Dân tộc Mường có dân số gần 1,5 triệu người, với những phong tục, tập quán giản dị, mộc mạc, góp phần vào việc làm nên nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Dân tộc Mường còn có tên gọi khác là Mol, Mual. Tiếng nói của dân tộc Mường thuộc nhóm Việt – Mường trong ngữ chi Việt thuộc ngữ tộc Môn – Khmer của ngữ hệ Nam Á. Người Mường ở Việt Nam cư trú trên một địa bàn khá rộng thuộc các tỉnh: Thanh Hóa, Hòa Bình, Ninh Bình, Nghệ An, Phú Thọ, Sơn La, Yên Bái, Hà Tây, Nghĩa Lộ với chiều dài ước chừng 350 km từ Tây Bắc Yên Bái đến Tây Bắc Nghệ An, chiều rộng gần 100 km. Hiện nay người Mường đã sinh sống ở các tỉnh phía Nam như: Đắc Lắc, Đồng Nai, Bình Phước… Người Mường ở đâu thì văn hóa Mường tỏa ra đến đấy.
Dân tộc Mường ở Thanh Hoá gồm hai bộ phận: Mường Trong (Mường gốc) và Mường Ngoài (người Mường di cư từ Hoà Bình vào), hiện có gần 400.000 người, chiếm gần 60% các dân tộc thiểu số trong tỉnh, sống tập trung ở các huyện Ngọc Lặc, Thạch Thành, Bá Thước, Cẩm Thủy. Ngoài ra người Mường cư trú rải rác xen kẽ với người Kinh, người Thái ở các huyện: Lang Chánh, Quan Hóa, Thường Xuân, Như Thanh, Như Xuân và một số xã miền núi ở các huyện: Triệu Sơn, Thọ Xuân, Yên Định, Hà Trung, Vĩnh Lộc… Dẫu người Mường sinh tụ ở nhiều vùng khác nhau, Mường trong hay Mường ngoài, nhưng có nền văn hóa vật chất, tinh thần ổn định nhất.
Người Mường còn có những lễ hội đặc sắc gắn với tiếng cồng, tiếng chiêng vang vọng, đánh thức núi rừng. Tiếng cồng, tiếng chiêng có mặt trong mọi mặt của đời sống, vang lên khi một đứa trẻ người Mường sinh ra, khi có người Mường mất… Văn hóa cồng chiêng đã được sáng tạo, lưu truyền trong đời sống cộng đồng người Mường hàng nghìn năm, góp phần quan trọng làm nên bản sắc văn hóa của dân tộc Mường.
Cũng như nhà ở, trang phục người Mường mang nét đặc trưng. Vào những dịp lễ, tết, ngày trọng đại như cưới xin, các bà, các mẹ, người con gái Mường vẫn mặc trên mình bộ trang phục truyền thống. Nam giới mặc áo xẻ ngực, cổ trần, hai túi dưới hoặc túi trên ngực trái.
Nữ mặc yếm chui đầu, gấu lượn, khi mặc cho vào trong cạp váy và cao lên đến ngực. Đối với người Mường trong, áo dài xẻ ngực được dấu bên trong váy.
Người Mường ngoài mặc chiếc áo dài xẻ ngực thường không cài, khoác ngoài bộ trang phục hàng ngày vừa trang trọng vừa khoe được hoa văn cạp váy kín đáo bên trong.
Ngày nay, phụ nữ Mường mặc trang phục truyền thống dân tộc vào dịp lễ, tết, trong biểu diễn văn nghệ hoặc khi gia đình có việc quan trọng như cưới xin, đón tiếp khách quý
Vào những dịp đặc biệt, người phụ nữ Mường mặc trang phục truyền thống, tôn lên nét đẹp, góp phần gìn giữ giá trị văn hoá của dân tộc
Trang phục truyền thống không chỉ được các bà, các mẹ khoác lên mình vào dịp lễ hội mà các con cháu ở lứa tuổi học sinh cũng tự hào khi mặc trang phục dân tộc mình.
Để có được trang phục truyền thống tôn lên vẻ đẹp, góp phần gìn giữ bản sắc văn hoá của dân tộc, người phụ nữ Mường phải khéo léo, chăm chỉ bên khung cửi.
Váy Mường được các chị em phụ nữ mặc trong dịp lễ, tết…
…và váy Mường được các bà, các mẹ mặc trong đời sống hằng ngày, nhất là ở các địa điểm du lịch để du khách có dịp được nhìn ngắm trang phục truyền thống của dân tộc Mường.
Trong bối cảnh có nhiều thách thức với văn hóa truyền thống như hiện nay, việc gìn giữ, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Mường, trong đó có trang phục truyền thống góp phần, tạo nên sức sống mãnh liệt, bền lâu trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Ngọc Huấn – Hoàng Đông