Những năm gần đây, các ngân hàng ở Việt Nam mở rộng quy mô phát triển và tạo cơ hội việc làm cho hàng nghìn người. Bạn đang có định hướng sự nghiệp liên quan đến ngành tài chính ngân hàng nhưng không biết bắt đầu từ đâu?
Vậy đừng bỏ qua bài viết này, chúng mình sẽ đem đến cho bạn thông tin về Top 7 ngân hàng tại Việt Nam được đánh giá cao tính đến thời điểm năm 2022.
Các loại hình của ngân hàng tại Việt Nam
Các ngân hàng TMCP ở Việt Nam
Ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) là những ngân hàng thành lập và có cơ cấu tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần, có thẩm quyền thực hiện toàn bộ hoạt động kinh doanh khác theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng.
Theo thống kê của Ngân hàng nhà nước, tính đến tháng 03/2022, Việt Nam hiện có 31 ngân hàng TMCP, một số ngân hàng TMCP ở Việt Nam mà bạn thường bắt gặp như: Vietcombank, BIDV, Sacombank, Techcombank, ACB, v.v.
Danh sách các ngân hàng TM Nhà nước
Ngân hàng thương mại (TM) Nhà nước hay còn được gọi là Ngân hàng thương mại một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.
Loại ngân hàng này được tổ chức theo hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Cũng có một số trường hợp ngân hàng TMCP kinh doanh thua lỗ và bị Ngân hàng Nhà nước mua lại và thay đổi loại hình hoạt động.
Tính đến tháng 03/2022, Việt Nam hiện có 4 ngân hàng TM Nhà nước, đó là: Agribank, GP Bank, Ocean Bank, CB Bank.
Các ngân hàng liên doanh
Ngân hàng liên doanh là loại ngân hàng có vốn điều lệ được góp từ hai bên: Việt Nam (có thể gồm một hoặc nhiều ngân hàng trong nước) và Nước ngoài (có thể gồm một hoặc nhiều ngân hàng quốc tế).
Ngân hàng liên doanh có cơ cấu tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên với pháp nhân và phải đặt trụ sở chính là Việt Nam theo hợp đồng liên doanh giữa các bên.
Một số ngân hàng thuộc loại hình này là: Indovina Bank, VR Bank, Vinasiam Bank, v.v.
Các ngân hàng 100% vốn đầu tư nước ngoài
Ngân hàng 100% vốn nước ngoài là loại hình tổ chức có toàn bộ vốn điều lệ thuộc sở hữu của một hoặc nhiều ngân hàng nước ngoài. Trong trường hợp có từ hai đối tượng trở lên thì bắt buộc có một ngân hàng nước ngoài sở hữu trên 50% vốn điều lệ.
Xét đến tháng 03/2022, tại Việt Nam có 9 ngân hàng 100% vốn đầu tư từ nước ngoài, đó là: ANZ Bank, Hong Leong Bank, HSBC, Shinhan Bank, CIMB, v.v.
Ngân hàng hợp tác xã
Ngân hàng hợp tác xã là loại hình có sự góp vốn của các quỹ tín dụng nhân dân và một vài pháp nhân khác tuân thủ quy định của Luật các tổ chức tín dụng.
Ngân hàng này được thành lập với mục đích liên kết các tổ chức lại với nhau, cân đối tài chính của hệ thống các quỹ tín dụng nhân dân. Tính đến tháng 03/2022, loại hình này có một ngân hàng duy nhất là Co-op Bank.
Các ngân hàng chính sách
Ngân hàng chính sách là loại hình được góp vốn từ Chính phủ hay các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước.
Mục tiêu hoạt động là quản lý nguồn vốn trên, thực hiện các chương trình vay nhằm tăng gia sản xuất và cải thiện đời sống cho nhóm đối tượng thuộc chính sách.
Tại Việt Nam có hai ngân hàng chính sách được công nhận là: VBSP và VDB.
Top 7 các ngân hàng ở Việt Nam được đánh giá cao
Dưới đây là danh sách các ngân hàng ở Việt Nam có hoạt động tốt và được đánh giá cao:
Ngân hàng Tiên phong – TP Bank
Ngân hàng TMCP Tiên Phong hay còn được gọi tắt là TP Bank thành lập vào năm 2008 với định hướng mang tới các sản phẩm tài chính đặc biệt dành cho phân khúc khách hàng trẻ.
Đến nay, trải qua gần 14 năm hoạt động, TP Bank lọt Top 100 nơi làm việc tốt nhất và Top 1 Ngân hàng số tại Việt Nam.
Lĩnh vực ngân hàng số là mũi nhọn cạnh tranh của TP Bank với các ngân hàng khác trong ngành. Với hai đối tượng cá nhân và tổ chức, Ngân hàng Tiên Phong phát triển các sản phẩm tiêu biểu như: Live Bank – Ngân hàng tự động 24/7, Savy – Ứng dụng tiết kiệm, v.v.
Ngân hàng Quân đội – MB Bank
MB Bank có tên gọi đầy đủ là Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội. Được thành lập vào năm 1994, trải qua gần 28 năm phát triển, MB Bank khẳng định được thương hiệu, uy tín trong ngành dịch vụ tài chính tại Việt Nam.
MB Bank đã trở thành tập đoàn đa năng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực tài chính với các công ty con như:
- MBS – chứng khoán
- MBCapital – quản lý quỹ đầu tư
- MBAMC – quản lý nợ và khai thác tài sản
- MS Finance – tài chính cho vay
- MIC – bảo hiểm quân đội
- MBAL – bảo hiểm nhân thọ
Ngân hàng Kỹ thương – Techcombank
Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ Thương hay còn biết đến với các tên Techcombank, với vốn điều lệ ban đầu chỉ 20 tỷ đồng vào năm 1993.
Đến nay, Techcombank đã vươn mình lên thành ngân hàng có nguồn vốn lớn hàng đầu của Việt Nam với hơn 300 văn phòng đại diện tại hầu hết các tỉnh thành, đáp ứng nhu cầu giao dịch và an toàn tài chính của nhiều người dân.
Những năm gần đây, Techcombank luôn giữ vững phong độ vượt mốc tăng trưởng so với năm trước. Tầm nhìn và chiến lược đúng đắn này đã giúp Ngân hàng Kỹ thương liên tiếp mở rộng quy mô hoạt động, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động.
Ngân hàng Thịnh vượng – VP Bank
VP Bank hay Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng, chính thức hoạt động từ năm 1993. Sau hơn 28 năm hình thành và phát triển, VP Bank đã vươn lên trở thành một trong 10 ngân hàng tốt nhất tại Việt Nam.
Cam kết phát triển vững mạnh theo mô hình kinh tế xanh, VP Bank đang dần khẳng định vị thế của mình với nhiều giải thưởng giá trị như:
- Top 100 nơi có môi trường làm việc tốt nhất châu Á năm 2019
- Top 300 ngân hàng có giá trị thương hiệu nhất toàn cầu năm 2020
Ngân hàng Đầu tư và Phát triển – BIDV
BIDV có tên đầy đủ là Ngân hàng thương mại Đầu tư và Phát triển Việt Nam. Được thành lập từ năm 1957, BIDV là một trong các ngân hàng ở Việt Nam có độ nhận diện thương hiệu rộng khắp cả nước.
Trải qua gần 65 năm hình thành và phát triển, Ngân hàng BIDV khẳng định vị thế tài chính ngân hàng lâu đời nhất tại Việt Nam, với hơn 25000 nhân viên, 1061 chi nhánh và phòng giao dịch tại 63 tỉnh, thành phố.
Ngân hàng Vietcombank
Vietcombank – một trong bốn ngân hàng lớn nhất trong nước, có tên gọi đầy đủ là Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại Thương Việt Nam.
Vietcombank có tầm nhìn dài hạn cho đến năm 2030 gồm các định hướng phát triển:
- Ngân hàng số 1 tại Việt Nam
- Top 100 ngân hàng lớn nhất khu vực Đông Nam Á
- Top 300 tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất thế giới
- Top 1000 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất toàn cầu
Ngân hàng Vietinbank
Vietinbank hay còn gọi là Ngân hàng thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam. Đây cũng là một trong các ngân hàng ở Việt Nam tiên phong trong việc phát triển vững mạnh dựa trên nền tảng giá trị mang đến cho khách hàng, cổ đông và người lao động.
Thành lập vào năm 1988, trải qua gần 34 năm hoạt động, Vietinbank hiện sở hữu hơn 1200 chi nhánh và phòng giao dịch rộng khắp trong, ngoài nước.
Tầm nhìn đến năm 2030 của Vietinbank là đạt được các mốc thành tựu:
- Ngân hàng đa năng, hiện đại, hiệu quả hàng đầu tại Việt Nam
- Top 20 ngân hàng mạnh nhất Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương
Đọc thêm: Fitech Là Gì? Các Công Ty Fintech Tại Việt Nam
Kết luận
Qua bài viết trên, chúng mình đã cùng bạn đi qua Top 7 các ngân hàng ở Việt Nam được đánh giá cao trong năm 2022. Bên cạnh đó, cũng cung cấp thông tin về các loại hình ngân hàng có mặt tại Việt Nam.
Hy vọng bạn có thêm những kiến thức về ngành tài chính ngân hàng cũng như các thương hiệu uy tín trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, nếu quan tâm đến các cơ hội việc làm tại đây, bạn có thể tham khảo trên trang việc làm Glints Việt Nam của chúng mình nhé!
Tác Giả