Contents
I. Khái niệm về quần xã sinh vật
Quần xã sinh vật là một tập hợp các quần thể sinh vật thuộc nhiều loài khác nhau, cùng sống trong một không gian và thời gian xác định. Quần xã có cấu trúc đặc trưng và tương đối ổn định.
Các sinh vật trong quần xã thích nghi với môi trường sống của chúng.
II. Một số đặc trưng cơ bản của quần xã
1. Đặc trưng về tính đa dạng về loài của quần xã
Các quần xã thường khác nhau về số lượng loài trong sinh cảnh mà chúng cư trú. Đó là sự phong phú hay mức đa dạng về loài của quần xã. Tính đa dạng của quần xã phụ thuộc vào các nhân tố sinh thái như: sự cạnh tranh giữa các loài, mối quan hệ con mồi – vật ăn thịt và mức độ thay đổi của các nhân tố môi trường vô sinh.
Do nhiệt độ, lượng mưa cao và khá ổn định nên các quần xã sinh vật vùng nhiệt đới thường có nhiều loài hơn so với các quần xã phân bố ở vùng ôn đới. Tuy nhiên, trong 1 sinh cảnh xác định, khi số loài tăng lên, chúng phải chia sẻ nhau nguồn sống, do đó số lượng cá thể của mỗi loài phải giảm đi.
2. Đặc trưng về thành phần loài trong quần xã
Thành phần loài trong quần xã biểu thị qua số lượng các loài trong quần xã và số lượng cá thể của mỗi loài. Đặc trưng này biểu thị mức độ đa dạng của quần xã, quần xã có thành phần loài càng lớn thì độ đa dạng càng cao.
Các đặc điểm chủ yếu về thành phần loài bao gồm:
– Loài ưu thế: loài đóng vai trò quan trọng trong quần xã do có số lượng cá thể nhiều, sinh khối lớn, hoặc do hoạt động mạnh của chúng. Trong các quần xã trên cạn, loài thực vật có hạt chủ yếu thường là loài ưu thế, vì chúng ảnh hưởng rất lớn tới khí hậu của môi trường. Quần xã rừng thông với các cây thông là loài chiếm ưu thế, các loài cây khác chỉ mọc lẻ tẻ hoặc dưới tán và chịu ảnh hưởng của cây thông.
– Loài thứ yếu: đóng vai trò thay thế cho nhóm loài ưu thế khi nhóm này suy vong vì một nguyên nhân nào đó
– Loài ngẫu nhiên: có tần suất xuất hiện và độ phong phú rất thấp, nhưng sự có mặt của chúng lại làm tăng mức đa dạng cho quần xã.
– Loài chủ chốt là một hoặc một vài loài nào đó (thường là vật ăn thịt đầu bảng) có vai trò kiểm soát và khống chế sự phát triển của các loài khác, duy trì sự ổn định của quần xã. Nếu loài này bị mất khỏi quần xã thì quần xã sẽ rơi vào trạngthái bị xáo trộn và dễ rơi vào tình trạng mất cân bằng.
– Loài đặc trưng: loài chỉ có ở một quần xã nào đó. Cây cọ là loài đặc trưng của quần xã vùng đồi Vĩnh Phú, tràm là loài đặc trưng của quần xã rừng U Minh.
3. Đặc trưng về sự phân bố của các trong không gian của quần xã
Sự phân bố các loài trong không gian làm giảm bớt mức độ cạnh tranh giữa các loài và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn sống của môi trường. Có 2 kiểu phân bố:
– Phân bố theo chiều thẳng đứng.
VD: Sự phân tầng của thực vật trong rừng mưa nhiệt đới
– Phân bố theo chiều ngang.
VD: + Phân bố của sinh vật từ đỉnh núi -> Sườn núi -> chân núi
+ Phân bố của sinh vật từ đất ven bờ biển -> vùng ngập nước ven bờ -> vùng khơi xa
4. Đặc trưng về quan hệ dinh dưỡng trong quần xã
Quần xã sinh vật gồm nhiều nhóm có các quan hệ dinh dưỡng khác nhau:
+ Nhóm các sinh vật sản xuất bao gồm cây xanh có khả năng quang hợp và một số vi sinh vật tự dưỡng.
+ Nhóm các sinh vật tiêu thụ bao gồm các sinh vật ăn thịt các sinh vật khác như động vật ăn thực vật, động vật ăn động vật.
+ Nhóm sinh vật phân giải là những sinh vật dị dưỡng, phân giải các chất hữu cơ có sẵn trong thiên nhiên. Thuộc nhóm này có nấm, vi khuẩn, một số động vật đất…
III. Quan hệ giữa các loài trong quần xã sinh vật
1. Các mối quan hệ sinh thái
Gồm quan hệ hỗ trợ và đối kháng:
– Quan hệ hỗ trợ: có lợi hoặc ít nhất là không có hại cho loài khác trong mối quan hệ: cộng sinh, hội sinh, hợp tác.
– Quan hệ đối kháng: là quan hệ giữa một bên là loài có lợi và bên kia là loài bị hại: cạnh tranh, ký sinh, ức chế cảm nhiễm, sinh vật này ăn sinh vật khác.
2. Hiện tượng khống chế sinh học
– Là hiện tượng số lượng cá thể của một loài bị khống chế ở một mức nhất định do quan hệ hỗ trợ hoặc đối kháng giữa các loài trong quần xã.
– Ứng dụng khống chế sinh học trong nông nghiệp: sử dụng thiên địch để phòng trừ các sinh vật gây hại hay dịch bệnh thay cho việc sử dụng thuốc trừ sâu. Ví dụ: sử dụng ong kí sinh diệt bọ dừa.