người muốn giảm thiểu bớt tính bảo thủ trong mình thì chỉ có cách tự mình tìm phương pháp thích hợp.
4.5. Hạn chế sử dụng từ đổ lỗi cho người khác
Bạn có từng nghĩ rằng nếu như bạn vẫn mãi khăng khăng với ý kiến cá nhân mà không hề biết điều này đang dồn người khác vào bước đường cùng, vậy thì người thiệt nhất chính là bạn?
Bởi vậy muốn giảm thiểu sự bảo thủ của bản thân điều mà bạn nên làm là hạn chế sử dụng những từ ngữ mang hàm ý đổ lỗi cho người khác. Việc làm này cũng giúp bạn tạo dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn đối với những người xung quanh.
Bạn vừa đón đọc những thông tin do vieclam123.vn chia sẻ về sự bảo thủ, mong rằng qua bài viết tất cả chúng ta đều hiểu rõ khái niệm bảo thủ là gì và có thể điều chỉnh lại bản thân nếu mình đang sở hữu tính cách này.